Thị trường công cụ phái sinh

Một phần của tài liệu Thị trường các công cụ phái sinh trên thế giới và giải pháp phát triển tại Việt Nam (Trang 32 - 34)

- Sự tồn tại rủi ro cơ bản, mức biến động của giá giao ngay và mức biến động

1.2.1.1 Thị trường công cụ phái sinh

Trước khi tìm hiểu khái niệm về thị trường công cụ phái sinh và thị trường công cụ phái sinh ngoại hối, cần phải nắm được khái niệm về thị trường nói chung. Hiểu một cách đơn giản, thị trường là nơi diễn ra việc trao đổi, mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, người mua và người bán không cần phải gặp gỡ trực tiếp tại một địa điểm nhất định để thỏa thuận về trao đổi hàng hóa, hay nói cách khác việc mua bán không còn cần đến một nơi cụ thể về mặt địa lý như trước nữa. Do vậy, khái niệm thị trường không nhất thiết phải gắn với một nơi cụ thể về mặt địa lý để có thể diễn ra việc trao đổi hay mua bán hàng hóa. Vậy thị trường là gì?

Thị trường một hàng hóa bất kỳ là tập hợp tất cả các người mua và người bán đối với hàng hóa đó (Frank/Bernanke 2007), cũng có thể là những người mua thực sự hay những người mua tiềm tàng đối với một sản phẩm” (Kotler, 2000) hay đó còn là một cơ chế hay là sự thỏa thuận qua đó họ sẽ tiến hành gặp nhau để buôn bán trao đổi (Hubbard and O’Brien 2013).

Thị trường còn được định nghĩa là một thể chế thông qua đó người mua và người bán tương tác qua lại và cam kết về trao đổi hàng hóa (Case/ Fair...2014), là một thể chế hay cơ chế tập hợp tất cả các người mua (những người có nhu cầu) và người bán (những người cung cấp) về các hàng hóa, dịch vụ hay nguồn lực nhất định. ...Trong hệ thống thị trường, mỗi thành viên tham gia đều hành động vì lợi ích của mình, nhằm tối đa hóa sự thỏa mãn và lợi nhuận thông qua các quyết định của chính mình liên quan đến việc tiêu dùng và sản xuất” (McCornell & Brue, 2007). Thị trường là một cơ chế trong đó người mua và người bán tương tác với nhau để xác định giá cả và sản lượng của hàng hóa hay dịch vụ (Samuelson, 1997), là tập hợp các sự thỏa thuận, thông qua đó người bán và người mua tiếp xúc với nhau để trao đổi hàng hóa và dịch vụ” (Begg, 1992),

Điểm chung trong tất cả các khái niệm về thị trường “là sự tập hợp các cam kết hay là cơ chế, thông qua đó người bán và người mua sẽ tương tác với nhau để trao đổi hàng hóa và dịch vụ”. Vậy thị trường các công cụ phái sinh được hiểu như thế nào?

Trước hết chúng ta so sánh thị trường các công cụ phái sinh và thị trường giao ngay (hay còn gọi là thị trường tiền mặt). Trên thị trường giao ngay, người bán và người mua sẽ tiến hành giao nhận các loại tài sản và thực hiện việc thanh toán ngay sau khi đã đạt được thỏa thuận, mặc dù trong một số trường hợp cụ thể, giao hàng có thể sau đó ít lâu và/hoặc sử dụng các điều khoản tín dụng trong thanh toán. Mỗi một giao dịch mua bán trên thị trường giao ngay sẽ chuyển quyền sở hữu các tài sản từ người bán sang người mua. Như vậy, trên thị trường giao ngay đối tượng được mua bán là các loại tài sản. Doanh số được thực hiện, khoản thanh toán được hoàn trả và tài sản được giao nhận. Trong tình huống khác, người bán và người mua có thể thỏa thuận trước về những điều kiện để có thể giao nhận tài sản vào một ngày nhất định nào đó trong tương lai. Các thỏa thuận giữa các chủ thể tham gia giao dịch thậm chí không nhằm mục đích là mua bán hàng hóa, không đòi hỏi việc giao nhận tài sản vật chất, nghĩa là đối tượng của giao dịch không phải là các tài sản mà là các quyền liên quan đến tài sản (bao gồm cả hàng hóa hữu hình và vô hình). Các thỏa thuận như vậy được diễn ra trên thị trường công cụ phái sinh. Hay nói cách khác, trên thị trường công cụ phái sinh, đối tượng được mua bán là các lời hứa, các

cam kết về việc chuyển giao tài sản và thanh toán với những điều kiện đã được quy định trước.

Như vậy, thị trường các công cụ phái sinh là cơ chế hay tập hợp các thỏa thuận về mua bán các lời hứa, các cam kết về việc chuyển giao tài sản và thanh toán với những điều kiện đã được quy định trước.

Một phần của tài liệu Thị trường các công cụ phái sinh trên thế giới và giải pháp phát triển tại Việt Nam (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(158 trang)
w