Hồ Chí Minh – nhân cách sáng ngời

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 68 - 71)

6. Bố cục luận văn

2.2.1.2. Hồ Chí Minh – nhân cách sáng ngời

Hồi kí của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là một tác phẩm không chỉ phản ánh chân thực hiện thực khách quan mà nó còn rất giàu giá trị văn học. Người kể chuyện ở đây là một trong những lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, là chứng nhân quan trọng của lịch sử. Tác phẩm không chỉ có nội dung mang giá trị sâu sắc mà còn được trình bày sắp xếp rất khoa học, logic tạo ấn tượng sâu sắc với người đọc. Trong hồi kí, những đoạn viết về Bác luôn để lại cho chúng tôi một ấn tượng khó phai. Ấn tượng đó được tạo nên chính từ những cảm xúc chân thành, yêu thương, kính trọng của người kể dành cho Bác. Chân dung Hồ Chí Minh hiện lên trong tác phẩm không chỉ là con người của công việc, con người trí tuệ mẫn tiệp mà còn là một nhân cách sáng ngời mà Võ Nguyễn Giáp suốt đời học tập, noi theo.

Ở Hồ Chí Minh hội tụ những phẩm chất tuyệt vời của một vĩ nhân. Là Chủ tịch nước trong nhiều năm nhưng Người luôn có một lối sống rất mực giản dị. Sự giản dị thể hiện trong sinh hoạt, trong cách đối xử với đồng bào, đồng chí. Là Chủ tịch nước nhưng Người chưa bao giờ nghĩ lấy phần hơn về mình: “Hết giờ làm việc, đến bữa, Bác xuống nhà ăn với chúng tôi và các chiến sĩ cảnh vệ. Bác cháu ngồi cùng bàn, có gì ăn nấy” [28, tr.164]. Khi kêu gọi người dân nhịn ăn ba ngày một bữa trong thời kì đất nước khó khăn, Người tiên phong thực hiện. Và cách làm của Người là cách làm của người thực sự nghiêm túc, những việc Bác kêu gọi đồng bào thực hiện đều là những điều bản thân Bác luôn thực hiện một cách bền bỉ: “Ví dụ như việc hô hào nhân dân mười ngày nhịn ăn một bữa để cứu đói. Mỗi tháng ba lần, đến bữa không ăn, Bác tới lấy phần gạo của mình, tự tay đổ vào hòm gạo chống đói. Một hôm, đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để gom gạo thì Tiêu Văn mời Bác đến dự chiêu đãi. Khi Bác về, anh em

báo cáo đã đem gom phần gạo của Bác rồi. Bác vẫn quyết định nhịn ăn một bữa vào ngày hôm sau” [28, tr.184].

Là Chủ tịch nước, mong muốn nguyện vọng lớn nhất của Người là nhân dân được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Hình ảnh một vị Chủ tịch đi chúc Tết, hòa mình cùng đồng bào để cảm nhận hương vị độc lập, cảm giác hạnh phúc của Tết độc lập đầu tiên ở Thủ đô khiến người đọc không khỏi xúc động: “Tối hôm đó, Bác đi thăm khá nhiều nơi. Xuân độc lập đầu tiên, Người muốn mang lại niềm vui cho nhiều gia đình trong thành phố” [28, tr.213]; Bác hòa mình vào dòng người đi đón giao thừa: “có một cụ già mặc áo dài, quấn chiếc khăn len quanh mặt […] Bác bước đi chậm chậm giữa những người đang chen chúc nhau vào chùa” [28, tr.213].

