Năm 1995, dựa trên động cơ phá giá, Robert Wiuing đã phân tích phá giá thông qua việc phân biệt hai dạng phá giá là (i) phá giá độc quyền và (ii) phá giá không độc quyền [20, tr. 83].
(i) Phá giá độc quyền: là hành vi vi phạm thô bạo nguyên tắc cạnh tranh vì bản chất của nó là hành vi nhằm độc quyền hoá. Phá giá độc quyền tạm thời đem lại một số lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng khi các doanh nghiệp đạt được lợi vị trí độc quyền sẽ đặt giá độc quyền để bóc lột người tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, nó hủy hoại cạnh tranh và có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra những bất ổn về kinh tế. Bởi vậy pháp luật của các nước không chỉ cấm và trừng phạt nghiêm khắc mà còn khá thống nhất với nhau trong việc đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá hành vi phá giá độc quyền, đó là:
- Hành vi này phải do các doanh nghiệp có quyền lực trên thị trường thực hiện;
- Tính chất cạnh tranh của thị trường bị phá giá;
- Tỷ lệ chênh lệch giữa giá bán và mức giá trong điều kiện cạnh tranh so với chi phí sản xuất hay chi phí để doanh nghiệp có được hàng hoá đó. Tỷ lệ chênh lệch cho phép là khác nhau ở mỗi quốc gia [40, tr. 133].
Phá giá độc quyền được chia làm hai loại: phá giá chiến lược và phá giá cướp đoạt.
- Phá giá chiến lược là hành vi bán phá giá nằm trong một chiến lược cạnh tranh tổng thể của nước xuất khẩu.
- Phá giá cướp đoạt là hành vi định giá thấp nhằm mục đích đẩy đối thủ cạnh
tranh vào tình trạng phá sản để giành vị trí độc quyền tại nước nhập khẩu. Nhìn dưới góc độ kinh tế thì phá giá cướp đoạt là hành vi liều lĩnh và rất tốn kém. Nó chỉ thực sự đáng giá khi tất cả các khoản lỗ và chi phí bị mất có thể thu hồi về được. Trong quan hệ thương mại quốc tế, việc phá giá độc quyền khó có thể thực hiện được một cách tuyệt đối, bởi lẽ bên cạnh việc loại bỏ đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường, doanh nghiệp thực hiện hành vi phá giá độc quyền cũng luôn phải lưu ý đến việc ngăn cản sự gia nhập của các doanh nghiệp tiềm năng. Vì vậy việc thực hiện chiến lược độc quyền thị trường bằng phá giá cũng chưa thực sự hiệu quả cho bản thân doanh nghiệp.
(ii) Phá giá không độc quyền: Phá giá không độc quyền được biểu hiện qua ba
dạng là:
- Phá giá mở rộng thị trường: là việc nhà sản xuất bán hàng hoá với giá cao
ở trong nước nhằm hỗ trợ cho giá thấp ở thị trường xuất khẩu. Khác với phá giá cướp đoạt phá giá nhằm mở rộng thị trường luôn gắn liền với sự đắp đổi lợi nhuận thu được ở thị trường nội địa cho các khoản lỗ do phá giá gây ra, phá giá cướp đoạt gắn liền với việc định giá thật thấp đủ để loại đối thủ ra khỏi thị trường. Mục đích mở rộng thị trường nhìn dưới góc độ kinh tế học là hành vi tăng thị phần của doanh nghiệp trên thị trường. Một doanh nghiệp có thị phần lớn sẽ dễ dàng lấn át bất kỳ một công ty nào có thị phần nhỏ hơn. Do đó, một trong những mục tiêu mà bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng mong muốn đạt được là dành thị phần lớn nhất có thể. Trong thương mại quốc tế, việc sử dụng lợi nhuận độc quyền thu được từ thị trường trong nước nhằm bù đắp cho những tổn thất từ việc phá giá hàng hoá xuất khẩu ra nước ngoài có bị coi là không lành mạnh không? Sự hỗ trợ giữa các
thị trường để chiếm đoạt dần thị phần ở các vùng thị trường khác nhau phản ánh bản chất không lành mạnh của hành vi này. Tuy vậy, khi bàn luận về sự không lành mạnh của phá giá mở rộng thị trường cho đến nay cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng sẽ là lành mạnh khi hành vi bị coi là bán phá giá của nhà sản xuất nằm trong chiến lược phát triển thị trường của nước nhập khẩu. Quan điểm này dựa trên nguyên tắc cơ bản là một thị trường chỉ được coi là có cạnh tranh và có các chính sách cạnh tranh hợp lý khi đầu vào của thị trường đó thật sự thuận lợi, đảm bảo cho sự tham gia của nhiều chủ thể vào thị trường.
- Phá giá chu kỳ: là hình thức phá giá mà nhiều doanh nghiệp sử dụng để giải quyết hậu quả của việc sản xuất quá dư thừa loại hàng hoá đó. Sự bất công mà hành vi bán phá giá này gây ra là việc sản xuất quá mức dẫn đến dư thừa là vấn đề của nhà sản xuất, nhưng khi tiến hành phá giá để giải quyết tình trạng do chính họ gây ra có thể sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu .
- Phá giá thương mại của nhà nước là hình thức bán phá giá được thực hiện
chủ yếu trong các nền kinh tế mà tỷ giá hối đoái có ý nghĩa nhỏ bé hoặc các tín hiệu về giá cả là không quan trọng.
Cách phân loại phá giá theo động cơ có ý nghĩa rất lớn cho việc xác định và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá cho phù hợp với từng biểu hiện của loại hành vi này. Mặt khác, với cách thức nhận dạng hành vi từ động cơ của chủ thể thực hiện, việc phát hiện sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều ...