Nhằm xây dựng một thị trường chung với nguyên tắc nền tảng là sự tự do trong thương mại hàng hoá quốc tế, Hiến chương Havana đã khái quát 4 loại phá giá là: (i) phá giá về giá; (ii) phá giá dịch vụ; (iii) phá giá hối đoái và (iv) phá giá xã hội, cụ thể [40, tr. 200]:
- Phá giá về giá (price dumping) là hiện tượng các nhà sản xuất bán hàng hoá ra nước ngoài với giá thấp hơn giá tại thị trường trong nước, điều này có thể gây ảnh hưởng có hại cho ngành công nghiệp ở nước nhập khẩu sản xuất sản phẩm tương tự. Với cách hiểu này phá giá về giá đồng nghĩa với phá giá theo điều VI của Hiệp định GATT [20, tr. 200].
- Phá giá dịch vụ (service dumping): Phá giá dịch vụ được nhận dạng là những hành vi sử dụng các thoả thuận về giá cả phân biệt hoặc trợ giá dịch vụ vận tải biển. Thực chất khi đề cập đến phá giá trong lĩnh vực dịch vụ, Hiến chương lên án hành vi này do nó tạo cho sản phẩm những lợi thế bất chính từ việc phá giá chi phí vận chuyển tàu biển. Như vậy, cách hiểu về phá giá dịch vụ theo Hiến chương Havana được giới hạn rất hẹp chỉ trong lĩnh vực vận chuyển tàu biển mà không bao gồm hết các ngành dịch vụ trong thương mại quốc tế; đồng thời, bản chất nguy hại cho trật tự kinh tế chung không thể hiện bằng sự trực tiếp đe dọa cho bất kỳ ngành công nghiệp nào của nước nhập khẩu [20, tr. 228].
- Phá giá hối đoái (exchange dumping) được nhận dạng thông qua các thủ
đoạn tác động đến tỷ giá hối đoái nhằm mang lại cho hàng hoá xuất khẩu từ một nước nào đó một lợi thế trên thị trường nước nhập khẩu [20, tr. 98]. Sự khác nhau giữa phá giá dịch vụ và phá giá hối đoái là phá giá dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến một phần của kết cấu giá thông qua hành vi bóp méo tính trung thực trong chi phí vận tải. Trong khi đó, phá giá hối đoái không bóp méo cơ cấu hình thành giá nhưng lại không lành mạnh trong việc quy chuẩn giá trị đồng tiền giữa hai thị trường, từ đó làm thay đổi đến giá cả của hàng hoá. Tính nguy hiểm thể hiển ở sự ẩn dấu những biểu hiện không lành mạnh của loại phá giá này. Pháp luật thương mại quốc tế hiện hành không đề cập đến phá giá hối đoái. Về vấn đề này cũng còn nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm thì cho rằng sự không công bằng tác động đến ngoại hối giữa các thị trường biểu hiện ngay ở chính sách thả nổi hệ thống hối đoái. Do đó gây áp lực cho nước nhập khẩu trong việc bảo hộ nền sản
xuất trong nước trước những bất thường của tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, lại có quan điểm ngược lại lập luận rằng, chính tỷ giá hối đoái ổn định một cách bất thường là nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ. Trường hợp tỷ giá hối đoái được quản lý và chi phối làm cho nó ổn định tức là đã có dấu hiệu của việc tước đoạt đi sự tự do trong quan hệ thương mại bởi quyền lực công hoặc bởi những thế lực tài chính. Mặc dù vấn đề phá giá hối đoái và những tác động của nó đã được bàn cãi rất nhiều trong quá trình hoạch định các chính sách mới về thương mại, nhưng cho đến nay, nội dung này vẫn chưa thực sự được các nước thành viên của WTO quan tâm.
- Phá giá xã hội: (social dumping) Hiến chương Havana không đưa ra thuật
ngữ phá giá xã hội mà chỉ mô tả hành vi xuất khẩu hàng hoá với giá thấp được sản xuất bởi các tù nhân hoặc lao động khổ sai [20, tr. 233]. Thuật ngữ phá giá xã hội được sử dụng dể phản ánh hiện tượng xuất khẩu hàng hoá đó được sản xuất không theo những tiêu chuẩn công bằng về lao động, về kỹ thuật mà các nước phát triển sử dụng. Phá giá xã hội được nhìn nhận từ lý thuyết về thương mại và lao động cũng như những điều khoản về xã hội trong chính sách thương mại của kinh tế quốc tế. Vì thế những điều kiện lao động không công bằng (trong thù lao và những điều kiện bảo hộ lao động) đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá xuất khẩu tạo ra những khó khăn trong thương mại quốc tế. Việc sử dụng lao động là tù nhân và lao động khổ sai sẽ tạo ra cho sản phẩm hoặc hàng hoá xuất khẩu những lợi thế từ việc không trả lương và giảm chi phí do điều kiện lao dộng tù ngục không phải đầu tư nhiều. Có nhiều ý kiến yêu cầu phải áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại khi phát hiện các quốc gia vi phạm các tiêu chuẩn lao động công bằng đã được thống nhất trên toàn cầu, tiêu biểu là hành vi phá giá xã hội. Hiện nay, vấn đề phá giá xã hội và các biện pháp trừng phạt cần áp dụng với nó chưa được chính thức đưa ra trong bất kỳ văn kiện pháp lý nào của thương mại quốc tế. Vì thế, nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Pháp ... đang sử dụng các chính sách
nhân quyền để đối phó với những sản phẩm làm ra từ lao động trẻ em hoặc từ tù nhân.