Vị tướng tự tin và quyết đoán

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 92 - 96)

6. Bố cục luận văn

2.3.2.1. Vị tướng tự tin và quyết đoán

Võ Nguyên Giáp từ khi hoạt động cách mạng đến tận cuối đời luôn cố gắng hết sức để làm tròn sứ mệnh cao cả mà Đảng và nhân dân giao phó. Là một vị tướng được đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy trong nhiều chiến dịch quan trọng, hơn ai hết Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện được sự tự tin, quyết đoán với một tinh thần anh dũng bất khuất trước sau không đổi, một niềm tin tuyệt đối vào chiến thắng của cách mạng. Tinh thần ấy của vị tổng chỉ huy là tinh thần của người lãnh đạo có chí khí, luôn nêu cao tinh thần, đại diện tiêu biểu cho ý chí không bao giờ chịu khuất phục của dân tộc Việt. Ở Võ Nguyên Giáp ngay từ những ngày được giao nhiệm vụ thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân đến việc đảm nhiệm những vị trí quan trọng là tổng chỉ huy trong các trận đánh, Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện được bản lĩnh của người cầm quân: tự tin, không nao núng và vô cùng quyết đoán khi cần phải đưa ra những quyết định quan trọng. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của ta vốn nhiều gian khổ, trong quá trình ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác, Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, tin tưởng cả vào sức mạnh của toàn dân, toàn quân. Đứng trước những giờ phút phải quyết định tiến, lùi, đánh, không đánh luôn phân tích rõ tình hình, quyết định dứt khoát.

Trong chiến dịch Biên giới, qua sự nghiên cứu kĩ lưỡng địa hình ở Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp nhận thấy không thể chọn thị xã này làm điểm đột phá cho chiến dịch: “Quân địch ở Cao Bằng không quá đông, nhưng địa hình núi, sông hiểm trở đã tạo cho chúng cái thế như người xưa nói: Một người giữ ải, muôn người khó vượt qua. Đánh Cao Bằng sẽ phải giải quyết hàng loạt những vấn đề chiến thuật mà bộ đội ta còn ít kinh nghiệm” [28, tr.634]. Suy nghĩ, chọn lựa, Đại tướng cho rằng mở đầu chiến dịch tốt nhất là đánh Đông Khê vì nơi đây là: “cứ điểm quan trọng nối liền Thất Khê với Cao Bằng” [28, tr.635]. Khi đặt ra vấn đề này trong cuộc hội ý, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, bởi lẽ trước đó những công tác chuẩn bị, triển khai đã được

tiến hành. Với việc chuyển mục tiêu từ Cao Bằng sang Đông Khê sẽ làm “đảo lộn công tác chuẩn bị đã triển khai rất vất vả một tháng qua” đồng thời cũng làm “mất đi hào hứng của nhiều người muốn được tham gia vào trận đánh đầu tiên giải phóng một thị xã” [28, tr.637]. Tuy nhiên chiến thắng “đòi hỏi sự táo bạo nhưng không chấp nhận bất cứ hành động phiêu lưu nào”. Đại tướng đã quyết định cuộc hội ý bằng lời nói dứt khoát: “Chủ trương mở đầu chiến dịch bằng đánh Cao Bằng là do Tổng quân ủy đề xuất. Nếu thấy mở đầu chiến dịch như vậy không đảm bảo thực hiện mục tiêu chiến dịch, ta cần báo cáo để xin quyết định của Thường vụ” [28, tr.635]. Quả thật, nếu một vị chỉ huy không có những quyết định quyết đoán kịp thời vì lo ngại sự phản đối và sợ chịu trách nhiệm thì nhiều khi sẽ gây ra những tổn thất không thể lường trước.

