KẾT LUẬN CHUNG

Một phần của tài liệu pháp luật việt nam về giải quyết tranh chấp hàng hải (Trang 121 - 125)

Qua nghiên cứu pháp luật về giải quyết tranh chấp hàng hải ở Việt Nam cho thấy, pháp luật về giải quyết tranh chấp hàng hải ở Việt Nam hiện nay đã trải qua những sự biến chuyển đáng kể gắn liền với từng thời kỳ phát triển của đất nước. Cũng do gắn liền với sự thăng trầm của đất nước từ hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến khi hoà bình lập lại, với những đặc thù riêng của mình, ngành hàng hải cũng như pháp luật hàng hải đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn độc lập nước nhà và tiến hành công cuộc xây dựng đất nước ở cả hai thời chiến và thời bình. Đối với pháp luật về giải quyết tranh chấp hàng hải, qua việc nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nói trên, cho thấy trong lịch sử chúng ta đã từng có quy định riêng về tố tụng hàng hải, đơn cử như Nghị định 153/CP ngày 15/10/1964 ban hành quyết định thành lập Trọng tài Hàng hải với những quy định về thẩm quyền xét xử các tranh chấp hàng hải hoặc một số quy định về thời hiệu khiếu nại, nguyên tắc áp dụng pháp luật nước

121

ngoài…trong Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 1990. Tuy nhiên, những quy định giải quyết tranh chấp hàng hải trong thời kỳ này không nhiều, mới chỉ dừng lại ở việc thành lập bộ máy xét xử, thẩm quyền bắt giữ tàu biển của toà án, thời hiệu khiếu nại và đối tượng của việc xét xử này còn trong phạm vi hẹp chủ yếu là những tranh chấp hàng hải có yếu tố nước ngoài tức là phải có sự tham gia của một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Như vậy còn hạn chế đối với những tranh chấp hàng hải trong nước, thiếu những quy định cụ thể, riêng biệt về trình tự, thủ tục xét x ử các tranh chấp hàng hải. Thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp hàng hải trong thời kỳ này thường áp dụng thủ tục tố tụng chung của pháp luật tố tụng kinh tế, tố tụng dân sự. Mặc dù có những hạn chế trên nhưng xét trong hoàn cảnh lịch sử, pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hải đã có những tiến bộ đáng kể, không chỉ bảo vệ cho lợi ích của các cá nhân, tổ chức trong nước mà còn quan tâm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân là người nước ngoài, “khơi mào” cho chính sách mở cửa sau này của Đảng và nhà nước, thể hiện sự hội nhập quốc tế sớm của ngành hàng hải. Góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật giải quyết các tranh chấp ở nước ta hiện nay.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng đất nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hải đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhiều tranh chấp hàng hải đã được giải quyết một cách thoả đáng, đem lại sự tin tưởng, vững tâm cho các cá nhân, tổ chức tham gia khai thác lĩnh vực hàng hải. Đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, các quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp hàng hải đã nắm bắt được xu thế phát triển của thế giới, tạo ra một hàng lang pháp lý khá vững chắc cho sự phát triển của các quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và các nước. Điển hình là các quy định về quyền tự do thoả thuận của các bên trong việc lựa chọn luật nước ngoài, tập quán nước ngoài và chọn các cơ quan tài phán nước ngoài để giải quyết tranh chấp, được quy định trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 1990.

