Dựa vào các biểu hiện của phá giá có thể phân thành các loại: (i) phá giá ẩn, (ii) phá giá gián tiếp và (iii) phá giá thứ cấp [20, tr. 83].
(i) Phá giá ẩn: là hành vi theo đó người nhập khẩu bán hàng nhập khẩu trên thị trường của nước mình với giá thấp hơn giá ghi trên hoá đơn của người xuất khẩu đối với hàng hoá đó và bằng nhiều hình thức khác nhau người xuất khẩu sẽ hoàn lại một cách không minh bạch cho nhà nhập khẩu. Một trong những yêu cầu để nhận dạng phá giá ẩn là có sự liên kết giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu và đã có sự chuyển dịch giá ngầm giữa họ với nhau để nhìn về hình thức thì hàng hoá khi vào thị trường nước xuất khẩu không có biểu hiện của phá giá, nhưng khi lưu thông thương mại thì xuất hiện hiện tượng bán giá thấp.
(ii) Phá giá gián tiếp (Indirect dumping): Phá giá thông thường được hiểu là việc bán hàng hoá dưới mức giá trị chuẩn tại nước xuất khẩu. Với cách hiểu này, phá giá chỉ liên quan đến thị trường của hai nước có liên quan. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp nếu xem xét giá bán hàng hoá ở thị trường nước nhập khẩu trực tiếp thì không có biểu hiện của bán phá giá, nhưng khi hàng hoá được lưu thông thương mại từ nước thứ hai sang nước thứ ba và tại nước thứ ba giá bán hàng hoá so với giá của nước xuất xứ lại có biểu hiện của phá giá.
(iii) Phá giá thứ cấp (secondary dumping) được hiểu là việc xuất khẩu loại hàng
hoá có các bộ phận được phá giá (ví dụ như sản xuất xe máy mà khung được nhà sản xuất nhập với giá thấp hơn giá thị trường). Trong thực tế, dấu hiệu và thiệt hại do phá giá thứ cấp gây ra rất khó xác minh.