So sánh giá xuất khẩu và giá trị thông thườn g phương pháp xác định phá giá hàng hoá

Một phần của tài liệu Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế (Trang 31 - 36)

Kết quả của việc so sánh giá xuất khẩu với giá trị thông thường của hàng hoá bị điều tra là cơ sở duy nhất cho việc xác định có hay không có hiện tượng bán phá giá. Đồng thời nếu có hiện tượng bán phá giá thì kết quả của việc so sánh sẽ tìm ra mức độ chênh lệch giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu - mức độ chênh lệch này được gọi là biên độ phá giá (margin of dumping).

Vì ý nghĩa quan trọng của việc so sánh giá đối với quá trình điều tra phá giá, nên nguyên tắc công bằng trong so sánh giá phải luôn được tuân thủ. Nguyên tắc công bằng được thiết lập từ đặc điểm hình thành của giá trị thông thường và giá xuất khẩu. Bởi lẽ hai loại giá này được cấu thành hoặc được tạo lập từ những chi phí ở hai khu vực thị trường khác nhau với những giao dịch thương mại cụ thể khác nhau trong những điều kiện của môi trường kinh doanh cũng khác nhau. Trong hoàn cảnh ấy, những chênh lệch tự nhiên giữa chúng là không thể tránh khỏi. Nguyên tắc công bằng trong so sánh giá có những yêu cầu sau đây:

(i) Việc so sánh phải được thực hiện ở cùng một cấp độ kinh doanh, nói cách khác là hai loại giá được sử dụng để so sánh phải được hình thành trong cùng một cấp độ tương ứng của quá trình mua bán (cùng xuất xưởng hoặc bán buôn hoặc bán lẻ). Khi đó, sự công bằng thể hiện thông qua việc loại bỏ những chi phí phụ phát sinh giữa các cấp độ thương mại ra khỏi cơ cấu chi phí trong việc so sánh giá (chi phí vận chuyến, quảng cáo, tiếp thị...). Ngược lại, nếu so sánh giữa hai loại giá được hình thành ở những cấp độ khác nhau thì các chi phí mới phát sinh sẽ làm biến dạng kết quả so sánh. Giữa các thị trường khác nhau thì giá trị của chi phí phụ không giống nhau, ví dụ phí vận chuyển, phí quảng cáo ở các quốc gia khác nhau là khác nhau. Việc lựa chọn cấp độ thương mại sau khâu xuất xưởng làm cấp độ để so sánh dễ tạo ra sự bất công vì những ảnh hưởng của sự khác biệt trong các chi phí phụ đã gây ra những chênh lệch tự nhiên giữa giá xuất khẩu và giá trị thông thường của hàng hoá trên hai thị trường [21, đ. 2.4].

Mặt khác, dưới góc độ kinh tế, dù ở cùng khâu xuất xưởng, tự thân quá trình hình thành giá trị thông thường và giá xuất khẩu giữa hai thị trường đã tạo ra những khoảng chênh giữa chúng với nhau do sự khác biệt về cơ cấu chi phí. Ví dụ khi xuất khẩu sang thị trường nhập khẩu trong cơ cấu giá bán tại thị trường nhập khẩu có thêm chi phí vận chuyển từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu. Theo quan điểm của các nhà luật học của Hoa Kỳ thì chi phí vận chuyển là nguyên nhân của sự thiếu vắng lợi thế của hàng nhập khẩu so với hàng hoá tương tự trong thị trường nước nhập khẩu, nếu coi chi phí vận chuyển là một phần của giá xuất khẩu để so sánh thì việc so sánh đó là không công bằng. Dựa trên những lập luận đó pháp luật của WTO, EU ... quy định giá xuất khẩu được xem xét điều chỉnh bởi những chi phí sau đây: các loại thuế phải gánh chịu giữa lúc nhập khẩu và bán lại, chi phí vận tải thông thường, bảo hiểm, bốc dỡ và các khoản chi phí phụ trợ khác; các khoản lợi nhuận phân bổ cho việc bán hàng, phân phối và sản xuất thêm tại nước nhập khẩu...[19, tr. 23]

(ii) So sánh việc bán hàng vào cùng một thời điểm hoặc thời điểm càng gần nhau càng tốt. Cùng với yêu cầu về sự ngang bằng trong cấp độ thương mại, việc xác định các loại giá cả cần phải được thực hiện ở những thời điểm gần nhau (tốt nhất là cùng một thời điểm cũng nhằm loại bỏ những yếu tố mới phát sinh ảnh hưởng đến cơ cấu giá, từ đó đảm bảo công bằng trong quá trình so sánh) [19, đ. 2.4]. Liên quan đến nội dung này, có một vấn đề đặt ra khi so sánh giá là vấn đề chuyển đổi đổng tiền để đảm bảo có sự tương ứng giữa hai thị trường sử dụng tiền tệ khác nhau. Theo đó, tỷ giá hối đoái được sử dụng để chuyển đổi đồng tiền phải là tỷ giá hiện hành của thời điểm giao dịch thương mại liên quan đến hàng hoá đó được thực hiện.

