- Sự tồn tại rủi ro cơ bản, mức biến động của giá giao ngay và mức biến động
1.3.3 Những cơ sở pháp lý cho các giao dịch phái sinh ngoại hố
Bất cứ một thị trường nào cũng đòi hỏi phải có luật lệ điều chỉnh nhằm hướng các hoạt động của thị trường được minh bạch, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể tham gia. Thị trường công cụ phái sinh ngoại hối rõ ràng phức tạp và khó quản lý hơn nhiều so với thị trường ngoại hối, do vậy càng đòi hỏi hệ thống các văn bản pháp lý đầy đủ và thống nhất. Hầu hết các nước đều có hệ thống các văn bản luật điều chỉnh các giao dịch trên thị trường phái sinh.
Đối tượng giao dịch trên thị trường công cụ phái sinh ngoại hối không đơn thuần là ngoại tệ mà là các công cụ tài chính thể hiện các quyền liên quan đến mua bán ngoại tệ. Các quyền này cần phải được luật hóa, cụ thể hơn là, trong các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động phái sinh cần phải đưa ra định nghĩa rõ ràng về các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ những giao dịch phái sinh và các cơ chế thực thi. Hơn nữa, đối với những giao dịch phái sinh ngoại hối trên thị trường tập trung còn có thêm các đối tượng trung gian ngoài người mua và người bán. Hoạt động của các trung gian cũng phải được giám sát và quy định chặt chẽ để đảm bảo họ thực hiện đúng tất cả các nghĩa vụ trên thị trường. Trong trường hợp có vi phạm, sàn giao dịch sẽ phải tự điều chỉnh và giám sát để lành mạnh hóa thị trường và thay mặt chính phủ cung cấp một khung pháp lý toàn diện và bao quát để giám sát hoạt động phái sinh.
Theo “Mục đích và nguyên tắc về quản lý chứng khoán” của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) năm 2003, việc quản lý sẽ bao gồm 3 mục tiêu tổng quát: bảo vệ các nhà đầu tư; đảm bảo thị trường là công bằng, hiệu quả và minh bạch; giảm rủi ro hệ thống.
Bảo vệ nhà đầu tư: áp dụng các biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư- những người tham gia thị trường khỏi những hành động sai nguyên tắc hoặc vô trách nhiệm của sàn giao dịch, đối tác và các người trung gian có liên quan. Cơ chế chung để bảo đảm nhà đầu tư bao gồm: đưa ra những tiêu chuẩn đúng đắn và phù hợp về những người trung gian: yêu cầu người trung gian phải tách bạch tài khoản của
mình với tài khoản của khách hàng, ràng buộc cơ chế trọng tài để giải quyết các tranh chấp nếu có xẩy ra.
Đảm bảo thị trường hoạt động công bằng, hiệu quả và minh bạch: phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo giá thị trường phản ánh đúng thông tin công khai của thị trường, kiểm soát những hành vi đầu cơ quá mức, và ngăn ngừa việc làm giá trên thị trường. Cơ chế chung được sử dụng để bảo đảm tính công bằng (integrity) của thị trường, bao gồm đưa ra các hạn chế vị thế cho các đối tượng là nhà đầu cơ, giám sát chặt chẽ và liên tục đối với những đối tượng có nghi ngờ gian lận; công khai và hoàn toàn toàn miễn phí trong việc tiếp cận thông tin; giám sát việc giao hàng theo đúng thỏa thuận.
Giảm rủi ro hệ thống: áp dụng các biện pháp để quản trị hiệu quả các rủi ro hệ thống phát sinh từ hoạt động của thị trường, giảm rủi ro vỡ nợ của các đối tượng tham gia thị trường. Một số nguyên tắc giảm rủi ro là áp dụng quy định về yêu cầu vốn tối thiểu khi tham gia thị trường, yêu cầu nghiêm ngặt về ký quỹ và mức ký quỹ tương ứng với từng mức độ rủi ro của thị trường (như mức ký quỹ cao trong giai đoạn có biến động hoặc trong khoảng thời gian giao hàng); quy định hạn mức biến động giá hàng ngày.
Các nước khi xây dựng hệ thống các văn bản pháp lý điều chỉnh các giao dịch phái sinh ngoại hối cũng nên thỏa mãn các mục tiêu này, để các chức năng của công cụ phái sinh phát huy được hiệu quả tối đa. Thị trường công cụ phái sinh chia thành 2 phần chính là thị trường tập trung và thị trường phi tập trung. Trên thực tế, thị trường tập trung hay thị trường có tổ chức vận hành đồng bộ hơn và dễ kiểm soát hơn. Bởi lẽ, bên cạnh những quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước về các điều kiện thành lập Sàn giao dịch, như điều kiện về vốn, cơ sở vật chất, con người (nhấn mạnh yếu tố trình độ và khả năng quản lý), điều kiện về các mặt hàng được phép giao dịch, về các công cụ phái sinh được sử dụng..., mỗi một sàn giao dịch còn có những quy định cụ thể hơn về điều kiện tham gia của các thành viên, các nhà đầu tư hay các điều kiện khác khi thực hiện giao dịch.
Ngược lại, trên thị trường phi tập trung, người bán và người mua có thể tự do thỏa thuận và điều chỉnh các điều kiện hợp đồng cho phù hợp với yêu cầu và mục đích của mình nên các hợp đồng không được quy chuẩn, do vậy, việc kiểm soát các
giao dịch trên thị trường OTC khó khăn hơn nhiều. Hơn thế nữa, việc thanh toán của các hợp đồng phái sinh trên thị trường OTC không thông qua trung tâm thanh toán bù trừ chung nên thông tin về các giao dịch không được minh bạch, khó khăn cho việc quản lý, đánh giá và thống kê giao dịch. Thực tế cho thấy, ngay cả ở thị trường mới nổi, hoạt động giao dịch phái sinh trên thị trường OTC cũng được quan tâm kiểm soát thông qua hệ thống các quy định về số vốn tối thiểu của các thành viên tham gia thị trường, số tiền ký quỹ và các điều khoản trong hợp đồng cũng dần được điều chỉnh theo hướng chuẩn hóa (IOSCO, 2010).
Ở Việt Nam, các giao dịch phái sinh ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý, do vậy, hầu hết các văn bản luật điều chỉnh hoạt động này tại Việt Nam đều do NHNN ban hành.