Nghệ thuật khai thác tư liệu

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 107 - 117)

6. Bố cục luận văn

3.1.1. Nghệ thuật khai thác tư liệu

Hồi kí của Võ Nguyên Giáp gồm nhiều tác phẩm có quy mô lớn. Với ý nghĩa phản ánh những sự kiện quan trọng liên quan đến nhiều việc, nhiều người thế nên yêu cầu tính chính xác được đặt ra rất cao. Hồi kí của Võ Nguyên Giáp đã tận dùng nhiều nguồn tư liệu từ lịch sử, từ báo chí, các tư liệu của cả ta và của địch…đưa vào trong câu chuyện được kể, chính sự phong phú và kết hợp khéo léo các tư liệu được khai thác đã tạo nên những nét đặc biệt riêng của thể văn xuôi không hư cấu này.

Tư liệu lịch sử là loại tư liệu được sử dụng nhiều nhất trong hồi kí. Những tư liệu này được huy động trong việc trình bày những tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, những con số thống kê chính xác kết quả của các chiến dịch, những nội dung chỉ thị của Đảng, của Bác, những mốc thời gian lịch sử cần chính xác ngày tháng năm…Khi nhớ lại những việc đã qua, dù trí nhớ con người có tốt đến đâu đi chăng

nữa, việc đối sánh với những tư liệu lịch sử cụ thể cũng là một điều cần thiết. Trong một đoạn viết về so sánh lực lượng, tác giả đã dẫn ra những số liệu cụ thể: “Cuối năm 1950, tổng quân số của ta là 238.884 người. So với mùa hè thì lực lượng của ta tăng nhanh. Nhưng cùng thời gian đó, lực lượng của địch cũng tăng lên 239.000 người. Đây là năm duy nhất trong suốt cuộc chiến tranh, về mặt số quân, ta và địch có số lượng tương đương” [28, tr.697]. Trong khi kể lại chiến dịch Trần Hưng Đạo thường gọi là Chiến dịch Trung du, người kể cũng dùng những số liệu lịch sử cụ thể để nói về lực lượng của ta và địch: “Lực lượng ta có 2 đại đoàn 308, 312 (thiếu một trung đoàn), 3 liên đội sơn pháo 75 ly, mỗi liên đội có 4 khẩu sơn pháo, 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên – Phúc Yên), Bắc Ninh, Bắc Giang, và 2 đại đội công binh. Lực lượng của địch ở 3 tỉnh trung du: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang có 14.806 người, bao gồm 9.326 quân Âu Phi, 5.480 lính ngụy và thổ phỉ. Binh đoàn cơ động số 3 của địch trú quân tại ngay Vĩnh Yên – Việt Trì” [28, tr.703]. Tổng kết về quá trình thực hiện công nghiệp Quốc phòng, những số liệu chính xác được ghi nhận “Trong ba năm đầu kháng chiến ta đã khai thác được hơn 2 vạn tấn than, 6000 tấn phốt phát, 300 tấn diêm tiêu, đã sản xuất được một số hóa chất cơ bản: axít, xút…” [28, tr.534]. Những con số thống kê về những thành tích ta đã làm được qua mười hai ngày đêm chiến đấu với đế quốc Mĩ năm 1972 cũng được điểm qua: “1. Bắn rơi 77 máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược và không quân chiến thuật Mĩ, phần lớn rơi tại chỗ, trong đó có: 33 máy bay chiến lược B.52, phần lớn thuộc loại B.52 D và B.52 G, tức là loại máy bay chiến lược có trang bị điện tử tối tân của Mĩ. 5 máy bay F.111. 24 máy bay phản lực hiện đại của hải quân Mĩ. 3 máy bay trinh sát và 1 máy bay lên thẳng. 2. Tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mĩ, trong đó có đủ sĩ quan các cấp trung tá trở xuống. 3. Bắn cháy 8 tàu chiến Mĩ…” [28, tr.1155]. Như vậy trong hồi kí, để cung cấp đến độc giả những số liệu chính xác, người ghi cần có sự nghiên cứu kĩ lưỡng các tư liệu lịch sử để không vi phạm sự thật khách quan.

