Đặc điểm của bán phá giá

Một phần của tài liệu Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế (Trang 36 - 42)

Trong thực tiễn pháp lý đang tồn tại hai khái niệm phá giá cùng để diễn tả hành vi bán hàng với giá thấp hơn giá trị bình thường của hàng hoá nhưng bản chất của hai hành vi này là khác nhau, mức độ nguy hại cũng như biện pháp xử lý chúng có những điểm khác nhau. Đó là phá giá hàng nhập khẩu và phá giá hàng hoá trong thị trường nội địa. Vì vậy, khi tiếp cận khái niệm bán phá giá cần nhận dạng chúng một cách rõ nét thông qua các dấu hiệu biểu hiện của từng hành vi

trong môi trường tồn tại của chúng. Từ những khái niệm và ý nghĩa kinh tế đã trình bày có thể thấy một số những dấu hiệu của phá giá như sau:

Thứ nhất: bán phá giá hàng nhập khẩu xảy ra trong quan hệ thương mại

quốc tế. Nói cách khác hiện tượng phá giá hàng nhập khẩu diễn ra trong quan hệ

mua bán hàng hoá giữa hai thị trường của hai nước khác nhau, là sản phẩm không mong muốn của quá trình hợp tác kinh tế quốc tế và là mặt trái của tự do hoá thương mại.

Quan hệ thương mại quốc tế được biểu hiện thông qua sự dịch chuyển các giá trị thương mại dưới hình thức hàng hoá hoặc dịch vụ giữa thị trường của các nước với nhau dựa trên quy chế tối huệ quốc (MFN) và quy chế đãi ngộ quốc gia (NT). Hai quy chế này đảm bảo cho nguyên tắc tự do và bình đẳng thực sự phát huy được hiệu quả trong thương mại quốc tế cũng như bảo đảm cho hàng hoá được lưu thông một cách tự do trên tinh thần không phân biệt đối xử. Một khi sự tự do được đề cao và coi như là nguyên lý bất khả xâm phạm thì cũng từ đó song hành với quy luật giá trị xuất hiện những hành vi cạnh tranh tự phát có thiên hư- ớng thái quá, cực đoan trong cạnh tranh quốc tế - đây chính là mặt trái của sự tự do trong thương mại quốc tế mà phá giá là minh chứng [40, tr. 38]. Nhận dạng hành vi phá giá hàng nhập khẩu thông qua dấu hiệu có sự dịch chuyển hàng hoá từ thị trường của nước này sang thị trường của nước khác hoặc khu vực khác mà giá bán của nó thấp hơn giá bán theo các điều kiện bình thường tại nơi sản xuất ra nó. Với bản chất phi kinh tế và không bình thường, hành vi bán phá giá đã bóp méo các nguyên lý của thị trường tự do mà các nỗ lực hợp tác kinh tế quốc tế đã tạo lập. Do đó, bán phá giá bị tập quán thương mại quốc tế cũng như pháp luật quốc tế coi là hành vi bất chính. Kết quả tất yếu là xảy ra những xung đột trong việc đấu tranh loại bỏ và trừng phạt hành vi này. Việc xác định chính xác thị trường mà ở đó hàng hoá bán phá giá được sản xuất và xác định thị trường nhập khẩu hàng hoá phá giá có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các yếu tố cấu

thành hành vi phá giá cũng như việc áp dụng các biện pháp đấu tranh chống bán phá giá. Trong khi đó, phá giá trong nước hay còn gọi là phá giá nội địa là khái niệm diễn tả một hành vi cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trên cùng một thị trường giữa các chủ thể kinh doanh với nhau, không kéo theo những xung đột trong thương mại giữa các thị trường. Vì vậy chỉ cần pháp luật cạnh tranh của nhà nước can thiệp nhằm bảo đảm cho sự lành mạnh của thị trường.

Thứ hai: Phá giá là hiện tượng phân biệt giá quốc tế. Nói cách khác, trung

tâm của khái niệm bán phá giá là có sự chênh lệch (so sánh) về giá một cách không bình thường, khi giá xuất khẩu của một loại hàng hoá thấp hơn giá trị thông thường của nó tại nước xuất khẩu. Vì thế hai yếu tố cơ bản được sử dụng để xác định phá giá là giá xuất khẩu vào thị trường nước nhập khẩu và giá trị thông thường của hàng hoá bị nghi ngờ tại thị trường nước xuất khẩu, và phương pháp được sử dụng là so sánh hai yếu tố đó với nhau để chỉ ra sự chênh lệnh. Mọi sự chênh lệch mà ở đó cho thấy giá xuất khẩu của sản phẩm thấp hơn giá trị thông thường của nó đều phản ánh dấu hiệu của việc phá giá hàng hoá. Tuy nhiên như đã phân tích việc hạ giá bán trong phá giá khác cơ bản so với hạ giá là kết quả của quá trình giảm chi phí ở chỗ chủ thể thực hiện việc bán phá giá chấp nhận hy sinh lợi nhuận hoặc chấp nhận lỗ khi bán hàng hoá trên thị trường nước khác. Sự hy sinh ấy quyết định bản chất không lành mạnh của hành vi bán phá giá mà luật pháp của nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ gọi là hành vi bán hàng hoá dưới giá trị công bằng.

Về phạm vi, phá giá trong nước được xác định là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh qua giá của các nhà sản xuất hàng hoá trên cùng thị trường của một quốc gia. Phá giá trong thương mại quốc tế là kết quả của quá trình phân biệt giá giữa hai thị trường và mức độ phá giá biểu hiện thông qua sự chênh lệch về giá bán giữa hai thị trường. So sánh giá là công việc bắt buộc phải thực hiện trong việc xác định phá giá, kết quả của nó sẽ xác định có hay không có cũng như xác

định sự nguy hại của hành vi bán phá giá quốc tế. Do sự không đồng nhất về điều kiện cũng như yếu tố cấu thành của thị trường giữa các quốc gia mà việc so sánh giá luôn đặt ra rất nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết.

Thứ ba: Đối tượng của hành vi bán phá giá là hàng hoá tham gia vào lưu thông trong quan hệ thương mại quốc tế.

Mọi thiết chế pháp lý trong quan hệ thương mại quốc tế đều nhằm mục đích tạo lập những khuôn khổ cho quá trình dịch chuyển một cách tự do và lành mạnh trên cơ sở không phân biệt đối xử đối với các đối tượng là hàng hoá và dịch vụ. Tuy nhiên trong các hiệp định liên quan đến phá giá của các tổ chức kinh tế quốc tế như WTO, EU... và pháp luật về phá giá của các nước đều không đề cập đến phá giá dịch vụ. Hay nói cách khác, các luật lệ về phá giá hiện nay chỉ đề cập đến phá giá hàng hoá trong thương mại quốc tế.

Pháp luật phá giá hàng hoá được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc đối vật. Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất vật chất hiện hữu của hàng hoá và nhấn mạnh đến đối tượng xử lý của các biện pháp chống bán phá giá là hàng hoá. Theo đó, khi có hiện tượng phá giá và xác định được hàng hoá bán phá giá, pháp luật xuất hiện để xử lý hàng hoá phá giá mà không phân biệt người thực hiện hành vi đó có phải là người sản xuất hay không, và cũng không quan tâm đến yếu tố quốc tịch của người đã thực hiện hành vi bán phá giá hàng hoá. Nói cách khác, biện pháp chống bán phá giá dựa trên nguyên tắc đối vật được áp dụng đối với sản phẩm chứ không phải chống lại nguồn của sản phẩm. Xuất phát từ quan niệm tranh chấp về phá giá trong thương mại quốc tế biểu hiện sự xung đột về lợi ích giữa hai thị trường khác nhau, vì thế một khi sự xâm nhập hàng hoá từ thị trường nước này bằng một phương cách có thể đe doạ đến sự phát triển của hàng hoá trong thị trường nước nhập khẩu, cũng là lúc phát sinh quyền tự vệ bằng cách tác động ngược trở lại bằng các biện pháp tương ứng đối với hàng hoá đã gây ra hoặc

đe dọa gây ra thiệt hại. Như vậy, đối tượng được xác định trong phá giá hàng hoá chính là hàng hoá nhập khẩu và các biện pháp trừng phạt cũng nhắm đến hàng hoá chứ không phải nhằm đến chủ thể thực hiện hành vi. Nguyên tắc đối vật thực sự có ý nghĩa đối với việc xác định cũng như hiệu quả áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Về vấn đề này, trong việc đấu tranh chống phá giá nội địa cũng có những điểm khác cơ bản. Phá giá nội địa với bản chất không lành mạnh, và là đối tượng bị ngăn cấm của pháp luật cạnh tranh luôn đòi hỏi phải xác định cụ thể chủ thể thực hiện hành vi. Bởi lẽ với tư cách là đối tượng của luật cạnh tranh nội địa một khu vực pháp luật chịu sự chi phối bởi các nguyên tắc của luật tư, tức là chừng nào người bị ảnh hưởng, bị thiệt hại hay có nguy cơ bị đe dọa chưa đưa ra sự phản đối thì toà án và pháp luật chưa thể vào cuộc; chế tài áp dụng là bị buộc phải đình chỉ hành vi vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại nếu có. Mặt khác, khi bàn đến phá giá nội địa, pháp luật cũng áp dụng cho dịch vụ. Theo quy định tại khoản 3 điều 4 Pháp lệnh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 26 tháng 04 năm 2002, “phá giá là hành vi bán hàng hoá, dịch vụ với giá thấp hơn giá thông thường trên thị trường Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác, của người tiêu dùng và

lợi ích của Nhà nước”.

