- Sự tồn tại rủi ro cơ bản, mức biến động của giá giao ngay và mức biến động
2.2. Thị trường công cụ phái sinh ngoại hối của một số nước
2.2.1. Nhật Bản
2.2.1.1. Thị trường công cụ phái sinh tập trung
Trước đây, thị trường phái sinh tập trung gồm 3 Sở giao dịch chính, đó là Sở giao dịch chứng khoán Osaka (Osaka Securities Exchange – OSE), Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (Tokyo Stock Exchange – TSE) và Sở giao dịch tài chính Tokyo (Tokyo Financial Exchange – TFX). Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Osaka 50 (OSF 50) là sản phẩm phái sinh tài chính đầu tiên được chính thức giao dịch trên sàn OSE vào tháng 6/1987 (sản phẩm này sau đó đã dừng giao dịch vào 20/5/1992). Tiếp theo đó là các sản phẩm tài chính tương lai như hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 (tháng 9/19988), quyền chọn Nikkei 225 (tháng 6/1989). Đến năm 1990, giao dịch các Hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 đạt giá trị cao nhất trên thế giới, vượt qua cả giá trị giao dịch của hợp đồng tương lai chỉ số S&P500 của CME, và đến 1991 giao dịch quyền chọn đối với chỉ số Nikkei 225 lớn nhất thế giới, vượt qua của giao dịch quyền chọn S&P 100 của CBOE. Đến tháng 1 năm 2013, Sở Giao dịch chứng khoán Osaka và Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã hợp nhất với tên gọi là Tập đoàn Sở Giao dịch Nhật Bản (Japan Exchange Group).
Sở giao dịch tài chính Tokyo (tiền thân là Sở giao dịch tài chính tương lai quốc tế Tokyo- TIFFE) được thành lập muộn nhất, vào tháng 4 năm 1989 theo Luật giao dịch các Hợp đồng tương lai về tài chính của Nhật Bản. Sở giao dịch này được thành lập trong bối cảnh 2 sở giao dịch khác ở Nhật Bản là TSE và OSE đã bắt đầu thực hiện các giao dịch phái sinh và chức năng ban đầu của TFX là kinh doanh công cụ tương lai tài chính, bao gồm: hợp đồng tương lai Euroyen 3 tháng, hợp đồng tương lai Eurodollar 3 tháng, hợp đồng tương lai tiền tệ JPY-USD. Đến tháng 4/2004, TIFFE chuyển đổi hình thức sở hữu và trở thành “Công ty giao dịch tài chính tương lai quốc tế Tokyo”; sau đó vào tháng 7 năm 2005 được đổi tên là Sở giao dịch tài chính Tokyo (Tokyo Financial Exchange Inc. Viết tắt là TFX) và được sử dụng cho đến nay. Các giao dịch phái sinh ngoại hối chủ yếu được giao dịch trên Sở giao dịch tài chính Tokyo.
Biểu đồ 2.11: Số lượng hợp đồng ngoại hối tại một số sàn giao dịch chủ yếu Đơn vị tính: tỷ hợp đồng
Nguồn: WFE 2015 Xét về số lượng hợp đồng được giao dịch, Sở giao dich tài chính Tokyo luôn nằm trong Top 10 các sàn giao dịch tiền tệ sôi động nhất thế giới, năm 2013 xếp thứ 6 và năm 2014 xếp thứ 10. Dù được thành lập sau nhưng Sở giao dịch tài chính Nhật Bản phát triển rất mạnh mẽ nên một số văn bản Luật có liên quan đến giao dịch phái sinh đã không còn phù hợp, buộc phải sửa đổi hoặc thay thế. Cụ thể, Luật giao dịch các Hợp đồng tương lai về tài chính đã bị hủy bỏ, Luật Sở giao dịch và các công cụ tài chính được sửa đổi theo Luật giao dịch chứng khoán bắt đầu có hiệu lực vào tháng 9 năm 2007. Sau đó, Sở giao dịch tài chính Tokyo (TFX) đã chuyển từ Sở giao dịch chỉ chuyên về các hợp đồng tương lai tài chính thành Sở giao dịch tài chính tổng hợp, có chức năng giao dịch tất cả các sản phẩm tài chính như quyền chọn và tương lai đối với các chứng khoán, lãi suất và ngoại hối.