Dựa vào những kiến thức lịch sử sâu rộng đã nắm trong thời kì còn là giáo viên lịch sử, tác giả đã dẫn dắt so sánh để thấy được từ xưa đến nay, những con người kiệt xuất luôn biết dựa vào dân, coi nhân dân chính là lực lượng chính trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước: “Ngày xưa, Trần Hưng Đạo khuyên vua chước giữ nước hay

hơn cả là “lúc bình thời, khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Nguyễn Trãi chê Hồ Quý Ly để mất nước vì chỉ biết đóng cọc ngăn sông cản giặc, mà không biết lấy sức dân làm trọng. Các đấng anh hùng dân tộc lập nên công lớn, đều rất coi trọng sức dân để giữ nước, chống giặc” [28, tr.182]. Khi kể về sự việc cuộc tổng giao chiến đầu tiên giữa bộ đội ta với quân viễn chinh sau Cách mạng tháng Tám, người kể huy động những tư liệu: “Lịch sử chiến đấu giữ nước của ta kể từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng những năm 1940 đầu Công nguyên, chưa hề có cuộc chiến đấu chống ngoại xâm nào khởi đầu cùng một lúc từ kinh đô và các thành thị. Những cuộc chặn đánh ngoại xâm cũng hiếm diễn ra ở Thăng Long. Thời Trần hưng thịnh, ở thế kỉ XIII, trong cả ba lần chống quân xâm lược Nguyên Mông, tuy trình độ trang bị vũ khí giữa ta và giặc tương đương, nhưng trước thế giặc mạnh như nước, lửa, ông cha ta đều tạm thời rút quân khỏi kinh đô, chọn thế hiểm yếu đánh lại quân địch” [28, tr.386]. Dẫn ra những tư liệu này để thể hiện một trong những trăn trở trong đầu Đại tướng lúc này, đó là việc trong lịch sử chưa hề có trường hợp “một lực lượng vũ trang yếu kém đương đầu thắng lợi với một quân đội chính quy tại thành phố” [28, tr.386], do đó chúng ta hoàn toàn chưa có tiền đề cho trận thắng sắp tới, vấn đề là cần tìm ra một cách đánh phù hợp để có thể chiến thắng.

Không chỉ khai thác các tư liệu lịch sử trong nước, những tài liệu từ nước ngoài cũng được khai thác. Trong phần mở đầu Chiến đấu trong vòng vây nhằm thể hiện những đánh giá, bình luận về vấn đề “hòa hay chiến”, tác giả đã khai thác những tư liệu lịch sử trên thế giới để từ đó có cái nhìn chính xác, khách quan hơn về vấn đề này: “Hàng chục năm sau ngày nổ ra chiến tranh, nhiều nhà sử học trên thế giới vẫn còn nêu lên câu hỏi: ai là kẻ đã châm ngòi cho nó. Những năm 1987, 1988, Xtên Tônnétxơn, nhà sự học trẻ Na Uy, và Philíp Đờvile, trên cơ sở hồ sơ của các nước phương Tây, đều đi tới một kết luận: Vanluy (Valluy) và Pinhông (Pignon) trung thành với chủ trương tái lập quyền thống trị của Pháp trên bán đảo Đông Dương bằng sức mạnh, đã tìm mọi cách làm sớm nổ ra cuộc chiến khi thấy ông Lêông Blum (Léon Blum) trở thành người cầm đầu chính phủ Pháp. Nếu phía Việt Nam không chịu cung cấp cho họ cái cớ mong đợi thì họ cũng sẽ chủ động tiến hành kế hoạch tác chiến” [28, tr.381].

Viết hồi kí, nếu đó chỉ là những hồi ức nhỏ chủ yếu thể hiện những kỉ niệm cá nhân thì khác, hồi kí Võ Nguyên Giáp xét cả về quy mô và nội dung phản ánh đều đề cập đến những sự kiện lớn bao quát cả một thời kì dài của dân tộc, trong đó lại không thiếu những chiến dịch, những trận đánh, sự phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước, tương quan lực lượng giữa ta và địch, thế nên từ vấn đề phản ánh mang tầm vóc và quy mô lớn, việc khai thác những tư liệu lịch sử liên quan đã được chú ý sử dụng để tạo nên những hiệu quả nghệ thuật nhất định cho hồi kí.

