Sự linh hoạt trong cách thức biểu đạt và sử dụng biện pháp tu từ

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 144 - 160)

6. Bố cục luận văn

3.3.3. Sự linh hoạt trong cách thức biểu đạt và sử dụng biện pháp tu từ

Là hồi kí thế nên phương thức biểu đạt chính là tự sự. Tuy nhiên trong tác phẩm tất nhiên không sử dụng duy nhất một phương thức biểu đạt như trên mà có sự đan xen, lồng ghép các phương thức biểu đạt với nhau nhằm những dụng ý nhất định.

Tác phẩm là một hồi kí cách mạng tái hiện lại hầu như khá chân xác và đầy đủ những sự kiện lớn của dân tộc. Thế nhưng với cách kể chuyện khéo léo, tác phẩm không biến thành một cuốn sách khô khan với ngồn ngộn sự kiện, thời gian, diễn biến chi tiết, kết quả trận đánh mà là một áng văn với giá trị nhiều mặt. Tác phẩm không chỉ thể hiện con người tư tưởng, văn hóa lớn Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp mà không thiếu những chi tiết chân thực về một thời kì lịch sử dài lắm hiểm nguy nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc. Sức hấp dẫn của tác phẩm trước hết thể hiện ở bố cục sáng, rõ trên cả hai mặt phẳng không gian và thời gian. Tác phẩm vừa như một áng văn chính luận với những luận điểm, luận cứ rõ ràng; vừa như một câu chuyện dài lôi cuốn, hấp dẫn lại giống một tác phẩm trữ tình ở những đoạn dạt dào cảm xúc.

Đan xen với các đoạn trần thuật, người thể hiện cũng chú ý lồng ghép các đoạn tả cảnh tránh cảm giác nhàm chán. Trong đoạn tả cảnh đơn vị di chuyển xuống khu vực Chợ Đồn, người viết đã khôn khéo lồng ghép đoạn miêu tả về Hồ Ba Bể. Qua đó người đọc thêm yêu, thêm tự hào về những miền đất xinh đẹp của Tổ quốc: “Hồ Ba Bể do ba cái hồ rất lớn hợp thành. Giữa những núi non hùng vĩ đột ngột hiện ra một dải nước mênh mông, rất nhiều ngòi, lạch tia ra xung quanh, giống như một Vịnh Hạ Long thu nhỏ ở ngay giữa đất liền. Tại vùng này, việc giao thông chủ yếu phải dùng thuyền, bè, hay canô, vì đường qua núi rất ít nẻo đi thông. Giữa hồ có một dài đất nổi lên như một hòn đảo” [28, tr.115]. Hay ở một đoạn khác: “Con đường từ Đình Cả lên Bình Gia nằm giữa hai triền núi đá. Những ngọn núi đá nối tiếp nhau, xanh xanh nhấp nhô. Bản làng rải rác ở chân núi với những ngôi nhà sàn bốn mái. Cảnh đẹp và thanh bình đôi lúc làm quên đi tình hình gay gắt của chiến tranh” [28, tr.470].

Một tác phẩm hồi kí cách mạng nhưng không hoàn toàn là cuốn hồi ức đầy rẫy ngày tháng, số liệu, trận đánh mà có sự xen lẫn nhiều đoạn miêu tả, biểu cảm. Với sự kết hợp tả và biểu cảm người đọc hiểu thêm về một Võ Nguyên Giáp, một vị tướng anh dũng trên chiến trường nhưng cũng là một tâm hồn nghệ sĩ dạt dào cảm xúc: “Buổi chiều, tôi đi dạo một lát trên bờ suối Cam Ly. […] Bên bờ suối, nhiều hoa sim dại. Thành phố yên tĩnh, không khí trong lành, phong cảnh lại đẹp. Đà Lạt thật là một thắng cảnh của đất nước ta. Chỉ muốn đi mãi trên con đường gió mát và tiếng thông reo” [28, tr.273].

