6. Bố cục luận văn
2.1.1. Buổi đầu cách mạng – “Từ nhân dân mà ra”
Hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở đầu bằng tập Từ nhân dân mà ra.
Ngay cách đặt nhan đề cũng đã gợi cho chúng ta thấy được trung tâm trong bức tranh anh hùng ấy là nhân dân. Chính nhờ nhân dân đùm bọc, chăm sóc, yêu thương quân đội đã làm tròn nhiệm vụ cao cả được giao phó.
Những năm 1939 - 1940, đế quốc tăng cường khủng bố, thẳng tay đàn áp cách mạng, bóc lột nhân dân. Các tổ chức hoạt động của Đảng rút vào hoạt động bí mật. Võ Nguyên Giáp lúc này cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng theo quyết định của Đảng sẽ vượt biên giới sang Trung Hoa. Hoạt động cần đảm bảo bí mật dù gặp không ít khó
khăn do địch tăng cường giám sát, theo dõi. Ngày ra đi, đồng chí Võ Nguyên Giáp mang theo bao trăn trở, suy tư về đất nước, về cách mạng: “Ngồi trên con tàu ra đi, nghĩ đến lúc qua biên giới, cảm thấy như trời sẽ cao hơn, đất sẽ rộng hơn, cánh chim sổ lồng tha hồ vùng vẫy. Xen với niềm phấn khởi đó, cũng có những lo âu, không biết từ đây đến biên giới có thoát khỏi tay bọn Pháp không. Không hiểu điều kiện hoạt động ở bên kia ra sao” [28, tr.14]. Thời gian ở tại Trung Hoa cũng đánh dấu thời điểm quan trọng khi Đại tướng lần đầu tiên được gặp gỡ trực tiếp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hình ảnh người lãnh tụ như huyền thoại trong tâm trí của một lớp thanh niên yêu nước bấy giờ đã hiển hiện trước mắt, để rồi mãi sau này qua bao năm làm việc bên Bác đồng chí Văn vẫn giữ nguyên vẹn cái cảm giác lần đầu gặp Hồ Chủ tịch trên bờ Thúy Hồ.
Thời gian ở Trung Hoa, Võ Nguyên Giáp tham gia lớp huấn luyện để chuẩn bị cho công tác củng cố và mở rộng phong trào trong nước sau này. Tháng 5 năm 1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách gây cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng. Phong trào cách mạng ngày càng được mở rộng và ăn sâu vào quần chúng nhân dân. Và đó là kết quả của cả một quá trình làm việc tận tâm, tận sức của các đồng chí làm công tác huấn luyện. Đồng bào các dân tộc miền núi vốn là những người giàu tình cảm, phần nhiều ủng hộ cách mạng nhưng do trở ngại về ngôn ngữ cũng như trình độ nên khi huấn luyện không phải mọi tư tưởng đều được tiếp thu dễ dàng, mặt khác họ cũng có những phong tục, tập quán riêng, do đó nếu không khéo léo trong công tác vận động, tuyên truyền thì không mang lại kết quả cao. Vì những lí do kể trên, công tác huấn luyện đòi hỏi các đồng chí phải không ngừng học hỏi, sáng tạo, tìm ra những cách thức phù hợp để các học viên nắm và hiểu rõ nhất những tư tưởng chính trị, chủ trương của Đảng. Và rồi khó khăn nào cũng có thể vượt qua, phong trào cách mạng ngày càng lan rộng, nhiều nơi cả bản, cả làng đều giác ngộ, trở thành những hội viên cứu quốc. Những buổi lễ tốt nghiệp của các hội viên luôn rất xúc động, có hội viên đã chia sẻ: “Chúng tôi ở núi cao, rừng rậm bao đời nay không có ánh sáng, Hội đã đưa đồng chí giáo viên đến chỉ cho chúng tôi con đường độc lập, tự do. Anh chị em chúng tôi như những người thức đêm, nhà có ngọn đèn dầu đã cạn, sắp tắt, giờ cấp trên cử người đến đem dầu đổ thêm vào, làm cho
đèn lại sáng ra. Đầu óc chúng tôi trước kia tối tăm, bây giờ nhờ hội đã sáng tỏ” [28, tr.38]. Qua những lớp huấn luyện, Võ Nguyên Giáp càng nhận thấy sâu sắc mối quan hệ giữa quần chúng và cách mạng. Với những người nông dân hiền lành, chất phác ấy, một khi “cách mạng đã đem đến cho họ một lòng tin, thì không có sức nào lay chuyển được lòng tin đó” [28, tr.39].
