Nghệ thuật giảm tốc, tăng tốc trong trần thuật

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 127 - 131)

6. Bố cục luận văn

3.2.2.2. Nghệ thuật giảm tốc, tăng tốc trong trần thuật

Kể về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử không phải chỉ có hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuy nhiên hiếm có cuốn hồi kí nào đi vào toàn cảnh nhưng lại cho người đọc một cái nhìn cận cảnh về các đợt tiến công của quân ta đến vậy. Nếu trong hồi kí Điện Biên Phủ - Chiến dịch lịch sử của Đại tướng Hoàng Văn Thái một số đợt tiến công, tình hình địch – ta chỉ được điểm qua một vài chi tiết quan trọng. Đi vào các

đợt tiến công, tác giả cũng chọn cách kể lướt các sự kiện và đi vào tổng kết. Khác với cách kể chuyện như trên, hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn cách kết hợp vừa kể chậm, vừa kể lướt. Có những đoạn người kể lia ống kính cận cảnh, đi vào từng chi tiết bằng lối diễn đạt không khô khan, tường thuật mà rất tinh tế, uyển chuyển. Mặt khác, tác giả cũng không chỉ tường thuật một chiều mà đan lồng vào đó lời tường thuật từ những người ở bên kia chiến tuyến, những bình luận về tình hình. Sự kết hợp khéo léo này khiến người đọc có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về toàn cảnh diễn biến trận đánh.

So sánh đoạn trần thuật của hai Đại tướng về trận tấn công vào Him Lam trong chiến dịch Điện Biên Phủ chúng tôi nhận thấy những đặc điểm riêng trong cách kể chuyện của Võ Nguyên Giáp. Hoàng Văn Thái chọn cách lược, điểm ngắn gọn: “Đúng 17 giờ, cuộc tiến công vào Him Lam bắt đầu. Cơ quan tham mưu chúng tôi tập trung theo dõi trận đánh đầu tiên này với sự hồi hộp khác thường. Ngay từ đầu, sự hợp đồng giữa pháo binh và bộ binh khá chặt chẽ. Trận đánh của các tiểu đoàn trên các cứ điểm 2 và 3 diễn ra tương đối thuận lợi, nhưng trên cứ điểm 1 địch đối phó hết sức quyết liệt. Được sự phối hợp của hai tiểu đoàn bạn và sau khi kế hoạch hỏa lực được bổ sung nhằm diệt các hỏa điểm mai phục của địch bất ngờ xuất hiện, tiểu đoàn 11 mới mở thông đường vào cứ điểm và hoàn thành nhiệm vụ sau 15 phút chiến đấu trong tung thâm” [15, tr.240]. Hồi kí Võ Nguyên Giáp trong sự miêu tả đã mượn lời một hạ sĩ sống sót trong trận Him Lam kể về trận pháo mở màn chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954. Lời kể cùng sự hoảng hốt về sức công phá và những điều mà chúng ta đã làm được thể hiện sự mở màn thành công vang dội khiến cho kẻ địch kinh hoàng. Đồng thời người kể chuyện chú ý dùng những từ ngữ giàu sức biểu cảm giúp người đọc hình dung rõ nét về trận đánh và thái độ của quân giặc: “Bảy chiếc máy bay chiến đấu nằm trên sân bay Mường Thanh thấy tình hình nguy hiểm vội vàng nổ máy định tháo chạy. Một chiếc vừa rời mặt đất thì luồng lửa phía đầu đường băng phụt lên. Cao xạ ta xuất hiện lần đầu. Sáu chiếc khác không dám cất cánh tiếp, lần lượt trúng đại bác. Một kho xăng bốc cháy. Các trận địa pháo ở Mường Thanh tê liệt. 12 khẩu trọng pháo và súng cối bị đánh hỏng. Đường dây điện thoại từ khu trung tâm tới các cứ điểm đều bị cắt đứt. Nhiều hầm, hào, công sự sụp đổ. 17 giờ 30, Lănggơle, chỉ huy các đơn vị phản

kích, đang ngồi với tám người khác trong hầm thì một biên đại bác xuyên qua nóc. Căn hầm đổ rụi. Tất cả không hiểu vì sao thoát chết. Giữa lúc đó lại nghe tiếng đạn rít. Quả đạn pháo thứ hai vẫn theo đường cũ sạt qua vai trung úy Roa chui vào lòng đất nhưng không nổ. Cả bọn đều hú vía” [28, tr.995-996]. Xen lồng với việc miêu tả, tác giả đưa ra lời bình luận cùng với việc kể những tấm gương anh hùng. Chính điều này là một yếu tố tạo nên sự cuốn hút cho lời kể. Người đọc không chỉ mở rộng trí tưởng tượng khi hình dung về diễn biến trận đánh mà còn chiêm nghiệm những đánh giá, bình luận từ một con người từng trải, sâu sát hiểu rõ tình hình: “nếu sự bất ngờ chung của tập đoàn cứ điểm là mật độ dày chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương của đạn đại bác, rơi rất trúng mục tiêu, thì bất ngờ lớn nhất đối với Pi rốt, phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm, chỉ huy pháo binh, lại ở chỗ không phát hiện được bất cứ vị trí nào của những khẩu pháo nhả đạn!” [28, tr.996]. Người đọc có những giây phút hồi hộp theo dõi diễn biến sự việc, hiểu sâu sắc hơn tình hình qua những lời bình luận rồi lại chìm vào giây phút rưng rưng xúc động khi câu chuyện chuyển hướng sang những tấm gương anh dũng. Đó là “chiến sĩ thi đua Trần Can cầm lá cờ Quyết chiến quyết thắng

