Phân hóa về mức sống

Một phần của tài liệu NÉT CHUNG VÀ NÉT ĐẶC THÙ TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở TP CẦN THƠ - ĐỘNG LỰC VÀ CÁC VẤN ĐỀ NẢY SINH (Trang 107 - 109)

II. DÂN VÙNG VEN VÀ VIỆC LÀM PHI NÔNG NGHIỆP

7. Phân hóa về mức sống

Khoảng cách chênh lệch giữa nhóm giàu với nhóm nghèo như là yếu tố phản ánh sự phân phối công bằng hay không công bằng, thúc đẩy hay cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo cũng đang diễn ra ở cả nông thôn và đô thị. Nhóm dân cư đói nghèo vẫn còn khá cao và tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Tình trạng phân hóa giữa mức sống đô thị (giàu) và nông thôn (nghèo) đang có xu hướng gia tăng. Hiện nay, trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, điều này lại càng được khắc sâu thêm. Nhận định này được làm rõ hơn qua kết quả nghiên cứu về phân tầng mức sống trong địa bàn mẫu.

Để đánh giá về độ chênh lệch giàu - nghèo của các hộ gia đình trong địa bàn khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện hai phương pháp khác nhau dựa vào thu nhập của hộ gia đình năm 2006.

Phương pháp thứ nhất là tính hệ số chênh lệch về thu nhập giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo. Theo đó, chúng tôi chia tổng số hộ ra thành 5 nhóm với số hộ bằng nhau, mỗi nhóm có số hộ bằng 20% tổng số hộ, theo mức thu nhập của hộ gia đình. Nhóm thứ nhất gồm 20% tổng số hộ có mức thu nhập thấp nhất - còn gọi là nhóm nghèo. Nhóm 2 gồm 20% tổng số hộ có mức thu nhập dưới trung bình - nhóm cận nghèo. Nhóm 3 gồm 20% tổng số hộ có mức thu nhập bình quân đầu người trung bình - nhóm trung bình. Nhóm 4 gồm 20% tổng số hộ có mức thu nhập khá - nhóm cận giàu. Nhóm 5 gồm 20% tổng số hộ có mức thu nhập cao nhất - nhóm giàu. Thu nhập của các nhóm hộ và trung bình một hộ của các nhóm thể hiện qua bảng 2.2.31 và biểu đồ 2.2.7.

Bng 2.2.31: Tổng thu nhập và thu nhập trung bình của các nhóm hộ/năm Nhóm Tổng thu nhập (đồng) Trung bình hộ (đồng) Nhóm nghèo 495.378.000 8.256.300 Nhóm cận nghèo 1.169.185.000 19.486.416 Nhóm trung bình 1.747.540.000 29.125.666 Nhóm cận giàu 2.444.097.000 40.734.950 Nhóm giàu 4.836.220.000 80.603.666

Biu đồ 2.2.7: Tổng thu nhập của các nhóm hộ(năm 2006)

Hệ số chênh lệch giàu - nghèo được tính bằng cách chia thu nhập bình quân của nhóm giàu cho nhóm nghèo. Theo đó, thu nhập bình quân trong năm 2006 của những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo là 8.256.300 đồng, của nhóm giàu là 80.603.666 đồng. Như vậy, hệ số chênh lệch giàu - nghèo ở các địa bàn mẫu vào năm 2006 là 9,7. Đây là hệ số cao nếu so với hệ số chung của cả nước1(bảng 2.2.32).

