Tình yêu tha thiết với tổ quốc, với nhân dân

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 98 - 102)

6. Bố cục luận văn

2.3.3.1. Tình yêu tha thiết với tổ quốc, với nhân dân

Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng hội tụ trí, dũng mà cũng là một tấm gương sáng ngời về lối sống, về nhân cách cao đẹp. Là người con của mảnh đất Việt Nam thân yêu, đứng trước cảnh ngộ đất nước lâm nguy, nhân dân phải chịu kiếp sống nô lệ, người thanh niên ấy cũng như bao thế hệ thanh niên khác đã đứng lên cầm gươm, cầm súng, quyết chiến cho tổ quốc quyết sinh. Trong hồi kí của mình, Đại tướng luôn thể hiện rõ niềm tự hào trước truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Là những thế hệ tiếp bước, Võ Nguyên Giáp luôn sống, chiến đấu hết mình để xứng đáng là người con của mảnh đất Việt Nam giàu truyền thống, dày văn hóa.

Võ Nguyên Giáp và các thanh niên yêu nước lúc bấy giờ may mắn hơn nhiều thanh niên trước đó khi được giác ngộ dưới lá cờ của Đảng, được người thuyền trưởng tìm đường chỉ lối để tiến tới con đường đúng đắn giải phóng dân tộc. Tình yêu tha thiết dành cho tổ quốc, cho quê hương là một trong những điều thể hiện nhân cách của Đại tướng. Tình yêu ấy bộc lộ ở nhiều phương diện, trong đó không thể không kể đến sự yêu quý, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác. Lần nghe tin Bác mất trong chuyến đi Trung Quốc năm 1942, Võ Nguyên Giáp không che giấu sự đau đớn trước nỗi mất mát này. Ngay trong lúc mọi người đang rất vui vì đã vượt qua một chặng đường rất khó khăn thì Võ Nguyên Giáp vẫn không thôi nghĩ về Bác “Riêng tôi vẫn nghĩ đến Bác. Nếu Bác mất, thì thật là một cái tang lớn, một sự tổn thất không gì bù đắp lại được cho Đảng ta và toàn thể nhân dân ta. Đi trong đêm vắng lặng và lạnh buốt, nhìn những triền núi gianh man mác kéo dài vô tận, những ngôi sao sáng như đọng trên những ngọn cỏ gianh bơ xờ, một vài chấm lửa của những ngôi nhà ở cô đơn trên các ngọn núi, lòng cảm thấy bơ vơ, buồn vô hạn, hai hàng nước mắt cứ rưng

rưng” [28, tr.60]. Trong thâm tâm của Đại tướng vẫn cứ trăn trở mãi suy nghĩ Bác chưa thể mất được “Tối hôm đó, nằm khó ngủ, nghĩ đến Bác. Tôi bỗng nhiên cảm thấy, Bác chưa thể nào mất được, Bác vẫn ở đâu đây, rất gần với chúng tôi” [28, tr.62]. Trong những giờ phút quan trọng, trong thời gian đi công tác, đồng chí vẫn luôn nhớ về Bác, ghi nhớ từng lời căn dặn của Người: “Không biết giờ này, Bác và các anh đang làm gì. Tết Độc lập đầu tiên ở Thủ đô chắc vui lắm” [28, tr.211].

