6. Bố cục luận văn
2.2.1.1. Hồ Chí Minh – một trí tuệ tuyệt vời
Dân tộc Việt Nam từ khi bị nước ngoài xâm lược chưa bao giờ chịu cúi mình khuất phục. Những khi phong kiến phương Bắc đô hộ, thực dân Pháp xâm lược, ngay cả khi các triều đình phong kiến chấp nhận đầu hàng, các phong trào yêu nước vẫn nổ ra. Nhân dân không bao giờ cam chịu kiếp sống nô lệ. Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, biết bao phong trào yêu nước nổi lên đấu tranh nhưng thất bại, tất cả là bởi vì lòng yêu nước sâu sắc nhưng đường lối cứu nước chưa đúng đắn. Vốn xuất thân từ một gia đình nhà Nho với truyền thống yêu nước, người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã ra đi với hai bàn tay trắng để quyết tâm tìm ra một đường lối giúp dân tộc thoát khỏi kiếp lầm than. Bao năm bôn ba, tìm tòi, học hỏi cuối cùng người con vĩ đại của dân tộc đã tìm thấy ánh sáng cho một dân tộc nhỏ bé bao năm chịu kìm kẹp dưới ách thống trị của thực dân Pháp bạo tàn. Trong hồi kí của Võ Nguyên Giáp, những dòng viết về Bác luôn là những trang dạt dào cảm xúc của một học trò, một đồng chí đã có thời gian được học tập, được gần gũi và dành cho Bác những tình cảm kính trọng, yêu thương vô ngàn: “Bác đã một mình lặn lội, xông pha trên những nẻo đường của hầu khắp các miền khác nhau trên trái đất […]. Thế giới hỗn loạn, đau thương; tội ác của chủ nghĩa đế quốc chồng chất. Giữa lúc vàng thau lẫn lộn, giả thật khó phân, Bác đã nhanh chóng nhìn thấy ánh sáng của chân lí” [28, tr.147]. Con đường cách mạng đã tìm ra nhưng để gây dựng phong trào cách mạng, để giác ngộ tư tưởng chính trị cho tầng lớp yêu nước chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng. Người từng bước, từng bước nỗ lực không mệt mỏi để chờ đợi thời cơ cách mạng.
Năm 1940 nhận thấy thời cơ thuận lợi, nhân sự việc Trương Bội Công (một người Việt Nam làm sĩ quan trong quân đội Tưởng được giao nhiệm vụ lập một đội công tác biên khu chuẩn bị đưa quân vào Việt Nam theo kế hoạch của Đồng Minh) về Tĩnh Tây đón được một số thanh niên các dân tộc ở Cao Bằng vượt biên qua biên giới vì bị Pháp khủng bố mạnh, từ đó Bác đã nhìn thấy một cơ hội tốt để tổ chức đường
liên lạc về nước. Ngay từ khi chưa đặt chân vào Cao Bằng, Người đã nhìn thấy tầm quan trọng của vị trí chiến lược của căn cứ địa Việt Bắc sau này. Trong hồi kí của Võ Nguyên Giáp ghi lại “Có lần, Bác viết một cuốn lịch Việt Nam bằng thơ lục bát, ghi lại tất cả những phong trào chống ngoại xâm từ trước đến nay. Bác đã viết vào cuối trang mục lục: “Việt Nam độc lập năm 1945” [28, tr.30]. Mãi về sau này Đại tướng cũng không có dịp hỏi tại sao Người lại có tiên đoán như vậy. Tuy nhiên đó hẳn là kết quả của sự phân tích kĩ lưỡng về tình hình thế giới, tình hình trong nước, từ sự am hiểu sâu sắc về quy luật tất yếu của lịch sử: “Trong lĩnh vực xã hội, trong cuộc đấu tranh giữa những con người có ý thức, mỗi đổi thay đều trải qua những quá trình diễn biến thường là hết sức phức tạp. Người lãnh đạo cách mạng phải tìm ra được quy luật chung và quy luật riêng của sự vật giữa một mớ những hiện tượng giả, thật khó phân, giữa vô vàn mối liên hệ chằng chịt, tất cả đều vận động phát triển không ngừng. Việc dự kiến chính xác, khoa học chiều hướng phát triển của sự vật, những tình huống lớn sẽ xảy ra trong tương lai, vô cùng quan trọng […]. Những điều tiên tri đó thuộc về những thiên tài” [28, tr.174]. Sau này trong suốt thời gian đảm nhận