Thứ hai, ở những vấn đề mà tưởng như rất khô khan như nói về một chiến thuật, một chủ trương nhưng cách kể khéo léo, nó trở nên hấp dẫn. Nói về những khó khăn, sai lầm của địch khi chiến đấu ở núi rừng Việt Bắc: “Bộ chỉ huy Pháp đã phạm phải sai lầm cơ bản khi đem 12.000 quân mở hai gọng kìm tiến công bao vây một vòng cung quá rộng, ôm cả năm tỉnh Việt Bắc. […] Thời tiết, khí hậu, muỗi rừng Việt Bắc cũng là một thứ cường toan nhanh chóng gặm mòn lực lượng quân viễn chinh trên chặng đường dài hành quân” [28, tr.484-485].

Phương thức biểu đạt chính tự sự cũng kết hợp hài hòa với miêu tả nhằm thể hiện những dụng ý riêng. Từ việc đi vào miêu tả chân dung Hồ Chí Minh, tác giả đã dẫn dắt đến một liên tưởng thú vị: “Hình dáng một cụ già mảnh khảnh, râu đen, mặc bộ ka ki

đã phai màu, đi đôi giày vải chàm, nổi bật lên giữa đám người to béo, sang trọng, số đông là quân nhân. Một hình ảnh thu gọn: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữa vòng vây trùng điệp của chủ nghĩa đế quốc” [28, tr.237]. Chân dung của những cán bộ, chiến sĩ cũng hiện lên rõ nét: “Đồng chí Vũ Yên, người cao lớn, cân đối, vững chãi như một pho tượng. Trước cách mạng, anh là một người thợ đồng thời là vận động viên bơi lội. Đồng chí Thái Dũng với nét mặt kiên nghị, đã mất bàn tay phải trong trận Bản Pùm. Đồng chí Vũ Lăn nhỏ nhắn, cặp mắt sắc, bộ râu quai nón mới cạo xanh xanh. Đồng chí Doãn Tuế, bộ mặt chất phác, hiền lành” [28, tr.583]. Mỗi đồng chí một vẻ, tất cả những khuôn mặt khác nhau ấy cùng tề tựu bên nhau, đồng lòng, đồng sức lập nên những chiến công hào hùng khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Không chỉ xuất hiện những đồng chí bộ đội, chiến sĩ trên mặt trận của ta, chân dung của những vị chỉ huy trong quân đội giặc cũng xuất hiện góp phần hình dung rõ được đầy đủ những gương mặt ở hai bên chiến tuyến. Đờ Lát – một vị chỉ huy của thực dân Pháp xuất hiện khá “đặc biệt” hé lộ nhiều cảm nhận về nhân vật này. Ngay từ những giây phút xuất hiện đầu tiên, ông ta đã thể hiện ngay uy quyền của mình: “Ông ta xuất hiện một mình ở khung cửa máy bay với bộ lễ phục màu trắng nổi bật. Dừng lại giây lát, tay trống can, đưa mắt nhìn đám đông, rồi ông ta mới chậm rãi bước xuống cầu thang. Đờ Lát không giấu giếm thái độ lạnh nhạt và coi thường hai người tiền nhiệm về dân sự và quân sự ra đón mình” [28, tr.706].

Trong những chuyến hành quân mệt mỏi, bí mật, đồng bào, chiến sĩ ta nhiều lần dừng chân ở những bản làng của các đồng bào dân tộc thiểu số. Và trong hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không ít lần, đặc điểm riêng, cung cách sinh hoạt của những người dân tộc miền núi hiện lên qua những dòng miêu tả cụ thể: “Tôi ở lại Bình Gia trong một bản của người Nùng. Nhà sàn ở đây rộng rãi, mái lợp ngói, sạch sẽ. Chủ nhà tiếp đón rất ân cần. Người Nùng và người Tày cùng nói chung một thứ tiếng, nhưng trang phục, tập quán có khác nhau. Người Tày nhuộm răng đen, phụ nữ mặc áo dài. Người Nùng, cả nam lẫn nữ đều mặc áo ngắn, để răng trắng” [28, tr.472].

