Ưu điểm và nhược điểm của các công cụ phái sinh trong nền kinh tế

Một phần của tài liệu Thị trường các công cụ phái sinh trên thế giới và giải pháp phát triển tại Việt Nam (Trang 26 - 31)

1.1.4.1 Ưu điểm

Công cụ phái sinh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản trị rủi ro của từng doanh nghiệp nói riêng mà còn đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế nói chung.

Thứ nhất, các công cụ phái sinh được sử dụng nhằm quản trị rủi ro về giá.

Trong giai đoạn đầu khi mới xuất hiện, tài sản cơ sở của các hợp đồng phái sinh chủ yếu là hàng nông sản như gạo, ngô, bông,... và mục đích đầu tiên của các công cụ phái sinh là nhằm phòng ngừa rủi ro về biến động giá của các tài sản cơ sở này. Nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới, ngày nay hàng hóa cơ sở của các giao dịch phái sinh đã trở nên phong phú và đa dạng hơn rất nhiều, từ nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất như dầu mỏ, thép, kim loại màu, bông,... đến các sản phẩm trên thị trường tài chính như ngoại tệ, chứng khoán, chỉ số chứng khoán, lãi suất. Việc tạo ra các công cụ phái sinh đã làm cho các rủi ro xảy trong tương lai có thể được mua bán, trao đổi. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, các tổ chức tài chính và phi tài chính, các nhà đầu tư có thể sử dụng các công cụ phái sinh, phổ biến như: công cụ kỳ hạn, công cụ tương lai, công cụ hoán đổi... để bảo vệ chính mình tránh những rủi ro do thay đổi giá nguyên vật liệu, hàng hóa, tỷ giá, lãi suất... nhằm mục đích giảm thiệt hại đối với các dòng tiền trong tương lai. Chính những lợi ích này trở thành yếu tố quan trọng giúp các công cụ tài chính phái sinh ngày càng được sử dụng rộng rãi: 92% trong số 500 công ty lớn nhất thế giới đã sử dụng các công cụ phái sinh để quản trị rủi ro về giá (Deutsche Borse, 2008).

Tại Việt Nam, các công cụ phái sinh được sử dụng lần đầu tiên là trong các giao dịch ngoại hối với hình thái công cụ phái sinh đơn giản nhất là hợp đồng ngoại hối kỳ hạn. Việc sử dụng các hợp đồng kỳ hạn đối với mua bán ngoại tệ đã giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể hạch toán được chi phí đầu vào và/hoặc bảo

hiểm cho các khoản doanh thu đầu ra bằng ngoại tệ. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, việc thanh toán ít khi xảy ra cùng lúc với thời điểm giao hàng và thường được yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ. Như vậy, bắt đầu từ thời điểm ký hợp đồng nhập khẩu, các nhà nhập khẩu phát sinh một khoản phải trả bằng ngoại tệ trong tương lai. Để thanh toán cho đối tác, nhà nhập khẩu phải dùng đồng nội tệ đổi sang ngoại tệ. Do vậy, giá trị của khoản phải trả bằng ngoại tệ nếu tính theo nội tệ có thể tăng hoặc giảm tùy theo sự biến động của tỷ giá. Nhà nhập khẩu lúc này đang đối mặt với rủi ro tỷ giá, bởi nếu tỷ giá biến động theo hướng bất lợi (đồng ngoại tệ tăng giá so với đồng nội tệ) thì khoản phải trả tính bằng nội tệ sẽ tăng lên, nhà nhập khẩu phải chịu thêm một khoản lỗ. Để phòng ngừa rủi ro này nhà nhập khẩu có thể sử dụng hợp đồng mua ngoại hối kỳ hạn để bảo hiểm. Ngược lại, nếu doanh nghiệp biết chắc có một khoản phải thu bằng ngoại tệ trong tương lai nhưng lo ngại ngoại tệ đó sẽ bị mất giá thì doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng bán kỳ hạn ngoại tệ nhằm cố định khoản thu đó tính theo nội tệ. Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng hợp đồng kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua việc cố định tỷ giá mua/bán một lượng ngoại tệ nhất định với ngân hàng, từ đó cố định khoản phải chi/thu bằng nội tệ bất chấp sự biến động của tỷ giá giao ngay trên thị trường. Đây là một trong những ứng dụng thường xuyên của công cụ kỳ hạn trong thương mại quốc tế ngày nay.

