Hoàn thiện bộ máy chống bán phá giá

Một phần của tài liệu Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế (Trang 155 - 162)

a. Tổ chức bộ máy chống bán phá giá

Một trong những nguyên tắc tiên quyết trong tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh nói chung và bộ máy chống bán phá giá nói riêng là phải đảm bảo tính độc lập của chúng. Vì thế trong phiên họp tháng 1 năm 2004, Chính phủ cũng đã nhận định cần phải lập một cơ quan quản lý cạnh tranh với tư cách là một cơ quan ngang Bộ ở nước ta. Cơ quan này cũng đảm nhận vai trò giải quyết các vụ việc chống bán phá giá. Chúng tôi cho rằng, nhận định này là phù hợp với yêu cầu của

thực tiễn chống bán phá giá và quản lý cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, do dặc thù của trình độ quản lý kinh tế, trình độ của cán bộ nhà nước về phá giá và về quản lý cạnh tranh còn yếu, đặt trong bối cảnh Chính phủ đang giảm bớt các cơ quan trực thuộc mình nhằm nâng cao dần vai trò quản lý chung, cho nên kế hoạch xây dựng một bộ máy trực thuộc Chính phủ phải là kế hoạch dài hạn. Trước mắt việc tổ chức cơ quan cạnh tranh và bộ máy chống phá giá được giao cho Bộ Thương mại mà cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh có vai trò điều tra các vụ việc về phá giá, tự vệ và chống trợ cấp. Hội đồng cạnh tranh sẽ là đầu mối xử lý các vụ việc cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ bằng cách thành lập những hội đồng xử lý từng vụ việc cụ thể. Thành viên Hội đồng cạnh tranh do Thủ tướng bổ nhiệm.

Một vấn đề mà chúng tôi cho rằng cần bàn đến là việc tổ chức và đào tạo nhân sự cho bộ máy chống bán phá giá. Như đã phân tích ở những phần trước, điều tra chống bán phá giá là một quá trình phức tạp cả về nghiệp vụ và pháp luật; có nhiều vấn đề nhạy cảm phát sinh từ sức ép chính trị hoặc kinh tế của Chính phủ nước có hàng hoá bị điều tra, từ sự vận động hành lang của các nhà sản xuất trong nước và các nhà xuất khẩu nước ngoài. Đòi hỏi các cán bộ tham gia vào vụ việc chống bán phá giá không chỉ có kiến thức chuyên sâu về kinh tế vi mô, kinh tế ngành, kế toán và ngoại ngữ, mà còn cần phải có bản lĩnh vững vàng trước những tác động từ bên ngoài. Hiện nay, các cơ sở đào tạo kinh tế, thương mại và đào tạo luật mới bắt đầu quan tâm đến các nội dung về cạnh tranh và bảo hộ trong thương mại quốc tế. Vì thế yêu cầu chuẩn bị tiền đề cần thiết về con người cho công tác tổ chức thực hiện pháp luật chống bán phá giá là hết sức cấp bách, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của pháp luật.

b. Quyền hạn, nhiệm vụ và chức năng của các cơ quan trong bộ máy chống

Từ những phân tích trong mục trên, chúng tôi có những kiến nghị cụ thể sau về việc hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của bộ máy chống bán phá giá:

Một là, các quy định hiện hành về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan

trong bộ máy chống bán phá giá còn quá chung. Để cho bộ máy đó vận hành hiệu quả, pháp luật phải có những quy định chặt chẽ và cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan trong bộ máy chống bán phá giá. Phải nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật quy định hệ thống tổ chức. Về mối quan hệ giữa cơ quan điều tra, Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá và người có thẩm quyền ra các quyết định trong vụ việc chống bán phá giá.

Hai là, phải làm rõ vai trò và vị trí của Hội đồng xử lý vụ việc chống bán

phá giá. Các quy định trong Pháp lệnh chống bán phá giá chưa làm rõ được quy chế pháp lý của cơ quan này là cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng hay cơ quan có quyền giải quyết vụ việc. Đồng thời, chưa thể xác định được giai đoạn nào là giai đoạn có sự tham gia của Hội đồng xử lý vụ việc. Mặt khác, với giới hạn về thẩm quyền và trách nhiệm như quy định trong Pháp lệnh, cơ quan xử lý vụ việc chống bán phá giá không mang đúng bản chất của một cơ quan có vai trò xử lý vụ việc mà chỉ đơn thuần là làm lại những gì cơ quan khác đã thực hiện hoặc kiểm tra lại một lần nữa các kết luận của cơ quan điều tra trước khi người có thẩm quyền cao nhất quyết định. Cách thức phân công trách nhiệm và quyền hạn cho Hội đồng xử lý vụ việc như trên không phù hợp với tư duy chung trong việc xây dựng bộ máy cạnh tranh mà chúng ta đang tiến hành.

c. Thực hiện chính sách khuyến khích thành lập các hiệp hội của các doanh

nghiệp, Hiệp hội ngành nghề; xây dựng chính sách phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước ngành kinh tế kỹ thuật với các chủ thể kinh doanh và với cơ quan quản lý cạnh tranh, bộ máy chống bán phá giá

Kinh nghiệm của các nước trong việc chống bán phá giá và của nước ta trong quá trình theo đuổi các vụ hàng hoá của Việt Nam bị kiện bán phá giá cho thấy yêu cầu về sự đoàn kết của ngành sản xuất trong nước. Chỉ khi nào ngành sản xuất trong nước có một vị thế nhất định bằng sự đoàn kết các nhà sản xuất riêng lẻ thì mới có thể chủ động và đủ tư cách để yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá hàng nhập khẩu từ nước ngoài, và đủ sức để theo các vụ kiện phá giá từ phía nước ngoài. Vì thế, việc xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích các chủ thể kinh doanh thành lập các hiệp hội cho từng ngành sản xuất có ý nghĩa rất lớn. Yêu cầu tương tự cũng được đặt ra đối với các cơ quan có chức năng quản lý ngành kinh tế kỹ thuật và cơ quan quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá.