Những văn kiện, các nghị quyết cũng được đưa vào sử dụng với mật độ dày. Điều này cũng là điều dễ lí giải, vì tác phẩm viết về đề tài chính trị, quân sự thế nên trong tác phẩm không ít lần tác giả trích dẫn tư liệu từ các văn kiện, các nghị quyết của Đảng. Nghị quyết của Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng sau khi Nhật đảo chính Pháp được trích dẫn: “1. Đánh đổ chế độ thống trị của Pháp ở hương thôn, rồi tùy nơi, sẽ thành lập chính quyền nhân dân từ cấp xã đến cấp châu, huyện, phủ, hoặc đến cấp tỉnh. 2. Phân phối cán bộ của Đội tuyên truyền về cùng các đội vũ trang địa phương tổ chức thêm những đơn vị Giải phóng quân mới, chuẩn bị trực tiếp đánh Nhật. 3. Phá hoại đường sá, cầu cống, dân chúng tích cực làm vườn không nhà trống khắp nơi. 4. Đối với quân đội Pháp bị Nhật đánh đuổi, chủ trương không khiêu chiến với họ trong lục họ rút lui, mà tích cực kêu gọi họ cùng nhau thành lập mặt trận chống Nhật” [28, tr.117]. Chỉ thị “Tình hình và chủ trương” của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 3 tháng 3 năm 1946 lồng ghép trong câu chuyện được kể: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta” [28, tr.227]. Những tư liệu mang tính chính trị, quân sự này được trích dẫn khá nhiều trong hồi kí để làm rõ cho những chủ trương của Đảng, của Bác trong các giai đoạn, thời kì đấu tranh của đất nước.

Một nguồn tư liệu khác cũng được chú trọng khai thác là từ báo chí. Một phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP có mặt tại Hà Nội đã miêu tả cuộc chiến tại Hà Nội vào cuối năm 1946 và kết thúc đầu năm 1947 như sau: “Tôi đã thấy những người Pháp chết như thế nào dưới súng đạn Việt Nam ở hậu tuyến Hà Nội hay ở những trận kì dị

giữa trung tâm thành phố, ở một góc đường dưới những làn đạn tiểu liên bắn dọc theo đại lộ. Trong cuộc chiến tranh kì dị này, người ta có thể chết một cách dễ dàng ở bất kỳ nơi nào, lúc nào mà người ta không biết được (…) Ban đêm, họ len lỏi vào các phố trên gác cao, quân Pháp ném lựu đạn xuống. Họ vẫn tiến công một cách hăng hái và bền bỉ với những tiếng hò hét gây khủng khiếp. Đến sáng, họ lại biến đi như mây khói…” [28, tr.413]. Đoạn miêu tả trên được lồng ghép vào câu chuyện kể góp thêm một góc nhìn về những điều ta đã làm trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong hồi kí của mình, tác giả cũng khéo léo lồng ghép tư liệu từ hồi kí của các tác giả khác, phần nhiều là từ các tướng lĩnh bên kia chiến tuyến. Thông qua cách đánh giá, nhìn nhận của địch về cùng một vấn đề, tác giả đã giúp người đọc có cái nhìn toàn cục, đa diện về cùng một sự kiện, một con người. Xa lăng trong hồi kí của mình đã ghi lại những hồi ức về trận Việt Bắc thu đông 1947: “Họ còn đánh những trận phục kích lớn hàng mấy trăm người, bằng những quả mìn điều khiển từ xa kết hợp với súng máy trên những đoạn đường dài khiến cho quân Pháo bị tổn thương nặng nề” [28, tr.474]. Với những ghi nhận của một viên tướng bên kia chiến tuyến ta thấy rõ được sự linh hoạt trong việc bố trí trận phục kích của ta, có lẽ y không ngờ rằng ta với số lượng vừa phải, trang thiết bị không phải tối tân nhưng đã tạo dựng được uy thế, khiến địch không khỏi bàng hoàng, sợ hãi. Lănggơle thì lại tỏ ra ngỡ ngàng trước sự sụp đổ nhanh chóng của hai trung tâm mạnh nhất tập đoàn cứ điểm trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi viết trong hồi kí của mình: “Không hiểu vì lí do gì mà các cứ điểm ngoại vi Bêatơrixơ và Gabơrien bị tiêu diệt trong vòng 6 – 12 giờ. Các cứ điểm này được bảo vệ bằng một dải phòng ngự phụ rộng, tổ chức hỏa lực bắn chặn tốt, do các đơn vị thiện chiến giữ và được chỉ huy hoàn hảo” [28, tr.1005].