Chính sự kết hợp hài hòa, đan xen nhiều phương thức biểu đạt khác nhau đã khiến nhiều vấn đề khô khan trở nên nhẹ nhàng, nhiều khái niệm trừu tượng, nhiều cảm xúc khó biểu đạt hiện lên có hình, có ảnh. Niềm vui sướng, phấn chấn, lạc quan,

tinh thần quyết chiến cho tổ quốc quyết sinh của những người ra đi vì nghĩa lớn thể hiện rõ trong cách miêu tả: “Người đi như trảy hội. Những đoàn dân công Việt Bắc, Tây Bắc, Khu 3, Khu 4 đều gặp nhau ở đây. Bộ binh, pháo binh, công binh, vận tải, văn công…, đơn vị ngày nối tiếp đơn vị khác. Các chiến sĩ mặc áo bông mới dài tay, súng đạn, ba lô, bao gạo đầy ắp trên người, đi hàng một nối nhau bước gấp” [28, tr.910-911].

Sự đan xen của các phương thức biểu đạt còn thể hiện ở sự kết hợp giữa kể với biểu cảm. Sự kết hợp này khiến cho ngay cả ở những đoạn viết về những hiểm nguy cũng mang một sắc thái nhẹ nhàng, thể hiện được tinh thần lạc quan, không nề hà nguy hiểm của các bộ đội, chiến sĩ: “Đã nhận ra đường về. Nhưng dòng suối không còn êm đềm nên thơ như buổi sáng. Nó trở nên hung dữ. Nước chảy xiết. Lòng suối lổn nhổn đá đầy rêu trơn. Mọi người đều ngã lên ngã xuống” [28, tr.633] hay “Đường ra mặt trận hết núi lại đèo, suối rồi lại suối. Qua những khu rừng âm u, rậm rạp, những sườn núi chênh vênh, lại đến những đồi tranh trơ trụi” [28, tr.910].

Những ngày đi chiến dịch nguy hiểm, cảnh quan tươi đẹp trên chuyến đi cũng được thu vào tầm mắt, xoa dịu đi sự khốc liệt của chiến trường: “Dưới ánh trăng, những trái đồi gianh trở nên mượt mà hơn, rừng cây bù xù ban ngày đã chuyển thành những mảng màu lục sẫm hiện lên trên nền trời xanh, trang điểm những mảng sương trắng” [28, tr.914].

Đan lồng vào đó, trong tác phẩm cũng xuất hiện rất nhiều những bài thơ dạt dào cảm xúc, có khi của Bác, của những nhân vật trong tác phẩm và nhiều khi của chính Đại tướng. Chính sự kết hợp này mang đến cho tác phẩm sắc thái trữ tình.

Một chiến sĩ trung đoàn 102 đã làm mấy câu thơ:

Một chiều qua bến Âu Lâu

Bản làng hoang vắng, lòng sầu xót xa Đại quân đã vượt Hồng Hà…

Để tái hiện lại hình ảnh Hồ Chí Minh, trong mạch kể chuyện, tác giả thường xen vào những chỗ miêu tả về ngoại hình, về cách làm việc và đặc biệt là nhiều bài thơ được Người trực tiếp sáng tác nhân những sự kiện đặc biệt. Cách kể này này nhằm toát

lên phẩm chất, con người Bác – một nhà cách mạng có tâm hồn nghệ sĩ. Trong lần mọi người chúc thọ Bác sáu mươi tuổi, Bác đã khoai khoái đọc ra mấy câu thơ:

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán, So với ông Bành vẫn thiếu niên, Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe. Trần mà như thế kém gì tiên.

Kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tái hiện những chi tiết, sự kiện chân xác với việc thể hiện tư tưởng, tình cảm và những chiêm nghiệm suy tư của Võ Nguyên Giáp về đất nước, về nhân dân: “Trong khi nghĩ đến không khí nô nức chuẩn bị thành lập đại đoàn, thì hình ảnh sinh động của đại đội nghĩa quân sống giữa vùng hậu địch Nam phần Bắc Ninh mỗi lúc một in đậm trong đầu. Ngựa bắt đầu lên dốc. […]. Những luồng gió mang theo hơi lạnh từ Thái Nguyên thổi về. Tâm hồn cảm thấy thư thái, lâng lâng. Ngồi trên mình ngựa, một ý nghĩ mới nẩy ra. Nó lóe lên như một ánh chớp soi rọi vào những chỗ trước đây còn mờ nhạt trong suy tư” [28, tr.455] hay một đoạn khác “Ngồi trên mình ngựa lững thững ra khỏi rừng, thấy đất trời như vừa qua một cơn bão. Những ngôi nhà đổ rụi, những đống tro than, những ngôi mộ mới. Nhưng không gian yên tĩnh lạ lùng. Không còn tiếng máy bay, tiếng pháo, tiếng bom. Rừng cây xanh hơn. Những dải sương trắng trên sườn núi cũng mượt mà hơn” [28, tr.481].

Sự đan xen các cách thức kể, tả, biểu cảm này một trong những đặc điểm quan trọng tạo nên tính hấp dẫn trong hồi kí Võ Nguyên Giáp.

Trong tác phẩm văn học, các biện pháp tu từ được sử dụng như một phương tiện làm cho hình tượng nghệ thuật trở nên sinh động. Hồi kí Võ Nguyên Giáp sử dụng nhiều biện pháp so sánh. Đối tượng được lấy để so sánh thường là những hình ảnh từ thiên nhiên:

“Cách mạng nổi lên như những cơn lốc” [28, tr.148].

“Cả dân tộc ta từ Bắc chí Nam đã vùng dậy với một sức mạnh như triều dâng, thác đổ.” [28, tr.146].

“Phong trào du kích nổi lên như sóng cồn quét đi từng mảng tổ chức ngụy quyền ở cơ sở.” [28, tr.731].

“Đoàn quân xuất hiện bất thần, đi mải miết, như một cơn lốc tràn qua khu căn cứ.” [28, tr.704].

“Tin chiến thắng Đoan Hùng như một luồng gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của chiến tranh.” [28, tr.471].

“Lá cờ đỏ sao năm cánh phấp phới bay trong gió lạnh như một ngọn lửa thiêng sưởi ấm tâm hồn chúng tôi.” [28, tr.26].

Lối so sánh này thường được sử dụng để thể hiện sức mạnh, tầm vóc của quân đội và nhân dân Việt Nam. Với việc lấy những hình ảnh thể hiện được sự dữ dội, mạnh mẽ của thiên nhiên, vũ trụ, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh hùng dũng, khí thế ngút trời của toàn thể quân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại thực dân, đế quốc.

Đặc biệt trong tác phẩm có sử dụng những sự so sánh đặc biệt. Mới đọc nghe có vẻ khập khiễng, không cân vì dường như không tìm thấy sự liên quan giữa đối tượng so sánh và được so sánh. Thế nhưng chính sự lạ lẫm này đã tạo nên nét độc đáo riêng và mục đích diễn đạt một cách hình ảnh đặc điểm nào đó của đối tượng so sánh đạt hiệu quả cao:

“Những quyền tự do, dân chủ được ban bố, giống như trận mưa rào tưới xuống cánh đồng khô hạn lâu ngày” [28, tr.184].

“Hai con sông Bằng và sông Hiến như đôi cánh tay ôm vòng lấy ba mặt thị xã” [28, tr.632].

“…chân núi nhiều cây cối, đỉnh núi rất tròn, trọc lốc, chỉ có bốn cây thông, nhìn xa như chiếc đầu hói” [28, tr.655].

