Trong lịch sử phát triển của pháp luật chống bán phá giá, đã có những thay đổi trong quan niệm về các biện pháp chống bán phá giá. Luật chống bán phá giá đầu tiên của Hoa Kỳ quy định áp dụng hình phạt hình sự và các trách nhiệm dân sự đối với người thực hiện hành vi bán phá giá [19, tr. 3]. Lý luận về việc áp dụng các chế tài hình sự trong vụ việc chống phá giá được xây dựng trên quan niệm về tính sai trái của hành vi. Bán phá giá xâm hại đến trật tự chung trong thương mại quốc tế và nội địa, mức độ sai trái được phản ánh ở mức độ xâm phạm đến trật tự chung, đến sự công bằng mà pháp luật bảo vệ. Do đó, pháp luật và Nhà nước cần thiết phải bày tỏ thái độ bằng các biện pháp trừng phạt của công quyền. Cũng theo quan điểm này, mọi hành vi trái pháp luật trong đó có phá giá mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Vì thế, những khoản bồi thường mà nhà xuất khẩu nước ngoài trả theo quy định của pháp luật sẽ được chuyển trực tiếp cho những bên bị thiệt hại tại quốc gia nhập khẩu. Chính sách thương mại quốc tế hiện đại có những thay đổi trong quan niệm về vai trò của pháp luật chống bán phá giá, theo đó các quy định của luật không phải được dùng để phản ứng lại việc bán phá giá nói chung mà phản ứng lại khi phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa. Mặt khác, các biện pháp chống bán phá giá được sử dụng hiện nay không được dùng như một biện pháp phục hồi quyền lợi cho người bị thiệt hại theo kiểu của các quan hệ dân sự nội địa, hoặc để cách ly hay trừng phạt người thực hiện hành vi ra khỏi cộng đồng xã hội từ đó xoá bỏ nguồn nguy hiểm cho xã hội bằng các chế tài hình sự. Chúng có vai trò bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách xoá bỏ hiện tượng bán phá giá trong các quan hệ thương mại quốc tế mà không nhằm mục đích xoá bỏ các quan hệ thương mại quốc tế liên quan đến hàng hoá bị kiện. Muốn làm được như vậy, chỉ còn có thể chống hiện tượng hạ giá bán đến mức thấp hơn giá thông thường của hàng hoá bằng cách tạo thêm một yếu tố nào đó để làm cho giá bán tăng lên đến mức có thể loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa. Vì thế, mặc dù quan hệ giữa các bên trong vụ việc chống bán phá giá nảy sinh trong lĩnh
vực thuộc phạm vi điều chỉnh của luật tư nhưng các biện pháp cấm đoán và ngăn cản nó lại phải được thực hiện theo luật công (cụ thể là dùng biện pháp thuế quan) [40, tr. 70].
Hiện nay, các biện pháp chống bán phá giá theo quy định của pháp luật của WTO, của các nước trên thế giới và Việt Nam được thể hiện dưới các hình thức như:
- Thuế chống bán phá giá (có một hình thức áp dụng tạm thời trước khi chính thức là thuế chống phá giá tạm thời);
- Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hoá bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý [60, đ. 4].
Các biện pháp áp dụng đối với hành vi bán phá giá trong thương mại quốc tế khác với những biện pháp được áp dụng đối với hành vi bán phá giá trong thương mại nội địa. Pháp lệnh Giá với nhiệm vụ bình ổn giá và thiết lập một trật tự quản lý nhà nước về giá cả đã coi hành vi bán phá giá nội địa là hành vi vi phạm pháp luật. Các biện pháp chế tài áp dụng cho chủ thể thực hiện hành vi bán phá giá thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước ta đối với người vi phạm. Theo quy định tại điều 26 Pháp lệnh Giá năm 2002, biện pháp chế tài dành cho người vi phạm có thể là:
- Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cả;
- Buộc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bán phá giá phải bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị tổn thất do hành vi bán phá giá gây ra;
- Người có hành vi bán phá giá có dấu hiệu phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật [58, đ. 26].