Thị trường công cụ phái sinh phi tập trung của Nhật Bản cũng phát triển rất sôi động. Tính đến cuối tháng 6 năm 2011, doanh số danh nghĩa của thị trường này là 56,2 nghìn tỷ đô la Mỹ, tăng 92% so với cuối năm 2008 (Shogo Isobe, 2012). Do hoạt động trên thị trường OTC luôn khó kiểm soát nên từ tháng 5 năm 2010, Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành thay đổi các văn bản pháp lý liên quan đến giao dịch phái sinh nhằm tạo điều kiện quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn. Hoạt động trên thị trường OTC cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Sở giao dịch và các công cụ tài chính, theo đó, các giao dịch dù được thực hiện ở thị trường nào cũng đều phải tuân thủ quy định về thanh toán bù trừ qua Phòng thanh toán bù trừ trung tâm, quy định về chế độ báo cáo số liệu hay kiểm soát rủi ro. Sự thay đổi này cũng phù hợp với xu thế chung của thị trường công cụ phái sinh phi tập trung trên toàn thế giới, điển hình là các nước G20 đều đồng loạt chỉnh đốn lại các giao dịch phái sinh vào năm 2012.
Như vậy có thể nói rằng, kể từ khi đưa vào hoạt động, thị trường các công cụ phái sinh Nhật Bản đã từng bước tăng quy mô có thể so sánh được với thị trường chứng khoán Mỹ. Sự lớn mạnh không ngừng của thị trường này đã góp phần đưa thị trường tài chính Nhật Bản trở thành một trong những thị trường tài chính lớn nhất thế giới.
2.2.2 Ấn Độ
Thị trường phái sinh Ấn Độ (Shyamala Gopinath, 2010) đã có mặt ở Ấn Độ dưới nhiều hình thức từ lâu đời. Trong lĩnh vực hàng hoá, Hiệp hội buôn bán bông Bombay (the Bombay Cotton Trade Association) bắt đầu giao dịch công cụ phái sinh tương lai vào năm 1875. Ở Ấn Độ, các loại công cụ phái sinh khác nhau sẽ được cấp phép giao dịch và chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau, như Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (Reserve Bank of India –RBI), Ban Giao dịch và Chứng khoán (Securities and Exchange Board of India – SEBI) và Ủy ban các thị trường kỳ hạn (Forward Markets Commission –FMC).
Bảng 2.4: Giá trị giao dịch phái sinh ngoại hối của Ấn Độ (2008-2013)
Đơn vị tính: tỷ rupee
Năm Kỳ hạn Hoán đổi Quyền chọn/
2008-09 25.549 40.656 37.272
2009-10 20.359 31.454 37.273
2010-11 28.902 41.125 84.153
2011-12 24.134 46.876 98.964
2012-13 53.185 50.616 87.105
Nguồn: Tổng hợp từ Annual report, Reserve Bank of India
Ấn Độ tự đánh giá là thị trường công cụ phái sinh còn non trẻ bởi nhiều thành viên tham gia thị trường vẫn còn bỡ ngỡ với việc áp dụng các quy định, quy trình phù hợp, tuy nhiên thị trường công cụ phái sinh ở Ấn Độ có tốc độ gia tăng khá nhanh, đặc biệt là giao dịch quyền chọn chỉ số chứng khoán đã tăng từ 37.315 tỷ rupee năm 2008 lên đến 298.091 tỷ rupee năm 2013, tăng gấp gần 8 lần. Phái sinh lãi suất tuy ra đời sớm hơn phái sinh tiền tệ nhưng lại có tổng giá trị giao dịch ít hơn phái sinh tiền tệ bởi những thắt chặt quản lý của Chính phủ. Các giao dịch phái sinh tiền tệ cũng có mức tăng trưởng khá ấn tượng, đặc biệt là các giao dịch qua sàn như tương lai và quyền chọn tiền tệ.
2.2.2.1 Thị trường công cụ phái sinh tập trung
Ban Giao dịch và Chứng khoán Ấn Độ (Securities and Exchange Board of India- SEBI) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cả thị trường giao dịch chứng khoán tập trung và phi tập trung tại Ấn Độ, trong đó chứng khoán bao gồm cả các công cụ phái sinh (Emerging market committee, 2010). Rất nhiều cuộc cải cách trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1996 đã tạo nền móng cho sự phát triển của thị trường phái sinh chứng khoán trên sàn giao dịch. Năm 1993, chính phủ Ấn Độ lập nên sàn giao dịch National Stock Exchange (NSE) với sự kết hợp của các tổ chức Nhà nước. Sự ra đời của sàn giao dịch NSE đem lại sự hiệu quả và minh bạch cho thị trường chứng khoán với hệ thống giao dịch qua bảng điện tử và một mạng lưới giá rộng khắp. Đến năm 1995, lệnh cấm giao dịch quyền chọn được dỡ bỏ. Vào năm 1999, bộ luật hợp đồng chứng khoán ban hành năm 1956 được sửa đổi và các công cụ phái sinh được gọi là “chứng khoán”. Các văn bản pháp lý điều chỉnh các giao dịch chứng khoán, vì vậy, cũng được mở rộng áp dụng cho các giao dịch phái sinh. Bộ luật công nhận phái sinh là hợp pháp và có
hiệu lực nhưng chỉ được phép giao dịch trên sàn. Đến năm 1999, cuối cùng lệnh cấm giao dịch kỳ hạn cũng được dỡ bỏ sau 30 năm.