Tiểu kết Chƣơng III: Qua các phân tích trên đây, có thể nhận thấy rằng Việt Nam đã có một hế thống quy phạm về chống bán phá giá tương đối đầy đủ và hoàn thiện mặc dù vẫn có một số điểm cần phải điều chỉnh. Thực thi một cách có hiệu quả các quy định này sẽ góp phần làm lành mạnh hóa nền kinh tế và bảo hộ một cách hợp lý các nghành sản xuất đang non trẻ trong nước. Bên cạnh đó, cũng cần có sự nghiên cứu cả về nhân lực và nguồn lực tài chính để chủ động tham gia các vụ kiện chống bán phá giá ở nước ngoài.

KẾT LUẬN

Bán phá giá và pháp luật về chống bán phá giá đang là đề tài được các nhà khoa học pháp lý và các cán bộ, cơ quan quản lý kinh tế cũng như các doanh nghiệp quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Pháp lệnh chống bán phá giá và các văn bản hướng dẫn thi hành mới được ban hành.

Vì thế việc nghiên cứu về vấn đề này trên cả phương diện pháp luật và kinh tế là công việc có ý nghĩa thiết thực. Từ việc nghiên cứu những vấn đề lý luận cũng như thực trạng pháp luật Việt Nam về chống bán phá giá trên cơ sở đối chiếu, so sánh với quy định của Hiệp định về chống bán phá giá của WTO và pháp luật của một số nước về vấn đề này, tác giả rút ra một số kết luận sau:

1. Mặc dù, hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi bàn đến bản chất của bán phá giá hàng nhập khẩu nhưng pháp luật của các nước và các tổ chức quốc tế đều nhận dạng bán phá giá là hiện tượng bán hàng ra thị trường nước ngoài với giá thấp hơn giá trị thông thường của hàng hoá đó tại thị trường xuất khẩu. Dưới góc độ kinh tế hành vi bán phá giá được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau tùy theo phương pháp nhận dạng.

2. Các chính sách thương mại quốc tế mới chỉ xây dựng được khuôn khổ pháp lý của việc chống bán phá giá đối với hàng hoá. Vấn đề phá giá trong thương mại dịch vụ chưa được đặt ra.

3. Là một bộ phận của chính sách thương mại quốc tế, pháp luật chống bán phá giá có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho sự lành mạnh của thị trường chung, đảm bảo sự tự do và bình đẳng cho thương mại quốc tế. Trên thế giới, pháp luật chống bán phá giá đã được quan tâm từ những năm đầu của thế kỷ XX, và vẫn còn phát triển trong điều kiện hiện nay. Do tính chất phức tạp của bán phá giá và

những vấn đề tế nhị nảy sinh khi chống bán phá giá nên pháp luật không chỉ quan tâm đến những dấu hiệu nhận dạng hành vi bán phá giá và thủ tục điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá, mà còn quy định khá chi tiết về các vấn đề mang tính kỹ thuật đối với quá trình điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

4. Vấn đề chống bán phá giá vẫn còn là nội dung mới mẻ trong khoa học pháp lý cũng như trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Pháp lệnh chống bán phá giá hàng nhập khẩu được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 4 năm 2004 là văn bàn pháp luật đầu tiên điều chỉnh một cách toàn diện việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Sự ra đời của Pháp lệnh này đáp ứng nhu cầu điều chỉnh pháp luật trong việc bảo đảm một trật tự kinh doanh lành mạnh, góp phần làm cho diện mạo của pháp luật kinh tế được phong phú, đủ mạnh để bảo đảm sự ổn định của thị trường. Từ đó thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đạt thành công như định hướng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

5. Pháp luật về chống bán phá giá đã điều chỉnh những nội dung cơ bản liên quan đến phá giá và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Tuy nhiên, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này sơ sài, không cụ thể và chưa đầy đủ. Chỉ với các quy định đó thì chắc chắn quá trình áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn và vướng mắc không chỉ đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn đối với các bên có liên quan.

6. Trên cơ sở nhận thức và đánh giá hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chung của tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, luận văn đặt ra một số vấn đề của Việt Nam khi thi hành pháp luật chống bán phá giá như: những yếu kém của pháp luật bộ máy thực thi pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả áp

dụng pháp luật; sự rời rạc trong các mối quan hệ nội bộ của ngành sản xuất trên thị trường nước ta, giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp...

7. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu lý luận về bán phá giá, phân tích thực trạng pháp luật Việt Nam về chống bán phá giá hàng nhập khẩu, luận văn mạnh dạn đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật. Trong đó, việc hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật phải luôn đặt trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hoá trên tinh thần xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ.

8. Luận văn cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể để nâng cao năng lực áp dụng pháp luật về chống bán phá giá.

9. Trong quá trình nghiên cứu, còn một số vấn đề nảy sinh mà tác giả chưa có điều kiện giải quyết. Những vấn đề này sẽ là những nội dung định hướng nghiên cứu tiếp đó là các vấn đề về: chống bán phá giá theo yêu cầu của nước thứ ba,vấn đề tố tụng liên quan đến phá giá sau khi có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá ... Các vấn đề này tác giả luận văn rất mong nhận được sự gợi ý, giúp đỡ để có thể nghiên cứu sâu thêm về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế (Trang 155 - 162)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)