6. Bố cục luận văn
1.2.2. Vị trí của hồi kí trong văn học cách mạng Việt Nam
Giai đoạn 1945 – 1975 và sau khi chiến tranh kết thúc đã xuất hiện khá nhiều hồi kí cách mạng của các vị tướng, các nhà hoạt động chính trị, những người đã trực tiếp chứng kiến, tham dự vào hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Với đặc điểm quan trọng là ghi lại người thật, việc thật với một độ lùi nhất định về thời gian, hồi kí thực sự là một thể loại thích hợp để phản ánh hiện thực hào hùng của một thời kì lịch sử đã qua.
Hồi kí cách mạng gồm hồi kí của các nhà văn và hồi kí của các tướng lĩnh, nhân vật lịch sử. Xưa đến nay, các nhà nghiên cứu thường chỉ chú trọng nhiều đến hồi kí của các nhà văn, hầu hết những tác phẩm này được đánh giá cao vì giàu tính văn học. Nội dung của các tác phẩm rất rộng lớn, đề cập đến nhiều vấn đề vừa mang cả tính vĩ mô và vi mô. Không thiếu những tác phẩm tái hiện không khí hào hùng, sôi sục của quân dân trong hai cuộc kháng chiến trường kì gian khổ nhưng phần nhiều là những dòng hồi ức về chuyện đời, chuyện nghề. Khá nhiều những vấn đề riêng tư, nhạy cảm thậm chí bị né tránh trong thời kì trước đổi mới thì từ sau những năm 1986 được phản ánh vào trong hình thức những hồi kí cá nhân. Phân tích về sự phát triển nhanh chóng của những tác phẩm hồi kí này sau đổi mới, Đỗ Hải Ninh cho rằng: “Bằng cách chuyển tải riêng, thầm lặng nhưng cũng giàu giá trị biểu cảm, hồi kí thâm nhập vào đời sống và nhanh chóng chiếm lĩnh độc giả. Lí giải về nguyên nhân nở rộ của hồi kí trước hết có thể vin vào điều kiện lịch sử xã hội đó là những biến động và thăng trầm của thời đại trong suốt thế kỉ XX đã tạo ra một thế hệ người viết có nhu cầu “cuối đời nhìn lại”. Không khí cởi mở và dân chủ tạo điều kiện cho nhà văn có cơ hội bộc bạch, hé lộ những nỗi niềm gan ruột, những trăn trở, suy tư của cái tôi, những bí mật riêng tư, thậm chí không ngần ngại đụng chạm đến những điều trước đây bị coi là cấm kỵ. Đồng thời hồi kí cũng đáp ứng nhu cầu của thế hệ người đọc cần hiểu, chiêm nghiệm quá khứ, đánh giá lại lịch sử” [66, tr73-74].Về mặt nghệ thuật, các hồi kí của các nhà văn hầu hết đều từ những cây bút có những thành công nhất định ở các thể loại văn học khác, chính vậy đó thực sự là những trang viết có giá trị văn học cao, mang đầy đủ các đặc điểm của một tác phẩm nghệ thuật.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ định tính văn học trong các hồi kí của các tướng lĩnh cách mạng. Hồi kí của các tướng lĩnh, chiến sĩ với cách thức thể hiện và nội dung phản ánh đặc biệt có một vị trí quan trọng nhất định trong văn học cách mạng Việt Nam. Do những hạn chế nhất định, về mặt thời gian cũng như cách thức thể hiện nên hầu hết những hồi kí này đều được viết dưới hình thức “người kể - người ghi”. Các tướng lĩnh, các chiến sĩ những người trực tiếp tham gia, chứng kiến sẽ đóng vai trò người kể còn người ghi hầu hết là các nhà văn quân đội. Hữu Mai, Hồ Phương…là những nhà văn đã thể hiện nhiều hồi kí cho các tướng lĩnh thành công. Đánh giá về giá
trị của những tác phẩm hồi kí dưới hình thức này, Trần Hữu Tá cho rằng: “Ngoài giá trị sử liệu và văn liệu không gì thay thế được, một số tập hồi kí còn là những tác phẩm xuất sắc, thể hiện sự gia công nghệ thuật nghiêm túc của người viết. Viết và in hồi kí nước nào chẳng làm việc này. Nhưng có lẽ ít nơi đâu có hiện tượng phối hợp chặt chẽ giữa người kể - những người chiến sĩ cách mạng già dặn, vững vàng – và người ghi – các nghệ sĩ cách mạng như ở nước ta. Tuy có một số hạn chế nhưng cơ bản sự phối hợp hoạt động này là một hiện tượng tích cực, là sáng kiến độc đáo của chúng ta. Không có sự phối hợp này không thể xuất hiện hàng loạt hồi kí. Và văn học của chúng ta sẽ nghèo đi biết bao nhiêu” [77, tr.18-19]. Như vậy Trần Hữu Tá thực sự đánh giá cao giá trị của những tác phẩm hồi kí cách mạng trong văn học Việt Nam, đồng thời nhà nghiên cứu cũng chỉ ra hình thức phối hợp độc đáo góp phần quan trọng làm nên nhiều thành công của các tác phẩm.