Thứ hai, các công cụ phái sinh được sử dụng nhằm mục đích kinh doanh chênh lệch giá. Ngoài mục đích đầu tiên là phòng ngừa rủi ro về biến động giá, công cụ phái sinh còn thu hút sự quan tâm và sử dụng của nhiều doanh nghiệp, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân bởi mục đích kinh doanh chênh lệch giá. Nếu giá của tài sản cơ sở trong các hợp đồng phái sinh không trùng khớp với giá giao ngay của tài sản cơ sở đó tính theo cùng một thời điểm thì các nhà đầu tư sẽ có cơ hội kinh doanh chênh lệch giá bằng cách mua với giá thấp và đồng thời bán với giá cao.

Một trong những công cụ phái sinh được sử dụng nhiều nhằm mục đích arbitrage là hợp đồng tương lai. Các hợp đồng tương lai được giao dịch trên sàn tập trung và giá trị của hợp đồng sẽ được đánh giá lại vào cuối mỗi ngày giao dịch theo giá của ngày hôm đó. Khác với hợp đồng kỳ hạn, các hợp đồng tương lai có thể được tất toán trước ngày đáo hạn bằng cách ký một hợp đồng đối ứng với nó và

thực tế khoảng 98% hợp đồng tương lai được thực hiện trước hạn theo cách này và cũng không cần đến việc giao hàng thực sự. Như vậy, nếu một nhà đầu tư nhận thấy giá tài sản cơ sở của một ngày giao dịch trên sàn tập trung không trùng với giá giao ngay của ngày hôm đó thì nhà đầu tư có thể tiến hành kinh doanh chênh lệch giá. Giá của tài sản cơ sở trong các hợp đồng tương lai có xu hướng tiệm cận với giá giao ngay khi gần đến ngày giao hàng của hợp đồng tương lai, nhưng không nhất thiết hai mức giá này phải bằng nhau, cho nên công cụ này thường mang lại cơ hội kinh doanh chênh lệch giá cho các nhà đầu tư.

Thứ ba, các công cụ phái sinh được sử dụng nhằm mục đích đầu cơ. Mục đích nguyên thủy của các công cụ phái sinh nói chung là phòng ngừa rủi ro về giá, nhưng đầu cơ mới là mục đích thu hút nhiều thành phần tham gia vào thị trường phái sinh. Theo thống kê của Ngân hàng thanh toán bù trừ quốc tế (BIS), chỉ có một phần rất nhỏ các hợp đồng tương lai được kết thúc bằng việc giao hàng thực sự, nghĩa là phần lớn các giao dịch tương lai sẽ là nhằm mục đích kinh doanh chênh lệch giá và đầu cơ. Chính tính chất đòn bẩy của các hợp đồng tương lai thể hiện qua tỷ lệ ký quỹ với sàn giao dịch và của hợp đồng quyền chọn thể hiện qua mức phí quyền chọn đã tạo nên công cụ đầu cơ khá hữu hiệu và vô hình trung điều này khiến nhiều người nghi ngại rằng công cụ phái sinh là trò may rủi, cờ bạc.

Theo quan điểm của tác giả, không nên chỉ hiểu mục đích đầu cơ theo nghĩa tiêu cực là thao túng giá, lũng đoạn thị trường mà nên nhìn nhận các nhà đầu cơ như là một nhân tố quan trọng tạo nên tính thanh khoản cho thị trường phái sinh. Chính những nhà đầu cơ mới tạo nên sự sôi động của thị trường phái sinh, giúp thị trường này phát triển và gián tiếp thúc đẩy thị trường hàng hóa cơ sở phát triển. Thực tế, theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế trong Hội thảo “Phát triển hoạt động và mở rộng mặt hàng giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa trong thời kỳ hội nhập” được tổ chức vào ngày 15/5/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh, rất khó phân định rạch ròi mục đích đầu tư hay đầu cơ của các thành phần khi tham gia thị trường phái sinh. Tại Việt Nam, sàn giao dịch hàng hóa đầu tiên (VNX) được thành lập năm 2010 nhưng đến nay doanh số của sàn giao dịch vẫn còn rất khiêm tốn và một trong những nguyên nhân của tình trạng này là số lượng các nhà đầu tư tham gia còn quá ít. Các nhà đầu tư trên sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam vẫn chủ

yếu là các nhà đầu tư cá nhân chứ không phải là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các hội nông dân có sản phẩm cần phòng ngừa rủi ro về giá và hiển nhiên, mục đích của hầu hết các nhà đầu tư cá nhân là nhằm mục đích đầu cơ.