Vậy tại sao dịch vụ trong quan hệ thương mại quốc tế chưa được xem là đối tượng điều chỉnh của pháp luật phá giá quốc tế? Lịch sử phát triển của quá trình toàn cầu hoá kinh tế, vấn đề phá giá dịch vụ đã được đề ra trong Hiến chương Havana. Phạm vi phá giá dịch vụ mà các nước tham gia Hiến chương quan tâm là phá giá dịch vụ trong lĩnh vực vận tải biển. Theo đó, việc sử dụng các thoả thuận về giá cả phân biệt hoặc trợ giá trong các điều khoản về dịch vụ vận tải biển được coi là phá giá dịch vụ [20, tr. 228]. Việc phá giá cước phí vận chuyển đồng nghĩa với tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu mà điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến

mức giá của sản phẩm hàng hoá được nhập khẩu. Mặc dù vấn đề phá giá dịch vụ được nhiều quốc gia quan tâm và đã được ghi nhận trong Hiến chương Havana, song trên thực tế do không có đủ số lượng quốc gia cần thiết phê chuẩn nên không có hiệu lực. Vì vậy, trong thương mại quốc tế phá giá dịch vụ vẫn chưa được pháp luật quốc tế điều chỉnh.

Diện mạo của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thực sự chuyển sang một sắc thái mới với vòng đàm phán Uruguay. Trong vòng đàm phán này, không chỉ đề cập đến vấn đề tự do hoá hơn nữa về thương mại hàng hoá mà còn đề ra việc thiết lập khuôn khổ cho tự do hoá về thương mại dịch vụ. Một vấn đề của thực tiễn xây dựng khuôn khổ cho tự do thương mại dịch vụ là cơ cấu của thị trường dịch vụ khác với cơ cấu của thị trường hàng hoá, xuất phát từ tính chất đặc thù của dịch vụ, đặc biệt là cung ứng dịch vụ qua biên giới trong thương mại quốc tế. Quá trình xây dựng thị trường tự do về dịch vụ đã cho thấy một vấn đề nan giải là xây dựng định nghĩa về thương mại dịch vụ, cũng như thu thập số liệu thống kê chính xác về dòng thương mại dịch vụ.

Cho đến nay, các tổ chức kinh tế quốc tế đặc biệt là WTO cũng chỉ có thể đ- ưa ra một cách tương đối các loại dịch vụ tham gia vào tiến trình tự do hoá thương mại mà khó có thể xác định được chính xác khái niệm và số lượng dịch vụ đã được cung ứng qua biên giới trong thực tế. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề khó khăn liên quan đến những trở ngại trong việc xác định cách thức điều chỉnh phù hợp đối với thương mại dịch vụ là nhận dạng cách thức mà dịch vụ có thể giao dịch trong quan hệ thương mại quốc tế. Đối với thương mại hàng hoá, việc xác định quá trình và cách thức dịch chuyển tương đối đơn giản thông qua sự dịch chuyển hiện hữu qua biên giới của hàng hoá. Với tính chất vô hình của dịch vụ mà quá trình cung ứng dịch vụ qua biên giới trong quan hệ thương mại quốc tế khó được nhận biết cặn kẽ, thậm chí đôi khi bản thân nhà xuất khẩu dịch vụ cũng không nhận ra rằng họ đang xuất khẩu dịch vụ. Từ đó rất khó xác định chính xác

khối lượng và số lượng dịch vụ được chuyển qua biên giới. Những vấn đề khó khăn này đòi hỏi phải có một khuôn khổ pháp lý riêng cho loại hình thương mại dịch vụ mà không thể sao chép khuôn khổ của thương mại hàng hoá để áp dụng. Vấn đề bán phá giá dịch vụ nằm trong những nội dung còn bỏ ngỏ của quan hệ thương mại quốc tế.

Một phần của tài liệu Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế (Trang 36 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)