Cơ sở pháp lý cho hoạt động phái sinh

Một phần của tài liệu Thị trường các công cụ phái sinh trên thế giới và giải pháp phát triển tại Việt Nam (Trang 119 - 122)

- Sự tồn tại rủi ro cơ bản, mức biến động của giá giao ngay và mức biến động

3.3.3. Cơ sở pháp lý cho hoạt động phái sinh

Thể chế kinh tế thị trường là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành nhu cầu giao dịch các sản phẩm phái sinh khác nhau. Kinh tế thị trường với những hệ giá trị và quy luật kinh tế của nó sẽ là nền tảng quan trọng nhất để hình thành một cách tự phát hoặc có tổ chức nhu cầu giao dịch trước hết đối với hàng hóa cơ sở, rồi đến nhu cầu về giao dịch các sản phẩm phái sinh đi kèm với những đặc trưng vốn của của loại hình thị trường này. Ví dụ, cơ chế xác định giá dựa trên cơ sở cung cầu và sự tự nguyện trao đổi giữa các bên tham gia; hoặc thị trường tài chính- tiền tệ hình thành tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia và hiện thực hóa các công cụ phái sinh trên tài sản cơ sở là ngoại hối và lãi suất. Do vậy, việc tiếp tục kiên trì thúc đẩy và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường sẽ tạo ra môi trường cho thị trường công cụ phái sinh các sản phẩm khác nhau được hình thành.

Thêm vào đó, điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự hoạt động của thị trường phái sinh đó là phải hoàn thiện cơ sở pháp lý. Nhìn chung, trong lĩnh vực ngoại hối, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh giao dịch phái sinh. Tuy nhiên, các văn bản này mới chỉ dừng lại ở các quy định mang tính chất chung chung, chứ chưa có các hướng dẫn cụ thể để có thể triển khai thực hiện các giao dịch trên thị trường. Cụ thể, đối với thị trường công cụ phái ngoại hối, trên cơ sở Luật Các TCTD, Pháp lệnh Ngoại hối, NHNN đã ban hành các quy định làm nền tảng cho các giao dịch phái sinh. Thực tế, các quy định pháp lý đầu tiên về giao dịch phái sinh tiền tệ chỉ dừng lại ở các Quyết định của Ngân hàng nhà nước, chứ chưa được quy định cụ thể trong luật. Luật Các TCTD năm 1997 không quy định cụ thể về sản phẩm phái sinh, nhưng Điều 76 quy định: TCTD được cung ứng dịch vụ khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy định tại Điều 76 và yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển hoạt động ngân hàng theo hướng hiện đại, NHNN đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật cho phép các TCTD được thực hiện một vài sản phẩm phái sinh, như phái sinh tiền tệ, hoán

đổi lãi suất. Luật Các TCTD năm 2010, tại khoản 23 Điều 4 quy định sản phẩm phái sinh là công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về giá trị của một tài sản tài chính gốc như tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ hoặc tài sản tài chính khác. Khoản 1 Điều 105 quy định sau khi được NHNN chấp thuận bằng văn bản, NHTM được kinh doanh, cung ứng dịch vụ cho khách hàng ở trong nước và nước ngoài các sản phẩm phái sinh về tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ và tài sản tài chính khác.

Hiện nay, các công cụ phái sinh phái sinh ngoại hối và lãi suất đã có văn bản hướng dẫn của NHNN bao gồm:

(1) Giao dịch hối đoái (giao dịch giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, quyền lựa chọn): TCTD được phép giao dịch hối đoái trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước số 1452/2004/QĐ-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2004 về Giao dịch Hối đoái của các Tổ chức tín dụng được phép hoạt động Ngoại hối;

(2) Hoán đổi lãi suất: NHTM, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thực hiện theo Quyết định 62/2006/QĐ-NHNN ngày 29/12/2006 của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất. Ngày 6/1/2015, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2015 quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Quyết định số 1452/2004/QĐ-NHNN ngày 10/11/2004 về giao dịch hối đoái của các TCTD đã có những thay đổi lớn, như chính thức cho phép tất cả các TCTD được phép thực hiện các giao dịch hối đoái đều được quyền thực hiện giao dịch quyền chọn ngoại tệ mà không cần phải xin phép NHNN. Qua đó, thời điểm này NHNN đã chấm dứt thời gian thí điểm nghiệp vụ này. Đồng thời, quy định kỳ hạn của giao dịch quyền chọn giữa các ngoại tệ với nhau do tổ chức tín dụng được phép và khách hàng tự thỏa thuận. Quy định này là một sự chuyển biến lớn trong cung cách quản lý các hoạt động giao dịch ngoại hối giúp thị trường quyền chọn nước ta ngày càng đa dạng hơn. Bên cạnh đó, quyết định này cho phép các cá nhân được phép tham gia ngoài các TCTD, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và NHNN.

