- Sự tồn tại rủi ro cơ bản, mức biến động của giá giao ngay và mức biến động
2.1.1 Thực trạng về thị trường công cụ phái sinh
Thị trường công cụ phái sinh bao gồm hai bộ phận là thị trường phi tập trung và thị trường tập trung. Xét về quy mô, thị trường phi tập trung lớn gấp nhiều lần so với thị trường tập trung (xem biểu đồ 2.1). Thị trường phi tập trung đa dạng các công cụ phái sinh hơn, không chỉ bao gồm các công cụ phái sinh giản đơn và lâu đời như các hợp đồng kỳ hạn mà còn có những công cụ mới xuất hiện và cấu trúc phức tạp như hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, các hợp đồng quyền chọn phi tiêu chuẩn. Trong khi đó, thị trường tập trung chỉ bao gồm các công cụ đã được tiêu chuẩn hóa như các hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn.
Biểu đồ 2.1: Quy mô thị trường CCPS tập trung và phi tập trung
Đơn vị tính: tỷ USD
Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo của BIS
Năm 2014, giá trị giao dịch của thị trường phi tập trung đạt 630.152 tỷ USD, gấp gần 10 lần so với quy mô thị trường tập trung với 64.843 tỷ USD. Thị trường công cụ phái sinh được đánh giá là thị trường hoạt động nhộn nhịp nhất trên thế giới với doanh số giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày.
2.1.1.1 Thị trường tập trung
Trong năm 2014, xét quy mô toàn cầu, số lượng các hợp đồng phái sinh giao dịch trên thị trường tập trung đạt 21,7 tỷ hợp đồng, tăng nhẹ so với 21,6 tỷ hợp đồng năm 2013, nhưng giảm rõ rệt so với đỉnh 24,5 tỷ hợp đồng được giao dịch trong năm 2011. Trong tổng số khoảng gần 22 tỷ hợp đồng được giao dịch trên sàn tập trung năm 2014, hợp đồng tương lai chiếm 55% và quyền chọn chiếm 45%. Tổng giá trị danh nghĩa của thị trường tính trên các hợp đồng còn hiệu lực đạt 64.843 tỷ USD, nhưng giá trị thị trường đạt 1.936.470 tỷ USD, gấp gần 30 lần so với giá trị danh nghĩa.
Biểu đồ 2.2: Tổng giá trị của thị trường CCPS tập trung (2008-2014) Đơn vị: tỷ USD
Giá trị giao dịch trong năm (giá trị thị trường) được tính bằng giá trị tuyệt đối của các giao dịch mới và tính toán dựa trên giá trị danh nghĩa của các hợp đồng. Trong khi đó, giá trị danh nghĩa của các hợp đồng đang còn hiệu lực đo lường quy mô của thị trường và thể hiện khả năng trao đổi/chuyển rủi ro giá cả của thị trường; chỉ số này còn được sử dụng khi so sánh trong tương quan với thị trường giao ngay. Giá trị danh nghĩa của các hợp đồng đang còn hiệu lực được tính bằng tổng giá trị danh nghĩa tuyệt đối của tất cả các giao dịch đã được ký kết và đang còn có hiệu lực cho đến ngày giao dịch cuối cùng của một năm.
Thị trường tập trung đã bắt đầu tăng trở lại từ năm 2012 với giá trị giao dịch trong kỳ xấp xỉ đạt gần 2.000 tỷ USD mỗi năm, chứng tỏ thị trường CCPS tập trung phát triển rất sôi động và tính thanh khoản cao. Đáng chú ý là thị trường CCPS đạt giá trị giao dịch nhỏ nhất là vào năm 2009, thể hiện sự ảnh hưởng rõ rệt từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nên chỉ đạt 1.660 nghìn tỷ USD và phục hồi mạnh mẽ đạt hơn 2.159 nghìn tỷ uSD vào năm 2011.