Hoạt động cách mạng trong thời gian này mặc dù có nhiều tiến triển nhưng đồng thời với nó sự khủng bố, càn quét của địch cũng tăng cường, do đó cũng có nhiều thời điểm phong trào được thử thách: “một số nhỏ dao động chạy ra đầu thú. Phần lớn đồng bào nằm yên, gắng chịu đựng cho qua cơn khủng bố. Các phần tử trung kiên xuất hiện rất nhiều” [28, tr.50]. Những cơ sở, các lớp huấn luyện vẫn được mở, trải qua thử thách, phong trào dần hồi phục và lớn mạnh hơn trước.
Năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao phụ trách Ban xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi và đồng bằng Bắc Bộ: “Trước tình hình phát triển của phong trào cách mạng trong cả nước, Bác thấy ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi. Có thế, khi địch khủng bố mới giữ được liên lạc” [28, tr.55]. Quá trình thực hiện của các Ban xung phong Nam tiến khá tốt. Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại trên đường đi qua vùng giáp hai tỉnh Cao Bằng – Bắc Kạn, khi ở lại nhà đồng chí Hoan – người đảng viên đầu tiên của dân tộc Mán tiền: “Đêm nằm nghe các em ở những nhà bên vừa giã gạo, vừa ê a học Việt Minh ngũ tự kinh, vui vui, thấy tư tưởng cách mạng đã được truyền đi khá xa” [28, tr.57]. Cũng trong thời gian này, Đảng ta nhận tin Bác trong chuyến đi Trung Quốc vừa qua đã bị Quốc dân đảng bắt giam và mất trong ngục. Thời kì đó, khi các hoạt động cách mạng đang tiến hành khẩn trương để chuẩn bị một lực lượng vũ trang cũng như đường dây liên lạc cả nước để chờ đợi thời cơ cách mạng thuận lợi tiến hành tổng khởi nghĩa thì tin tức này quả khiến cho toàn Đảng đau buồn vô hạn.
Về phía địch, càng lúc càng nhận thấy rõ sự gắn kết chặt chẽ giữa nhân dân trong các làng, bản với những cán bộ bí mật bên ngoài, chúng tăng cường khủng bố. Khung cảnh điêu tàn hiện ra khắp nơi, nhiều làng bản bị đốt trụi, những cáo thị của địch dán khắp mọi nơi: “Nhiều nhà chúng tình nghi liên quan với cách mạng bị tịch thu tài sản.
Có những nơi cả làng bị triệt hạ. Không ngày nào binh lính địch không kéo về bắn phá, cướp đốt các làng, bắt buộc đồng bào phải đi thú và làm tờ cam kết không vào Việt Minh nữa” [28, tr.65]. Trước sự khủng bố quyết liệt, tàn ác của giặc, cũng có những nơi nao núng, cũng có những vùng quần chúng yêu cầu tạm nghỉ công tác hội. Chính vậy hoạt động liên lạc với những phần tử trung kiên trong làng cũng gặp nhiều khó khăn. Cũng chính vào lúc phong trào quần chúng tạm thời bị thu hẹp trước đợt khủng bố vô cùng tàn khốc tại Cao – Bắc – Lạng thì tin vui Bác bình yên trở về “như những tia nắng rực rỡ vừa xuất hiện ở chân trời, báo hiệu một ngày mai tươi sáng sắp đến” [28, tr.69].
Cuộc khủng bố của đế quốc đã thu hẹp cơ sở cách mạng nhưng không phải vì thế mà bị triệt tiêu hoàn toàn, các cơ sở cách mạng vẫn tồn tại và trải qua thử thách lại càng “rắn chắc” hơn: “Mặc dầu địch bắn giết, đốt phá, dồn làng, vây lũy, canh gác, giới nghiêm, các đồng chí ở dưới làng vẫn không quản hiểm nghèo, không sợ hi sinh tính mệnh, đêm đêm vẫn ra báo cáo tình hình, mang theo lương thực cho các đồng chí hoạt động bí mật và để nhận những chỉ thị của cấp trên” [28, tr.67]. Những hội viên trung kiên từ khắp các địa phương lại bắt liên lạc trở lại, nhiều lớp huấn luyện lại được mở tiếp trong rừng. Mặt khác, cũng chính sự khủng bố tàn ác của địch đã “khơi sâu thêm trong nhân dân mối hận thù, thúc đẩy mọi người quyết tâm đứng lên chiến đấu tiêu diệt bọn chúng để tìm con đường sống” [28, tr.71].