Thứ tư, các công cụ phái sinh được giao dịch trên thị trường là nguồn thông tin hiệu quả hình thành giá của tài sản cơ sở. Khi các công cụ phái sinh được giao dịch trên thị trường sẽ hình thành các mức giá của chính các công cụ này và trở thành nguồn thông tin hiệu quả trong việc xác định giá của tài sản cơ sở. Đặc biệt, thị trường tương lai được xem là một công cụ quan trọng để xác định giá giao ngay của tài sản. Các hợp đồng tương lai được giao dịch trên thị trường tập trung nên giá cả được niêm yết công khai và cập nhật; trong khi thị trường giao ngay của các hàng hóa cơ sở là rất rộng lớn và phân tán nên rất khó có thể xác định được giá giao ngay của chúng. Các chủ thể tham gia thị trường hàng hóa cơ sở có thể tham khảo giá cả của các hợp đồng tương lai được giao dịch gần nhất làm cơ sở để xác định giá giao ngay. Hơn nữa, tính thanh khoản và giá trị giao dịch của thị trường phái sinh trên thế giới rất lớn nên khó để một thế lực kinh tế nào có thể thao túng giá nên các thông tin giá cả của thị trường rất đáng tin cậy. Như vậy, những thông tin được cung cấp trên thị trường phái sinh góp phần hình thành giá giao ngay trong tương lai một cách có hiệu quả mà những người tham gia thị trường có thể chốt lại trong giới hạn chấp nhận của mình. Ngoài ra, thông tin giá cả sẽ giúp cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ: dựa vào cung cầu trên thị trường, người sản xuất cũng như người tiêu dùng sẽ quyết định sản xuất hoặc tiêu thụ bao nhiêu hàng hóa dựa trên giá thị trường.

Thứ năm, các công cụ phái sinh giúp tăng cường hiệu quả của thị trường tài chính nói chung. Các công cụ phái sinh được xem là các công cụ tài chính và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư trên thị trường thế giới. Do tính thanh khoản của thị trường phái sinh cao hơn hẳn so với thị trường giao ngay, thêm vào đó là chi phí giao dịch thấp làm cho việc chuyển hướng từ các giao dịch giao ngay sang phái sinh ngày càng dễ dàng và hấp dẫn hơn. Thị trường phái sinh giúp các tín hiệu thị trường khó bị bóp méo. Các bên tham gia thị trường có cơ hội tiếp cận thông tin một cách công bằng, do vậy ngăn chặn được tình trạng độc quyền hay

lũng đoạn giá và gián tiếp tăng cường tính hiệu quả của thị trường tài chính nói chung.

1.1.4.2 Nhược điểm

Thứ nhất, các công cụ phái sinh khá trừu tượng, không dễ hiểu đối với mọi người, vì thế dễ dẫn đến những nhận thức phiến diện, sai lệch về vai trò của nó.

Thực tế, CCPS nói chung và CCPS ngoái hối nói riêng là những sản phẩm tài chính không dễ hiểu đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân hoặc đối với các công ty nhỏ chưa có bộ phận quản trị rủi ro riêng. Các CCPS khá trừu tượng về tên gọi, cách thức sử dụng, phương pháp định giá và xác định lỗ lãi, vì vậy trước khi tham gia vào thị trường phái sinh, các thành viên tham gia thị trường phải hiểu rõ bản chất của các công cụ phái sinh, những ưu điểm cũng như mặt trái của các công cụ này để có những biện pháp quản trị rủi ro. Có như vậy thì các công cụ phái sinh mới thực sự phát huy hiệu quả là công cụ phòng vệ.

Trong các hợp đồng kỳ hạn, giá của hàng hóa cơ sở đã được xác định ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng, còn việc chuyển giao hàng hóa sẽ được thực hiện trong tương lai. Do giao dịch kỳ hạn là giao dịch bắt buộc nên khi đến ngày đáo hạn dù giá của hàng hóa cơ sở bất lợi cho một phía (người mua hoặc người bán) thì hai bên vẫn phải thực hiện hợp đồng. Đối với hợp đồng tương lai, một hình thức đặc biệt của hợp đồng kỳ hạn được giao dịch trên các sàn tập trung thì hiệu quả phòng vệ rủi ro sẽ sẽ khó đạt 100% do:

- Các hợp đồng tương lai chỉ giao dịch đối với một số hàng hóa cơ sở nhất định, nên nhiều khi mặt hàng cần phòng vệ và mặt hàng trong các hợp đồng tương lai là không đồng nhất.

- Quy mô hợp đồng đã được quy định sẵn dẫn đến việc có sự lệch nhau trong quy mô của đối tượng cần phòng vệ và đối tượng trong hợp đồng tương lai. Ví dụ: quy mô mỗi hợp đồng cà phê trên sàn VNX là 1.000kg/lô mà doanh nghiệp lại có nhu cầu phòng ngừa rủi ro về giá cho số lượng cà phê 2.500kg.

- Các doanh nghiệp cần chiến lược phòng vệ có thể không biết chắc chắn chính xác ngày tháng cần phải mua/bán hàng hóa cơ sở.

Một phần của tài liệu Thị trường các công cụ phái sinh trên thế giới và giải pháp phát triển tại Việt Nam (Trang 26 - 31)