Và khi nói đến sự tự tin, quyết đoán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không thể không kể đến một trong những quyết định khó khăn nhất trong một trận đánh lịch sử làm nên thắng lợi vang dội cho quân dân ta, chấm dứt thời kì đô hộ của thực dân Pháp – chiến dịch Điện Biên Phủ - “điểm hẹn lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”. Trong cuộc họp hội ý Đảng ủy Mặt trận, phần lớn các ý kiến đưa ra là nên đánh ngay trong lúc địch chưa tăng thêm quân và củng cố công sự. Mọi người đều hân hoan, vui mừng với chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh”. Riêng tướng Giáp trước sau vẫn luôn suy nghĩ cần tìm hiểu kĩ thêm tình hình và cảm thấy phương án này quá mạo hiểm. Khi gặp những Cố vấn quân sự của nước bạn, phương án “đánh nhanh thắng nhanh” cũng được đồng tình. Tướng Giáp sau khi đã trình bày suy nghĩ của bản thân, cảm thấy phương án chiến đấu này không thể giành được thắng lợi, tuy nhiên vì chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ lại phương án mà các đồng chí đi trước đã quyết định nên đồng ý triệu tập hội nghị để triển khai kế hoạch. Đồng thời, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu – Chánh văn phòng của Bộ về sự cân nhắc, trăn trở của mình và dặn dò theo dõi, nghiên cứu, suy nghĩ thêm. Và rồi cuối cùng Đại tướng đã quyết định – một quyết định mà ông gọi là khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình khi chuyển từ kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Trong hồi kí của mình, Võ Nguyên Giáp không nói nhiều về quá trình đi đến quyết định, cách thức để thuyết phục mọi người

đồng ý với phương án mới nhưng qua một số tài liệu, chúng ta hiểu hơn về điều này. Qua Không phải huyền thoại chúng tôi có điều kiện hiểu rõ hơn sự khó khăn và trách

nhiệm cũng như sự quyết đoán của Đại tướng. Nhưng băn khoăn về kế hoạch đã tồn tại trong đầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay từ những ngày đầu, tuy nhiên lúc đó ông là người mới “chân ướt chân ráo” tới mặt trận, mặt khác khi trình bày những trăn trở của mình, các đồng chí trong ban chỉ huy cũng như những cố vấn quân sự của bạn đều thống nhất cho rằng phương án “đánh nhanh thắng nhanh” là hợp lí trong tình hình này. Trong quá trình thực hiện, khó khăn gặp phải rất nhiều và mặc dù đây không phải là điều lạ lẫm với một Đại tướng đã từng có mặt trong tất cả những trận đánh lớn từ ngày đầu kháng chiến nhưng “chưa lần nào anh lo lắng như chiến dịch này. Anh đã cố gắng tự thuyết phục mình theo lí lẽ của những đồng chí đi trước, nhưng không thể được. Ngày nổ súng càng tới gần, ruột gan anh càng như lửa đốt” [59, tr.270]. Công tác đưa pháo vào trận địa quả thật gặp vô vàn khó khăn: “Bắt đầu gặp dốc, tốc độ kéo pháo chậm hơn rất nhiều. Trời lại đổ mưa. Đất cứng bên sườn núi cao biến thành bùn nhão, mỗi nhịp kéo, khẩu pháo chỉ nhích không đầy gang tay. Nhiều đoạn đường kéo pháo nằm chênh vênh bên vực sâu. Có lần đứt dây tời, một chiến sĩ cầm chèn lao vào bánh xe để cứu pháo khỏi lăn xuống vực sâu. Khẩu pháo dừng lại. Nhưng người chiến sĩ đã hi sinh” [59, tr.273]. Mặc dù trong quá trình triển khai kế hoạch, Đại tướng đã dặn dò mọi người nếu có ý kiến gì cần nhanh chóng phản ánh lại tuy nhiên lúc này tinh thần chiến đấu của bộ đội, chiến sĩ rất cao, tuyệt nhiên dù nhiều nguy hiểm vẫn không hề nhận được sự phản ánh nào. Và biết bao nhiêu đêm Đại tướng đã trăn trở, tự hỏi: “Có đúng là tất cả mọi người đều nghĩ như vậy không? Có thể cho rằng chiến sĩ không biết gì về điều này, vì họ chỉ có một cái nhìn cục bộ, họ tin vào những gì cán bộ nói mà họ cho là ý kiến của Đảng. […] Nhưng còn mình thì sao? […] Mình thấy rõ chiến dịch nếu tiến hành theo cách này, nhất định thất bại, và hậu quả sẽ khôn lường…? […] Nếu chuyển sang cách đánh mới, mà đánh không thắng thì sao? Rõ ràng là lúc đó mọi trách nhiệm sẽ đổ vào đầu anh” [59, tr.275]. Bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu đêm thức trắng, đầu đau như búa bổ với biết bao câu hỏi được đặt ra và rồi Đại tướng quyết định đây là trách nhiệm mà mình không thể thoái thác và “dù có thế nào vẫn không thể tiến hành trận đánh ngày mai. Anh tin là không giống như ngày đầu tới mặt trận, lúc này

