2.1. Khái quát về Đại học Quốc gia Hà Nội
2.1.2. Vị trí pháp lý
ĐHQGHN được thành lập trên cơ sở một số TĐH có truyền thống ở Hà Nội nhằm phát triển thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực. So với các TĐH khác, ĐHQGHN có các điểm khác biệt sau:
Thứ nhất, ĐHQGHN do Chính phủ nghị định thành lập, hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Thủ tướng ban hành; chịu sự QLNN của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan; có con dấu hình Quốc huy và là đầu mối được giao các chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm. Giám đốc và các Phó Giám đốc ĐHQGHN do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Thứ hai, ĐHQGHN là một hệ thống bao gồm các đơn vị trực thuộc như: TĐH thành viên, viện nghiên cứu, khoa trực thuộc, trung tâm đào tạo và NCKH, đơn vị phục vụ... ĐHQGHN thể hiện vai trò là cơ quan chủ quản, quản lý và điều hành hoạt động của các đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo tính liên thông, liên kết và sử dụng chung đội ngũ CBVC, cơ sở vật chất, thư viện, ký túc xá...
Thứ ba, trong ĐHQGHN cũng có các khoa và trung tâm đào tạo trực thuộc như một TĐH khác.
Trên thực tế chưa có một TĐH nào ở nước ta có ba vai trò như trên: tương đương với bộ, ngành ở vai trò 1; là cơ quan chủ quản, đơn vị tài chính cấp I ở vai trò 2 và như một TĐH ở vai trò 3. Điều này cho thấy, ĐHQGHN có vị trí pháp lý hết sức đặc biệt, là cơ sở GDĐH công lập chỉ chịu sự QLNN của các bộ, ngành mà không chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản, hoạt động theo cơ chế TC&TNXH cao, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng.
Như vậy, về thực chất, ĐHQGHN có vị trí pháp lý và cơ chế tự chủ tương đương cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ. Với ưu thế này, ĐHQGHN phần nào đáp ứng yêu cầu khách quan cải tiến cơ chế quản lý GDĐH phù hợp và phục vụ tốt quá trình đổi mới KT-XH đất nước, cũng như xoá bỏ những bất hợp lý đang tồn tại trong hệ thống GDĐH của nước ta. Tuy nhiên, do chưa có vị trí pháp lý độc lập đầy đủ cho nên trong một số trường hợp, ĐHQGHN trở thành tầng quản lý trung gian. Đây là sự hạn chế của mô hình tổ chức ĐHQGHN.