Biện pháp hoán dụ cũng được sử dụng trong tác phẩm:

“Bề ngoài, thành phố như có vẻ ngại thời tiết giá lạnh, đi ngủ sớm. Nhưng bên

trong đang dấy lên những đợt sóng ngầm.” [28, tr.361].

Biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng tạo nên giá trị biểu cảm cao, gia tăng chất trữ tình cho tác phẩm:

“Trên đất nước còn mang đầy vết thương và những bóng đen ảm đạm sau gần một trăm năm bị đô hộ, đã xuất hiện những hình ảnh tươi sáng của nước Việt Nam ngày mai.” [28, tr.123].

“Những ngôi nhà như thu mình lại đứng sưởi ấm dưới ánh điện máu vàng nhạt.” [28, tr.361].

“Gió hú từng hồi trên các vòm cây.” [28, tr.63].

“Dòng sông Lô sau những ngày gầm thét, chan hòa máu giặc, đã trở lại màu xanh bất tận, êm đềm chảy giữa núi rừng Việt Bắc”. [28, tr.481].

Với sự linh hoạt trong việc sử dụng các biện pháp tu từ, phù hợp với thể loại đã khiến cho một tác phẩm đầy những sự kiện nhưng không khô khan mà giàu giá trị biểu cảm.

*** Những đặc sắc về nghệ thuật trên đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn riêng của hồi kí Võ Nguyên Giáp. Có thể nói rằng với nguồn tư liệu phong phú, đa dạng mà người kể có được cộng thêm sự sắp xếp, trình bày một cách khoa học, logic các sự kiện theo không gian và thời gian đã khiến cho một hồi kí với bộn bề các sự việc, con người trở nên sáng rõ, dễ tiếp nhận. Cùng với đó tính văn chương trong hồi kí cũng được gia tăng với nghệ thuật kể chuyện và sử dụng ngôn ngữ tài tình. Những yếu tố nghệ thuật này đã góp một phần quan trọng để khẳng định vị trí và sức hấp dẫn không thể thay thế của hồi kí Võ Nguyên Giáp so với nhiều hồi kí của các tướng lĩnh, chiến sĩ cách mạng khác.

KẾT LUẬN

Hồi kí là một loại nằm trong thể kí với những đặc trưng cơ bản như yêu cầu rất cao về tính chính xác, mang đậm tính chủ thể và kể chuyện theo sự hồi tưởng. Hồi kí Võ Nguyên Giáp là một tác phẩm tiêu biểu cho hồi kí của các tướng lĩnh, chiến sĩ cách mạng viết về đề tài chiến tranh. Trong dòng phát triển của văn học cách mạng, các tác phẩm hồi kí loại này cũng mang những ý nghĩa, giá trị cao. Đặc biệt, đặt trong so sánh với một số tướng lĩnh, chiến sĩ khác, tác phẩm của Võ Nguyên Giáp không chỉ giàu giá trị nội dung mà cũng có những cách thể hiện lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc.

Hồi kí Võ Nguyên Giáp bao hàm những nội dung sâu sắc về nhiều vấn đề, trong đó một vấn đề cơ bản là bức tranh thời đại và con người anh hùng qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Câu chuyện được kể theo hành trình của nhân vật “tôi” nhưng không bị thu hẹp trong nội dung phản ánh bởi Võ Nguyên Giáp là một nhân vật lịch sử gần như có mặt trong suốt những sự kiện quan trọng của đất nước. Những ngày đầu của cách mạng nhiều gian khổ, Đảng và Bác đã chủ trương cần bám sát vào dân, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân. Sự kiện Cách mạng tháng Tám thành công mở ra một thời kì mới trên đất nước. Nhà nước Việt Nam dân chủ được thành lập, bên cạnh niềm vui mừng, phấn chấn, tự hào là những khó khăn chồng chất phải đối mặt. Những đối sách,

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 144 - 160)