RBI chịu trách nhiệm quản lý và kiểm soát các phái sinh lãi suất, phái sinh ngoại tệ và phái sinh tín dụng. Nhằm mục đích kiểm soát tốt các giao dịch, trong Luật Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, bản sửa đổi năm 2006 có đã ban hành các văn bản pháp lý có liên quan, trong đó có nêu ra định nghĩa cụ thể về “phái sinh” (Reserve Bank of India Act, 2006). Theo đó, “Phái sinh” được hiểu là một công cụ sẽ được thanh toán vào tương lai, mà giá trị của nó được phát sinh từ sự thay đổi lãi suất, tỷ giá ngoại hối, hạn mức hay chỉ số tín dụng, giá của các chứng khoán (hay còn gọi là các tài sản cơ sở), hoặc là sự kết hợp từ 2 CCPS khác trở lên. Hiện nay, các công cụ phái sinh do RBI quản lý là hoán đổi lãi suất, kỳ hạn lãi suất, hoán đổi ngoại tệ, hoán đổi ngoại tệ với nội tệ, quyền chọn ngoại tệ, quyền chọn ngoại tệ- nội tệ và các công cụ khác có thể sẽ được Ngân hàng xác định và bổ sung mới theo thời gian.
Các đối tượng tham gia vào thị trường ngoại hối phái sinh bao gồm: (1) người tham gia nhằm mục đích quản lý rủi ro đối với tài sản cơ sở, gồm các công ty, doanh nghiệp có tài sản cơ sở cần phòng vệ; (2) người tạo thị trường là những người sẵn sàng niêm yết đồng thời giá mua và giá bán, không nhất thiết phải có rủi ro đối với tài sản cơ sở, gồm tất cả các NH thương mại, trừ các ngân hàng vùng địa phương (local area banks – LABs) và ngân hàng nông thôn vùng (regional rural banks -RRBs). Theo luật Ấn Độ, tối thiểu một người tham gia vào giao dịch phái sinh phải là người tạo thị trường, nghĩa là các giao dịch hợp pháp là giao dịch giữa những người có nhu cầu phòng vệ rủi ro và nhà tạo thị trường hoặc giao dịch giữa những nhà tạo thị trường với nhau. Ngoài ra, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã ban hành những quy định cụ thể và những nguyên tắc trong giao dịch phái sinh.
Trước đây, phái sinh ngoại hối ở Ấn Độ không sôi động như phái sinh lãi suất. Chỉ đến năm 2009, thị trường này mới có những chuyển biến tích cực. Ban đầu, các công cụ kỳ hạn tiền tệ và hoán đổi tiền tệ trên thị trường phi tập trung được sử dụng nhiều. Các nhà xuất nhập khẩu và ngân hàng sử dụng thị trường kỳ hạn đồng Rupee để tự bảo hiểm khỏi các rủi ro ngoại hối. Thanh khoản và doanh thu của thị trường này cũng dần được tăng lên. Trong hoán đổi tiền tệ, các ngân hàng và
công ty có thể hoán đổi khoản nợ bằng đồng Rupee sang đồng tiền khác, chủ yếu là đô la Mỹ và yên Nhật. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 năm 2013, thị trường phái sinh tiền tệ qua sàn tại Ấn Độ đã biến động mạnh mẽ nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn cho toàn thị trường công cụ phái sinh. Để nhằm ổn định thị trường, Sở giao dịch chứng khoán Ấn Độ (Secuirites and Exchange Board of India- SEBI), dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã áp dụng một số quy định hạn chế đối với thị trường phái sinh tiền tệ, như nâng mức ký quỹ ban đầu, giảm hạn mức số lượng hợp đồng mà các khách hàng và các thành viên không phải ngân hàng được quyền nắm giữ. Các thành viên ủy quyền cấp 1 (AD category-I), bao gồm 100 ngân hàng thương mại tại Ấn Độ sẽ không được quyền tự doanh trong các giao dịch tương lai tiền tệ/quyền chọn tiền tệ trên các sàn giao dịch, trừ trường hợp thay mặt cho khách hàng của mình thực hiện giao dịch đó.
