Đặc điểm của tri thức xã hội học

Một phần của tài liệu Bài giảng xã hội học đại cương (Trang 41 - 43)

3. Nội dung giảng dạy

1.4.1 Đặc điểm của tri thức xã hội học

a. Tri thức xã hội học vừa mang tính khái quát vừa mang tính cụ thể

Đặc trưng cơ bản này của tri thức xã hội học thể hiện ở chỗ: trong khi nghiên cứu những sự vật, hiện tượng, quá trình xã hội, xã hội học luôn hướng tới cái chỉnh thể, cái toàn bộ, cái hệ thống để hiểu biết, nhận thức một một cách khái quát các đặc trưng của quá trình, hiện tượng xã hội.

Ví dụ: Một trong những nguyên tắc quan trọng của điều tra xã hội học là nghiên cứu chọn mẫu, tức là nghiên cứu một bộ phận, một phần của một tổng thể xã hội để rút ra những nhận định, kết luận khoa học khái quát chung cho cả tổng thể xã hội đó.

Song điểm độc đáo của xã hội học còn là ở chỗ, trong khi nghiên cứu, khảo sát các sự vật hiện tượng, nó còn sử dụng các phương pháp đặc trưng của mình để thu thập những thông tin, chỉ báo, đại lượng cụ thể, sống động. Các tri thức của các khoa học khác đều có đặc điểm "cặp" này nhưng đối với xã hội học nó trở thành một đặc trưng cơ bản. Tri thức xã hội học là kết quả sự khái quát hoá, trừu tượng hoá những gì rút ra từ hiện tượng sinh động của đời sống xã hội để từ đó nhận thức và giải quyết chính các vấn đề cụ thể, sống động trong cuộc sống của con người.

b. Tri thức xã hội học vừa có mặt định tính vừa có mặt định lượng

Đặc trưng này thể hiện ở chỗ tri thức xã hội học giúp ta nhận thức cả về mặt số lượng, cả về mặt tính chất của hiện tượng, sự kiện xã hội.

Ví dụ 1. Nghiên cứu xã hội học không những giúp ta phát hiện thấy trong xã hội có sự phân hoá giàu nghèo mà còn giúp ta đo lường, tính toán được khoảng cách thu nhập, chi tiêu giữa nhóm người giàu và nhóm người nghèo. Đặc trưng "cặp" này của tri thức xã hội học là kết quả của việc sử dụng cả phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính trong xã hội học.

Ví dụ 2. Điều tra xã hội học áp dụng phương pháp trưng cầu ý kiến để thu thập thông tin định lượng, đồng thời sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu để ghi lại câu chuyện mô tả cuộc đời thực của đối tượng nghiên cứu. Các thông tin thu được có thể xử lý bằng cách mã hoá và tính toán các số trung bình, phần trăm, hệ số tương quan, đồng thời được dùng để phân loại và khắc hoạ thành những kiểu, dạng, loại quan hệ xã hội hay lối sống xã hội.

c. Tri thức xã hội học vừa có cấp độ vĩ mô vừa có cấp độ vi mô

Đặc trưng "cặp" vĩ mô và vi mô thể hiện ở tính biện chứng trong đối tượng nghiên cứu của xã hội học.

Nhóm xã hội có quy mô lớn đến đâu cũng do các phần tử vi mô là các cá nhân với mối liên hệ giữa các cá nhân hợp thành. Đồng thời mỗi con người luôn luôn là đầu mối của mạng lưới quan hệ xã hội đan xen phức tạp với nhau với tư cách là "tiểu vũ trụ" trong một đại vũ trụ là xã hội, là mối tổng hoà các quan hệ xã hội. Xã hội học nghiên cứu hành động xã hội của cá nhân cũng phải tính đến tác động của nhóm, tính đến vị thế, vai trò của cá nhân đó trong cấu trúc nhóm, tức là nghiên cứu hiện tượng, quá trình xã hội ở cấp vi mô cũng phải xét nó trong bối cảnh xã hội vĩ mô.

