- Sự tồn tại rủi ro cơ bản, mức biến động của giá giao ngay và mức biến động
2.1.3. Đánh giá về thị trường các công cụ phái sinh ngoại hối trên thế giớ
Qua phần phân tích về thị trường công cụ phái sinh trên thế giới, tác giả rút ra một số nhận xét về tình hình phát triển của thị trường như sau:
2.1.3.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, thị trường công cụ phái sinh ngoại hối thế giới phát triển rất sôi động, với doanh số giao dịch đến hàng trăm nghìn tỷ mỗi năm. Trong đó, thị trường phi tập trung có giá trị giao dịch cao gấp nhiều lần so với thị trường tập trung. Do thị trường phái sinh xuất hiện khá sớm và được nhiều nước đón nhận như là một kênh để phòng vệ rủi ro hay đầu tư, hệ thống các văn bản pháp lý của các nước khá chặt chẽ nên các hoạt động trên thị trường diễn ra bài bản và theo khuôn khổ.
Thứ hai, các CCPS nói chung và CCPS ngoại hối nói riêngtrên thị trường rất đa dạng, đáp ứng được các nhu cầu của hầu hết các thành viên tham gia thị trường, từ những công cụ đơn giản như phái sinh kỳ hạn hay phái sinh tương lai ngoại tệ cho đến những công cụ phức tạp quyền chọn và hoán đổi.
Thứ ba, mức độ phổ biến của các công cụ phái sinh còn phụ thuộc vào loại tài sản cơ sở. Trên thực tế, công cụ hoán đổi và quyền chọn tiêu chuẩn đối với tài sản cơ sở là lãi suất, công cụ phái sinh tương lai đối với chứng khoán hay hàng hóa vật chất, hay đối với rủi ro tín dụng thì công cụ chủ yếu là hoán đổi. Đối với tài sản cơ sở là ngoại hối, CCPS phổ biến là công cụ kỳ hạn và tương lai. Việc xác định các cặp công cụ phái sinh -tài sản cơ sở phổ biến sẽ giúp các nước đi sau muốn phát triển thị trường công cụ phái sinh có thể học hỏi kinh nghiệm là nên ưu tiên phát triển loại công cụ phái sinh nào và áp dụng cho tài sản cơ sở cụ thể nào.
Thứ tư, mỗi thị trường công cụ phái sinh bộ phận có các đặc điểm về phát triển riêng. Cụ thể, trên thị trường công cụ phái sinh tập trung, tài sản cơ sở chiếm vị thế áp đảo là chứng khoán, tiếp theo là hàng hóa và lãi suất, rồi mới tới ngoại hối; trong khi tại thị trường phi tập trung, lãi suất chiếm vị trí quan trọng nhất và chi phối sự phát triển toàn bộ thị trường, tiếp theo đó là ngoại hối. Như vậy, có thể thấy rõ, để phát triển thị trường CCPS ngoại hối, nên bắt đầu từ thị trường phi tập trung.
Thứ năm, thị trường CCPS nói chung và ngoại hối nói riêng thu hút được các nhóm khách hàng khác nhau, từ các ngân hàng thương mại lớn, các sàn giao dịch đóng vai trò là nhà tạo thị trường, cho đến các ngân hàng thương mại khác, các tập đoàn đa quốc gia, các công ty nội địa trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, đầu tư, xây dựng, dịch vụ, các nhà đầu tư cá nhân.
Thứ sáu, thị trường CCPS ngoại hối tại các nền kinh tế phát triển có mức độ phát triển và tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia vào thị trường cao, như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Úc và Đức. Với các doanh nghiệp, việc sử dụng các CCPS không chỉ nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, coi CCPS là một kênh đầu tư mới hiệu quả, mà trước hết là hướng đến mục tiêu phòng vệ và hạn chế các rủi ro biến động giá. Điều này cũng khẳng định xu hướng phát triển kinh tế chú trọng sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sẽ đi liền với việc phát triển thị trường CCPS trên thế giới.
2.1.3.2. Những điểm hạn chế
Thứ nhất, thị trường phái sinh ngoại hối phi tập trung chiếm tỷ trọng áp đảo so với thị trường tập trung, nên sẽ có vai trò điều khiển và dẫn dắt thị trường công cụ phái sinh ngoại hối trên thế giới. Mặc dù vẫn biết rằng, thị trường bộ phận phát triển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống; nhưng do hầu hết các hoạt động của thị trường phi tập trung không được tiêu chuẩn hóa và việc quản lý hoạt động cũng không chặt chẽ và dễ giám sát như ở các sàn giao dịch nên thị trường phái sinh phi tập trung sẽ có nguy cơ dẫn dắt sai và nhiều khả năng gây hậu quả khôn lường cho toàn bộ thị trường và các nền kinh tế hơn.
Thứ hai, thực trạng phát triển thị trường các CCPS trên thế giới cho thấy, thành phần thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất về doanh số giao dịch là các tổ chức tài chính-tín dụng. Điều này một mặt tạo tính thanh khoản tốt cho thị trường, nhưng mặt khác lại mang đến nguy cơ tiềm ẩn về sự phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu. Khi thị trường CCPS biến động bất lợi, các tổ chức tài chính sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất và nặng nề nhất và kéo theo sự sụp đổ của các định chế tài chính khác trong hệ thống như hiệu ứng domino.
Thứ ba, các CCPS ngoại lai đang được tạo ra ngày một nhiều hơn, đặc biệt là trên thị trường công cụ phái sinh phi tập trung, để đáp ứng được hầu hết nhu cầu
của các thành viên tham gia thị trường. Các CCPS ngoại lai thường có cấu tạo phức tạp hơn và không dễ sử dụng. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ hiểu sai hoặc chưa thấu đáo lợi ích và mặt trái của các công cụ mới này và người sử dụng có thể phải gánh chịu những tổn thất nặng nề từ các công cụ ngoại lai đó.
Thứ tư, theo thống kế của BIS, hơn 90% các giao dịch phái sinh trên sàn giao dịch thường kết thúc bằng việc bù trù thanh toán mà không phải bằng việc giao hàng thực. Điều này cho thấy các nhà đầu cơ tham gia vào thị trường phái sinh chiếm tỷ trọng khá cao nên sẽ gây nguy cơ không nhỏ cho sự phát triển bền vững của toàn bộ thị trường. Do khả năng thanh khoản và tính đòn bẩy cao của thị trường nên nhiều người phòng vệ rủi ro tỷ giá đã không duy trì được mục đích ban đầu của mình khi sử dụng các công cụ phái sinh, mà thường sẽ chuyển hướng sang hoạt động đầu cơ và nếu quản trị rủi ro không tốt thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.