Giọng dí dỏm, hài hước, châm biếm

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 136 - 139)

6. Bố cục luận văn

3.2.3.3. Giọng dí dỏm, hài hước, châm biếm

Bên cạnh giọng bình luận chính luận và trữ tình, hồi kí còn mang giọng dí dỏm, hài hước thể hiện được cái nhìn lạc quan, tin tưởng sâu sắc vào sự chiến thắng của nhân dân Việt Nam.

Khi viết về những khó khăn, gian khổ, nhiều khi tác giả nhìn dưới góc nhìn hài hước nhằm thể hiện tinh thần lạc quan: “Anh Thiết Hùng và tôi cũng mang vũ khí. Anh Thiết Hùng mang một khẩu súng sau, bắn phát nổ phát không. Tôi có một quả

lựu đạn, một quả lựu đạn điếc, nhưng đi đâu cũng đeo bên người” [28, tr.57]. Nhìn nhận về sự thiếu thốn, trang bị thô sơ của quân đội Việt Nam với cái nhìn dí dỏm từ chính những hành động của người trong cuộc phản ánh sự tin tưởng, tinh thần vượt lên tất cả những nguy hiểm, hướng đến ngày mai tươi sáng.

Trong câu chuyện được kể, những câu chuyện vui, những dòng miêu tả thể hiện cái nhìn dí dỏm cũng được lồng ghép tạo nên cho tác phẩm một tiếng cười nhẹ nhàng. Những câu chuyện dí dỏm, những câu nói hài hước trong lúc khó khăn cũng làm giảm đi căng thẳng. Một lần khi đi nghiên cứu thực địa Cao Bằng, khi tới vị trí quan sát nhưng trời dày đặc sương mù, Võ Nguyên Giáp đã nói vui với các đồng chí đi cùng: “Đi trinh sát thời tiết này có một ưu điểm: Địch không thể nhìn thấy mình” [28, tr.632].

Những vất vả trong hành trình vận chuyện được nhìn nhận thành một bức tranh sinh động, vui vẻ, chan hòa: “Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển chú “voi con” đi thoăn thoắt trên đường. Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng gánh, người Thái, người Dao gùi, chấm phá thêm cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton, dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận” [28, tr.911].

Giọng dí dỏm, hài hước trong hồi kí được thể hiện với nhiều sắc điệu khác nhau pha trộn. Có khi đó là sự hài hước, hóm hỉnh tạo nên tiếng vười vui vẻ, nhẹ nhàng, ý nhị; có khi nó lại mang sắc điệu mỉa mai, châm biếm và đôi lúc ẩn sau tiếng cười là sự đau buồn, xót xa. Thể hiện chân dung, con người Nguyễn Hải Thần nhằm làm rõ bản chất phản động ở con người y, tác giả chọn lọc một vài chi tiết cùng với giọng hài hước mang sắc thái mỉa mai:

“Nguyễn Hải Thần đi xe tới. Theo sau y là một trung đội lính hộ vệ, súng cầm tay, đạn đeo đầy người, chân cũng quấn xà cạp y như quân của Lư Hán.

Được sự giới thiệu của Bác “Nguyễn Hải Thần đứng lên với vẻ thỏa mãn hiện ra mặt”, y nói:

Tôi bôn ba hải ngoại mấy chục năm, giờ về đây, có cái nhà cao, cái cửa rộng lúc này thật sung sướng quá…

Đang lúc say sưa, dường như cũng muốn mua vui cho mọi người, y lại nói: Tới đây…tôi cũng ra mắt làm một quẻ bói giúp cụ Hồ Chí Minh xem hậu vận ra sao” [28, tr.199-200].

Trong lần đầu tiên tổ chức Quốc dân đại hội trong lịch sử của nước Việt Nam, những thành viên của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội, Việt Nam Quốc dân đảng trước đó đã yêu cầu phải được có mặt trong đại hội. Đảng và Bác đã đồng ý cho họ bảy mươi ghế, hình ảnh những con người ấy xuất hiện với tư thế: “Một đám người quần áo sang trọng, đứng ngồi lố nhố, ngơ ngác như những con dê lạc bầy. Họ phải chờ sự ưng thuận của đại hội mới được phép vào phòng họp” [28, tr.228]. Trái lại với hình ảnh của những tên “phản động” vẻ ngoài sang trọng nhưng chẳng có uy thế, lộn xộn, nhốn nháo là hình ảnh Bác giản dị “mặc bộ đồ ka ki” và sự xuất hiện được mọi người hân hoan chào đón. Giọng kể dí dỏm thể hiện sắc thái mỉa mai thể hiện rõ thái độ của một người yêu nước với bọn phản động, đi ngược lại với quyền và lợi ích dân tộc.

Để khắc họa chân dung một số tướng giặc hoặc những người Việt Nam phản động bán nước mang bộ mặt của những người yêu nước, người kể cũng thể hiện giọng điệu mỉa mai, châm biếm qua cách sử dụng từ ngữ, sự miêu tả nhấn mạnh ở một hành động, thái độ nào đó. Khi kí Hiệp định sơ bộ 6 tháng Ba, Thường vụ nhận thấy cần phải nói rõ với đồng bào vì sao chúng ta làm như vậy. Sau khi đại diện của Chính phủ trình bày trước cuộc mít tinh, đến lượt Vũ Hồng Khanh phát biểu: “Y chậm chạp bước ra trước máy phóng thanh. Đứng trước đồng bào, Khanh buộc phải hô hào dân chúng ủng hộ những hoạt động ngoại giao của Chính phủ. Giọng nói của y rời rạc, lạt lẽo. Người nghe đáp lại bằng những tiếng vỗ tay lẻ tẻ, chiếu lệ” [28, tr.242], đối lập lại khi chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra “tiếng hò reo vang dậy cả quảng trường” [28, tr.242].

Giọng điệu mỉa mai được sử dụng khi khắc họa chân dung tướng địch: “Tôi gặp Đácgiăngliơ lần đầu. Ông thầy tu phá giới này có cặp mắt nhỏ sắc sảo, tinh ranh nằm dưới vầng trán đầy nếp nhăn, và đôi môi mỏng dính. Ngồi với y một lát đã thấy ngay y là một con người từng trải và xảo quyệt, tự phụ và nhỏ nhen. Một con người như vậy

chỉ có thể là con người của dĩ vãng, của chính sách thực dân. […]. Trong câu chuyện, Đácgiăngliơ nói có người gọi y là con người của im lặng và khổ hạnh. Chắc viên cao ủy muốn khoe mình vốn là một nhà chân tu. Thực ra, y là một chính khách nham hiểm hơn là một kẻ tu hành” [28, tr.272].

Giọng kể là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm. Với sự kết hợp đa dạng những giọng điệu khác nhau trong lời kể, người kể phối hợp cùng người ghi đã mang đến một sự độc đáo mới lạ cho tác phẩm. Ở đó không thiếu những bình luận sâu sắc, thuyết phục nhưng vẫn rất mềm mại, trữ tình. Đây là điều không dễ gặp trong những hồi kí về đề tài chiến tranh.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 136 - 139)