Về tỷ giá giao dịch, Quyết định số 648/2004 do Thống đốc NHNN ban hành ngày 28/5/2004 quy định kì hạn của giao dịch kỳ hạn (Forward) và giao dịch hoán đổi (Swap) có thời hạn từ 3 ngày đến 365 ngày với tỷ giá kì hạn được xác định trên cơ sở: (i) Tỷ giá giao ngay của ngày kí hợp đồng kì hạn, hoán đổi; (ii) chênh lệch giữa hai mức lãi suất hiện hành là lãi suất cơ bản của VND (tính theo năm) do NHNN công bố và lãi suất mục tiêu do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố; và (iii) kì hạn của hợp đồng. Quy định về cách thức tính tỷ giá kì hạn này đã tiến gần với thông lệ quốc tế và là tiền đề pháp lý quan trọng cho sự phát triển của thị trường ngoại hối Việt Nam nói chung và giao dịch ngoại hối kì hạn nói riêng. Ngày 29/8/2006, NHNN cũng đã ban hành công văn số 7404/NHNN-KTTC. Nội dung chính của công văn này gồm có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nguyên tắc và nội dung kế toán đối với các nghiệp vụ hối đoái kỳ hạn, nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ, nghiệp vụ quyền chọn ngoại tệ, để giải quyết vấn đề hạch toán kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ tại các NHTM.

3.3.4. Điều kiện vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực

Điều kiện vật chất, kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong phát triển thị trường công cụ phái sinh, bởi trong thời đại công nghệ thông tin, hầu hết các giao dịch đều được thực hiện dưới sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật, điện tử, công nghệ tin học.

Để thực hiện hoạt động mua bán ngoại tệ, triển khai các công cụ phái sinh các NHTM đã cơ cấu tổ chức phòng kinh doanh tiền tệ và đầu tư hệ thống máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại như hệ thống Reuters Dealing, Reuters Extra, Reuters Eikon, hệ thống SWIFT, hệ thống Corebanking, máy Fax, máy Scan, máy điện thoại ghi âm tạo thuận lợi cho các giao dịch viên (Dealer) giao dịch tức thời nhưng vẫn đảm bảo tính chất pháp lý của giao dịch. Đặc biệt, đối với thị trường tập trung, yếu tố vật chất kỹ thuật đóng vai trò then chốt trong phát triển hoạt động giao dịch phái sinh. Việt Nam vẫn đang trong quá trình thiết kế và xây dựng thị trường công cụ phái sinh tập trung, do vậy, ngay từ đầu việc xây dựng thị trường tương lai cần áp dụng công nghệ tin học hiện đại nhằm kết nối thông tin giữa sàn giao dịch và khách hàng, xử lý quy trình thanh toán tự động. Thực tế, nhiều công tác nghiệp vụ còn chưa có tính liên thông và tự động hóa với các bên. Tự động cắt lỗ, xử lý tài

khoản của nhà đầu tư khi tài khoản của nhà đầu tư thấp hơn mức ký quỹ duy trì hay như việc kết nối với ngân hàng thanh toán trong việc nhập số liệu từ ngân hàng vào tài khoản của Sở giao dịch cũng phải qua 2 giai đoạn và được thực hiện thủ công. Điều này làm mất thời gian và làm tăng nguy cơ xẩy ra rủi ro tác nghiệp trong quá trình nhập liệu. Cơ sở vật chất của các sàn giao dịch và trung tâm thanh toán bù trù phải được chú trọng đầu tư để đảm bảo các giao dịch được thuận tiện và xuyên suốt. Đối với yếu tố nguồn nhân lực, ở những lĩnh vực chuyên sâu hiện nay rất khó tìm được ứng viên phù hợp, một số ngân hàng phải thuê chuyên gia nước ngoài, như: phân tích rủi ro, định giá, chiến lược phát triển sản phẩm mới. Hầu hết các NHTMCP quy mô trung bình trở xuống thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh; trình độ chuyên môn, khả năng phân tích, độc lập xử lý các vấn đề thực tế không cao,… (Nguyễn Thuần Vân, 2014). Theo kết quả phỏng vấn của các NHTM Việt Nam, số lượng các sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng ra trường và đăng ký thi tuyển vào NH cũng rất nhiều, nhưng hầu hết các sinh viên này đều chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng cứng (các kiến thức chuyên sâu về giao dịch phái sinh ngoại hối, quản trị rủi ro, định giá) và kỹ năng mềm (thái độ, kỹ năng làm việc với mọi người, khả năng giao tiếp và trình độ tiếng Anh) của các chuyên viên trong lĩnh vực phái sinh ngoại hối. Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Một phần của tài liệu Thị trường các công cụ phái sinh trên thế giới và giải pháp phát triển tại Việt Nam (Trang 119 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(158 trang)
w