Biểu đồ 2.3: Cơ cấu công cụ phái sinh trên sàn tập trung theo khu vực
ĐVT: tỷ hợp đồng
Nguồn: WEF, 2015
Biểu đồ 2.4: Cơ cấu công cụ phái sinh giao dịch trên sàn tập trung năm 2014 ĐVT: tỷ hợp đồng
Nguồn: WEF, 2015
Các sàn giao dịch ở châu Mỹ vẫn chiếm số lượng giao dịch nhiều nhất, 10tỷ hợp đồng trong năm 2014, gấp hai lần so với các sàn giao dịch ở các nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi cộng lại (xem biểu đồ 2.3). Xét theo tài sản cơ sở được
giao dịch trên thị trường CCPS tập trung năm 2014, chứng khoán vẫn chiếm vị thế áp đảo, rồi đến hàng hóa, lãi suất và cuối cùng là ngoại tệ.
2.1.1.2 Thị trường phi tập trung
Giá trị danh nghĩa của các hợp đồng phái sinh OTC đang còn hiệu lực (chỉ số này dùng để xác định giá trị của hợp đồng khi thanh toán và biểu thị tình hình hoạt động của thị trường phái sinh OTC) đạt khoảng 630.152 tỷ USD vào cuối năm 2014 (xem Biểu đồ 2.5), giảm 11,3% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, không cùng xu hướng giảm như giá trị danh nghĩa, giá trị thị trường của các hợp đồng đang còn hiệu lực lại tăng lên, đạt 20.881 tỷ USD vào cuối năm 2014.
Biểu đồ 2.5: Quy mô của thị trường công cụ phái sinh phi tập trung
Đơn vị tính: tỷ USD
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của BIS
Lưu ý rằng, bên cạnh giá trị danh nghĩa của các hợp đồng đang còn hiệu lực, tổng giá trị thị trường cũng là một chỉ số đo lường quy mô của thị trường CCPS. Giá trị thị trường của tất cả các hợp đồng chính là chi phí để thay thế các hợp đồng đang còn hiệu lực với mức giá thị trường hiện hành tại thời điểm báo cáo thống kê. Tuy nhiên, giá trị thị trường còn đo lường mức độ rủi ro của thị trường CCPS, thể hiện mức lỗ tối đa mà các các thành phần tham gia thị trường sẽ phải gánh chịu nếu như đối tác của họ không thực hiện được các cam kết thanh toán và các hợp đồng này sẽ được thay thế bằng các hợp đồng khác với mức giá hiện hành của thị trường. Nói cách khác, chỉ số tổng giá trị thị trường thể hiện giá trị các hợp đồng phái sinh có thể được giao dịch luôn giữa các bên đang sẵn sàng mua bán, chứ không chỉ thể hiện khả năng trao đổi các rủi ro giá cả và chỉ số này thể hiện tính thanh khoản của thị trường. Năm 2008, giá trị danh nghĩa của các hợp đồng đang còn hiệu lực đạt giá trị thấp nhất trong 7 năm (2008-2014), tuy nhiên, tổng giá trị thị trường lại có giá trị cao nhất, thể hiện thị trường CCPS trong năm 2008 tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.
Biểu đồ 2.6: Cơ cấu công cụ phái sinh giao dịch phi tập trung năm 2014 Đơn vị tính: tỷ USD
Nguồn: WEF, 2015
Biểu đồ 2.6 cho thấy, CCPS lãi suất chiếm vị thế áp đảo trên thị trường phi tập trung, năm 2014 đạt 505.455 tỷ USD, chiếm khoảng 87% quy mô thị trường, tiếp đến là ngoại hối với 75.880 tỷ USD. Trong khi đó, CCPS hàng hóa chỉ đạt khoảng 1.800 tỷ USD, chưa đầy 1% giá trị của toàn thị trường. Điều này cũng cho thấy, cho dù hàng hóa là tài sản cơ sở đầu tiên của thị trường CCPS nhưng hiện nay chỉ chiếm vị trí rất khiêm tốn, thay vào đó là các công cụ tài chính khác như lãi suất, ngoại hối, rủi ro tín dụng và chỉ số chứng khoán đóng vai trò trụ cột trên thị trường CCPS phi tập trung.