Ở Võ Nguyên Giáp tình yêu với đất nước còn thể hiện qua sự gắn bó sâu sắc với cảnh vật, với con người trên miền đất chữ S. Mỗi nơi đi qua đều để lại những ấn tượng và cảm xúc khó phai với đồng chí Văn, có lẽ bởi đó là mảnh đất thân yêu, mảnh đất mà mỗi người dân đất Việt lúc đó không sợ đổ máu để gìn giữ, chính vậy gắn bó, yêu quý từng cảnh vật, từng mảnh đất chính là một biểu hiện rõ của tình yêu đất nước. Như đã nói, trong hồi kí của mình, Võ Nguyên Giáp rất ít khi nói về bản thân, đó chủ yếu là những dòng về Đảng, về Bác, về nhân dân; tuy vậy người đọc không ít lần bắt gặp những dòng trữ tình dạt dào cảm xúc và đó thường là những cảm nhận về vẻ đẹp của những vùng đất thân yêu. Mỗi lần đi chiến dịch, mỗi lần chuẩn bị vào trận đánh, bên cạnh sự căng thẳng, ác liệt của chiến trường là những giây phút được sống chan hòa giữa thiên nhiên, được hòa mình vào với non sông, đất nước để càng thêm quý, thêm yêu và nhắc nhở bản thân can trường, dũng cảm vượt qua thử thách. Đó là lúc qua phố huyện Thuận Châu vào một đêm trăng rất đẹp: “Dưới ánh trăng, những trái đồi gianh trở nên mượt mà hơn, rừng cây bù xù ban ngày đã chuyển thành những mảng mầu lục sẫm hiện trên nền trời xanh, trang điểm những mảng sương trắng” [28, tr.914], lúc qua Sông Lam, núi Hồng Lĩnh đẹp như tranh, hay dải đất miền Trung xinh đẹp: “Qua Đèo Ngang, lại nhìn thấy những cánh đồng quen thuộc, dài và hẹp, những cồn cát trắng của Quảng Bình, những cồn cát rất đẹp, rất miền Trung” [28, tr.205]. Huế thì hiện lên xinh đẹp với “những ngôi nhà xinh xắn, những vườn chè tươi tốt” [28, tr.205]. Mỗi mảnh đất đều là một phần máu thịt của đất nước, thế nên dù bị tàn phá bởi chiến tranh vẫn là những thứ gắn bó, thân thuộc và rất đỗi xinh đẹp.

Yêu quê hương, đất nước là vậy nên mỗi khi nói về đất nước trong những giờ phút quan trọng, cảm xúc của Đại tướng dường như lại dâng trào. Giờ phút khi xa đất nước để nhận nhiệm vụ sang Trung Hoa, những cảm xúc trong lúc ra đi được bộc lộ:

“Tôi quay lại nhìn những núi non trùng điệp của Tổ quốc nằm bên kia sông, u ẩn sau màn sương.Tình cảm lúc này thật khó tả. Non sông kia là của mình, nhưng lại nằm trong tay quân địch. Lúc phải xa đất nước, xa quê hương, cũng lại là lúc cảm thấy vừa thoát được vòng tù hãm” [28, tr.14]. Để rồi khi trở về là một cảm giác ấm áp, bồi hồi, xúc động khó tả: “Thấm thoắt đã một năm trời xa Tổ quốc, đặt chân lên dải đất quê hương, lòng chẳng khỏi bồi hồi. Mỗi bước đi thấy trong người ấm áp hơn lên. Chỉ vừa mới đi thêm mấy bước chân mà trước đó thì thấy như còn ở rất xa, lúc này lại thấy như đã ở gần nhà” [28, tr.28]. Trong buổi lễ thành lập đại đoàn đầu tiên (1949), những cảm xúc, niềm vui mừng, hạnh phúc mà chỉ riêng người trong cuộc mới rõ nhất lần đầu được chia sẻ: “Trong buổi lễ thành lập đại đoàn đầu tiên, không khí bộ đội cũng như đại biểu nhân dân đều tràn đầy phấn khởi. Nhưng có lẽ không mấy ai, kể cả anh Ninh là người đồng chí cộng tác rất gần gũi hiểu hết những cảm nghĩ của tôi. Tôi thấy chúng ta đã đi được một bước lớn đầy ý nghĩa trong công cuộc xây dựng bộ đội chủ lực; nhìn lại cả con đường đã trải qua thực không phải là thẳng tắp và đơn giản mà đầy khúc khuỷu, phức tạp” [28, tr.585].