Bng 2.2.32: Hệ số chênh lệch giàu nghèo (theo ngũ phân) Tổng thu nhập của 20% hộ GĐ nhóm nghèo (đồng) Tổng thu nhập của 20% hộ GĐ nhóm giàu (đồng) Bình quân thu nhập của 20% GĐ nhóm nghèo (=1/60) (đồng) Bình quân thu nhập của 20% hộ GĐ nhóm giàu (=2/60) (đồng) Hệ số chênh lệch giàu nghèo (=4/3) (1) (2) (3) (4) 495.378.000 4.836.220.000 8.256.300 80.603.666 9,7

Theo các kết quả nghiên cứu ở nước ta hiện nay, nếu theo chiều từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên miền núi, thì sự phân hóa ở các tỉnh phía Nam rõ rệt hơn phía Bắc, đồng bằng rõ rệt hơn miền núi. Nếu lấy đô thị làm tâm và theo chiều từđô thị về nông thôn, về tiếp vùng sâu vùng xa, thì sự phân hóa ởđô thị diễn ra mạnh nhất, càng lan tỏa ra các vùng nông thôn xung quanh càng yếu dần, và hầu như còn phẳng lặng ở vùng miền núi. Như vậy, hệ số chênh lệch giàu nghèo ở các địa bàn khảo sát tại TP. Cần Thơ là tương đối cao (9,7 so với 8,4 của cả nước). Điều này cho thấy đã có sự phân hóa, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của các hộ gia đình tại những vùng này.

1

Hệ số chênh lệch giàu nghèo của nước ta qua các năm như sau: năm 1990 là 4,1 lần, năm 1991 là 4,2 lần, năm 1993 là 6,2 lần, năm 1994 là 6,5 lần, năm 1995 là 7,0 lần, năm 1996 là 7,3 lần, năm 1999 là 7,6 lần, năm 2002 là 8,1 lần, năm 2004 là 8,3 lần, năm 2006 là 8,4 lần.

Phương pháp hai là tính tỉ trọng tổng thu nhập của 40% số hộ có thu nhập thấp nhất chiếm trong tổng thu nhập của tất cả các hộ. Theo phương pháp này, nếu tỉ trọng thấp hơn 12% là có sự bất bình đẳng cao, nếu nằm trong khoảng 12 - 17% là có sự bất bình đẳng vừa; nếu lớn hơn 17% là có sự tương đối bình đẳng.

Dựa vào thu nhập của các hộ gia đình khảo sát năm 2006, tỉ trọng ở các địa bàn mẫu là 15,58%1. Theo lý thuyết chung thì hệ số này thể hiện sự bất bình đẳng vừa trong phân phối thu nhập. Nếu so sánh với chỉ số cả nước thì hệ số này không khác biệt nhiều (bảng 2.2.33).

Bng 2.2.33: Hệ số chênh lệch giàu nghèo

Tổng thu nhập của 40% nhóm hộ có thu nhập thấp nhất (đồng) Tổng thu nhập của 300 hộ gia đình (đồng) Hệ số chênh lệch giàu nghèo (= 1/2.100%) (1) (2) 1.664.563.000 10.692.420.000 15,58%

Từ những kết quả trên có thể thấy đã có sự chênh lệch giàu - nghèo nhất định ở những địa bàn khảo sát. Hệ số chênh lệch giàu nghèo theo hai cách tính đều khá lớn, đó không phải là mô hình phát triển bền vững. Do vậy, trong chiến lược toàn diện về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, cần có những chương trình, giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn, trong khi cần thiết phải khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp trên cơ sở của phân tầng xã hội hợp thức thì cũng cần phải tạo điều kiện, cơ hội tốt hơn nữa cho người nghèo để họ vươn lên thoát nghèo. Một số giải pháp thiết thực như tạo thêm nhiều chỗ làm mới; cung cấp dịch vụ thuận tiện để người nghèo dễ tiếp cận; nâng cao năng suất lao động nhằm hạ giá thành, bán hàng hóa giá rẻ cho người nghèo; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo… Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hơn nữa chương trình xóa đói giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo thì không chỉ trực tiếp tập trung mọi nguồn lực cho người nghèo, hướng vào người nghèo mà còn phải mạnh dạn đầu tư cho người giàu, tạo ra động lực cho sự phát triển, khi đó người nghèo sẽ có nhiều điều kiện hơn để vươn lên thoát nghèo.

Một phần của tài liệu NÉT CHUNG VÀ NÉT ĐẶC THÙ TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở TP CẦN THƠ - ĐỘNG LỰC VÀ CÁC VẤN ĐỀ NẢY SINH (Trang 107 - 109)