Các phân hệ cơ cấu xã hội cơ bản

Một phần của tài liệu Bài giảng xã hội học đại cương (Trang 49 - 52)

3. Nội dung giảng dạy

2.1.2 Các phân hệ cơ cấu xã hội cơ bản

Xã hội có tính chất đa cơ cấu. Mỗi cơ cấu được xem như một bộ phận của cơ cấu xã hội nói chung. Trong đó, người ta thường nghiên cứu một số phân hệ của cơ cấu xã hội:

a. Cơ cấu giai cấp

Trong các xã hội có giai cấp thì cơ cấu giai cấp đóng vai trò quyết định. Nhưng cách hiểu về giai cấp là khác nhau. Trong lịch sử xã hội học, Marx là người đầu tiên xác định khái niệm giai cấp

một cách chặt chẽ. Theo ông: “ Giai cấp là những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này được Pháp luật quy định và thừa nhận) đối với

những tư liệu sản xuất; về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội và như vậy là khác nhau về cách hưởng thụ của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này thì có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định” (V.I.Lenin: Toàn tập, t.39,

tr.17-18).

Khác với Marx, Weber không sử dụng thuật ngữ giai cấp với nghĩa là nhóm các cá nhân đã phát triển ý thức giai cấp và đã tổ chức nhau lại vì mục đích giai cấp chung. Theo Weber, giai cấp là nhóm người có cơ may sống giống nhau, được xác định bởi vị trí kinh tế trong xã hội, những sản phẩm mà họ sở hữu và những cơ hội đối với thu nhập của họ. Nói theo xã hội học hiện đại, đó là tất cả những gì thuộc về tài sản, của cải. Tuy nhiên, theo Weber, bên cạnh vấn đề về của cải, còn phải kể đến các yếu tố uy tín (địa vị) và quyền lực (đảng phái) đối với sự phân tầng xã hội và biến đổi xã hội.

Bên cạnh khái niệm giai cấp của Marx và Weber, còn có một số khái niệm khác về giai cấp do

các nhà xã hội học đưa ra. Như theo các tác giả cuốn Nhập môn xã hội hoc (Bilton và những

người khác, 1993) thì thuật ngữ giai cấp dùng để chỉ “một nhóm xã hội mà các thành viên có vị trí tương đương nhau trong một cơ cấu bất bình đẳng khách quan về vật chất do một hệ thống những quan hệ kinh tế đặc trưng cho một phương thức sản xuất cụ thể tạo ra”. Hay như Stark, 1995: “Giai cấp là nhóm người chia sẻ một vị trí giống nhau trong hệ thống phân tầng xã hội”. Có thể nói, xã hội phân hoá thành các giai cấp khác nhau, nhưng cách hiểu về các giai cấp lại không giống nhau. Nhìn chung, người ta thường hiểu giai cấp là một nhóm xã hội có vị trí kinh tế, chính trị và xã hội giống nhau nhưng không được quy định chính thức, không được thể chế hoá mà do sự nhận diện theo những chuẩn mực xã hội nhất định như giàu-nghèo, chủ-thợ, bị trị- thống trị…

Cơ cấu giai cấp là hệ thống các giai cấp, tầng lớp, tập đoàn xã hội và các mối liên hệ giữa chúng. Theo các nhà xã hội học, cơ cấu giai cấp được coi là hạt nhân của cơ cấu xã hội và sự biến đổi của nó tạo nên sự biến đổi của cơ cấu xã hội. Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất được coi trọng khi xem xét cơ cấu giai cấp của xã hội. Tuy nhiên, sự phân chia cơ cấu giai cấp tuỳ thuộc vào mỗi một chế độ xã hội khác nhau, tuỳ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và trình độ phân công lao động xã hội.

Xã hội học nghiên cứu cơ cấu giai cấp, nhấn mạnh đến việc nghiên cứu những tập đoàn người tạo thành các giai cấp cơ bản, chiếm vị trí quyết định đến sự phát triển và biến đổi của xã hội. Trong đó, quan hệ giai cấp, mâu thuẫn giai cấp, đấu tranh giai cấp được coi là động lực của sự vận động và biến đổi xã hội.

b. Cơ cấu học vấn - nghề nghiệp

Nghiên cứu cơ cấu học vấn - nghề nghiệp giúp ta hiểu được trình độ học vấn của dân cư, sự phân công lao động và hợp tác lao động trong xã hội ở mỗi thời điểm cụ thể.

Trình độ học vấn của xã hội phản ánh trình độ phát triển văn hoá kinh tế và mức độ tiến bộ xã hội của một đất nước, đồng thời, trình độ học vấn còn quyết định tốc độ phát triển của mỗi quốc gia. Sự chênh lệch về trình độ học vấn giữa các tầng lớp dân cư, giữa nam và nữ, giữa khu vực

Chương 2: Cơ cấu xã hội 39

thành thị và nông thôn phản ánh rõ nét thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nên sự khác biệt giữa các loại lao động (lao động chân tay và lao động trí óc)…Vì vậy, cần có những biện pháp để giải quyết, làm giảm sự chênh lệch, tạo điều kiện cho sự phát triển.

