6. Bố cục luận văn
1.2.1. Quá trình phát triển của hồi kí trong văn học Việt Nam
Ở phương Tây, hồi kí có nhiều điều kiện phát triển sớm. Nói đến tác phẩm hồi kí sớm nhất ở phương Tây có thể kể đến tác phẩm Hồi ức về Socrates của Xenophon. Xenophon được coi là nhà văn bậc thầy của văn xuôi tự sự Attica thế kỉ IV TCN – người kế tục tài năng hơn cả của Socrates. Hình thức sáng tác ưa thích của nhà văn này là hồi kí và tiểu sử. Tác phẩm Hồi ức về Socrates được coi là khởi đầu cho hình tượng triết gia – nhà đạo đức học phổ biến về sau. Nói về nguyên nhân của sự phát triển sớm, nhanh, phổ biến của hồi kí ở văn học phương Tây thì có thể đề cập đến nguyên nhân từ xã hội. Xã hội phương Tây tự do và ý thức cá nhân sớm được coi trọng, đề cao. Chính vậy, những tác phẩm hồi kí manh nha từ rất sớm rồi tiếp đến các giai đoạn sau luôn có nhiều tác phẩm và từ thế kỉ XV nó đã phát triển mạnh mẽ và đến nay vẫn là thể loại thông dụng, được quan tâm.
Ở phương Đông và cụ thể là Việt Nam thì có nhiều điểm khác biệt. Vốn là một nước của nền nông nghiệp lúa nước, kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, người Việt Nam sớm đã hình thành lối sống đoàn kết, rất coi trọng tình nghĩa, sự tương thân tương ái. Mặt khác, với ảnh hưởng mạnh mẽ từ nghìn năm Bắc thuộc với tư tưởng Nho giáo nên con người cá nhân thời kì trước không được coi trọng. Cũng trong khoảng thế kỉ X – XV văn học viết mới hình thành, văn xuôi tự sự chưa tách khỏi văn học dân gian và văn học chức năng (tôn giáo, hành chính), về cơ bản tác phẩm kí xuất hiện lúc này vẫn thuộc văn học chức năng. Giai đoạn từ thế kỉ XV đến XVII, dù văn xuôi tự sự đã thoát khỏi mối ràng buộc của văn học dân gian và văn học chức năng nhưng thể kí vẫn chưa thành một thể riêng. Đến giai đoạn thế kỉ XVIII – nửa đầu XIX, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi. Có thể nói chính những biến động, bão táp của xã hội trong giai đoạn này như một nguồn thôi thúc nội tại khiến văn học cần hình thành một thể loại mới ghi lại chân thực bức tranh xã hội. Kí Việt Nam thực sự ra đời vào thế kỉ XVIII. Tác phẩm kí mở đầu có thể kể đến Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề, và sau này với Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác và Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, kí thực sự đạt đến đỉnh cao và đa dạng về hình thức.
Có ý kiến cho rằng: hồi kí Việt Nam thì chỉ thực sự xuất hiện vào thế kỉ XX với tác phẩm Ngục trung thưvà sau đó bút pháp hồi kí thực sự điêu luyện và già dặn hơn ở
Phan Bội Châu niên biểu của tác giả Phan Bội Châu. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng tuy có những đặc điểm của hồi kí nhưng Ngục trung thư và Phan Bội Châu niên biểu nên xếp vào loại tự truyện. Hình tượng trung tâm trong hai tác phẩm đều là “cái tôi”- tác giả. Với Ngục trung thư tác giả đã kể lại nhiều chi tiết trong cuộc đời từ khi còn là một thanh niên. Trong tác phẩm, tác giả đã cố gắng trình bày quan điểm của bản thân đối với nghĩa vụ cứu nước cùng với những thái độ hành xử của ông. Phan Bội Châu niên biểu được viết năm 1929, nhân vật trung tâm trong tác phẩm cũng là nhà yêu nước Phan Bội Châu. Hình tượng Phan Bội Châu trong tác phẩm được thể hiện xuyên suốt từ lúc trưởng thành rồi giác ngộ tư tưởng yêu nước, thời gian ra nước ngoài hoạt động cách mạng cho đến khi bị bắt và đưa về giam giữ trong nước. Rõ ràng, vấn đề trọng tâm được đề cập tới trong tác phẩm không phải là thế giới bên ngoài kia mà là quá trình hình thành những tư tưởng chính trị ở Phan Bội Châu. Do đó với ý kiến cho rằng hai tác phẩm này là những tác phẩm mở đầu cho dòng hồi kí cách mạng theo chúng tôi là chưa thật chính xác.
Có thể nói rằng, mặc dù các tác phẩm mang tính chất hồi kí đã xuất hiện sớm, nhưng ghi dấu vào dòng văn học cách mạng thì có thể coi giai đoạn 1930 – 1945 mới có những tác phẩm mang đậm đặc điểm của hồi kí. Giai đoạn 1930 – 1945 được coi là giai đoạn đầy biến động về cả chính trị, kinh tế, văn hóa. Về mặt chính trị, đây là thời kì diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt bao gồm cả đấu tranh dân tộc và giai cấp. Trong nước, Việt Nam Quốc dân đảng tan rã, nhiều những cuộc khởi nghĩa của nông dân, bãi công của công nhân liên tiếp nổ ra. Về mặt kinh tế, thực dân Pháp thực hiện nhiều chính sách như độc chiếm thị trường, độc quyền các ngành kinh doanh, chính sách bóc lột tô thuế nặng nề. Những chính sách này dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất dưới sự áp bức, chèn ép nặng nề của thực dân Pháp, nhân dân rơi vào cảnh đói khổ, bần cùng. Thứ hai những chính sách trên cũng khiến nền kinh tế nước ta có nhiều sự thay đổi, từ nền kinh tế tự túc, tự cấp rơi vào vòng quay của kinh tế tư bản chủ nghĩa và cũng chính nó tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp xúc với khu vực Đông Á, Châu Âu. Chính những sự thay đổi trong cơ cấu, chính trị, kinh tế kéo theo sự thay đổi trong diện mạo
tinh thần của đời sống xã hội. Sự xâm nhập của nền văn minh tư sản Pháp vào một xã hội phong kiến phương Đông thuần túy đã dẫn đến hàng loạt những mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa phương Đông và phương Tây, giữa cổ truyền và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới…hình bóng con người cá nhân ở xã hội phương Tây tác động mạnh mẽ vào xã hội Việt Nam đánh dấu sự thức tỉnh mạnh mẽ của cái tôi cá nhân. Hoài Thanh từng nhận định: “Ngày thứ nhất – ai biết đích ngày nào – chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm mới chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân” [83, tr.60]. Nhận định này không chỉ đúng trong thơ mới mà còn đúng trong thể loại kí. Đây cũng là thời kì diễn ra nhiều cao trào cách mạng, những tác phẩm hồi kí Ngục Kontum, Vượt ngục của Lê Văn Hiến, Cựu Kim Sơn có lẽ là những tác phẩm mở đầu cho dòng hồi kí cách mạng.
Giai đoạn 1945 – 1975 trước những đòi hỏi của thực tế lịch sử, của cách mạng Việt Nam, cái tôi cá nhân tạm thời lắng xuống, mỗi cá nhân hòa mình vào đời sống chung của dân tộc cùng góp công, góp sức vào sự nghiệp giải phóng quê hương. Từ những năm 1945 đến 1954 nhằm đáp ứng yêu cầu phản ánh nhanh nhạy, kịp thời các sự kiện liên tiếp quan trọng diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên khắp đất nước, các thể loại như kí sự, tùy bút, bút kí, truyện kí, du kí phát triển. Đến những năm 50, hồi kí xuất hiện trở lại và đặc biệt phải kể đến giai đoạn những năm 1960 – 1970 là thời kì mà hồi kí cách mạng nở rộ. Như Trần Hữu Tá từng nhận xét: “Dòng hồi kí cách mạng đã chảy xiết thực sự góp phần đáng kể vào thành tựu chung của nền văn học cách mạng Việt Nam hiện đại, khiến nó xứng đáng trở thành bộ phận tiên phong của nền văn học chống đế quốc sôi nổi của loài người tiến bộ” [77, tr.17]. Thời kì những năm 60 – 70, mối quan tâm hàng đầu lúc này của cả dân tộc là chuyện thống nhất đất nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, mỗi nhà văn cũng là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn học thống nhất theo đường lối của Đảng, góp phần vào sự nghiệp chung giải phóng đất nước. Trong dòng chảy chung của nền văn học mang khuynh hướng sử thi, hồi kí cách mạng nở rộ, phát triển hoàn toàn phù hợp với xu thế văn học thời đại. Nhân mười bảy năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị cũng đã mở một cuộc vận động văn học nghệ thuật rộng rãi với đề tài lực lượng vũ trang cách mạng. Đợt đầu hướng trọng tâm viết hồi kí - hồi kí cách mạng. Cuộc vận động trên cũng tạo điều kiện thuận lợi
cho hồi kí cách mạng phát triển. Những hồi kí phần lớn là những câu chuyện được kể bằng lời văn giản dị với những hình ảnh chân thực về những năm tháng lịch sử khó khăn nhưng hào hùng của dân tộc, về chân dung những chiến sĩ can trường, dũng cảm. Trong thời kì cả nước đều tập trung vào nhiệm vụ đấu tranh chống thực dân, đế quốc với những tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn thì sự cổ vũ, ngợi ca, giáo dục tinh thần dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hi sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Và những tác phẩm hồi kí giai đoạn này thực sự có những giá trị giáo dục cao. Nhiều tác phẩm từng là đại diện cho tiếng nói chung của cả cộng đồng dân tộc, khiến người dân không khỏi nghẹn ngào, xúc động khi nhắc đến như Hai lần vượt ngục
(Trần Đăng Ninh), Từ nhân dân mà ra (Võ Nguyên Giáp), Không còn đường nào khác
(Nguyễn Thị Định), Những năm tháng không thể nào quên (Võ Nguyên Giáp)…Các tác phẩm là những dòng hồi tưởng của những chiến sĩ cộng sản lớp trước về những năm tháng hoạt động cách mạng, về nhân dân, về chiến sĩ, đồng đội. Lí giải về sức hấp dẫn của những hồi kí này, Trần Hữu Tá cho rằng: “Trước hết và chủ yếu nhân dân không xem đây là những tác phẩm bình thường mà cảm nhận rất rõ trong mỗi trang mỗi đoạn hàm chứa những năm đấu tranh gian khổ mà tưng bừng sôi nổi của lớp quần chúng cách mạng trung kiên, của biết bao nhiêu đồng chí kính yêu hiện đang sống hoặc giờ đây không còn nữa, của những người kể mà chỉ nghe tên ta đã một lòng mến trọng từ lâu” [77, tr.18].Bên cạnh đó, đọc những hồi kí cách mạng này “người đọc quên đi văn chương kĩ thuật mà trước hết chỉ thấy say sưa với vốn sống tràn đầy của người kể, và hiểu rõ rằng đây là dịp mình củng cố vốn hiểu biết về lịch sử Đảng – trang sử đấu tranh chói sáng nhất của pho sử 4000 năm, và cũng là dịp bồi đắp cho mình lòng tự hào chính đáng về truyền thống cách mạng của cha anh” [77, tr.18]. Cuối cùng ông cũng khẳng định rằng: “ngoài giá trị sử liệu và văn liệu không gì thay thế được, một số tập còn là những tác phẩm xuất sắc, thể hiện sự gia công nghệ thuật nghiêm túc của người viết” [77, tr.18].
