Nhìn dưới góc độ tích cực thì phá giá đem lại lợi ích cho người tiêu dùng tại nước nhập khẩu, mức độ thiệt hại mà doanh nghiệp xuất khẩu phải gánh chịu do phá giá là mức độ lợi ích mà người tiêu dùng trong nước nhập khẩu được thụ hưởng. Bên cạnh đó, dưới góc độ của chính sách cạnh tranh, bán phá giá đôi khi có ý nghĩa trong việc tạo sức ép buộc các doanh nghiệp trong nước (nước nhập khẩu) phải có những phản ửng để nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn trước khi yêu cầu công quyền can thiệp để bảo hộ cho nền sản xuất trong nước. Chính vì vậy, các quy định trong luật pháp quốc tế về phá giá tự thân nó không lên án việc phá giá. Phá giá chỉ có thể bị lên án và bị áp dụng các biện pháp trừng phạt khi nó gây thiệt hại đối với thị trường nước nhập khẩu. Mức độ thiệt hại thể hiện sự không lành mạnh của hành vi bán phá giá và được chứng minh bằng những lý luận sau:
Thứ nhất, thiệt hại mà phá giá gây ra đối với thị trường nhập khẩu được thể hiện thông qua những tổn hại mà ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu phải gánh chịu; và sự de doạ đối với lợi ích của người tiêu dùng khi sản phẩm nhập khẩu đã thực sự chiếm được vị trí độc quyền trong thị trường nhập khẩu. Khi đã có vị trí độc quyền, tất cả những lợi ích mà doanh nghiệp phải hy sinh hoặc những chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu do bán phá giá sẽ được doanh nghiệp thu hồi thông qua định giá độc quyền. Nguy cơ về sự tổn hại lợi ích của người tiêu dùng và kéo theo nó là lợi ích chung của xã hội buộc nhà nước phải xuất hiện với những công cụ hữu hiệu để ngăn chặn và loại bỏ những hành vi không lành mạnh ra khỏi thị trường.
Thứ hai, hành vi phá giá bóp méo những nguyên lý cơ bản của thị trường
nước nhập khẩu. Nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường là sự tự do và linh hồn của thị trường là cạnh tranh lành mạnh dựa trên tinh thần buôn có bạn, bán có phường. Bên cạnh đó, trong quan hệ thương mại quốc tế, thị trường tự do được xây dựng trên lý thuyết phát triển lợi thế so sánh của thị trường các thành viên. Một khi có hiện tượng bán phá giá xảy ra với mục đích đẩy đối thủ cạnh tranh đến bờ vực phá sản, lúc đó sự tự do và tính chất lành mạnh của thị trường nước nhập khẩu đã bị tổn hại nghiêm trọng. Hành vi thủ tiêu nền sản xuất nội địa của nước nhập khẩu cũng gắn liền với việc huỷ diệt những lợi thế có thể có của nước nhập khẩu trong cạnh tranh quốc tế.
Thứ ba, hành vi bán phá giá trực tiếp tác động xấu đến sự phát triển của
ngành sản xuất nội địa. Khi bàn đến sự xuất hiện của công quyền trong việc ngăn chặn và loại bỏ hành vi phá giá ra khỏi thị trường nhập khẩu, dường như người ta nhìn nhận được sự khó khăn của nhà nước trong việc giải quyết một xung đột: xung đột giữa quyền lợi của người tiêu dùng đang được thụ hưởng (hiện tại đang mua được hàng hoá giá rẻ) và lợi ích của nhà sản xuất trong nước (phải hạ giá
thành để có thể cạnh tranh với hàng hoá đang phá giá, và việc mất dần thị phần của họ). Khó khăn chính là công quyền khó lựa chọn lợi ích nào là lợi ích chính yếu mà mình phải bảo vệ. Vì lẽ đó, sự hiện diện của việc phá giá hàng hoá chưa đủ cơ sở để yêu cầu Nhà nước và pháp luật phải xuất hiện, chỉ khi có thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa thì nhà nước mới cần can thiệp.
Thiệt hại vật chất trong phá giá hàng nhập khẩu đối với ngành sản xuất không hiểu như thiệt hại vật chất trong quan hệ pháp luật dân sự hay kinh tế. Nếu như việc xác định thiệt hại vật chất trong các quan hệ kinh tế - dân sự là việc xác định hoặc quy đổi mọi thiệt hại thành tiền hoặc tài sản, thì việc xác định thiệt hại vật chất do phá giá gây ra là quá trình xem xét mọi yếu tố để đánh giá tổng quan thực trạng sa sút của một ngành sản xuất. Hiện nay, khái niệm về thiệt hại vật chất đối với các ngành sản xuất sản phẩm tương tự còn nhiều tranh cãi. Luật pháp Hoa Kỳ định nghĩa thiệt hại vật chất là thiệt hại lớn, cơ bản và quan trọng là những nguy hại không thuộc loại phi lý, phi vật chất và lặt vặt; trong khi đó, GATT và hiệp định chống bán phá giá của WTO đều không đưa ra định nghĩa về thiệt hại vật chất nhưng đưa ra một danh sách những yếu tố được dùng để xem xét, đánh giá liệu thiệt hại vật chất đã hoặc có thể xảy ra hay không. Đó là các nhân tố kinh tế liên quan tới tình hình của ngành sản xuất trong nước như khả năng giảm sút sản lượng, doanh số, thị phần, lợi nhuận, năng suất, lợi tức đầu tư ... các nhân tố tác động đến giá, các nhân tố tác động đến hàng lưu kho, việc làm, tiền lương, khả năng gọi vốn ... Tất cả các nhân tố trên phải được xem xét toàn diện trong mối liên hệ với nhau, không có nhân tố nào là quyết định.
