Giải quyết tranh chấp bằng toà án

Một phần của tài liệu pháp luật việt nam về giải quyết tranh chấp hàng hải (Trang 35 - 37)

Khác với thương lượng, hoà giải hay trọng tài là những phương thức giải quyết tranh chấp mang tính thoả thuận tự nguyện, việc giải quyết theo thủ tục tư pháp tại toà án gắn liền với quyền lực Nhà nước.

Giải quyết tranh chấp hàng hải theo thủ tục tố tụng tại toà án là hình thức giải quyết tranh chấp mà theo đó, một bên bằng đơn kiện của mình yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình; và Toà án theo thủ tục luật định sẽ đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên.

35

Có thể nói giải quyết các tranh chấp hàng hải bằng thủ tục tố tụng tại Toà án là sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình giải quyết các mâu thuẫn, xung đột về quyền lợi trong quá trình tham gia các hoạt động hàng hải của các cá nhân, tổ chức nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên và duy trì trật tự kỷ cương trong các quan hệ hàng hải, góp phần thúc đẩy hoạt động hàng hải phát triển lành mạnh theo đúng định hướng. Sự can thiệp của Nhà nước còn phản ánh chức năng quản lý lĩnh vực hàng hải của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. So với việc giải quyết bằng thương lượng, hoà giải và trọng tài, việc giải quyết tranh chấp bằng toà án với những phán quyết thể hiện sức mạnh quyền lực Nhà nước rõ ràng có giá trị ràng buộc rất lớn đối với các bên, buộc bên vi phạm không thể trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ như các phương thức khác, quyền lợi của bên bị vi phạm vì thế mà được bảo đảm. Do vậy, tạo được sự tin cậy cho các bên trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải. Hơn nữa, việc giải quyết các tranh chấp tại toà án còn ưu việt ở chỗ có trình tự tố tụng chặt chẽ, nghiêm ngặt, sẽ hạn chế được những sai sót trong quá trình xét xử, đảm bảo cho việc giải quyết tranh chấp được khách quan, chính xác.

Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp bằng toà án vẫn còn hạn chế, do thực hiện chế độ nhiều cấp xét xử với các thủ tục tố tụng phức tạp đã làm cho vụ tranh chấp bị kéo dài, mất nhiều thời gian, công sức, tốn kém tiền bạc, gây nhiều bất lợi cho các đương sự. Đây là hạn chế lớn nhất trong việc giải quyết tranh chấp bằng tố tụng toà án.

Tóm lại, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khi mà các tranh chấp hàng hải càng ngày càng diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau thì ngoài việc các bên tranh chấp tự thương lượng, thoả thuận hoặc nhờ trọng tài giải quyết các xung đột giữa họ, sự can thiệp của Nhà nước thông qua Toà án vào việc giải quyết tranh chấp , bảo vệ cho lợi ích chính đáng của của các bên là việc làm rất cần thiết, bởi đây là cơ chế hữu hiệu nhất để giải quyết tranh chấp hàng hải khi các bên không thể tự thương lượng, hoà giải với nhau hoặc việc giải quyết giữa các bên bằng trọng tài bị bế tắc, thất bại. Điều quan trọng là làm sao cải tiến thủ tục, trình tự xét

36

xử của Toà án theo hướng đơn giản, gọn nhẹ hơn để thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp đảm bảo sự xét xử được diễn ra nhanh chóng, linh hoạt, kịp thời đồng thời tăng thêm niềm tin cho người dân vào cán cân công lý, vào sự công bằng mà Nhà nước đem lại cho họ thông qua cơ chế xét xử của Toà án.

Một phần của tài liệu pháp luật việt nam về giải quyết tranh chấp hàng hải (Trang 35 - 37)