Bộ trưởng Bộ Thương mại là người có quyền ra các quyết định mở đầu cũng như kết thúc của một vụ việc giải quyết yêu cầu chống bán phá giá bao gồm quyết định điều tra, quyết định áp dụng các biện pháp tạm thời, chấp nhận cam kết, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, quyết định rà soát... [59, đ. 7] với vai trò là người chịu trách nhiệm chính và trực tiếp trước chính phủ về quản lý nhà nước về chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Thương mại đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình chống bán phá giá hàng nhập khẩu mặc dù không phải là người trực tiếp tiến hành điều tra vụ việc. Đương nhiên các quyết định của Bộ trưởng phải dựa vào kết quả hoạt động của cơ quan điều tra và Hội đồng giải quyết vụ việc.
Một số nhận xét
Nghiên cứu về bộ máy chống bán phá giá theo pháp luật Việt Nam có thể rút ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất: Bộ máy chống bán phá giá của Việt nam được thành lập và hoạt
động dựa trên nguyên tắc có sự phân cấp, phân công nhiệm vụ nhưng đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động. Sự thống nhất thể hiện ở cơ cấu tổ chức của bộ máy, gồm cơ quan điều tra và hội đồng xử lý, đều thuộc Bộ Thương mại. Bộ Thương mại là cơ quan có vị trí trung tâm trong công tác tổ chức bộ máy chống bán phá giá, trong tiến trình điều tra và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Bộ trưởng Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trực tiếp và cá nhân cũng như có các quyền cao nhất trong mọi quyết định liên quan đến vụ việc. Để thực hiện cơ
chế phân công nhiệm vụ, Pháp lệnh đã tách hai chức năng điều tra và xử lý vụ việc chống bán phá giá và trao cho hai cơ quan khác nhau. Chức năng điều tra được giao cho cơ quan điều tra, chức năng xử lý vụ việc giao cho Hội đồng xử lý và Bộ trưởng Bộ Thương mại. Cách thức này đảm bảo sự khách quan trong quá trình giải quyết nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu quản lý chung thống nhất của nhà nước.
Thứ hai: Các quy định hiện thời về hệ thống các cơ quan nhà nước tham gia
quá trình điều tra và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá còn quá chung chung, chưa rõ ràng trong quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Hội đồng xử lý. Kinh nghiệm của các nước về tổ chức bộ máy chống bán phá giá cho thấy các nước thường thành lập các cơ quan chuyên trách của Nhà nước đảm nhiệm công tác chống bán phá giá. Cơ quan đó có thể là các cơ quan độc lập như Ủy ban chống bán phá giá của Indonexia hoặc cơ quan chống bán phá giá của Australia, Hội đồng cạnh tranh của Cộng hoà Pháp, hoặc là một bộ phận chức năng nằm trong các Bộ như trường hợp của Thái Lan (Bộ Ngoại thương), hoặc có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan khác nhau ví dụ như Canada, Hoa Kỳ, Cộng đồng Châu Âu [49, tr. 94]...
Mặc dù có sự khác nhau trong việc phân công trách nhiệm của các cơ quan chống bán phá giá nhưng một điểm chung giữa các nước là cơ quan chống bán phá giá được tổ chức và có quy chế như một toà án hành chính (quasi judicial). Nói cách khác cơ quan có thẩm quyền chống bán phá giá ở các nước đều mang tính chất lưỡng tính, tức là nó vừa là cơ quan quản lý hành chính, vừa là cơ quan tư pháp [65, tr. 47].
Ví dụ Hoa Kỳ coi Ủy ban Thương mại quốc tế là một toà án hành chính, hoạt động tương tự như các tòa án khác, nhưng thuộc ngành hành pháp của chính quyền chứ không thuộc ngành tư pháp [68, tr. 2]; hoặc tại Canada, Toà án thương mại quốc tế có nhiệm vụ điều tra về thiệt hại của ngành sản xuất nội địa là một cơ
quan độc lập là có chức năng như một toà án thuộc hệ thống hành pháp; ở Cộng hoà Pháp, Hội đồng cạnh tranh vừa có chức năng quản lý vừa có chức năng tư vấn và xét xử với tư cách của một cơ quan hành chính độc lập đang bị tài phán hoá một cách mạnh mẽ [65, tr. 24]. Đương nhiên, với tính chất này, các nguyên tắc hoạt động của cơ quan chống bán phá giá, tiêu chuẩn và quyền hạn của các thành viên trong cơ quan cũng có những đặc thù giống như tổ chức của toà án nhưng lại hoạt động trong hệ thống hành pháp. Theo đó, các thành viên của cơ quan chống bán phá giá thường có tư cách thẩm phán của toà án, ví dụ bốn thành viên đứng đầu Hội đồng cạnh tranh của Pháp luôn là thẩm phán do Thủ tướng bổ nhiệm [65, tr. 13]; 05 ủy viên của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ có quy chế hoạt động như thẩm phán toà án liên bang.