Tác động của phá giá đối với nền kinh tế của nước nhập khẩu phải phản ánh thông qua thiệt hại đối với toàn ngành sản xuất trên thị trường chứ không phải chỉ là thiệt hại của một hoặc một vài doanh nghiệp. Mặt khác, với truyền thống coi phá giá là hành vi bất chính khi mục đích của nó hướng đến tiêu diệt đối thủ, cho nên khi thiệt hại chưa xảy ra nhưng có nguy cơ sẽ xảy ra (đe dọa xảy ra thiệt hại
vật chất) công quyền cũng được quyền can thiệp để che chắn cho nền sản xuất nội địa. Việc xác định về nguy cơ đe doạ không thể được thực hiện trên cơ sở của sự phỏng đoán hoặc giả thuyết đơn thuần mà dựa vào những dấu hiệu sau:
- Tốc độ tăng năng suất hiện tại hoặc sắp xảy ra mà kết quả là hàng hoá nhập khẩu vào thị trường nhập khẩu sẽ tăng lên;
- Khả năng hàng nhập khẩu có thể có tác động giảm hoặc kìm hãm đáng kể đến giá cả của sản phẩm tương tự tại thị trường nhập khẩu;
- Mức độ tồn kho của hàng hoá đang điều tra;
- Các ảnh hưởng tiêu cực thực tế hoặc tiềm năng đến những nỗ lực hiện tại của ngành công nghiệp của nước nhập khẩu nhằm phát triển hay cải tiến các sản phẩm tương tự;
- Những yếu tố bất kỳ chứng minh khả năng hàng hoá bị điều tra sẽ gây thiệt hại vật chất...
Về vấn đề này, Pháp luật Việt Nam chỉ mới quy định chung về thiệt hại vật chất, theo đó: Thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước là tình trạng suy giảm đáng kể hoặc kìm hãm tăng trưởng về sản lượng, mức giá, mức tiêu thụ hàng hoá, lợi nhuận, tốc độ phát triển sản xuất. việc làm của người lao động, đầu tư và các chỉ tiêu khác của ngành sản xuất trong nước hoặc là tình trạng dẫn đến khó khăn cho việc hình thành một ngành sản xuất trong nước. Đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước là khả năng trước mắt, rõ ràng và chứng minh được sẽ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Thứ tư, xác định mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại vật chất của ngành sản xuất và hành vi bán phá giá. Để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa bán phá giá và thiệt hại vật chất đối với ngành sản xuất trong nước không đơn giản bởi trong thực tế có rất nhiều yếu tố tác động đến sự tăng trưởng hay giảm sút của các ngành sản xuất nội địa mà không nhất thiết chỉ do hành vi bán phá giá. Vì thế, Nhà
nước cần phải xem xét một cách tổng quan, trong đó có nhiều yếu tố ngoài phá giá có thể tác động đến nền sản xuất nội địa, đó là:
- Sự thu hẹp nhu cầu hay sự thay đổi tình trạng tiêu dùng;
- Tập quán thương mại hạn chế và sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài;
- Sự phát triển của công nghệ và hiệu quả sản xuất; - Năng suất của ngành sản xuất nội địa...
Tóm lại, sự nguy hại của bán phá giá trong thương mại quốc tế chỉ thể hiện rõ khi mục đích của doanh nghiệp thực hiện hành vi phá giá đã hoàn tất. Trong khi đó mục đích của chủ thể là yếu tố thuộc phạm trù chủ quan rất khó xác định một cách chính xác. Sự suy đoán về mục đích và sự bất chính trong trường hợp này dựa vào những diễn biến trên thị trường là hoàn toàn hợp lý. Khi quyền lực thị trường đã trao về cho doanh nghiệp xuất khẩu (không là thành viên của thị trường nước nhập khẩu) thì sự kiểm soát của công quyền cho dù bằng công cụ gì đi nữa đối với sự lạm dụng quyền lực (nếu có) nhiều khi không hiệu quả và chắn chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, mọi nỗ lực để hồi sinh ngành sản xuất đã bị tiêu diệt sẽ gặp nhiều trở ngại từ những thế lực thị trường của doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, sự xuất hiện kịp thời của Nhà nước và pháp luật bằng những biện pháp xử lý phù hợp với mức độ tác động tiêu cực của hiện tượng phá giá là cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của thương mại quốc tế và sự ổn định của thị trường quốc gia.