2.2.2.2 Thị trường công cụ phái sinh phi tập trung
Thị trường phái sinh phi tập trung của Ấn Độ có nhiều điểm không giống như các thị trường phái sinh của các nước phát triển khác. Nếu như ở hầu hết các thị trường phái sinh OTC khác trên thế giới phát triển phức tạp (http://www.isda.org/statistics/otc.html) với những cải cách tài chính không được kiểm soát đã được phát triển mạnh trong 2 thập niên vừa qua, thì thị trường phái sinh OTC Ấn Độ lại phát triển trong điều kiện được quản lý và có kiểm soát. Yếu tố chính của khung pháp lý này là Ấn Độ đã tiến hành chi tiết hóa các sản phẩm phái sinh được phép giao dịch, nêu bản chất của những đối tượng tham gia thị trường, các trách nhiệm cơ bản của người tạo thị trường và người phòng vệ đối với các công cụ phái sinh trên thị trường OTC, xây dựng hệ thống báo cáo thông tin và tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động thanh toán và bù trừ sau giao dịch... Ấn Độ vẫn tiếp tục thực hiện những quy định nhằm điều chỉnh và quản lý, gia tăng tính minh bạch thông tin cho thị trường các công cụ phái sinh OTC, đặc biệt là đối với những công cụ phái sinh lãi suất hay ngoại hối. Các biện pháp nhằm tăng cường chức năng của thị trường OTC sẽ bao gồm việc tiêu chuẩn hóa hơn nữa các công cụ phái sinh OTC và điều chỉnh các quy định liên quan đến thanh toán và giao dịch bù trừ trung tâm khi thực hiện hợp đồng phái sinh. Cụ thể, Ấn Độ đã tiến tới thiết kế hệ thống báo cáo thông tin giao dịch trung tâm cho tất cả các CCPS trên
sàn OTC nhằm quản lý hoạt động có hệ thống hơn và thông tin thị trường minh bạch hơn.
Bản chất của thị trường công cụ phái sinh OTC là phức tạp và khó minh bạch hóa nên hầu hết các nước đều muốn nỗ lực thực hiện cải cách thị trường, nhằm vào hai mục tiêu chủ yếu là rủi ro tín dụng đối tác và sự thiếu minh bạch. Ấn Độ cố gắng tiêu chuẩn hóa các hợp đồng để có thể phù hợp với hệ thống thanh toán trung tâm, đặt ra các chuẩn mực quản lý rủi ro đối tác chặt chẽ hơn, đưa ra những quy định khắt khe hơn đối với những hợp đồng không theo đúng chuẩn. Thị trường phái sinh OTC có ưu điểm nổi bật so với thị trường giao dịch qua sàn là có thể thiết kế các sản phẩm phù hợp với từng nhu cầu của các đối tượng khách hàng và là nơi kiểm tra, thử nghiệm các sản phẩm phái sinh mới, định hình rõ hơn các tính năng của sản phẩm và giúp cho sản phẩm có tính ổn định cao hơn khi tiêu chuẩn hóa sản phẩm đó để áp dụng với quy mô rộng.
Tại một số nước phát triển, các quy định trên thị trường tài chính phái sinh nói chung được hiểu là chỉ hạn chế đối với các giao dịch trên sàn, với giả định là những rủi ro phát sinh trên thị trường OTC cũng sẽ được quản lý tốt thông qua những quy định này. Tuy nhiên, Ấn Độ cho rằng, thị trường công cụ phái sinh OTC của nước này tương đối khác với thị trường các nước phát triển khác về mặt bản chất, trình độ phát triển và cả những biện pháp quản lý thị trường. Do vậy, Ấn Độ hướng tới ban hành những văn bản pháp lý điều chỉnh thị trường OTC có những đặc thù so với thị trường qua sàn. Trên thị trường CCPS lãi suất, ngoại hối và tín dụng, Ngân hàng dự trữ Ấn Độ RBI vẫn chịu trách nhiệm quản lý chính. Theo RBI, các giao dịch phái sinh được coi là hợp pháp, nếu thỏa mãn có ít nhất một bên là một pháp nhân được phép, do RBI quản lý. Các ngân hàng thương mại sẽ đóng vai trò là người tạo thị trường, là trung tâm chuyển giao rủi ro, người sử dụng công cụ phái sinh phải là người có nhu cầu rủi ro cần phòng vệ thực sự, nhằm hạn chế mục đích đầu cơ. RBI cũng có những quy định liên quan đến các giao dịch phái sinh của các đối tượng là phi cư trú. Ấn Độ là một trong những nước thuộc nhóm G20 đang nỗ lực và tích cực thực hiện cam kết công khai và minh bạch thị trường công cụ phái sinh phi tập trung.