đỏ thắm cùng với tiểu đội mũi nhọn vượt qua cửa mở, dẫn đầu đại hội 366 xông lên đồn địch” [28, tr.996], đó còn là “Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót mau lẹ trườn lên dưới làn đạn của địch, dùng tiểu liên bắn và ném lựu đạn về phía lô cốt. Khi anh tới gần lô cốt thì đạn và lựu đạn đã hết. Anh lao mình vào lỗ châu mai làm ngừng tiếng súng trong giây lát, tạo cơ hội cho bộ đội xung phong” [28, tr.996]. Với cách dẫn dắt khéo léo của người kể, cùng một câu chuyện mà đan xen vào đó biết bao cảm xúc, lúc thì hồi hộp với những bước tiến công của ta, lúc lại bật cười mỉa mai cho sự “hú vía” của quân giặc, lúc lại nghẹn ngào xúc động trước những con người bình thường trong dáng hình mà phi thường ở ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm.

Cũng có những đoạn tác giả kéo dài thời gian bằng cách kể chi tiết, tỉ mỉ, kể kết hợp miêu tả, biểu cảm. Trong Những năm tháng không thể nào quên, nhằm giúp người đọc hiểu được cung cách sinh hoạt giản dị, đều đặn, khoa học của Bác, tác giả kể rất chi tiết: “Ở Bắc Bộ Phủ, sáng nào Bác cũng dậy từ năm giờ tập thể dục. […] Hết giờ làm việc, đến bữa, Bác xuống nhà ăn với chúng tôi và các chiến sĩ cảnh vệ. Bác cháu ngồi cùng bàn có gì ăn nấy. […] Sau bữa trưa, Bác ngả đầu trên chiếc ghế ở phòng

khách, chợp mắt mười lăm phút. Tỉnh dậy, Bác đọc báo, xem tin” [28, tr.164]. Những đoạn tiếp theo người kể miêu tả chi tiết hơn về công việc Bác làm thường ngày, buổi sáng và buổi tối. Thông qua việc kể kết hợp miêu tả chi tiết như trên người đọc hiểu được sự cống hiến tận tụy, hết lòng, hết sức của Bác dành cho dân tộc. Để tăng thêm tính trữ tình cho lời kể, tác giả nhiều khi cũng chọn cách kết hợp với miêu tả, biểu cảm, câu chuyện được kéo dài: “Chiều hôm sau, ngày 2 tháng 2, phía trước tiểu đoàn hiện ra một thung lũng phì nhiêu. Những thửa ruộng bậc thang. Một con sông nhỏ uốn lượn trên cánh đồng trải dài, lúa đã gặt. Những ngôi nhà sàn san sát có hàng dừa xanh mướt bao quanh. Nổi lên giữa thung lũng là một khu đồn lớn và sân bay. Họ đã tới Nậm Bạc” [28, tr.939] hay ở một đoạn khác: “Ngôi nhà lần này nằm bên sườn núi Mường Phằng, có những cây dẻ cao vút. […]. Khí hậu nơi núi cao quanh năm có sương, mây, mát mẻ, trong lành. Những cây lan rừng nở hoa không rực rỡ nhưng có một mùi hương đặc biệt, khi thì thoang thoảng đến bất chợt, chú ý tìm không thấy, khi thì nồng nàn” [28, tr.951].

Có khi lia ông kính cận cạnh, chầm chậm để người đọc tưởng tượng, suy ngẫm. Cũng có khi tác giả chọn các kể lướt. Cách kể này có nhiều cách thức để thể hiện. Thứ nhất có thể không đi vào kể tỉ mỉ, phần nào không quan trọng thì lướt qua bằng cách tóm lược vài ba câu. Khoảng thời gian năm năm chiến đấu trong vòng vây được kể lại chủ yếu ở tập hồi kí thứ ba. Khoảng thời gian từ 1945 – 1950, các sự kiện được chọn lọc và kể lại ở một số chiến dịch, chủ trương quan trọng trong thời gian này, không đi vào đầy đủ theo diễn biến trình tự thời gian. Kể về quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời mình khi quyết định chuyển phương án tác chiến trong trận Điện Biên Phủ lịch sử, người kể không đi vào chi tiết diễn biến của quá trình mà chỉ đề cập đến quyết định bằng một câu ngắn gọn.

Tóm lại với khoảng thời gian sự kiện trải dài trong suốt các tập hồi kí từ 1940 đến 1975, người kể người ghi đã khéo léo lồng ghép tăng tốc, giảm tốc để kể lại được toàn bộ những sự kiện, con người theo dụng ý của mình.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 127 - 131)