Sự khác biệt về biện pháp áp dụng giữa bán phá giá trong thương mại quốc tế và trong quan hệ thương mại nội địa là sự khác biệt về yêu cầu điều chỉnh của pháp luật đối với hai loại quan hệ đặc thù này. Ở nhóm quan hệ thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu tự do hoá thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi nhà nước phải có một thái độ niệm dẻo hơn đủ để ngăn chặn hành vi và giảm thiểu thiệt hại. Trong khi ở nhóm quan hệ nội địa yêu cầu quản lý và duy trì một trật tự kinh tế ổn định làm cơ sở cho sự phát triển và hội nhập đã buộc nhà nước mạnh tay hơn đối với vi phạm. Mặt khác, tính chất quốc tế của vụ việc chống phá giá trong thương mại quốc tế không cho phép nhà nước bày tỏ thái độ nghiêm khắc như đối với quan hệ nội địa.
a. Áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời
Hiệp định chống bán phá giá cho phép sử dụng biện pháp tạm thời khi cơ quan điều tra cho rằng những biện pháp ấy là cần thiết để ngăn chặn những thiệt hại xảy ra trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, dưới hình thức là một biện pháp tác động qua thuế, việc áp dụng biện pháp tạm thời có những ảnh hưởng nhất định đến lợi ích của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu hàng hoá bị điều tra. Khi các biện pháp này được sử dụng chắc chắn sẽ làm thay đổi giá cả của hàng hoá bị điều tra trên thị trường, đương nhiên lúc đó hậu quả của sự thay đổi giá trước tiên sẽ là sự thay đổi cung - cầu hàng hoá đó trên thị trường nước nhập khẩu. Nếu như quyết định cuối cùng cho thấy việc áp dụng thuế chống bán phá giá là phi lý, cho dù sau đó có hoàn trả toàn bộ tiền thuế đã thu hoặc tiền đặt cọc đã nhận, thì những thiệt hại do thị trường bị thu hẹp mà nhà xuất khẩu hoặc sản xuất nước ngoài phải gánh chịu khó có thể có biện pháp nào bù đắp được. Vì lý do đó, áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời cũng phải tuân thủ những quy định nhất đinh để đảm bảo sự chặt chẽ và chính xác trong quá trình áp dụng.
Bộ trưởng Bộ Thương mại có quyền quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời khi có kết luận sơ bộ khẳng định:
- Có việc bán phá giá của hàng hoá bị yêu cầu; và
- Có thiệt hại đáng kể hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Pháp lệnh chống bán phá giá quy đinh thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không quá một trăm hai mươi ngày kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp này. Có thể gia hạn khi có yêu cầu và thấy cần thiết nhưng gia hạn không quá sáu mươi ngày [60, đ. 20].
Thuế chống bán phá giá tạm thời có thể được đảm bảo thanh toán bằng tiền đặt cọc hoặc các biện pháp khác theo quy định của pháp luật. Số tiền đặt cọc thông thường được tính tương đương với khoản thuế phải nộp cho số lượng hàng tương đương nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Theo quy định tại Khoản 3, 4 điều 23 Pháp lệnh chống bán phá giá, sau khi có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phả giá chính thức nếu như mức thuế chống bán phá giá cao hơn thuế chống bán phá giá tạm thời thì Khoản chênh lệnh cao hơn đó sẽ không bị truy thu. Ngược lại khi quyết định cuối cùng của Bộ trưởng Bộ Thương mại là không đánh thuế chống bán phá giá hoặc mức thuế chống bán phá giá chính thức thấp hơn mức thuế tạm thời thì tiền thuế đã thu hoặc các Khoản bảo đảm thay cho thuế, Khoản chênh lệch đã áp dụng sẽ được hoàn trả cho nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu nước ngoài đã nộp. Pháp luật WTO và các nước còn quy định trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch hoặc tất cả tiền thuế đã thu cộng thêm một Khoản lãi suất nhất định trên số tiền thuế đã nộp [21, đ. 7.1]. Quy định như vậy vừa bảo đảm quyền lợi cho nhà sản xuất, nhà xuất khẩu nước ngoài, đồng thời lại thể hiện được bản chất của thuế chống phá giá tạm thời là Khoản tiền nộp tạm thời để tác động đến giá hàng hoá. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại quy định việc hoàn trả không được tính lãi suất [Khoản 3, Điều 41 Nghị định 90/2005/CP].
