Nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hả

Một phần của tài liệu pháp luật việt nam về giải quyết tranh chấp hàng hải (Trang 28 - 29)

giải quyết tranh chấp hàng hải

Xuất phát từ nguyên tắc tự do định đoạt của các đương sự thì các đương sự có quyền yêu cầu cơ quan tài phán bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi đã thực hiện quyền đó thì họ đồng thời có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp hoặc đưa ra chứng cứ để phản đối yêu cầu của bên kia, vì không ai khác ngoài các đương sự là những người biết rõ nhất nguyên nhân, điều kiện phát sinh hoặc yêu cầu có liên quan đến yêu cầu của mình. Vì vậy, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh thuộc về nghĩa vụ của các đương sự.

Nghĩa vụ chứng minh là một trong những nguyên tắc hết sức quan trọng trong giải quyết tranh chấp hàng hải. Chẳng hạn như trong việc xác định trách nhiệm bồi thường đối của người vận chuyển đối với các tổn thất hàng hoá, người vận chuyển muốn được miễn trách thì phải chứng minh được bản thân họ không có lỗi gây ra tổn thất đó (Điều 108, Bộ luật Hàng hải 1990). Bên bị gây thiệt hại chỉ chứng minh là có sự vi phạm hợp đồng, có thiệt hại xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xẩy ra. Trong trường hợp tranh chấp về tổn thất chung, trách nhiệm chứng minh thuộc về người khiếu nại, họ phải cung cấp đầy đủ các chứng từ cần thiết để làm cơ sở cho việc xác định các chi phí được tính vào tổn thất chung hay không. Khi đó nguyên tắc chứng minh thường có sự xê dịch như sau: qua các chứng từ tuyên bố tổn thất chung của chủ tàu, chủ hàng thấy cần thiết phải từ chối đóng góp tổn thất chung thì phải chứng minh rằng tổn thất chung gây nên bởi thiếu khả năng đi biển. Sau đó, nguyên tắc về nghĩa vụ chứng minh lại chuyển sang chủ tàu và chủ tàu phải chứng minh rằng đã đủ mẫn cán trong việc chuẩn bị tàu có khả năng đi biển nhằm ràng buộc chủ hàng tham gia đóng góp tổn thất chung. Trên cơ sở nghĩa vụ chứng minh của các đương sự. toà án hay trọng tài mới có thể đưa ra các phán quyết chính xác, Toà án hay Trọng tài chỉ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết mà thôi.

28

Nguyên tắc chứng minh cũng được quy định tại Điều 6, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, theo đó các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài việc quy định nghĩa vụ tự chứng minh của đương sự, Bộ luật Tố tụng dân sự còn quy định về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý và lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ mà mình đang trực tiếp quản lý, lưu giữ theo yêu cầu của đương sự, Toà án để đảm bảo việc giải quyết vụ việc được khách quan, đầy đủ và toàn diện.

Một phần của tài liệu pháp luật việt nam về giải quyết tranh chấp hàng hải (Trang 28 - 29)