- Sự tồn tại rủi ro cơ bản, mức biến động của giá giao ngay và mức biến động
3.2. Quan điểm phát triển thị trường CCPS ngoại hối tại Việt Nam
Việt Nam đang duy trì thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa cái chung là kinh tế thị trường với các đặc thù là định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế sẽ có các đặc điểm chung của kinh tế thị trường và thừa nhận các phạm trù hàng hoá, tiền tệ, thị trường, cạnh
tranh, cung cầu, giá cả thị trường, lợi nhuận, công nhận sự hoạt động của quy luật kinh tế thị trường và nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô trên cơ sở tôn trọng sự tác động khách quan của thị trường và cơ chế thị trường, tạo các điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh tế hoạt động và tôn trọng các quy luật thị trường khách quan. Nền kinh tế phát triển phải dựa trên sự phát triển đồng bộ của cả hệ thống thị trường. Ngày nay, hệ thống thị trường không chỉ bó hẹp ở thị trường sản phẩm và thị trường yếu tố nữa, mà mở rộng ra cả thị trường vốn, thị trường tiền tệ và thị trường các công cụ phái sinh.
Trên quan điểm đó, Việt Nam thừa nhận sự phát triển khách quan của các thị trường ngoại hối cơ sở và thị trường các công cụ ngoại hối phái sinh. Điều này thể hiện ở hệ thống các văn bản pháp lý điều chỉnh các giao dịch phái sinh tại Việt Nam đã được ban hành đời rất sớm, từ những năm 1990. Tùy theo trình độ phát triển của nền kinh tế, Việt Nam tiếp tục ban hành các quy định hướng dẫn về các giao dịch công cụ phái sinh trên các lĩnh vực khác nhau, như tiền tệ, hàng hóa vật chất và mới đây nhất, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2015, ngày 6/1/2015 quy định về hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của các NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Vấn đề phát triển thị trường ngoại hối đã được nhấn mạnh trong văn kiện của Đảng: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng và ngoại hối. Từng bước mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước và cam kết quốc tế; phát huy vai trò chủ động điều hành chính sách, quản lý thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và góp phần tăng trưởng kinh tế;...” (trích Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng); “... Điều hành chính sách lãi suất, tỉ giá linh hoạt theo nguyên tắc thị trường. Đổi mới chính sách quản lý ngoại hối và vàng; từng bước mở rộng phạm vi các giao dịch vốn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tiến tới xoá bỏ tình trạng sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam...” (trích Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020).
Ngoài ra, tại Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2013 về Phê duyệt đề án phát triển thị trường CKPS cũng nêu rõ, về dài hạn các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ cũng sẽ được tập trung giao dịch thống nhất trên Sở giao dịch chứng khoán với các CCPS chứng khoán và hàng hóa. Đây thực sự là một bước tiến dài của Việt Nam trong nỗ lực xây dựng thị trường công cụ phái sinh chứng khoán nói riêng và hệ thống thị trường công cụ phái sinh nói chung. Khi xây dựng và phát triển thị trường công cụ phái sinh sẽ hướng đến hoàn thiện cấu trúc thị trường các hàng hóa cơ sở, hỗ trợ sự phát triển bền vững các thị trường hàng hóa cơ sở, như thị trường thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa, tiền tệ và góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế nói chung.