b. Áp dụng biện pháp cam kết
Trong thực tiễn thương mại quốc tế, biện pháp cam kết trong các vụ kiện chống bán phá giá được coi là biện pháp dung hòa được quyền lợi kinh tế và chính trị cho các quốc gia liên quan và các chủ thể tham gia vào vụ kiện. Theo đó, các nhà xuất khẩu cam kết tăng giá xuất khẩu hoặc hạn chế sản lượng nhập khẩu nhằm loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu. Cam kết tăng giá là một biện pháp khá đơn giản đỡ tốn kém chi phí theo đuổi tranh chấp. Một ưu điểm khá rõ là nhà xuất khẩu sẽ được hưởng phần lớn chênh lệch do tăng giá bán trước và sau khi cam kết giá. Trong khi đó, nếu áp dụng thuế chống bán phá giá mặc dù giá hàng hoá bị đẩy lên cao nhưng nhà xuất khẩu không được lợi gì cả vì các Khoản thuế - nguyên nhân làm tăng giá, được đưa vào ngân sách của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, khi áp dụng cam kết giá, nhà xuất khẩu có thể chủ động tính toán một mức độ tăng giá hợp lý, vừa đủ để có thể duy trì được thị phần đang nắm giữ. Ngược lại, nếu bị áp dụng thuế chống bán phá giá, mức thuế do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu ấn định sẽ tác động trực tiếp làm tăng vọt giá của hàng hoá bị áp dụng. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ loại hàng này tại thị trường nhập khẩu chắn chắn sẽ thay đổi, ảnh hưởng đến sản xuất mặt hàng đó tại nước xuất khẩu. Thực tiễn giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá của các nước thành viên WTO từ năm 1995 đến 2001, các nước đã tiến hành 1845 vụ điều tra thì trong đó có 108 lần các nước áp dụng biện pháp cam kết giá (tỷ lệ 1/17). Trong đó EU chấp nhận cam kết giá 46 lần trong tổng số 242 vụ điều tra (tỷ lệ 1/6); Hoa Kỳ áp dụng 10 lần trong tổng số 231 vụ điều tra (tỷ lệ 1/23)... Như vậy cam kết giá là biện pháp đang được các quốc gia trên thế giới sử dụng trong các vụ điều tra chống bán phá giá [6, tr. 59-60].
Pháp lệnh chống bán phá giá của Việt Nam quy định biện pháp cam kết bao gồm:
- Cam kết tự nguyện hạn chế khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá bán phá giá vào Việt Nam [60, đ. 21, k. 1].