Giữa những năm 1944, cuộc khủng bố của đế quốc Pháp đã lên tới đỉnh điểm. Nhân dân Cao – Bắc – Lạng nóng lòng chờ đợi khởi nghĩa để đập tan ách thống trị, sự tàn bạo của bọn giặc hung hãn. Trước yêu cầu của tình hình mới, tháng 12 năm 1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân. Trong một cuộc họp, khi được Bác chỉ định đảm nhiệm công tác này: “Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không?”, Võ Nguyên Giáp đã dõng dạc trả lời: “Có thể được”. Trước khi ra quyết định, Bác tiếp tục đặt vấn đề: “Có thể tìm ra một căn cứ “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không để địch tiêu diệt, có thể như thế được không?” [28, tr.84]. Võ Nguyên Giáp một lần nữa tự tin trả lời Bác: “Có thể. Nhất định quân địch không thể tiêu diệt ta được” [28, tr.84]. Nhờ đâu mà Đại tướng có sự tự tin khi trả lời
Bác như vậy, điều này đã được kể lại trong hồi kí: “Khi trả lời Bác như vậy, tôi đã nghĩ đến sức mạnh vô cùng to lớn của đồng bào, nghĩ đến lòng yêu nước tha thiết, có thể hi sinh tất cả vì Tổ quốc, của những người dân tộc đã được giác ngộ” [28, tr.94].
Công tác lên kế hoạch thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được tiến hành. Ngày 22 tháng 12 năm 1944 “giữa mùa đông, khí trời non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây cao thẳng tắp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lần đầu tập hợp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm” [28, tr.89]. Trong giờ phút quan trọng và có ý nghĩa thiêng liêng ấy, Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và chỉ rõ nhiệm vụ của đội quân với Tổ quốc, trong đó những lời lẽ thể hiện, chất chứa biết bao cảm xúc: “Thế là từ phút này trở đi, chúng ta cùng nhau tiến lên con đường vũ trang tranh đấu. Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hi sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ. Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết vũ trang đứng dậy, Quân Giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc” [28, tr.90]. Khung cảnh sum vầy, gắn bó giữa bộ đội và nhân dân bên ánh lửa giữa “khu rừng đầy sương mùa đông với những trận gió heo may lạnh lẽo” là những phút giây đầm ấm và cảm động.
Với sự can trường, dũng cảm, các chiến sĩ đã thu được những thắng lợi đầu tiên. Nhân dân nghe tin đã thể hiện rõ thái độ vui mừng và sự ủng hộ cách mạng: “Nhiều người reo lên, nắm lấy tay các chiến sĩ. Bà con nhìn xác thằng Tây và con ngựa nằm giữa sân tỏ ra hả dạ” [28, tr.97].
Đối với các đồng chí hoạt động cách mạng lúc này, công tác bảo mật được thực hiện rất cẩn trọng. Người đọc thật khó có thể hình dung hết những khó khăn trong thời kì hoạt động này nếu thiếu những dòng kể lại của chính những người trực tiếp trong cuộc: “Chúng tôi ở tại một miếng đất bằng, kín đáo, nằm cạnh đỉnh một thác nước. Muốn vào cơ quan phải đi dọc mãi theo một con suối. Các cán bộ đi lại không được dùng giầy và gậy. Trong khi đi dọc suối trở về cơ quan, phải tránh đặt chân trên những