122

Sự phát triển của pháp luật thế giới về giải quyết tranh chấp đã tác động rõ rệt đến pháp luật giải quyết tranh chấp ở Việt Nam. Các phương thức giải quyết tranh chấp nói chung tranh chấp hàng hải nói riêng như thương lượng, hoà giải, trọng tài và toà án là những phương thức giải quyết thông dụng, phổ biến trên thế giới cũng đã được áp dụng tại Việt Nam. Các phương thức này đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tranh chấp và tạo ra một môi trường pháp lý ổn định cho các quan hệ pháp luật hàng hải tồn tại và phát triển. Pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hải ngoài việc mang những đặc điểm của pháp luật giải quyết tranh chấp nói chung còn chứa những đặc điểm riêng biệt xuất phát từ tính chất đặc thù của lĩnh vực hàng hải. Đó là những đặc điểm như khiếu nại hàng hải, yếu tố nước ngoài, tố tụng về bắt giữ tàu biển, giới hạn trách nhiệm dân sự,v.v…Từ những đặc thù riêng trên, đòi hỏi pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hải cần phải có những quy định tố tụng riêng để điều chỉnh tính chất đặc thù đó.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm tích cực của mình, pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hải cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế cần được sửa chữa khắc phục. Một số quy định đã trở nên lỗi thời và lạc hậu, thiếu các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hàng hải như thủ tục về bắt giữ tàu biển; quy định pháp luật giữa các văn bản pháp luật nội dung còn mâu thuẫn, chưa thống nhất như vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài... Quy định về thẩm quyền xét xử các tranh chấp hàng hải của các cơ quan tài phán như Trọng tài, Toà còn ở phạm vi hẹp chưa bao quát được mọi tranh chấp hàng hải đang diễn ra trong thực tế... Chưa có khung pháp lý đầy đủ cho các phương thức thương lượng, hoà giải trung gian dẫn đến việc giải quyết tranh chấp bằng các phương thức này kém hiệu quả. Việc thực hiện pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp hàng hải của các cơ quan tài phán nước ta chưa thực sự hiệu quả như trình độ năng lực hiểu biết pháp luật hàng hải của đội ngũ Trọng tài viên, thẩm phán nước ta còn yếu kém, tuỳ tiện dẫn đến việc xét xử thiếu khách quan, chính xác do áp dụng sai pháp luật, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của đương sự, v.v...

123

Tất cả những bất cập, hạn chế đó đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ, cụ thể và hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục để đi đến việc hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hải. Hoàn thiện về mặt lý luận, pháp lý cũng như thực tiễn. Cụ thể: Cần làm rõ về mặt lý luận khái niệm tranh chấp hàng hải, khái niệm pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hải; khẩn trương ban hành pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển; xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho các phương thức thương lượng, trung gian hoà giải. Xây dựng và ban hành văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải của Toà án. Nhanh chóng thành lập Toà án Hàng hải trong cơ cấu của Toà án nhân dân. Nghiên cứu, gia nhập các Điều ước quốc tế có liên quan đến tố tụng hàng hải. Có những biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực hàng hải cho đội ngũ Trọng tài viên và Thẩm phán.

Tuy nhiên, việc thực hiện những giải pháp kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hải ở nước ta cần phải xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, phong tục tập quán, đạo đức, lợi ích quốc gia, văn hoá pháp lý và ý thức pháp luật của người dân và đội ngũ cán bộ. Hơn thế nữa, các giải pháp này phải phù hợp với các quan điểm chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước Pháp quyền, về cải cách tư pháp…, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay khi mà nước ta chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thực hiện một cách có hiệu quả các giải pháp nêu trên không những góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành Hàng hải Việt Nam ngang tầm với các ngành Hàng hải tiên tiến trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong công cuộc xây dựng một nhà nước Dân chủ, Pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở các phương pháp luận như duy vật lịch sử và biện chứng, có sự kết hợp các phương pháp nghiên cứu xã hội học, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp thống kê…Tuy nhiên, do còn hạn chế về trình độ nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn, về nguồn tài liệu nên

124

luận văn này khó tránh khỏi những sai sót, hạn chế. Còn nhiều vấn đề trong pháp luật giải quyết tranh chấp hàng hải ở nước ta hiện nay chưa được làm sáng tỏ, cần phải có thời gian để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Trong phạm vi luận văn tác giả chỉ đưa ra những vấn đề cơ bản có tính khái quát nhất mong có được những ý kiến quý báu đóng góp cho luận văn về nội dung cũng như hình thức để nhằm giúp cho luận văn được hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn!

Một phần của tài liệu pháp luật việt nam về giải quyết tranh chấp hàng hải (Trang 121 - 125)