Cuối cùng trong hồi kí của mình, người kể kết hợp lời kể của nhiều nhân vật. Qua sự thuật lại của các đồng chí bên cạnh Bác, Võ Nguyên Giáp kể lại việc Bác hòa mình vào dòng người đi đón Tết độc lập đầu tiên: “Tiếng pháo đón xuân bắt đầu nổ ran khắp thành phố. Vui chân theo những người hái lộc, anh Hưng đến trước cổng đền Ngọc Sơn. Đang đi vào chùa, anh chợt nhìn thấy trong đoàn người tấp nập trên cầu Thê Húc, có một cụ già mặc áo dài, quấn chiếc khăn len quanh mặt. Chỉ thoáng nhìn

đôi mắt sáng của ông cụ, anh đã nhận ngay ra đúng là Hồ Chủ tịch. Bác bước đi chầm chậm giữa những người đang chen chúc nhau vào chùa” [28, tr.213]. Cuộc gặp giữa Bác Hồ và Pôn Muýt vào ngày 12 tháng 5 năm 1947 đã được kể lại trong hồi kí qua lời kể lại từ đồng chí Hoàng Minh Giám: sứ giả Bôlae sững sờ khi nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới ánh sáng xanh của ngọn đèn măng sông trong ngôi nhà duy nhất còn lại giữa thị xã đã biến thành đống gạch vụn. Bác vẫn giản dị, lịch sử như khi tiếp khách ở phòng khác. Cuộc trao đổi giữa Bác và Pôn Muýt được kể lại trong hồi kí một cách chi tiết. Cuộc gặp đã để lại một ấn tượng sâu đậm đối với Pôn Muýt. Chắc hẳn là thế! Năm sau sau trong một cuốn sách của mình Việt Nam, cuộc chiến tranh xét về xã hội , Pôn Muýt đã “phê phán nội dung bản thông điệp mà ông phải chuyển cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên” [28, tr.438].

Ngoài ra các tư liệu khác như các bài viết về quân sự trong các cuốn sách sách của các nhà quân sự lớn trên thế giới, của Bác Hồ cũng được kết hợp lồng ghép trong tác phẩm. Đoạn viết về du kích trong cuốn Cách đánh du kích của Hồ Chí Minh được khai thác để làm rõ: “Du kích là đánh úp hay đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ, không phòng. Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Đế quốc có khí giới tốt, có quân đội đàng hoàng; quân du kích không có khí giới tốt, chưa thành quân đội đàng hoàng, nhưng quân du kích được dân chúng ủng hộ, thuộc địa hình, địa thế, khéo léo lợi dụng đêm tối, mưa nắng, khéo xếp đặt kế hoạch nên quân du kích vẫn có thể đánh được đế quốc” [28, tr.494]. Nguồn tài liệu trích từ thư từ của Bác gửi cán bộ, đồng bào cũng được sử dụng khá nhiều: Tết Đinh Hợi (1947), Bác gửi thư cho các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô: “Các em ăn Tết thế nào?...Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90% mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kì kháng chiến” [28, tr.402]. Các bức thư được trích dẫn trong hồi kí đã thể hiện sự quan tâm của Bác đến những đồng chí, đồng bào của mình.

Tóm lại hồi kí Võ Nguyên Giáp đã có sự huy động tư liệu khá phong phú. Tư liệu ấy được chọn lọc, dẫn dắt, khai thác phù hợp để đưa vào hồi kí nhằm đạt những tác dụng thông tin – thẩm mĩ cao nhất.

3.1.2. Nghệ thuật trình bày tư liệu

Tư liệu được khai thác tối đa để đưa vào sử dụng trong hồi kí, tuy nhiên nếu không có sự trình bày tư liệu một cách khéo léo, tác phẩm sẽ dẫn dễ biến thành những áng văn tư liệu khô khan, giá trị biểu đạt không cao. Hồi kí Võ Nguyên Giáp đã chú ý sử dụng nguồn tư liệu phong phú kết hợp đan xen vừa kể, vừa tả có lúc lại phân tích, chứng minh, bình luận khiến tác phẩm vừa trung thực, chính xác vừa trữ tình, giàu cảm xúc.

Nhiều sự kiện trong tác phẩm Đại tướng không trực tiếp trải qua hoặc chứng kiến nhưng qua sự kể lại của những người trong cuộc cùng với những tư liệu lịch sử trong và ngoài nước phong phú, câu chuyện được kể liền mạch, giúp người đọc nắm được đầy đủ, xuyên suốt diễn biến tình hình. Diễn biễn sự việc của đoàn đại biểu ta trong chuyến đi sang Pháp để tham dự cuộc đàm phán chính thức việc kí kết Hiệp định Sơ bộ được kể lại một cách chi tiết: chuyến đi diễn ra như thế nào, những việc làm cụ thể

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 107 - 117)