hòn đá có rêu, vì qua những chỗ đá đã bị mất rêu, địch có thể biết nơi này thường vẫn có người qua lại. Đến đoạn đường cuối cùng, trước khi vào cơ quan, tuyệt đối không ai được đi trên đất khô ở hai bên, mặc dầu trời giá lạnh thế nào cũng cứ phải lội ngược giữa thác nước để vào nhà” [28, tr.66]. Hòa cùng với tình hình chung của cả nước thời kì hoạt động bí mật, các chiến sĩ bộ đội phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn, vất vả. Không kể đến những thiếu thốn về phương tiện chăn màn, quần áo; những thiếu thốn về lương thực: “Có tháng chỉ ăn toàn cháo bắp. Một thời gian dài thức ăn hầu như chỉ có chuối rừng. […]. Nước uống thì nấu với lá cây gò vàng, uống đăng đắng […]. Ăn uống như vậy một thời gian, nhiều khi leo núi thấy đầu gối bủn rủn. Nhiều đồng chí ốm. Những bệnh phổ biến là lên ban và sốt nóng” [28, tr.72-73], các chiến sĩ còn đối mặt với những nguy hiểm trong chốn rừng sâu nước độc: “Từ hồi về công tác tại Cao Bằng, đã làm quen với những nơi nhiều vắt, những chưa bao giờ lại thấy ở đâu vắt nhiều như ở đây. Vắt ở dưới đất, vắt ở trên cây. Đụng tới đâu cũng là vắt. Loại vắt xanh ở trên cây nhỏ hơn vắt đen ở dưới đất, nhưng bám vào người rất chặt. […]. Đi một quãng, chúng tôi lại dừng để gỡ vắt. Kéo ống quần lên thì vắt đã bám đen đặc một khoảng, như một cái lá. Phải cầm ống vôi quét cho vắt rơi xuống đường. Ở những chỗ vết cắn, máu cứ ri rỉ chảy mãi” [28, tr.58]. Thế nhưng tinh thần yêu nước, khao khát về một ngày mai đất nước giải phóng đã khiến tất cả các chiến sĩ vượt qua tất cả. Sức chịu đựng của con người nhiều khi thật khó mà hình dung hết được “nhiều lúc cả đoàn đang đi trong mưa mau, rét tê tái, nhìn xuống chân núi lại thấy nắng vàng rực trải ra trên những cánh đồng. Nghĩ đến một ngày mai tươi sáng được tự do đi lại trên những nẻo đường bằng phẳng của đất nước, cảm thấy người ấm lại” [28, tr.62]. Chính tinh thần sắt thép cùng sự đồng lòng, đồng sức của đồng bào cả nước đã đem đến thắng lợi vẻ vang mà bọn thực dân, đế quốc lúc ấy không thể tưởng tượng ra.
Bước sang đầu năm 1945, tình hình diễn biễn trên thế giới có nhiều điều thuận lợi cho ta tiến hành khởi nghĩa. Đội Việt Nam Giải phóng quân được giao nhiệm vụ tích cực tiến về Nam. Vượt qua những khó khăn nhiều mặt, ta thu được những thắng lợi to lớn, được đồng bào tin tưởng, ủng hộ hết mình: “Dọc đường, đồng bào bày gỗ, đốt đuốc đón bộ đội, đem cả ghế ra cho bộ đội ngồi nghỉ. Anh em chúng tôi ai nấy đều thấy rõ, mình là con đẻ của nhân dân, đang sống trong sự chăm nom, bảo vệ của nhân
dân” [28, tr.107]. Cũng trong thời gian này cuộc giao chiến giữa Đồng minh và bọn phát xít xâm lược đã đi vào giai đoạn cuối cùng: “Phát xít Đức đang ngắc ngoải giữa hai gọng kìm siết chặt của Hồng quân Liên Xô và quân đội Anh – Pháp. […]. Trước tình hình quân đội Đồng minh sớm muộn cũng sẽ vào Đông Dương, Nhật phải tiêu diệt Pháp để trừ một mối lo về sau. Phong trào cách mạng ở miền xuôi và trên cả nước ngày càng sôi nổi” [28, tr.110]. Giờ phút phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật tan rã khắp nơi trên mặt trận. Bác viết lời hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên cùng với các chiến sĩ chiến đấu để giành lại quyền độc lập, tự chủ. Nhận được mệnh lệnh, các nơi đều vùng lên khởi nghĩa “suốt các phố xa, các làng mạc, hai ven đường đi, đâu đâu cũng rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Lá cờ đỏ chói như ngọn lửa tin của những người chiến sĩ cách mạng, xuất hiện lần đầu trong cuộc khởi nghĩa Nam Kì và sau đó lại tung bay trên núi rừng Việt Bắc, bây giờ đã tô thắm cho cả đất nước, báo tin cách mạng thành công” [28, tr.138]. Những giây phút cảm động, hân hoan, hạnh phúc trước chiến thắng lớn của dân tộc được Võ Nguyên Giáp kể lại với giọng nghẹn ngào, xúc động: “Đêm ấy, từ ngoại ô Thái Nguyên ra đi, qua các cánh đồng bát ngát về Lữ Vân, ngước trông lên đầu những hàng cột điện cao liên tiếp ven đường là một vòm trời sao