Giọng trữ tình

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 134 - 136)

6. Bố cục luận văn

3.2.3.2. Giọng trữ tình

Bên cạnh giọng bình luận, hồi kí Võ Nguyên Giáp còn thấm đẫm chất trữ tình. Đó chính là việc “phản ánh hiện thực bằng cách biểu hiện những ý nghĩ, xúc cảm, tâm trạng riêng của con người, kể cả bản thân người nghệ sĩ trước cuộc sống” [68, tr.1054].

Biểu hiện thứ nhất trong giọng điệu trữ tình của tác phẩm chính là giọng trữ tình công dân. Từ việc đứng trên tư cách công dân cổ vũ, ngợi ca sự nghiệp cách mạng, hòa chung với niềm vui mừng, hạnh phúc của toàn dân và sự căm thù đối với kẻ thù, giọng điệu này được nảy sinh. Cái tôi hòa với cái ta, say sưa thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc về đất nước, về dân tộc. Cũng thông qua những cảm xúc, nhận xét, suy tưởng của tác giả làm hiện lên một nhân cách đẹp, một trí tuệ tuyệt vời, một tâm hồn dạt dào cảm xúc.

Giọng trữ tình trong hồi kí của Võ Nguyên Giáp xuất phát từ những xúc cảm về nhân dân, về đất nước, bộ đội, chiến sĩ. Xuất phát từ thời điểm đất nước còn trong những năm tháng đen tối, nguy hiểm, khó khăn chất chồng đến những chiến thắng vẻ vang làm nên lịch sử cho đất nước, cảm xúc, giọng điệu trong tác phẩm vì vậy cũng giàu sắc thái biểu cảm với đủ mọi cung bậc: xót xa, đau đớn, vui mừng, phẫn uất, hi vọng, tự hào.

Những giây phút quan trọng của đất nước được thể hiện qua giọng kể dạt dào cảm xúc: “Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra rực rỡ trong kí ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên” [28, tr.91], giây phút quân dân sum vầy cũng là những khoảng thời gian quý báu, đáng trân trọng: “Bộ đội và đồng bào quây quần chung quanh ngọn lửa hồng đỏ rực

giữa khu rừng đầy sương mùa đông với những trận gió heo may lạnh lẽo. Cuộc liên hoan bắt đầu trong một không khí đầm ấm, cảm động” [28, tr.91].

Viết về đề tài chiến tranh nhưng người kể khéo léo lồng ghép những câu chuyện đời thường trong tác phẩm. Có khi những điều được kể như một lời thủ thỉ tâm tình: “Thực là một đội quân kì lạ. Không người nào là không mang một hận thù với đế quốc. Hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, hoặc cha anh chị em bị bắt, bị bắn, còn chính mình nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những con người đang bị truy nã” [28, tr.92]. Liền sau đó những câu chuyện của mỗi đồng chí trong đội Tuyên truyền Giải phóng quân được kể lại với giọng chậm, buồn chứa chất cả nỗi phẫn uất với tội ác mà bọn ngoại xâm gây nên.

Người đọc cảm nhận được nỗi niềm đau xót của người kể chuyện trong những giờ phút chứng kiến nhân dân sống trong cảnh khổ cực: “Chưa kịp vui vì được nhỉn lại những cánh đồng quê hương thì lòng đã se lại khi thấy đồng bào lam lũ, đói rách quá chừng.” [28, tr.119]. Đó còn là giây phút kìm nén nỗi đau riêng để tiếp tục con đường cách mạng phía trước: “Tôi bàng hoàng đi sang buồng bên, vẫn chưa tin hẳn điều các anh nói là sự thật” [28, tr.121].

Ngay khi đang nói về một chiến dịch, trên đường đi công tác, tác giả cũng khéo léo xen lồng những dòng trữ tình cảm xúc: “Đêm hôm sau, qua Tạ Khoa, dừng lại bên bờ sông Đà. Chiếc xe thỉnh thoảng không chịu nổ máy, phải nhờ người đẩy. Con đường chiến dịch Tây Bắc đã trở thành quá quen thuộc. Nhưng cái khác lần này là mặt đường đã được mở rộng, màu đất mới đỏ tươi dưới ánh đèn pha” [28, tr.909].

Giọng trữ tình còn thể hiện rõ qua những đoạn miêu tả về vẻ đẹp của quê hương. Có những lúc đó là sự tự hào, xúc động trước vẻ đẹp của non sông, gấm vóc: “Từ trên cao nhìn xuống, dưới các tầng mây, lúc là màu xanh ngọc lấp lánh của biển với những gợn sóng trắng, lúc là màu xanh lá cây rậm rì của núi rừng Trường Sơn trùng điệp. Có lúc là một dòng sông vàng rực ánh mặt trời, quanh co lượn khúc. Người xưa nói: Non sông gấm vóc. Đó chính là hình ảnh đất nước của ta hiện ra dưới cánh máy bay” [28, tr.271]. Có lúc nó lại là cái nhìn đau xót trước cảnh một phần máu thịt của quê hương bị tàn phá:“Bên trái là dãy đồi phía đông, thành lũy của tập đoàn cứ điểm, không còn ngọn cỏ, giống như những tổ mối khổng lồ, lỗ chỗ những ụ

súng, hố bom, hố đại bác.[…]Đất bị xới lộn khắp nơi, như bị nung đỏ, từng tấc đều như thấm máu quân thù và cả nỗi kinh hoàng của chúng” [28, tr.1099].

Viết về sự chuyển mình của đất nước khi Cách mạng tháng Tám thành công, giọng điệu toát lên là phấn chấn, hào hứng, tự hào. Những biện pháp so sánh đối lập giữa cái cũ và cái mới: “Hôm trước, cả thành phố còn tê liệt vì nạn đói, vì bệnh dịch, vì sự khủng bố. Hôm sau, tất cả những đường to, ngõ hẻm đã sôi lên. Hàng vạn, hàng vạn con người ầm ầm kéo đi với sức mạnh như những dòng thác”. [28, tr.146], từ ngữ diễn đạt niềm vui mừng, các biện pháp tu từ được sử dụng góp phần tái hiện sinh động sự phấn khởi của những người dân được hưởng không khí tự do.

Vũ khí là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến đấu, ta với những điều kiện thiếu thốn trăm bề luôn cố gắng linh hoạt, khắc phục mọi khó khăn. Khi nói về sự huy động nguyên liệu để sản xuất vũ khí, tác giả đã thể hiện với giọng điệu tự tin, mạnh mẽ:

“Thiếu sắt thép chế tạo, ta có nguồn sát thép rải rác trong cả nước […]. Thiếu đồng, ta kêu gọi sự đóng góp của nhân dân […]” [28, tr.544].

Với sự lặp lại cấu trúc câu, nhấn mạnh rằng: thiếu thốn trăm bề thế những bằng nhiều con đường, từ nhiều hướng với tất cả sự can trường, dũng cảm, thông minh và sự đồng lòng của toàn dân, ta hoàn toàn có thể khắc phục.

Có thể nói, giọng trữ tình là một trong những giọng chủ đạo trong hồi kí. Giọng điệu này thể hiện ở nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau, ở đó có niềm hạnh phúc, sự tự hào, tin tưởng và có cả sự đau xót, phẫn uất, xót xa. Sự đan xen, đa dạng những trạng thái cảm xúc được thể hiện rõ trong những dòng miêu tả, biểu cảm, trong ngôn từ giàu sức biểu cảm đã thể hiện những cảm xúc dạt dào trong tâm hồn của người kể chuyện.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 134 - 136)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)