Những khó khăn, thách thức do quá trình hội nhập quốc tế và thực hiện cam kết WTO

Một phần của tài liệu Giải pháp hỗ trợ DNTMNVV ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 28 - 31)

thực hiện cam kết WTO

Đặc trưng thương mại trong khuôn khổ các quy định của WTO là các nước thành viên phải dỡ bỏ rào cản thương mại không cần thiết, mở cửa thị trường nội địa cho hàng hoá nước khác và thực thi thương mại theo một số chuẩn mực chung. Cụ thể là:

- Thuế nhập khẩu phải được ban hành theo hệ thống mã số chung và phải cam kết giảm dần (cam kết thuế trần và lộ trình giảm). Khi là thành viên WTO, trong điều kiện thương mại bình thường, Chính phủ nước thành viên không được tuỳ tiện nâng mức thuế nhập khẩu vượt quá trần cam kết. Thuế nhập khẩu chỉ được phép vượt trần cam kết trong trường hợp tự vệ khẩn cấp hoặc hàng nhập khẩu bán phá giá. Tuy nhiên, các thủ tục thực thi quyền tự vệ đặc biệt và áp dụng thuế chống

bán phá giá là khá phức tạp, chi phí lớn, thích hợp nhiều hơn cho các nước phát triển đã có thể chế thị trường hoàn chỉnh, có các tổ chức ngành nghề lớn mạnh và có hệ thống luật pháp đầy đủ. Các nước đang và chậm phát triển thường không có đủ các điều kiện cần thiết để thực thi các thủ tục cho phép áp dụng thuế tự vệ khẩn cấp hoặc thuế chống bán phá giá đối với hàng hoá nhập khẩu do các thể chế kinh tế thị trường chưa phát triển, các tổ chức ngành nghề còn non yếu, người sản xuất và chính quyền không có nguồn lực trang trải cho các hoạt động thu thập bằng cứ… Nói cách khác, thương mại trong môi trường WTO vừa làm cho Chính phủ bị thu hẹp quyền can thiệp hành chính nhằm hỗ trợ DNTMNVV trong nước chống lại các doanh nghiệp thương mại nước ngoài đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam khi các doanh nghiệp này nhập khẩu và phân phối hàng tại thị trường Việt Nam, vừa buộc Nhà nước và các DNTMNVV phải chi phí nhiều hơn mới có thể tự bảo vệ được mình. Do đó nếu Nhà nước không thay đổi các biện pháp hỗ trợ các DNTMNVV, thì các DNTMNVV kinh doanh hàng hoá trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng nước ngoài trên thị trường nội địa. Trong điều kiện hàng rào thuế quan bị hạ thấp, trong khi DNTMNVV Việt Nam không đủ tiềm lực để nhập khẩu hàng nước ngoài, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi kinh doanh hàng trong nước, đồng thời phải nỗ lực rất nhiều mới có thể hưởng lợi từ đẩy mạnh xuất khẩu. Để tăng năng lực cạnh tranh, DNTMNVV cần sự hỗ trợ tăng cường của Nhà nước theo những cách mà WTO không cấm.

- Giảm dần đi tới xoá bỏ các hạn chế số lượng nhập khẩu. Các hiệp định của WTO quy định Chính phủ các nước phải dỡ bỏ dần (theo tốc độ đàm phán) các hạn chế về số lượng nhập khẩu (công khai, thu hẹp danh mục cấm xuất, nhập khẩu; thuế quan hoá hạn ngạch; đơn giản, công khai thủ tục cấp phép xuất, nhập khẩu…). Nói cách khác, Chính phủ các nước thành viên không được dùng quyền lực nhà nước để ngăn cản thương mại quốc tế thông qua việc ban hành và thực thi các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu. Như vậy, kinh doanh hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu chỉ còn khác biệt trong đối xử nhà nước về mức thuế quan không lớn. Do đó, nếu các DNTMNVV kinh doanh hàng hoá sản xuất trong nước không có sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu thì sự cứu nguy bằng các biện pháp hành chính nhà nước không còn. Trong điều kiện đó, DNTMNVV không có lợi thế

cạnh tranh sẽ có nguy cơ phá sản hàng loạt. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ DNTMNVV để họ nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Thủ tục cần thiết liên quan đến xuất nhập khẩu được từng bước chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế để các nhà xuất nhập khẩu không phải chịu những chi phí không cần thiết, nhất là các thủ tục về hải quan, về công nhận tiêu chuẩn hàng hoá, về vận chuyển… Rất nhiều thủ tục này đã quen thuộc với DNTMNVV ở các nước phát triển, nhưng DNTMNVV nước ta còn hết sức bỡ ngỡ. Vì thế, để giúp DNTMNVV chủ động trong tham gia thương mại cũng như để giảm chi phí giao dịch cho DNTMNVV, ngoài việc hướng dẫn, tuyên truyền, cần đào tạo kỹ năng thương mại theo chuẩn mực quốc tế cho người DNTMNVV.

- Các nước thành viên không những phải mở cửa thị trường trong nước cho hàng hoá mà còn mở cửa cho thương gia, vốn và lao động nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Chính vì thế, DNTMNVV không những phải cạnh tranh về mặt hàng phân phối trên thị trường nội địa mà còn phải cạnh tranh với các đối thủ là doanh nghiệp và lao động nước ngoài. Nếu Nhà nước không hỗ trợ để DNTMNVV mau chóng trưởng thành, có được kỹ năng lao động cần thiết thì DNTMNVV sẽ mất cơ hội đầu tư và việc làm ngay trên thị trường của mình

- Ngoài ra còn các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, về vệ sinh, kiểm dịch, về minh bạch hoá, về môi trường, về nhân quyền… mà muốn áp dụng được, DNTMNVV nước ta phải được học, phải được hỗ trợ kinh phí, thông tin và hệ thống tổ chức thích hợp.

Những quy định trên áp dụng bình đẳng cho mọi thành viên của WTO. Về mặt pháp lý, DNTMNVV các nước được đối xử như nhau trên thị trường WTO. Về mặt kinh tế, DNTMNVV của các nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi ít hơn và chịu áp lực thua thiệt nhiều hơn DNTMNVV ở các nước phát triển, do: thứ nhất, cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại ở các nước đang phát triển thấp kém hơn, nhất là về thông tin dự báo, quản lý chất lượng, năng lực dự báo của Nhà nước…; thứ hai, điều kiện sản xuất cung cấp nguồn hàng đầu vào ở các nước đang phát triển thấp kém, quy mô nhỏ, phân tán nên các DNTMNVV khó có được nguồn hàng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; thứ ba, hỗ trợ của Nhà nước đang phát triển ít hơ do tiềm lực tài chính hạn chế. Chính vì thế, trong điều kiện thương mại bình thường của WTO,

DNTMNVV ở các nước đang phát triển vấp phải nhiều khó khăn hơn DNTMNVV các nước phát triển, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều nhóm DNTMNVV ở các nước đang phát triển sẽ thua thiệt, khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một phần của tài liệu Giải pháp hỗ trợ DNTMNVV ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 28 - 31)