6. Bố cục luận văn
1.3.1. Đôi nét về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp
Ngày nay nhắc đến Võ Nguyên Giáp mọi người nhớ đến một vị tướng huyền thoại có rất nhiều đóng góp cho dân tộc trong sự nghiệp chống Pháp, chống Mĩ. Góp
phần hun đúc nên tài năng nhiều mặt này có thể đề cập đến ba nhân tố chủ yếu: quê hương, gia đình và bản thân con người ông. Ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình Võ Nguyên Giáp ra đời. Nguyễn Thế Hoàn trong bài viết “Các nhân tố tạo nên một huyền thoại Võ Nguyên Giáp” đã cho rằng: “Trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước, Quảng Bình tuy không phải là xứ sở có nhiều may mắn song vẫn có đủ những yếu tố khởi phát cho một vùng đất địa linh nhân kiệt” [41, tr.57]. Sinh ra ở vùng đất màu mỡ, sông ngòi chằng chịt nhưng thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, chính điều này đã vun đúc nên một điểm rất đặc biệt cho con người nơi này là sự cần cù, chăm chỉ, kiên cường trước phong ba bão táp. Là một người con gắn bó với mảnh đất quê hương xứ sở, những điểm đặc trưng của con người nơi đây cũng ảnh hưởng rất lớn đến Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt làng An Xá cũng là một trong những cái nôi cách mạng đầu tiên của huyện Lệ Thủy, tại đây những lớp chiến sĩ cách mạng tiên phong như Đoàn Viết Doãn, Võ Chương Hiến …đã sinh ra. Họ là những người góp phần truyền bá tư tưởng tiến bộ và ươm mầm cho truyền thống cách mạng hào hùng của những người con làng An Xá sau này. Quảng Bình với “núi cao rừng rậm bao bọc sau lưng, biển rộng trải dài trước mặt, ở giữa là đồng bằng xanh biếc cùng với năm con sông như năm dải lụa đào, tạo nên bức tranh thủy mặc non nước hữu tình”, một vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt “tháng trước bão thì tháng sau đầy nắng lửa. Hết lụt trắng đồng đến nắng hạn, khô sông, cạn hói”, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, tất cả đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách và tài năng Võ Nguyên Giáp.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dõi. Họ Võ vốn là một họ lớn trong 12 dòng họ ở làng An Xá. Cha Võ Nguyên Giáp là nhà nho Võ Quang Nghiêm. Ông là người có khí tiết, dù không thành trong con đường khoa cử nhưng vẫn sống một cuộc đời có ích khi vừa dạy chữ vừa bốc thuốc cứu người. Hồi nhỏ, Võ Nguyên Giáp được cha dạy học ở nhà, mặc dù thời gian học chữ Nho không nhiều nhưng những điều được cha dạy bảo đã được ông khắc cốt ghi tâm. Mẹ Võ Nguyên Giáp là bà Nguyễn Thị Kiên, là một người phụ nữ hiền hậu, con gái của Lãnh binh Cần Vương. Đạo lí nhân nghĩa và truyền thống yêu nước của gia đình bên nội, bên ngoại đã góp phần hun đúc nên con người tài đức Võ Nguyên Giáp. Sau này, đến tuổi trưởng thành, Võ
Nguyên Giáp đã gặp và kết hôn với bà Nguyễn Thị Quang Thái là em ruột của Nguyễn Thị Minh Khai. Hai con người cùng trải qua những năm tháng gian khổ, cùng chung lí tưởng chiến đấu vì tổ quốc đã nảy nở thứ tình cảm riêng tư nhưng hòa quyện với lợi ích của đất nước. Trong hồi kí Từ nhân mà ra giây phút chia tay cảm động giữa họ đã trở thành giây phút gặp mặt cuối cùng. Những tình cảm riêng tư đều xếp lại để cùng hướng đến nhiệm vụ lớn lao là chiến đấu cho ngày tổ quốc được độc lập. Sau này trong giây phút đau đớn khi nghe tin vợ đã hi sinh và tự hào trước tấm gương kiên trung bất khuất trong ngục tù đã một lần nữa làm bùng cháy ngọn lửa sục sôi căm thù quân giặc và ý chí cao giết giặc cứu nước.
Ngoài những nhân tố quê hương và gia đình vừa đề cập trên, điều quan trọng nhất chính là tự yếu tố bản thân con người Võ Nguyên Giáp. Ngay từ lúc nhỏ còn đi học ở quê, Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện là một học trò thông minh, chăm chỉ học tập. Những năm tháng vừa học vừa kiếm sống đã khiến ông sớm ý thức được nỗi khổ cực của người nông dân và sự lầm than khi sống kiếp nô lệ. Năm 1925, Võ Nguyên Giáp vào học trường Quốc học. Ở đây ông được tiếp xúc, học hỏi với những tên tuổi từng hoạt động trong phong trào thanh niên ở Huế, đặc biệt là sự gặp gỡ với nhà yêu nước Phan Bội Châu. Những hoạt động thời kì này như tham gia bãi khóa, đòi ân xá nhà chí sĩ họ Phan…đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Võ Nguyên Giáp.