Ngược lại, khi nghiên cứu những vấn đề vĩ mô, ví dụ như tìm hiểu một xã hội đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhà xã hội học cũng cần phải xét tới nhu cầu, động cơ, năng lực, trình độ chuyên môn của các cá nhân, các nhóm xã hội. Chẳng hạn, khi xã hội học đi vào nghiên cứu cấu trúc nhóm thì những vấn đề thuộc về vị thế, vai trò của người thủ lĩnh, lãnh đạo, quản lý cũng như của từng thành viên trở nên rất quan trọng, không thể bỏ qua. Kết quả là tri thức xã hội học có đặc trưng kép là đem lại sự hiểu biết khoa học về sự vật hiện tượng xã hội ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô.

d. Tri thức xã hội học vừa có cấp độ lý thuyết vừa có cấp độ thực nghiệm

Tương ứng với sự thống nhất của hai bộ phận xã hội học lý thuyết và xã hội học thực nghiệm, tri thức của xã hội học có hai cấp độ lý thuyết và cấp độ thực nghiệm. Thực chất đặc trưng "cặp" như vậy bắt nguồn từ yêu cầu nghiêm ngặt của khoa học là các tri thức lý luận, lý thuyết phải có tính kiểm chứng và phải được kiểm nghiệm qua các bằng chứng khoa học. Do vậy bất kỳ một đơn vị tri thức xã hội học nào, từ phạm trù, khái niệm đến lý thuyết đều mang tính trừu tượng, khái quát cao có thể áp dụng để giải thích, dự báo sự hình thành, biến đổi của một nhóm sự kiện, hiện tượng vừa có tính thực nghiệm để có thể kiểm tra, chứng thực hoặc bác bỏ qua từng trường hợp cụ thể. Chính nhờ đặc trưng "cặp" lý thuyết - thực nghiệm mà tri thức xã hội học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn trong việc giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn.

e. Tri thức Xã hội học vừa có cấp độ đại cương vừa có cấp độ chuyên biệt

Trên cấp độ đại cương, tri thức xã hội học bao gồm một hệ thống các khái niệm, phạm trù chung, khái quát nhất như khái niệm cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội, biến đổi xã hội, sai lệch xã hội, vị thế xã hội, vai trò xã hội, mạng lưới xã hội, thiết chế xã hội, nhóm xã hội, v.v. Các kiến thức đại cương này là cơ sở để triển khai nghiên cứu xã hội học ở cấp chuyên biệt.

Tri thức ở cấp độ chuyên biệt là kết quả của những nghiên cứu chuyên sâu, tập trung vào một số hiện tượng, quá trình trong lĩnh vực cụ thể của đời sống phong phú, đa dạng. Nhờ tính chuyên biệt mà tri thức xã hội học trở nên sinh động và có ý nghĩa thiết thực, quý giá đối với việc nhận thức và chỉ đạo hoạt động xã hội.

Chương 1: Tổng quan về Xã hội học 31 f. Tri thức xã hội học vừa có cấp độ cơ bản vừa có cấp độ ứng dụng

Hệ thống các tri thức xã hội học cơ bản bao gồm các phạm trù, khái niệm, lý thuyết và những phương pháp tiếp cận nghiên cứu cơ bản có thể áp dụng trong các nghiên cứu triển khai và ứng dụng cụ thể. Cấp độ tri thức xã hội học cơ bản cũng bao hàm cả những khái niệm, phạm trù, lý thuyết mới, những phương pháp và kỹ thuật điều tra mới được tìm kiếm, khám phá từ những nghiên cứu trong thực tiễn.

Cấp độ tri thức xã hội học ứng dụng chủ yếu bao gồm những tri thức thu thập được từ nghiên cứu thực nghiệm và nhất là nghiên cứu triển khai (R & D) để đưa khoa học vào cuộc sống, để giải quyết những vấn đề cụ thể nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của con người.

Đặc trưng cặp "cơ bản và ứng dụng" của tri thức xã hội học cho thấy mỗi lý thuyết, phạm trù, khái niệm không những là sản phẩm của nghiên cứu cơ bản mà còn là cơ sở khoa học cho hành động thực tiễn cải tạo, quản lý và kiểm soát các quá trình, hành vi, hoạt động xã hội.

Xã hội học với những đặc trưng "cặp" nêu trên đang thu hút sự quan tâm rộng rãi của các nhà nghiên cứu và các nhà thực tiễn, các nhà lãnh đạo quản lý và các nhà hoạch định chính sách. Nhờ vậy xã hội học ngày càng phát triển xứng đáng chiếm vị trí trung tâm liên - ngành của các khoa học xã hội và nhân văn góp phần đắc lực và có hiệu quả vào giải quyết những nhiệm vụ mà sự nghiệp đổi mới đất nước đặt ra.

Một phần của tài liệu Bài giảng xã hội học đại cương (Trang 41 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)