Nghề nghiệp trong xã hội là hệ quả của sự phân công lao động xã hội. Đặc trưng của phân công lao động xã hội là sự phân công lao động theo ngành nghề. Trong khuôn khổ của nó lại xuất hiện những ngành nghề mới. Cơ cấu nghề nghiệp được hình dung là hệ thống gồm các nhóm người, các tầng lớp khác nhau về ngành nghề.

Cơ cấu nghề nghiệp phụ thuộc vào sự phát triển của lực lượng sản xuất và trình độ học vấn của người lao động. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như giới tính, truyền thống ngành nghề của cộng đồng dân cư…Xã hội học nghiên cứu cơ cấu lao động nghề nghiệp nhằm tìm hiểu xu hướng biến đổi của cơ cấu lao động nghề nghiệp, cũng như hậu quả xã hội của sự phân công lao động theo nghề.

Hiện nay, tiêu chí học vấn, nghề nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội và trong quá trình phân hoá xã hội. Nhưng ở Việt Nam: sự phân bố, sử dụng lao động kỹ thuật, lao động chuyên môn đang trong tình trạng mất cấn đối và rất lãng phí, số người làm việc trái ngành nghề khá đông, tiềm năng lao động không được phát huy và ngày càng hao hụt vô hình và hữu hình…Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần hoạch định một chính sách xã hội đúng đắn phù hợp với từng ngành, từng nghề, từng vùng lãnh thổ khác nhau để xoá bỏ tình trạng bất hợp lý trong cơ cấu nghề nghiệp.

c. Cơ cấu dân số (nhân khẩu)

Nghiên cứu cơ cấu dân số nhằm tìm hiểu quá trình tái sản xuất dân cư (sinh sản, tử vong...), mật độ dân số và cơ cấu dân cư, sự biến động của dân cư (di dân), độ tuổi, tỷ lệ giới tính và cấu trúc thế hệ...Thông qua đó, dự báo được quy mô biến đổi và những đặc trưng xu hướng xã hội của dân số, sự tương tác của cơ cấu dân số đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến số lượng và chất lượng cuộc sống con người. Ví dụ: Sự phân phối nguồn lao động cho nền kinh tế, kế hoạch xây dựng nhà ở, các vấn đề về phát triển đô thị và nông thôn, bảo vệ phúc lợi xã hội...

Sự vận động của cơ cấu dân số phụ thuộc vào hoạt động sản xuất, tính chất của các quan hệ xã hội, các chuẩn mực văn hoá, các định hướng giá trị tâm lý của con người…Sự phát triển dân số không hợp lý sẽ dẫn đến việc hạ thấp năng suất lao động, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, dẫn tới đói nghèo...

d. Cơ cấu lãnh thổ

Cơ cấu lãnh thổ được nhận diện theo từng vùng lãnh thổ, với địa bàn cư trú, bản sắc riêng về truyền thống và di sản văn hoá. Thông thường, cơ cấu lãnh thổ được phân thành hai khu vực cơ bản: thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, còn có thể phân chia theo tiêu chí vùng miền, trong đó, mỗi vùng miền này đều bao chứa cả nông thôn và đô thị. Cơ cấu lãnh thổ Việt Nam bao gồm:

- Trung du và miền núi Bắc Bộ. - Đồng bằng sông Hồng.

- Bắc Trung bộ.

- Duyên hải miền Trung. - Tây Nguyên.

- Đông Nam Bộ.

- Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu cơ cấu lãnh thổ nhằm mục đích làm rõ sự khác biệt giữa các vùng, miền lãnh thổ về trình độ phát triển sản xuất, kinh tế, văn hoá xã hội, về lối sống, mức sống…Trên cơ sở đó, có thể đề ra những giải pháp phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền, nhằm phát huy lợi thế, tạo thành động lực trong quá trình vận động, biến đổi và phát triển xã hội.

e. Cơ cấu dân tộc

Cơ cấu dân tộc hình thành chủ yếu trên sự khác biệt các dấu hiệu dân tộc như ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nhà ở...Cơ cấu dân tộc bao gồm cơ cấu quốc gia dân tộc và thành phần dân tộc. Xã hội học nghiên cứu phạm vi lãnh thổ, đời sống kinh tế, ngôn ngữ, đời sống văn hoá, tâm lý của các dân tộc, mối quan hệ giữa các thành phần dân tộc trong một quốc gia dân tộc, quan hệ giữa các quốc gia dân tộc với các thành phần dân tộc.

Một xã hội gồm nhiều dân tộc cùng tồn tại và hoạt động theo một hệ thống thiết chế xã hội nhất định. Nhưng do sự phát triển không đồng đều về kinh tế xã hội, văn hoá tư tưởng giữa các dân tộc đã tạo nên sự bất bình đẳng và mâu thuẫn giữa các dân tộc. Mâu thuẫn dân tộc thường bị các thế lực đối lập trong và ngoài nước lợi dụng, kích động và lôi kéo các dân tộc chống đối chính phủ và ly khai làm rối loạn xã hội. Vì vậy, Việt Nam luôn coi trọng vấn đề dân tộc và luôn coi đây là một vấn đề có tính chiến lược trong quá trình phát triển xã hội.

Một phần của tài liệu Bài giảng xã hội học đại cương (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)