Bác chủ trì các cuộc họp cũng với một phong cách riêng của Hồ Chí Minh: gọn gàng, giản dị, đi vào trọng tâm vấn đề. Bác khước từ mọi lễ nghi hình thức đặc biệt trong sự đón tiếp đối với một vị Chủ tịch, trong nhiều sự gặp gỡ, Bác luôn mong muốn tạo nên một bầu không khí thân mật, gần gũi nhất. Khi những trận đánh để giải phóng vùng biên giới năm 1950 thu được kết quả tốt đẹp, Bác ngỏ ý muốn gặp gỡ những cán bộ, chiến sĩ đại đoạn 308 (đơn vị đã đạt thành tích nổi bật trong chiến dịch và vừa được tặng thưởng huân chương Quân công hạng nhì). Khi các chiến sĩ quân phục tề chỉnh xếp hàng chờ Bác theo nghi thức trang trọng thì Bác lại chọn cách bước vào bất ngờ nhất: “Bác bảo người dẫn đường đi vòng ra sau, rồi từ trong núi đi ra. Những người đứng phía trong nhìn thấy Bác trước […] Đồng chí đại đoàn trưởng đành đi tới chào Bác, và mời Bác tới chỗ đã được bố trí để Bác đứng nói chuyện. Bác mỉm cười lắc đầu, đi thẳng xuống giữa bãi cỏ. […]. Bác ra hiệu mọi người ngồi xuống, rồi bắt đầu nói chuyện” [28, tr.669].

Ở Hồ Chí Minh, hơn ai hết chúng ta còn học hỏi được ý chí nghị lực phi thường. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, khó khăn, gian khổ là không thể kể xiết. Thời kì khi hoạt động còn bí mật, nơi ở của Bác có khi “là một hốc núi nhỏ ở rất cao và rất sâu trong rừng, bên ngoài chỉ rấp ít cành lau. Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng, Bác thức dậy thấy một con rắn rất lớn nằm khoanh tròn ngay cạnh Người” [28, tr.32]. Chính vì nơi ở như vậy nên sức khỏe Bác cũng suy giảm, Bác thường xuyên bị sốt. Nơi nghỉ ngơi thì như vậy, thức ăn cũng chẳng đầy đủ

gì hơn “Món ăn quý giá nhất anh Lộc dành riêng bồi dưỡng cho Bác hàng ngày là ít nước cơm chắt” [28, tr.54]. Có những thời gian, cả tháng trời toàn ăn cháo bẹ. Thế nhưng những khó khăn bên ngoài không làm suy giảm sức làm việc. Bác vẫn làm việc không ngơi nghỉ, ngay cả những lúc sức khỏe không tốt. Có một lần Võ Nguyên Giáp đến khi Bác đang lên cơn sốt, miệng toàn nói mê, thế nhưng khi tỉnh, điều Bác nói đến cũng chỉ có công việc. Khi cơn sốt nhẹ dần, tỉnh lại Bác cũng tiếp tục gượng dậy làm việc. Ở Bác lẽ sống cả đời là hạnh phúc của nhân dân, đồng bào thế nên trong cuộc đời mình Bác luôn dành mọi thời gian mà mình có để làm việc, để cống hiến, ở Người dường như không có khái niệm “tận hưởng” hoặc nếu có thì có một ý nghĩa thật đặc biệt, đó là niềm hạnh phúc vô bờ về tinh thần khi nhân dân được ấm no, khi những người thân yêu được hưởng hạnh phúc.

