Khái niệm gia đình

Một phần của tài liệu Bài giảng xã hội học đại cương (Trang 150)

3. Nội dung giảng dạy

8.3.1 Khái niệm gia đình

Gia đình luôn tồn tại và là nơi để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho các thành viên của mình. Vì vậy, gia đình luôn là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, trong đó có xã hội học. Vậy gia đình, dưới con mắt xã hội học, được nhìn nhận như thế nào?

Gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống nảy sinh từ quan hệ hôn nhân đó, đồng thời, có thể có một số người được gia đình nuôi dưỡng tuy không có quan hệ máu mủ (quan hệ nhận nuôi con nuôi), cùng chung sống và các thành viên gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi, giữa họ có những ràng buộc có tính pháp lý được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ. Ở Việt Nam, quan hệ hôn nhân là quan hệ nền tảng của đời sống gia đình. Bên cạnh khái niệm gia đình, trong đời sống, chúng ta thường nhắc tới khái niệm hộ gia đình. Vì vậy, cần phân biệt hai khái niệm này.

Hộ gia đình được hiểu là một nhóm người cùng chung sống dưới một mái nhà. Hộ có thể là một người, có thể rất nhiều người. Có thể là một tập hợp toàn phụ nữ, nam giới hoặc trẻ em chung sống với nhau do hoàn cảnh nào đó như học tập, lao động sản xuất, do phân phối nhà ở của cơ quan quản lý…Hộ cũng có thể là một gia đình hoặc một vài gia đình.

Như vậy, khái niệm gia đình không đồng nhất với hộ gia đình. Hộ có ý nghĩa về mặt thống kê nhân khẩu học, còn gia đình là phạm trù xã hội học. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mỗi gia đình sống trong một ngôi nhà riêng, tạo thành một hộ riêng.

Một phần của tài liệu Bài giảng xã hội học đại cương (Trang 150)