(iii) Điều tra chống bán phá giá hàng nhập khẩu liên quan đến nhiều nhà sản xuất xuất khẩu từ những thị trường khác nhau với những mức giá không giống nhau. Mặt khác, để xác định giá xuất khẩu và giá trị thông thường, cơ quan điều

tra phải phân tích những thông số về giá cả trong một khoảng thời gian dài với nhiều giao dịch cụ thể. Trong lịch sử phát triển của pháp luật chống bán phá giá, có hai phương pháp so sánh được sử dụng phổ biến là:

+ Thứ nhất, so sánh giữa giá trị thông thường trung bình với giá xuất khẩu

của từng giao dịch. Cách so sánh này được áp dụng lần đầu liên ở Hoa Kỳ trước

vòng đàm phán Uruguay. Theo đó, cơ quan điều tra phá giá tìm mức trung bình của giá trị thông thường của các giao dịch trong thời gian điều tra tại nước xuất khẩu, tìm giá xuất khẩu của hàng hoá của từng giao dịch trong khoảng thời gian điều tra của các nhà sản xuất trên thị trường Hoa Kỳ. Sau đó sẽ so sánh mức trung bình của giá trị thông thường với giá xuất khẩu của từng giao dịch. Cách thức so sánh này đã gây ra rất nhiều phản ứng từ những nước có hàng hoá xuất khẩu vào Hoa Kỳ, theo họ trong khoảng thời gian cơ quan điều tra phá giá của Hoa Kỳ sử dụng để điều tra mà giá cả hàng hoá có sự giao động trên cả hai thị trường thì hàng hoá đó rất dễ bị kết luận là phá giá. Ví dụ: giá của một loại hàng hoá bị điều tra ở nước xuất khẩu trong thời gian được lựa chọn để điều tra được mua bán qua 10 giao dịch với giá cả biến thiên từ 90 đến 100 USD (theo thứ tự từ 90, 91, .. ., 100), giá trị trung bình được xác định là 95 USD. Trong 10 lần xuất khẩu của cùng thời gian, giá hàng hoá cũng cùng mức phân phối giá, trung bình giá là 95 USD, giá biến thiên cũng từ 90 đến 100 USD. Theo phương pháp này cơ quan điều tra sẽ dùng mức trung bình của giá nội địa là 95 USD và so sánh với giá của từng giao dịch tại thị trường Hoa Kỳ, giao động theo cấp độ từ 90 đến 100. Kết luận sẽ là, trong 10 giao dịch thì có 4 lần là phá giá [27, tr. 357]. Phương pháp so sánh này bị phê phán là vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong thương mại quốc tế vì sự giao động của giá sản phẩm là tất yếu, việc đi tìm một mức chuẩn ổn định không thể làm cơ sở so sánh cho từng lần biến thiên của giá cả.

+ Thứ hai, phương pháp tính dựa vào mức trung bình hoặc từng lần giao

và dựa vào yêu cầu của sự bình đẳng trong thương mại quốc tế, Hiệp định chống phá giá của WTO đưa ra ba cách so sánh:

- So sánh trung bình giá trị thông thường với trung bình giá xuất khẩu;

- So sánh giá trị thông thường của từng giao dịch với giá xuất khẩu của từng

giao dịch tương ứng;

- So sánh trung bình giá trị thông thường với giá xuất khẩu của từng giao

dịch [21, đ. 2.4.2].

Cách thứ ba mà Hiệp định chống bán phá giá thừa nhận là sự kế tục cách thức mà Hoa Kỳ đã làm trước đây, phương pháp này chỉ áp dụng rất hạn chế mà - ưu tiên áp dụng hai cách đầu tiên. Việc tiếp tục duy trì cách thức thứ ba xuất phát từ một tập quán được thừa nhận trong chống bán phá giá là chống lại các hành vi bán phá giá có mục đích. Bán phá giá có mục đích được thể hiện qua việc phân biệt (khác biệt) rất rõ rệt về giá giữa các người mua khác nhau, giữa các vùng và các thời kỳ khác nhau. Trong tình huống này, pháp luật cho phép tồn tại những bất lợi đối với sản phẩm bị điều tra.

Kết luận về việc hàng hoá bị điều tra có bán phá giá hay không phụ thuộc vào kết quả của sự so sánh giá. So sánh giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu tìm ra được biên độ phá giá bằng công thức:

Biên độ phá giá = Giá trị thông thường - Giá xuất khẩu

Biên độ phá giá được hiểu là sự chênh lệch giữa giá trị thông thường và giá trị xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ nước này sang nước khác, mà sản phẩm này đang bị nước nhập khẩu điều tra phá giá. Thông thường người ta tính biên độ phá giá bằng một con số tuyệt đối hoặc tỷ lệ phần trăm trên giá xuất khẩu.

Biên độ phá giá có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định có phá giá hay không, mức bán phá giá cũng như biện pháp chống bán phá giá. Cụ thể:

- Việc xác định có phá giá hay không. Với kết quả của việc so sánh giá, nếu biên độ phá giá là số dương (>0) thì kết luận sẽ là có bán phá giá và ngược lại.

- Xác định mức độ phá giá. Như đã phân tích, hành vi bán phá giá được coi là hành vi không lành mạnh trong thương mại quốc tế. Nói cách khác, nó là hành vi không công bằng trong quan hệ thương mại giữa hai thị trường của hai quốc gia. Xác định hiện tượng bán phá giá cũng như mức độ phá giá của hàng hoá nhập khẩu là quá trình đi tìm và kết luận về mức độ vi phạm nguyên lý về công bằng trong thương mại tự do. Vì thế, mức độ phá giá được thể hiện ở biên độ phá giá. Do đó,

mức thuế được áp dụng đối với hàng hoá bán phá giá được tính tương ứng với biên độ phá giá.

Tóm lại, quá trình tìm kiếm sự tồn tại của phá giá hàng hoá trong thương mại quốc tế là một quá trình phức tạp không chỉ đòi hỏi pháp luật về phá giá phải được hoàn thiện không ngừng mà còn đòi hỏi cơ quan, cán bộ điều tra phải thực sự có năng lực mới có thể thực hiện một cách hiệu quả và công bằng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)