Chi tiết hoá các quy định hiện hành về chống bán phá giá

Một phần của tài liệu Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế (Trang 153)

Từ các phân tích trên đây, chúng tôi đưa ra đề xuất cần phải quy định một cách chi tiết các nội dung của pháp luật Việt Nam về chống bán phá giá. Để khắc phục những hạn chế hiện tại, những nội dung cần bổ sung và quy định chi tiết là:

Một là xác định thế nào là giá xuất khẩu và cách thức tính toán giá xuất khẩu. Một yêu cầu rất cơ bản là giá xuất khẩu không bao gồm thuế xuất nhập khẩu

mà Việt Nam đã đánh thuế đối với hàng hoá đó, bởi lẽ, nếu cộng thêm một khoản thuế nhập khẩu thì giá xuất khẩu sẽ tăng lên một khoản tương ứng và từ đó ảnh hưởng đến tính đúng đắn trong kết luận của cơ quan điều tra.

Hai là quy định những nguyên tắc trong việc so sánh giữa giá thông thường

của hàng hoá và giá xuất khẩu. Chúng tôi cho rằng trong nội dung này, có thể tiếp thu cách thức mà luật chống phá giá của WTO sử dụng, theo thứ tự ưu tiên là: dùng phương pháp lấy trung bình của giá trị thông thường so sánh với trung bình của giá xuất khẩu; lấy giá trị thông thường của từng giao dịch so sánh với giá xuất khẩu của từng giao dịch; và trung bình của giá thông thường so sánh với từng giao dịch.

Ba là, qui định chi tiết những tiêu chí để xác định thiệt hại vật chất cũng như sự đe dọa gây thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất trong nước. Pháp lệnh chống bán phá giá chỉ quy định thế nào là thiệt hại vật chất cũng như nguy cơ đe dọa gây thiệt hại mà chưa có các quy định cụ thể về những tiêu chí xác đình thiệt hại, cũng như đe doạ gây thiệt hại. Vì thế, để đảm bảo cho quá trình điều tra và kết luận được chính xác.đảm bảo hiệu quả áp dụng pháp luật. Pháp luật cần phải đưa ra được những tiêu chí cơ bản phản ánh thiệt hại cũng như nguy cơ đe doạ thiệt hại. Các tiêu chí đưa ra phải phản ánh một cách toàn diện tình trạng của ngành sản xuất chứ không chỉ chú trọng vào suy giảm về thu nhập của người sản xuất hàng hoá trong nước. Đối với nguy cơ đe doạ gây thiệt hại, pháp luật cần đặt ra các nguyên tắc khi kết luận để tránh tình trạng kết luận dựa vào ý chí chủ quan mà không căn cứ vào các chứng cứ xác thực.

Bốn là cần phải làm rõ quy định về điều kiện thương mại thông thường trong việc điều tra các căn cứ của bán phá giá. Cách tiếp cận hợp lý nhất để làm rõ phạm vi của điều kiện thương mại thông thường là đi từ mặt trái của nó, bởi lẽ với quyền tự do trên thị trường thì mọi sáng tạo trong kinh doanh đều phải được coi là

bình thường nếu sự sáng tạo đó không gây thiệt hại cho bất kỳ ai. Do đó, Pháp luật cần phải tìm ra những biểu hiện không bình thường nhằm tìm kiếm phạm vi của điều kiện thương mại thông thường. Những trường hợp không được coi là thông thường khi quá trình hình thành giá bị chi phối bởi mối quan hệ giữa các bên có liên quan hoặc có sự can thiệp từ phía nhà nước.

Năm là pháp luật chống bán phá giá phải quy định về cách thức lựa chọn

các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài được quyền tham gia điều tra, cách thức tính biên độ phá giá cho từng nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài...

Các nội dung trên đôi khi chỉ là những yếu tố mang tính kỹ thuật trong việc tính toán và so sánh để xác định hành vi bán phá giá và thiệt hại xảy ra do hành vi bán phá giá. Nhưng chúng có ý nghĩa rất lớn đến những kết luận của hoạt động điều tra. Vì thế, chúng không còn là vấn đề thuộc nghiệp vụ điều tra hay xử lý vụ việc nữa mà đã trở thành một yêu cầu mà pháp luật cần phải quy định rõ để tạo được sự thống nhất trong quá trình chống bán phá giá, đảm bảo quyền lợi cho các bên và hiệu quả của việc áp dụng pháp luật. Phương án tốt nhất hiện nay sẽ là ban hành văn bản chi tiết hoá pháp lệnh và quy định cụ thể những nội dung đã yêu cầu.

Một phần của tài liệu Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế (Trang 153)