Cũng trong khoảng thời gian này, hồi kí của các nhà văn được xem là không phát triển sôi nổi như hồi kí của các tướng lĩnh cách mạng, tuy nhiên cũng có một số tác phẩm đáng ghi nhận như: Bốn mươi năm nói láo (Vũ Bằng), Ta đã làm chi đời ta (Vũ
Hoàng Chương), Bước đường viết văn (Nguyên Hồng), Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan)…
Thời gian sau năm 1975 ghi một dấu mốc quan trọng trong đời sống văn học. Nếu thời kì trước, hòa chung vào nhiệm vụ của đất nước, với tình hình lịch sử đặc biệt, văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi, ngợi ca. Thì lúc này đất nước đã hòa bình, nhiều vấn đề trong hiện thực đòi hỏi được nhìn nhận lại một cách khách quan. Sau năm 1975 nhiều hồi kí của các nhà văn xuất hiện. Các nhà văn có thôi thúc mãnh liệt được bộc lộ cái tôi cá nhân, bộc lộ những suy nghĩ về hiện thực, về đời sống văn học. Nhiều hồi kí ra đời như:
Những gương mặt (Tô Hoài), Trong mưa núi (Phan Tứ), Hồi kí Đặng Thai Mai (Đặng Thai Mai), Từ bến sông Thương(Anh Thơ)…Tuy nhiên nói đến sự nở rộ của hồi kí văn học thì phải điểm đến mốc thời gian từ sau năm 1986. Sau khi hòa bình lập lại, nhiều vấn đề sau cuộc chiến được nhìn nhận lại trên bình diện cá nhân. Với xu hướng hội nhập quốc tế và Nghị quyết 05 của Bộ chính trị, những đường lối đổi mới đã phát huy tính dân chủ. Lúc này văn học không chỉ còn là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại, cộng đồng mà còn là phát ngôn của mỗi cá nhân. Đường lối đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng với tinh thần “đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật” đã tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hóa trong văn học được phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó là xu hướng mở cửa hội nhập với quốc tế đặc biệt là sự phát triển của ý thức và trình độ thẩm mĩ trong tiếp nhận văn học đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong đời sống văn học. Cùng với các thể loại văn học khác, hồi kí cũng phát triển mạnh mẽ với hàng loạt hồi kí của các nhà văn ra đời để nói, giãi bày những sự thật mà trước kia các văn nghệ sĩ còn dè dặt; những mảng khuất, mảng tối, những vấn đề đã từng bị kiêng kị, né tránh đều được nhìn nhận và thể hiện một cách thẳng thắng. Nhiều tác phẩm đặc sắc phải kể đến như: Cát bụi chân ai (Tô Hoài), Tiếng chim tu hú (Anh Thơ), Núi mộng gương hồ (Mộng Tuyết), Chiều chiều (Tô Hoài), Nhớ lại một thời (Tố Hữu),
Nửa đêm sực tỉnh(Lưu Trọng Lư), Nhớ lại(Đào Xuân Quý), Bên dòng chia cắt (Anh Thơ), Hồi kí song đôi (Huy Cận), Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (Ma Văn Kháng… Đỗ Hải Ninh cho rằng: “Nếu như những cuốn hồi kí cách mạng trước đây thường chú trọng đến sự kiện lịch sử đặc biệt có tác động lớn đến quá trình phát triển xã hội và ý thức con người thì những cuốn hồi kí văn học thời kì đổi mới quan
tâm nhiều hơn đến sự chiêm nghiệm lịch sử và số phận cá nhân trong lịch sử” [66, tr.74]. Gương mặt đất nước qua hai cuộc kháng chiến vẫn được nhìn nhận và phản ánh những cùng với đó và quan trọng hơn chính là những vấn đề gắn liền với cuộc sống của văn nghệ sĩ. Trong các tác phẩm đều phảng phất những chuyện đời, chuyện nghề, những chân dung của những người bạn văn.
Đến thời kì này hồi kí cách mạng vẫn tồn tại, vẫn có một số tác phẩm ra đời nhưng nó không phát triển mạnh như thời kì trước. Những tác phẩm hồi kí cách mạng ở giai đoạn này cần kể đến như Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ,
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (Võ Nguyên Giáp), Con đường theo Bác (Hoàng Quốc Việt)…
Như vậy, nhìn nhận quá trình phát triển hồi kí ở Việt Nam có thể thấy rằng: hồi kí phát triển chậm hơn và có thể nói không phổ biến bằng phương Tây. Tùy từng thời kì lịch sử, đặc điểm xã hội với những nét riêng mà văn học vận động có những đặc điểm khác biệt. Có thời điểm hồi kí cách mạng thực sự phát triển, đóng vai trò quan trọng, có thời kì hồi kí văn học chiếm ưu thế hơn. Tuy có thể coi là đứa con “sinh sau đẻ muộn” tuy nhiên hồi kí cũng ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong hệ thống thể loại của văn học Việt Nam. Và điểm đặc biệt của hồi kí so với các thể loại khác là không chỉ có nhà văn, nhà thơ mới có thể sáng tác mà bất kì ai với tâm hồn nghệ sĩ, có nhu cầu bộc lộ, giãi bày đều có thể viết hồi kí. Nói như vậy không có nghĩa tác phẩm hồi kí nào cũng có giá trị, cũng được đông đảo bạn đọc đón nhận mà tất nhiên vấn đề riêng ấy là “riêng” mà cũng không hề riêng, vấn đề cần có ý nghĩa xã hội rộng lớn thì sức lôi cuốn, cộng hưởng càng cao.