6. Bố cục luận văn
3.1.3. Hiệu quả thông tin – thẩm mĩ
Võ Nguyên Giáp với tư cách là một nhân vật quan trọng trong cả hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cộng với khả năng ghi nhớ tốt và sự trung thực với bản thân, hồi kí của ông đã được đảm bảo vệ độ chính xác, tin cậy. Tuy nhiên, vì quy mô lớn của cuốn hồi kí, trong đó có nhiều những sự kiện, những con người thế nên để đảm bảo tính chân thực của sự kiện, nhiều nguồn tư liệu từ lịch sử, từ các văn kiện của Đảng, báo chí và các hồi kí của những người cùng và trái chiến tuyến đều được tận dụng khai thác tối đa. Chính điều này đã tăng lên tính thuyết phục, sự tin cậy, xác thực. Để nói về các chủ trương của ta, không ít lần người kể đưa vào các Nghị quyết được Đảng thông qua. Khi viết về sự anh dũng của những bộ đội, chiến sĩ của ta, người viết cũng khéo léo thể hiện bằng những số liệu cụ thể để đảm bảo độ thuyết phục cao. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ riêng tại mặt trận chính này: “Chúng ta đã tiêu diệt và bắt làm tù binh trên 16.200 quân địch, trong đó có toàn bộ cơ quan chỉ huy của tập đoàn cứ điểm, 1 tướng, 16 viên quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan. Lực lượng địch bị tiêu diệt bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ (có 7 tiểu đoàn dù), 3 tiểu đoàn pháo binh, gần 1 tiểu đoàn công binh, tổng cộng 21 tiểu đoàn” [28, tr.1105]. Không đi quá sâu vào công việc của một nhà viết sử nhưng với những tư liệu lịch sử, các văn kiện, báo chí được khai thác, các sự việc, những đánh giá về con người đảm bảo sự khách quan, trung thực. Như đã đề cập ở trước đó, trong hồi kí nói riêng và kí nói chung, yêu cầu về tính chính xác là một yêu cầu tiên quyết. Để đảm bảo yêu cầu này, người kể mặc dù có một trí nhớ rất tốt nhưng do thời gian đã qua, nhiều sự kiện có thể bị nhớ nhầm, nhớ sót, vì vậy việc sưu tầm, đối sánh với các tư liệu khoa học là một việc cần thiết. Trong việc thể hiện hồi kí, chính sự lồng ghép những tư liệu cụ thể phù hợp đã tạo nên sự tin cậy cao đối với độc giả tiếp nhận. Người đọc tìm đến với hồi kí ngoài việc tìm hiểu về hiện thực tư tưởng, tâm hồn của người kể thì ở góc độ hiện thực khách quan của sự việc, những tư liệu phong phú được trích dẫn cùng với chính những câu chuyện chân thực của người trong cuộc đã tạo nên sự cuốn hút riêng của thể hồi kí khác với văn học hư cấu.
Bên cạnh đó sự phối hợp nhiều nguồn tư liệu và cách trình bày, sắp xếp khéo léo đã tạo cho câu chuyện về đề tài chiến tranh nhưng không hề khô khan, nhàm chán và mà sinh động, hấp dẫn. Điều này này đến từ cả việc tác giả khai thác các nguồn tư liệu đa dạng nhiều nguồn cộng với việc chọn lọc và kết hợp cả với những câu chuyện cá nhân, đời thường gần gũi, dung dị. Đồng thời trong việc khai thác tư liệu như đã nói ở trên, tác giả sử dụng nhiều thao tác có khi phân tích, lúc chứng minh rồi kết hợp đưa ra bình luận khiến tác phẩm vừa đậm chất trữ tình vừa giàu chất chính luận, triết lí. Một yếu tố khác để tạo nên sự hấp dẫn là tác giả không sử dụng quá nhiều tư liệu cùng một lúc, như các số liệu, con số hoặc những trích dẫn từ báo chí, từ các văn kiện của Đảng luôn được xen lồng với mức độ thích hợp để vừa đảm bảo sự tin cậy vừa tránh nhàm chám. Tất nhiên, người đọc tìm đến hồi kí ngay cả một hồi kí chiến tranh cũng không phải chỉ có mục đích tìm kiếm duy nhất những diễn biến cụ thể của sự việc, những con số thống kê chi tiết về số lượng, kết quả của trận đánh mà người đọc trong một ý nghĩa khác muốn khám phá bức tranh hiện thực của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ dưới cái nhìn của một con người ở trong chính cuộc chiến ấy. Ở đó những dữ kiện chính xác không được vi phạm tính trung thực nhưng được thể hiện dưới những hình thức sắp xếp, bố cục nghệ thuật để tạo nên một hiệu quả thẩm mĩ quan trọng nhất đó là cổ vũ, khích lệ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và nhắc nhở về truyền thống yêu nước bất khuất của nhân dân ta.