Quan niệm về cách thức tổ chức như trên xuất phát từ việc coi hoạt động điều tra và kết luận về những tác hại của phá giá đối với ngành sản xuất trong nước và đối với xã hội như một hành động phán xử, xét đoán. Nhưng gắn với nó lại là nhu cầu bảo vệ nền sản xuất nội địa trong thương mại quốc tế, gắn liền với vai trò quản lý trật tự thị trường trong lĩnh vực giá cả, nhiệm vụ này thuộc hệ thống hành pháp. Tính chất đặc thù của một vụ kiện phá giá quyết định cách thức tổ chức rất đặc biệt của hệ thống cơ quan chống phá giá.
Thứ ba: Cách thức phân công nhiệm vụ và xác định trách nhiệm của các cơ
quan cũng như cách thức tổ chức hệ thống cơ quan chống phá giá theo quy định của pháp lệnh còn rờm rà, phức tạp và chưa hợp lý. Theo quy định tại điều 8 Pháp lệnh chống bán phá giá, ngoài ba cơ quan tham gia trực tiếp vào quá trình điều tra và áp dụng là cơ quan điều tra, Hội đồng xử lý vụ việc và Bộ trưởng Bộ Thương mại còn có các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện quản lý nhà nước về chống bán phá giá và áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Cách quy định chung chung về quyền hạn và trách nhiệm theo kiểu “ai cũng có phần” sẽ dễ dẫn đến tình trạng “ai cũng có quyền”.
Mặt khác, việc phân công, phân quyền và xác định trách nhiệm giữa ba bộ phận của hệ thống chống phá giá là cơ quan điều tra, Hội đồng xử lý vụ việc và Bộ trưởng Bộ Thương mại còn có nhiều điểm bất hợp lý. Cơ quan điều tra là cơ quan tiến hành thu thập, xem xét các chứng cứ, thực hiện các thủ tục để điều tra các nội dung cơ bản của vụ việc, kết quả của hoạt động mà cơ quan điều tra thực hiện sẽ là các kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng về các nội dung điều tra. Nhưng không phải là cơ quan quyết định có hiện tượng phá giá và có thiệt hại hay không, quyền ấy thuộc về Hội đồng xử lý vụ việc. Hội đồng xử lý vụ việc mặc dù có quyền kết luận có hoặc không có việc phá giá gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nhưng không có quyền quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Người quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (quyết định quan trọng nhất) là Bộ trưởng Bộ Thương mại và cũng là người chịu trách nhiệm chính về quyết định này. Sự nối tiếp quyền hạn trong quá trình điều tra và áp dụng giữa ba cơ quan trên tưởng chừng là một cơ chế đảm bảo sự khách quan và đúng đắn, nhưng khi phân tích kỹ sẽ dễ dàng thấy được sự phức tạp và lòng vòng không cần thiết. Với tư cách là người có trách nhiệm chính trong quản lý và điều hành về tổ chức cũng như chuyên môn của một Bộ, Bộ trưởng Bộ Thương mại khó có điều kiện nắm rõ diễn tiến cũng như bản chất của một vụ việc chống phá giá với muôn ngàn yếu tố phức tạp về chuyên môn, nhưng lại có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất và là người chịu trách nhiệm chính vì đã có những quyền quan trọng đó.
Đương nhiên, khi ra quyết định, Bộ trưởng chủ yếu phải dựa vào kết quả hoạt động của cơ quan chống bán phá giá. Trong khi cơ quan điều tra là cơ quan nắm rõ nhất vụ việc và kết quả hoạt động của cơ quan này có ý nghĩa quyết định cho kết quả chung của vụ việc lại không có bất kỳ quyền quyết định nào, do đó Pháp lệnh cũng chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan này trước pháp luật.
Theo pháp luật của các nước trên thế giới, cũng như pháp luật của WTO, của khối EU, một nguyên tắc đặt ra trong tổ chức cơ quan chống phá giá là yêu cầu về tính độc lập của các cơ quan này. Sự độc lập không chỉ bảo đảm tính khách quan trong các kết luận về vụ việc còn bảo đảm tính thống nhất về quyền hạn trong một hệ thống mà ở đó cơ quan này không can thiệp thô bạo vào quyết định của cơ quan khác [65, tr. 48]. Từ đó mới có cơ sở cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong bộ máy. Theo Luật chống phá giá của cộng đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu có trách nhiệm tiến hành các thủ tục điều tra quyết định áp dụng những biện pháp tạm thời, cam kết giá... Hội đồng Bộ trưởng chỉ giới hạn ở quyền phê chuẩn việc áp dụng biện pháp chống phá giá chính thức khi có kiến nghị từ Ủy ban; Luật Hoa Kỳ xác lập sự phối hợp giữa hai cơ quan điều tra là Ủy ban thương mại quốc tế và Bộ Thương mại. Hai cơ quan trên hoạt động độc lập, điều tra độc lập và kết quả của hoạt động điều tra độc lập là cơ sở cho một phán quyết cuối cùng được Bộ Thương mại quyết định. Việc thực hiện quyền hạn độc lập là cơ sở cho việc xác định trách nhiệm độc lập cho từng cơ quan. Sự rõ ràng cả về tổ chức và quyền hạn là nền tảng cho sự đơn giản trong tổ chức bộ máy và hiệu quả trong hoạt động. Trở lại với mô hình của Việt Nam, dường như có sự ràng buộc về tổ chức nhưng chưa làm rõ về quyền hạn và quan hệ giữa các cơ quan tham gia trực tiếp vào vụ việc.