vị trí quan trọng hàng đầu trong bộ máy nhà nước Việt Nam, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo trong nhà nước luôn đưa ra được những đường lối, chính sách phù hợp với từng thời kì, từng hoàn cảnh để lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền mới thành lập phải đối mặt với tứ phía bủa vây, đặc biệt Người nhìn thấy rõ mối nguy cho cách mạng Việt Nam khi quân Tưởng tràn vào miền Bắc, sách lược được đề ra lúc này là “hòa hoãn với Tưởng, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân Pháp” [28, tr.189]. Tuy nhiên không phải mọi người đều hiểu rõ và thực hiện tốt ý nghĩa quan trọng của sách lược này nên những va chạm cũng thường xuyên xảy ra. Với những tư tưởng và hành động sai lầm chỉ thấy bộ phận, không thấy toàn cục, Người có thái độ rất nghiêm khắc. Trước sau như một, những quyết sách, những chủ trương quan trọng luôn được quyết định từ một quá trình làm việc kiên nhẫn, tỉ mỉ. Đối với những chủ trương đến với quần chúng, Người luôn yêu cầu rất cao ở sự ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng và “hợp với ý nghĩ quần chúng” [28, tr.26].
Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác tuyên truyền cách mạng. Thời kì đầu Chính phủ Việt Nam mới hình thành, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành nhiều thời gian để tiếp khách. Khách ở đây cũng thuộc nhiều đối tượng khác nhau, có khách nước ngoài nhưng nhiều nhất vẫn là khách trong nước. Thấy Bác mệt và quá bận, nhiều anh em đề nghị Bác nên bớt những cuộc gặp không cần thiết nhưng Bác đã trả lời: “Chính quyền ta mới thành lập. Đồng bào, cán bộ có nhiều điều muốn biết, cần hỏi. Đây cũng là dịp để nói rõ chủ trương, chính sách của Chính phủ, của đoàn thể cho mọi người rõ. Ta không nên để đồng bào cảm thấy gặp những người trong Chính phủ bây giờ cũng khó khăn như đến cửa quan ngày trước” [28, tr.166]. Mọi việc làm, hành động ở Người đều là kết quả của sự phân tích, suy nghĩ chu đáo, sâu sắc.
Ở Hồ Chí Minh trí tuệ còn thể hiện ở khả năng quan sát, nắm bắt tâm lí và thuyết phục. Thời kì năm 1946, nước Việt Nam mới thành lập phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” đó đòi hỏi phải có những chủ trương đúng đắn, hợp lí. Thời kì này quân Tưởng cũng thường xuyên chống phá nhằm phá hoại hoạt động tổng tuyển cử của ta. Hồ Chí Minh đã thể hiện trí tuệ tuyệt vời của mình trong cách ứng phó với những thủ đoạn của quân giặc: “Trong hàng ngũ quân Tưởng, nhiều tên chỉ giữ chức phó quan hoặc xứ trưởng, là những chức thấp, nhưng lại có quyền hành và thế lực. Có tên nhờ người vợ đẹp, lịch thiệp, tiêm thuốc phiện khéo, các tướng lĩnh thường lui tới nhà nên trong nhiều việc, y đều có thể trở thành người môi giới đắc lực. Không hiểu tại sao Bác phát hiện ra rất sớm những viên quan nhỏ thuộc loại này. Bác chỉ thị cho các cán bộ làm công tác ngoại giao có đối sách thích hợp với từng tên” [28, tr.192]. Trong Chính phủ lâm thời sau 1945, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh kiêm thêm công tác ngoại giao. Công việc ngoại giao trong tình hình lúc này là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp. Và Người đã trở thành một nhà ngoại giao xuất sắc. Trong lĩnh vực ngoại giao, Hồ Chí Minh thể hiện được sự mềm mỏng, sắc sảo, khoan hòa của mình. Người kiên trì với mục tiêu hòa bình nhưng không vì thế mà nhún nhường trước những luận điệu xảo trá, trước sự ngang nhiên, hống hách của kẻ thù.