Đoàn Thị Hương trong bài viết “Hình ảnh Bác Hồ trong Những năm tháng không thể nào quên” đã đưa ra một nhận xét rất chính xác: “Tất cả đã đem đến cho độc giả, nhất là những độc giả trẻ tuổi một sự thông tin chính xác về tình cảm, hi vọng, ý chí, quyết tâm của thời đại cha ông chúng ta khi cách mạng đón nhận những thử thách đầu tiên mà rất có thể ngay cả người cùng thời đã chứng kiến và trải qua cũng đã quên đi nhiều điều” [43, tr.25]. Các tướng lĩnh viết hồi kí không phải chỉ có Võ Nguyên Giáp, thể loại này khá phổ biến ở thế giới và cả ở Việt Nam và được nhiều các cán bộ quân sự, các nhà hoạt động chính trị sử dụng, thế nhưng không phải ai cũng dễ dàng tạo nên những tác phẩm hấp dẫn và có giá trị cao. Riêng hồi kí Võ Nguyên Giáp ngay từ những tập đầu tiên ra đời cho đến thời điểm hiện nay với tổng tập sáu hồi kí đã được xuất bản, sức lôi cuốn của tác phẩm với độc giả vẫn chưa dừng lại. Qua hệ thống tư
liệu đa dạng được khai thác cùng với sự khéo léo trong trình bày, bố cục, tác phẩm mang đến cho người đọc những cảm xúc sâu sắc. Đó là sự tự hào về những điều mà nhân dân ta đã làm được, ta đã khiến Pháp, Mĩ đi từ tự tin về một chiến thắng hoàn toàn đến kinh ngạc, sửng sốt và rồi chấp nhận dừng lại âm mưu bành trướng, xâm lược. Sự tự hào, khâm phục không chỉ đến từ những câu chuyện chân thực về những hiểm nguy, vất vả, những thiếu thốn trăm bề và sự dũng cảm trong chiến đấu của quân và dân ta mà cả từ sự đánh giá, cảm nghĩ của những người bên kia chiến tuyến về đội quân anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Tập đầu tiên của hồi kí Võ Nguyên Giáp ra đời từ những năm 1964, đó là thời kì mà nhân dân Việt Nam đã trải qua cuộc kháng chiến anh dũng với thực dân Pháp dẫn đến thắng lợi cuối cùng và tiếp tục phải đương đầu với đế quốc Mĩ - đội quân chuyên nghiệp có những phương tiện tối tân nhất. Cuộc chiến bước vào những giai đoạn căng thẳng, khốc liệt và sức mạnh cổ vũ, khích lệ của những hồi kí cách mạng này là không thể phủ nhận. Đến thời kì sau, đất nước hòa bình, toàn Đảng, toàn dân dốc sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thì những câu chuyện chân thực về một thời kì lịch sử đã qua được viết bằng lối viết tinh tế trữ tình cũng mang đến sức lan tỏa, cổ vũ lòng người tiến bước vào thế kỉ mới với những cố gắng, phấn đấu, nỗ lực không ngừng.