anh đã có đủ yếu tố để đặt lại vấn đề” [59, tr.278]. Và rồi chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp đã dùng những lí lẽ, lập luận chắc chắn để thuyết phục Ban cố vấn Trung Quốc và ông đã thành công. Khi họp bàn với các đồng chí trong Đảng ủy, mặc dù các đồng chí vẫn có những ý kiến trái chiều: “Ta đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Các đơn vị, các binh chủng đều trong tư thế sẵn sàng nổ súng. Nay phải lui quân và kéo pháo ra, khác nào như dội nước lạnh vào đầu, thì giải thích làm sao” [59, tr.281] – đồng chí chủ nhiệm chính trị Lê Liêm lên tiếng phản đối trước. Trước những ý kiến phản đối, Đại tướng đã kiên quyết bày tỏ quan điểm: “Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở…Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng, quyết định là phải có cách đánh đúng” [59, tr.281]. Cuộc họp để thống nhất ý kiến không hề dễ dàng vì phần lớn các đồng chí vẫn không muốn thay đổi kế hoạch, đã có lúc cuộc họp căng thẳng cần phải nghỉ một lát, đến cuối cùng Võ Nguyên Giáp đã quay trở lại mục tiêu của chiến dịch là “chắc thắng” để nhận được sự đảm bảo với phương án cũ, không ai có đủ tự tin. Cuối cùng với tư cách là Chỉ huy trưởng, với tinh thần chịu trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị để đảm bảo nguyên tắc “đánh chắc thắng” đã quyết định hoãn tiến quân “ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu” [59, tr.283]. Ắt hẳn trong nhiều cán bộ lúc đó đã chưa tán đồng hoàn toàn với kế hoạch mới của Đại tướng, và cũng chắc chắn rằng quyết định đó quả thực khó khăn, khi một vị tổng chỉ huy dám đưa ra một quyết định đi ngược lại với ý kiến của số đông, hơn nữa đó còn là một trận chiến có vai trò quyết định. Sự thắng, hay thua ảnh hưởng rất lớn đến cục diện lúc bấy giờ. Chính sự tin tưởng vào quyết định của bản thân cộng thêm sự quyết đoán, một quyết định được ra đời. Và phải đến tận dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mười năm sau này, đồng chí Võ Nguyên Giáp mới được nghe những ý nghĩ mà nếu trong thời điểm lúc ấy vị tổng chỉ huy được nghe, được chia sẻ thì mới đáng quý biết bao. Chính ủy đại đoàn công pháo Phạm Ngọc Mậu thì nói: “Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: “Được lời như cởi tấm lòng!”, Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn thì phát biểu: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mĩ” [28, tr.920]. Quả

thực để ra được quyết định quan trọng này đòi hỏi ở người chỉ huy chiến dịch phải có một bản lĩnh vững vàng, một trí tuệ sáng suốt, tinh thần dũng cảm và trách nhiệm cao khi dám đương đầu đón nhận, chịu trách nhiệm trước sự thành bại của chiến dịch, xương máu của bộ đội và nhân dân.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 92 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)