Vị trí và những cống hiến của Bác khiến các đồng chí dành nhiều sự kính trọng và luôn muốn dành cho Bác những điều tốt nhất có thể nhưng đối với Bác ai cũng như ai, không phân biệt cấp trên, cấp dưới, cán bộ, chiến sĩ. Bác đối xử với mọi người như những người thân yêu ruột thịt. Bác mệt, mọi người cũng mệt – đó luôn là suy nghĩ của Bác, vì vậy trong những lúc còn có thể gắng sức Người tuyệt nhiên không muốn phiền đến những đồng chí bên cạnh mình. Đầu năm 50, Bác có việc phải ra nước ngoài, lúc này Bác đã sang tuổi sáu mươi. Thời gian trước Bác lại thường hay yếu mệt nên “Anh Ninh bày làm một chiếc cáng để Bác dùng khi đi đường. Cơ quan quân nhu nghiên cứu một loại cáng đặc biệt, khi người khiêng cáng cần nghỉ thì vẫn không cần phải đặt cáng xuống đất. Anh em hào hứng bàn bạc góp nhiều sáng kiến” [28, tr.601]. Bác biết chuyện đã kiên quyết từ chối “Ngày lên đường, Bác mặc bộ quần áo chàm, đầu đội chiếc mũ rộng vành, trùm chiếc khăn mặt trắng che bộ râu đã có những sợi điểm bạc, sau lưng là một chiếc ba lô như mọi người trong đoàn” [28, tr.601]. Mọi khó khăn, biến cố không khiến Người lay động, nản chí. Thời gian gần gũi, làm việc chung với Bác đã khiến tướng Giáp cảm nhận được “Bác khi nào cũng bình thản, bình thản trước mọi khó khăn. […]. Trong sự bình thản của Bác còn toát ra một tinh thần rất lạc quan. Bác đúng là hiện thân của người dân trên đất nước Việt Nam nhỏ bé, đói nghèo vì bị áp bức bóc lột cùng cực bao đời nay nhưng anh dũng và bất khuất, không chịu lùi

bước trước bất cứ sức mạnh nào, và hoàn toàn tin tưởng ở tương lai tốt đẹp của cách mạng, của nhân dân, của dân tộc” [28, tr.54].

Khi nhắc đến Người nhiều người không quên hình ảnh của một vị Chủ tịch luôn yêu thương, quan tâm đến đồng bào, đồng chí và dường như tình yêu thương ấy lớn đến mức Người quên luôn cả bản thân mình: “Các chiến sĩ Quân giải phóng làm nhiệm vụ cảnh vệ ở Bắc Bộ Phủ, các đồng chí lái xe ở gần Bác là những người đưởng hưởng nhiều sự chăm sóc. Đối với anh em, Bác không chỉ là đồng chí chủ tịch nước. Bác còn là một người cha. Anh em đều thấy phần mình giúp đỡ được cho Bác quá ít so với phần Bác đã dành cho mình. Mặc dù bận, Bác vẫn dành thời giờ để chuyện trò, hỏi han anh em, từ bữa ăn có đủ no không, đến những vui buồn trong gia đình” [28, tr.166]. Bác quan tâm đến những người cạnh làm việc bên mình, với họ Bác không chỉ là Chủ tịch mà còn là một người thân trong gia đình. Con người vĩ đại là vậy nhưng khi nhắc đến mình, Bác dường như “cố gắng gạt bỏ những vinh quang mà mọi người dành cho riêng Bác, Người không thích nói về những việc làm của mình và cũng không thích nghe ca ngợi công lao của Người” [28, tr.280]. Dù khó khăn, vất vả nhiều nhưng đối với Bác niềm vui là nhìn thấy được tinh thần dũng cảm, đồng lòng đồng sức của đồng bào, chiến sĩ trong chiến đấu: “Nhưng có điều ít được nói tới là những ngày đi chiến dịch cũng đem lại cho Bác một niềm vui rất lớn. […]. Đó là cảnh hàng vạn đồng bào, đủ các dân tộc, từ những bản làng heo hút trong rừng sâu, trên núi cao, từ vùng địch hậu trung du lên, người nối người với những bó đuốc tạo thành những con rồng lửa trong đêm sương giá, trườn qua những vùng núi đá tai mèo tải đạn, tải gạo cho bộ đội” [28, tr.643].

Xưa nay trong văn học, hình tượng Bác Hồ không phải xa lạ, thế nhưng trong hồi kí của Võ Nguyên Giáp người đọc được biết những câu chuyện chân thực từ chính một người đã có một quãng thời gian dài sống, làm việc bên cạnh Bác. Tình cảm yêu thương, quý trọng mà tướng Giáp dành cho Bác cũng chính là tình cảm của cả dân tộc dành cho con người vĩ đại.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 68 - 71)