Với Đại tướng, niềm hạnh phúc lớn nhất có lẽ là vào những giây phút đón nhận những đổi thay của đất nước. Khi tuyên thệ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân: “Tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng đó thực khó tả. Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra trong kí ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn giai cấp, làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động” [28, tr.91]. Giây phút sau Cách mạng tháng Tám, khi nhân dân thoát khỏi vòng nô lệ, cảm giác của một người con ruột thịt được đứng trên mảnh đất quê hương mình, được cảm nhận hương vị của sự tự do khiến người đọc xúc động: “Sau bao năm hoạt động bí mật, sinh sống trong rừng sâu, núi hiểm, mỗi khi qua các làng mạc đều phải đi đêm, nén từng tiếng ho, nhẹ từng bước chân, đến bây giờ, chúng tôi bỗng ra khỏi rừng, giữa ban ngày ung dung đi trên đường cái, trên cánh đồng, được đồng bào nhiệt liệt đón mừng, ai nấy đều hết sức cảm động,

sung sướng. […]. Trời như cao hơn, nắng như ấm hơn, ngọn tre, nhành lúa đều có vẻ tươi sáng hơn mọi ngày. Hương vị tự do, độc lập tràn khắp núi rừng, làng mạc. Thực không thể nào tả được cái không khí thơm nhẹ, cảm tưởng hớn hở của những người lần đầu được hưởng những hương vị độc lập” [28, tr.112-113]. Sau này trong những giây phút đất nước đón nhận những thay đổi lớn lao, Đại tướng luôn thể hiện sâu sắc những cảm xúc của mình. Đứng trước một kinh đô Huế của quá vãng nay đã thay đổi sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Võ Nguyễn Giáp không che giấu những tình cảm yêu thương: “Huế phong kiến đã trở thành dĩ vãng. Những đám rêu xanh trên tường lục bộ vẫn còn, những cách mạng đã đem đến biết bao thay đổi. Cái hủ bại, cái bệ trệ đã nhường bước cho cái mới, cái tiến bộ. Huế độc lập xinh đẹp, tươi sáng” [28, tr.206]. Đối với Huế, quả thực tác giả có nhiều tình cảm đặc biệt sâu sắc vì lúc này Huế không chỉ là hậu phương vững chắc, trực tiếp của nhiều mặt trận mà đó còn là nơi Bác Hồ đã sống những ngày thiếu thời.

Năm 1945, trong chuyến đi trở về xuôi đề dự họp Hội nghị quân sự Bắc Kì, song hành với niềm vui khi được nhìn lại cánh đồng quê hương là nỗi buồn khi chứng kiến cảnh đồng bào lam lũ, đói rách: “Người đói từ miền xuôi kéo lên, nằm rải rác suốt dọc đường, da bọc lấy xương. […] Tại Hà Nội, mỗi sáng, xe chở rác đầy chặt những xác người nhặt trên các hè phố” [28, tr.119]. Hiện thực thẫm đẫm nước mắt này đã được phản ánh trong nhiều tác phẩm, với hồi kí, tác giả đã trực tiếp bộc lộ sự đau đớn cùng với lòng căm uất sâu sắc trước tội ác trời không dung đất không tha của kẻ thù. Từ đó lòng khao khát giải phóng quê hương lại càng trở nên mãnh liệt.

Đó là những dòng chia sẻ chân thành của một con người gắn bó sâu nặng với mảnh đất của quê hương, xứ sở. Mỗi mảnh đất quê hương bị tàn phá, mỗi người dân phải ngã xuống là một nỗi đau, một sự thôi thúc để người sau nhắc nhở nhau cần phải cố gắng tiếp bước chiến đấu để sự hi sinh ấy không hoài phí. Và đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng chính là người con đẻ của mảnh đất Việt, chính tình yêu sâu sắc ấy là động lực giúp ông vượt qua bao nhiêu gian khổ, nguy hiểm, tự học hỏi từ thực tế chiến đấu để từ một người không được đào tạo chuyên nghiệp trong quân sự trở thành một vị danh tướng được cả nước và thế giới ghi nhận.

Như vậy, mặc dù không chủ ý bộc lộ về mình thế nhưng qua bức tranh toàn cảnh về con người, về thời đại, hình ảnh vị Đại tướng của dân tộc hiện lên chân thành, giản dị với một tình yêu to lớn không gì đong đếm được dành cho nhân dân, Tổ quốc.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 98 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)