Chính trí tuệ tuyệt vời ấy đã khiến kẻ thù nhiều tên phải tỏ ra thực sự thán phục: “Chỉ sau đôi lần gặp Bác, Lư Hán đã tỏ ra cảm phục. Y ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu
rộng của Bác. Bác trao đổi với y về tình hình chính trị ở Việt Nam, ở Trung Hoa và trên thế giới. Bác làm cho y hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập và chủ trương Hoa – Việt thân thiện của ta. Đôi lúc Bác cũng nói cho ý biết phần nào những hoạt động xấu xa của bọn Việt Nam Quốc dân đảng và các mệnh đồng minh hội, Lư Hán gọi Bác một cách trân trọng là Hồ Chủ tịch” [28, tr.190].
Hồ Chí Minh là một con người kiệt xuất. Ở phương diện, lĩnh vực nào dường như Người cũng thể hiện được tài năng của mình. Không chỉ là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao lỗi lạc, trong hồi kí Võ Nguyên Giáp Người còn hiện lên là một nhà thơ với những sáng tác “tức thời” để bộc lộ cảm xúc, để động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội, chiến sĩ. Hồi kí ghi lại trong chiến dịch Biên giới, khi lên đài quan sát theo dõi trận Đông Khê Bác đã sáng tác bài thơ Đăng sơn:
Huề trượng đăng sơn quan trận địa Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu Thê diệt sài lang xâm lược quân.
Võ Nguyên Giáp đã thể hiện những cảm nhận của bản thân về tác phẩm: “bài thơ thể hiện hình ảnh quen thuộc của Người, phong thái ung dung, tự tại giữa chiến trường, hào khí chiến đấu của các chiến sĩ hòa quyện với khí thế sông núi. Được làm ra giữa trận đánh mở màn đang gặp khó khăn, nó là sự tiên đoán chiến thắng to lớn trong chiến dịch” [28, tr.681]. Và không chỉ riêng bài thơ này, ở nhiều đoạn khác, hình ảnh Hồ Chí Minh hiện lên với một tâm hồn nghệ sĩ dạt dào cảm xúc, một nhà thơ tài năng.
Trong nhiều năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh cùng với những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn làm việc không ngừng nghỉ để đưa ra những đối sách phù hợp nhất trong từng thời kì. Những chiến thắng vang dội của ta trong cuộc đấu tranh với thực dân Pháp – mạnh hơn ta rất nhiều lần; những kế sách đúng đắn trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi nhà nước mới thành lập phải đối mặt với nguy cơ từ mọi phía. Đi từ thành công này đến thành công khác, một dân tộc nhỏ bé vốn trước kia chưa hề được thế giới biết đến đã chiến thắng tên thực dân sừng sỏ buộc Pháp phải công nhận nước Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự trị. Con thuyền cách
mạng cập bến bờ thành công không phải chỉ có công của người cầm lái nhưng nếu người cầm lái sai đường, lạc lối thậm chí chỉ một lần bất cẩn cũng có thể nhấn chìm cả con thuyền. Trí tuệ ở Hồ Chí Minh thể hiện rõ qua những đường lối, sách lược đúng đắn, qua tầm nhìn mang tính chiến lược, qua phong cách làm việc. Và tất cả đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến thành công, khiến kẻ thù phải ngả mũ kính phục.