Nói đến các hồi kí cách mạng, chúng tôi không thể không nhắc đến nhiều tác phẩm đặc sắc như Ngục KonTum (Lê Văn Hiến), Vượt ngục (Cựu Kim Sơn); Bất khuất
(Nguyễn Đức Thuận), Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây (Võ Nguyên Giáp); Từ Đồng Quan đến Điện Biên (Lê Trọng Tấn), Những năm tháng quyết định (Hoàng Văn Thái); Từ trong bão táp (Văn Tiến Dũng)…Mặc dù là hình thức hồi kí nhưng hầu hết các tác phẩm thường đi vào phản ánh những vấn đề có ý nghĩa thời đại lớn lao, những tình cảm, sự việc cá nhân dường như không được tập trung thể hiện. Ở đây cái riêng đã hòa nhịp với cái chung. Những sự việc, con người được đề cập đến trong những hồi kí này hầu như cũng được khắc họa theo lối lí tưởng hóa, người kể chủ yếu hướng đến ngợi ca cái đẹp, ca ngợi cách mạng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, điều này tạo nên một thế giới nghệ thuật mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn như văn học giai đoạn 1945 – 1975. Ngục KonTum là hồi kí cách mạng của Lê Văn Hiến, một chiến sĩ, một cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Là một nhà hoạt động cách mạng từng bị đày ở KonTum, cuốn hồi kí của Lê Văn Hiến đã phơi bày những chính sách, thủ đoạn dã man và tàn độc mà bọn thực dân đã sử dụng để đàn áp, khủng bố, sát hại những chiến sĩ yêu nước của ta trong nhà tù của chúng. Tác phẩm không chỉ là tiếng nói phản kháng uất hận, lời buộc tội đanh thép cho tội ác man rợ của thực dân mà còn là bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách
mạng của những chiến sĩ cộng sản Việt Nam không bao giờ chịu cúi đầu dù đày ải, dù hi sinh.
Nói về giá trị của hồi kí, Lí Hoài Thu trong bài viết “Hồi kí và bút kí thời kì đổi mới” cho rằng: “Dù viết về quá khứ, là tái dựng kí ức “thời gian đã mất”, song giá trị và khả năng cảm hóa của tác phẩm hồi kí lại được xác lập bởi góc nhìn hiện tại. Vượt qua mục đích “thanh minh” hoặc tự “đánh bóng” tên tuổi của mình, những tác phẩm hồi kí được đón nhận nồng nhiệt và đánh giá cao trong và ngoài nước gần đây mang đến cho “người đương thời” những câu trả lời, những bài học quý giá. Nói cách khác từ những trang viết có nội dung xã hội phong phú, tác phẩm hồi kí góp phần soi sáng hiện tại, phải đáp ứng được nhu cầu nhận thức thực tại”[86, tr.77].
Về mặt nội dung “một trong những phương diện được quan tâm sâu sắc trong các tác phẩm hồi kí, bút kí ra đời trong thời kì đổi mới – bên cạnh bức tranh muôn màu muôn sắc của cuộc sống đương đại – vẫn là chân dung hiện thực của đất nước, của dân tộc qua chiều dài thế kỉ, đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh cứu quốc vĩ đại. Nghĩa là những vấn đề tưởng như đã thuộc về “một thời quá khứ” vẫn luôn là mối quan tâm ưu ái đặc biệt của các tác phẩm kí hiện tại – đặc biệt là các tác phẩm hồi kí” [86, tr.77].
Tóm lại, các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận và đánh giá cao vai trò của hồi kí trong dòng văn học cách mạng: “Rõ ràng thể hồi kí cách mạng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để đông đảo chiến sĩ cách mạng vốn có thể xa lạ với văn chương dễ dàng tham gia sáng tác góp phần bồi đắp cho nhân dân nhất là thế hệ trẻ nhiệt tình kính yêu Đảng, khát vọng vươn tới lí tưởng cộng sản” [77, tr.28].