- Sự tồn tại rủi ro cơ bản, mức biến động của giá giao ngay và mức biến động
2.2.4. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Tác giả đã phân tích sự hình thành và phát triển của một số thị trường công cụ phái sinh nổi bật, đó là thị trường Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Mục đích của tác giả khi chọn phân tích 3 thị trường này là nhằm tìm kiếm sự đa dạng trong quá trình xây dựng và vận hành các thị trường hiện tại của các nước, từ nước có thị trường công cụ phái sinh lâu đời như Nhật Bản, đến nước cũng đã có thị trường công cụ phái sinh và đạt được những thành công nhất định như Ấn Độ và cuối cùng là xem xét có thị trường CCPS khá non trẻ như trường hợp Trung Quốc. Ngoài ra, các bài học kinh nghiệm rút ra từ việc phân tích sự hình thành và phát triển của các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ hay Trung Quốc đều đi từ giai đoạn mới hình thành đến giai đoạn phát triển về sau.
Thứ nhất, dù tôn trọng quy luật của thị trường, nhưng Nhà nước vẫn phải đóng then chốt và chủ đạo trong việc thúc đẩy sự phát triển thị trường công cụ phái sinh thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật kịp thời để phù hợp với bối cảnh và điều kiện phát triển kinh tế của mỗi nước trong từng thời kỳ.
Thứ hai, tùy điều kiện kinh tế và từng giai đoạn phát triển của từng nước để ưu tiên phát triển thị trường công cụ phái sinh đối với từng tài sản cơ sở cụ thể và
nên ưu tiên phát triển thị trường tập trung hay phi tập trung trước. Tuy vậy, vẫn phải đa dạng các CCPS để có thể thỏa mãn được tất cả các nhu cầu của khách hàng. Chú trọng phát triển thị trường tài sản cơ sở (thị trường ngoại hối) để làm tiền đề cho phát triển thị trường CCPS ngoại hối.
Thứ ba, thị trường CCPS ngoại hối vừa là thị trường tự do, vừa là thị trường chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật. Phải dung hòa được hai đặc điểm này, do vậy, phải xác lập một khuôn khổ quản lý và pháp lý toàn diện, nhất quán, tăng cường tính minh bạch và công khai để thị trường công cụ phái sinh phát triển và tăng trưởng hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng ngay từ đầu việc quản lý thị trường công cụ phái sinh phi tập trung vì tính phức tạp và đa dạng của nó.
Thứ tư, chú trọng đến việc đào tạo các chuyên gia về công cụ phái sinh và ban hành các quy định nhằm giúp thị trường vận hành trơn tru và hiệu quả. Đối với các thị trường công cụ phái sinh được coi là non trẻ, các cơ quản quản lý không khuyến khích, thậm chí hạn chế hoạt động giao dịch phái sinh nhằm mục đích đầu cơ mà thay vào đó là thúc đẩy mạnh mục đích phòng vệ rủi ro về giá.
Việc áp dụng các bài học kinh nghiệm được nêu ra ở trên là hoàn toàn khả thi nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ áp dụng hoàn toàn rập khuôn, mà phải tính đến các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam trước khi áp dụng các bài học đó. Theo nhận định của tác giả, thị trường Việt Nam hiện nay cần phải có những bước đi thận trọng trong phát triển thị trường phái sinh bởi những tác động nặng nề của nó có thể xảy ra đối với nền kinh tế. Một kế hoạch phát triển các công cụ phái sinh rõ ràng, với lộ trình cụ thể từng bước là rất cần thiết cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường công cụ phái sinh chuyên nghiệp và hiện đại.
Để phát triển thị trường CCPS ngoại hối, Việt Nam nên bắt đầu từ thị trường phi tập trung là hoàn toàn phù hợp, vì VND chưa phải là đồng tiền tự do chuyển đổi hoàn toàn và thị trường ngoại hối cơ sở của Việt Nam cũng chưa phát triển. Hiện tại, ngay cả các giao dịch giao ngay đối với hàng hóa cơ sở là ngoại tệ cũng chưa thực sự tự do và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các thành viên tham gia thị trường, do đây là mặt hàng tương đối nhạy cảm và có khả năng ảnh hưởng đến
nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nên bắt đầu xây dựng và phát triển song song thị trường CCPS ngoại hối tập trung.
Việt Nam nên lựa chọn CCPS là kỳ hạn để ưu tiên phát triển trước. Như trường hợp của Trung Quốc, trong thời kỳ đầu mới hình thành thị trường nước này đã chọn các công cụ phái sinh đơn giản như công cụ kỳ hạn đối với thị trường phi tập trung và công cụ tương lai đối với thị trường tập trung, rồi sau đó mới tính đến việc triển khai áp dụng các công cụ phái sinh phức tạp hơn như quyền chọn, hoán đổi và các công cụ lai tạo khác. Ngoài ra, để thực sự thúc đẩy nhu cầu sử dụng CCPS, bản thân các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức về CCPS trên cơ sở đó xây dựng triết lý kinh doanh mới về vấn đề đầu tư. Một trong những tính chất của thị trường công cụ phái sinh là “đánh cược” vào sự biến động giá trong tương lai dựa trên dự đoán; trong khi đó bản thân việc dự đoán luôn có xác suất đúng, nên kết quả thu được từ việc tham gia giao dịch tương lai có thể rơi vào trạng thái lãi hoặc lỗ. Chính vì vậy, tính chất “gambling” (đánh bạc) của thị trường công cụ phái sinh là khó tránh khỏi và thậm chí còn rõ rệt hơn nhiều so với mua bán hàng hóa trên thị trường cơ sở. Điều này đòi hỏi việc tuyên truyền một triết lý kinh doanh mới: “đầu tư chứ không phải cờ bạc”, nhất là tại các nước không cho phép loại hình casino tồn tại phổ biến.