Cam kết giá do các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hoá bị điều tra đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thương mại và với các nhà sản xuất trong nước. Bộ trưởng Bộ Thương mại là người có thẩm quyền chấp nhận hay không chấp nhận cam kết. Cơ quan điều tra và cả Bộ trưởng không có quyền đưa ra cam kết hoặc ép buộc các bên cam kết, chỉ có thể đề nghị các bên điều chỉnh nội dung cam kết. Nếu không chấp nhận cam kết, Bộ trưởng phải thông báo lý do không chấp nhận và cho tiếp tục điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 và điểm a, d Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh chống bán phá giá, cam kết sẽ được áp dụng khi :
- Đã có kết luận sơ bộ và chưa kết thúc giai đoạn điều tra. Có nghĩa là sau khi điều tra sơ bộ cơ quan điều tra kết luận có việc bán phá giá và hành vi bán phá giá hàng hoá nhập khẩu đã gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể;
- Nếu xét thấy việc thực hiện cam kết đó không gây thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Hai điều kiện mà pháp lệnh chống bán phá giá quy định để áp dụng biện pháp cam kết về cơ bản phù hợp với pháp luật quốc tế. Tuy nhiên cách diễn đạt trong điều kiện thứ hai là không rõ ràng. Với quy định này, chúng ta có thể hiểu để chấp nhận cho áp dụng biện pháp cam kết, Bộ trưởng phải dự liệu việc áp dụng những biện pháp cam kết sẽ không gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại. Ngược lại, nếu biện pháp mà nhà sản xuất hoặc xuất khẩu nước ngoài đưa ra để đàm phán có khả năng đe dọa gây nguy hại cho ngành sản xuất trong nước thì sẽ không được
chấp nhận. Tuy nhiên, quy định và hiểu như vậy là không đúng, bởi lẽ bản chất của các biện pháp cam kết như tăng giá hoặc giảm số lượng hàng hoá nhập khẩu mà nhà sản xuất nước ngoài đề xuất là nhằm chấm dứt một cuộc điều tra phá giá khi cuộc điều tra này đã xác định có dấu hiệu để áp dụng các biện pháp chống phá giá. Các giải pháp đưa ra trong cam kết chỉ được chấp nhận khi nó đủ mạnh để loại bỏ thiệt hại hoặc để ngăn chặn thiệt hại trong tương lai do hành vi bán phá giá gây ra cho ngành sản xuất trong nước. Vì vậy mà Hiệp định chống bán phá giá quy định một trong ba điều kiện để chấp nhận cam kết là: “cơ quan có thẩm quyền kết luận rằng cần áp dụng các biện pháp đưa ra trong cam kết để ngăn chặn những
tổn hại đang xảy ra trong quá trình điều tra (thiệt hại này do hành vi phá giá gây
ra hoặc đe dọa gây ra) [21, đ. 8.1]. Hiểu như vậy mới phù hợp với bản chất của biện pháp cam kết trong vụ việc chống phá giá. Khi biện pháp cam kết được chấp nhận. Hệ quả phát sinh từ việc chấp nhận là:
- Thứ nhất là đình chỉ điều tra. Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết đình đình
chỉ điều tra và áp dụng biện pháp cam kết theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra vụ việc chống bán phá giá dừng lại (không phải chấm dứt hoàn toàn) để những bên đưa ra cam kết có thời gian thực hiện những biện pháp mà mình đã cam kết. Có một vấn đề đặt ra là biện pháp cam kết khi được đề xuất và được chấp nhận lúc hoạt động điều tra chưa chấm dứt, cơ quan điều tra chưa ra kết luận cuối cùng. Việc đưa ra cam kết không thể đánh đồng như một sự tự thừa nhận rằng đã bán phá giá hoặc hành vi phá giá đã gây ra thiệt hại từ phía những nhà xuất khẩu nước ngoài. Có thể do nhà xuất khẩu nước ngoài bị chi phối bởi các yếu tố nhạy cảm trong quan hệ chính trị và thương mại quốc tế nên đã không đủ tự tin trong quá trình điều tra, việc họ đưa cam kết trước khi có kết luận cuối cùng được coi như một biện pháp dự phòng để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp xấu nhất, nếu như bị quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Trong một số trường hợp như vậy, có những nhà sản xuất hoặc xuất khẩu nước ngoài vẫn muốn tìm cơ may chiến thắng trong kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Vì thế pháp
luật chống bán phá giá của các nước đều quy định quá trình điều tra vẫn có thể tiếp