Đặc biệt cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh chính là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời Võ Nguyên Giáp. Từ lần gặp đầu tiên đến mãi về sau này, Võ Nguyên Giáp được kề cận bên Hồ Chủ tịch, học tập ở Người cách làm việc, lối sống, nhân cách và “Chính tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh đã làm cho lòng yêu nước, chí cách mạng, tài năng thiên bẩm trong ông thăng hoa, tỏa sáng” [41, tr.62].
Nhìn lại quá trình học tập, làm việc của Đại tướng có thể thấy những bước ngoặt bất ngờ. Từ một giáo viên lịch sử chưa được đào tạo chuyên nghiệp về quân sự nhưng với lòng yêu nước sâu sắc cùng với quá trình nỗ lực học tập, rèn luyện không ngừng, Võ Nguyên Giáp đã trở thành Đại tướng đầu tiên có nhiều đóng góp vĩ đại cho cuộc chiến chống xâm lược của dân tộc. Từ những ngày đầu được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân đến khi trở thành
Tổng chỉ huy những chiến dịch quan trọng với những quyết định vô cùng khó khăn, Đại tướng đã chứng minh được tinh thần quả cảm, chiến đấu hết mình, vì dân, vì nước.
Lâu nay, khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp mọi người thường nhớ đến ông với cương vị một vị tướng với tư tưởng, tầm chiến lược lớn, vị tướng góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Kỉ niệm sáu mươi năm phát hành số đầu tiên, tháng 11 – 2006, Thời báo Châu Á(Time Asia) đã ra số báo đặc biệt giới thiệu các “Anh hùng châu Á” tôn vinh nhiều nhân vật đặc biệt đã có đóng góp to lớn trong việc làm thay đổi cục diện Châu lục trong những thập kỉ gần đây và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được tôn vinh là “anh hùng Châu Á”. Những đóng góp của Đại tướng là không thể kể hết thế nhưng ông luôn học hỏi ở Hồ Chủ tịch sự khiêm tốn và lòng yêu dân, trọng dân. Trong một cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ ngày 23 tháng 6 năm 1997 tại Nhà khách Chính Phủ (Hà Nội) khi có một người trong phái đoàn Mĩ hỏi ông về vị tướng giỏi nhất của chính phủ Việt Nam, ông đã trả lời rằng: “Vị tướng giỏi nhất Việt Nam là nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người Mĩ thua Việt Nam bởi vì chưa hiểu vị tướng ấy” [46, tr.139].
Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng khi nhớ đến Đại tướng, chúng tôi thấy việc nhắc đến ông như một vị tướng tài chỉ mới là cái nhìn từ góc độ công việc, trong cuộc sống đời thường Võ Nguyên Giáp còn là một con người nhạy cảm, có tâm hồn nghệ sĩ. Trong thời gian tham gia cách mạng, ông cũng thường xuyên viết bài cho các báo. Bản thân Đại tướng cũng rất thích chụp ảnh và âm nhạc. Trong những giờ phút thư giãn, Đại tướng thường hòa mình cùng âm nhạc. Ông thường chơi đàn piano và cũng đã từng đánh đàn cho Bác Hồ nghe. Võ Nguyên Giáp cũng đã viết nhiều tác phẩm quân sự, chính trị và đặc biệt bộ hồi kí - không chỉ có những kỉ niệm cá nhân, những cảm xúc, suy nghĩ của một vị tướng về gia đình, về cách mạng, về đồng bào…mà nó còn là một tác phẩm có ý nghĩ sâu sắc, ghi lại bức tranh toàn cảnh về hai cuộc kháng chiến trường kì nhưng vĩ đại của dân tộc, chứa đựng trong tác phẩm còn là những tư tưởng lớn.
Ngày 4.10.2013 dân tộc Việt Nam tiếc thương tiễn đưa Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng. Sự ra đi của Người quả thực là một mất mát lớn với cả dân tộc; người dân khắp cả nước dồn về Hà Nội để thắp nén nhang trước linh cữu Đại tướng. Những
giọt nước mắt, những hành động không quản ngại đường xá xa xôi, không ngại ngừng công việc đang dang dở, xếp hàng thứ tự chờ đợi để vào viếng Đại tướng lần cuối là những minh chứng chân xác nhất thể hiện tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho ông.