Võ Nguyên Giáp Nhà chỉ huy xuất chúng

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 87 - 91)

6. Bố cục luận văn

2.3.1.2. Võ Nguyên Giáp Nhà chỉ huy xuất chúng

Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật thứ hai được nhân dân đặc biệt kính trọng, yêu quý vì những cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của dân tộc. Bản thân là người giữ vị trí quan trọng trong nhiều chiến dịch lịch sử, Võ Nguyên Giáp đã thể hiện là nhà chỉ huy tài tình. Điều này là kết quả từ quá trình học hỏi, nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong thực tế chiến đấu.

Tài chỉ huy của tướng Giáp trước hết thể hiện ở những nghiên cứu, phân tích rất sâu về tình hình địch. Vị chủ tướng luôn xem xét thật khách quan những chỗ mạnh, chỗ yếu của chúng từ binh sĩ đến người chỉ huy cao nhất. Giữ quyền chỉ huy tối cao ở Đông Dương trong mỗi thời kì đều có sự thay đổi, với mỗi viên tướng, Võ Nguyên Giáp đều đưa ra những đánh giá cẩn trọng, khách quan.

Chỗ mạnh, chỗ yếu, những thuận lợi, khó khăn trong mỗi chiến dịch cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích cẩn trọng để từ đó có những tính toán cụ thể về kế hoạch tiêu diệt địch. Trong chiến dịch Biên giới với mục tiêu là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và tiến về giải phóng Cao Bằng, tướng Giáp đã có những xem xét kĩ lưỡng, cẩn trọng về địa hình: “Tôi lần lượt quan sát từng vị trí, hỏi kĩ số lượng và thành phần binh lính, cách bố phòng, những con đường bộ đội có thể tiến vào, thử hình dung những khó khăn mà các mũi sẽ gặp trên thực địa, và nghĩ xem có thể vượt qua bằng cách nào” [28, tr.633]. Qua sự tìm hiểu thực tế, tướng Giáp thấy rằng không thể chọn Cao Bằng làm điểm đột phá cho chiến dịch, vị trí này nếu ta tiến hành tấn công sẽ có nhiều điềm bất lợi và rất khó giành một chiến thắng quan trọng làm tiêu hao một lực lượng lớn quân địch. Nhà chỉ huy xuất sắc đã suy nghĩ đến phương án chọn Đông Khê. Đây chính là một “điểm huyệt” quan trọng, ở đây ta có những điều kiện thuận lợi để tiêu diệt sinh lực địch, mặt khác Đông Khê mất thì Cao bằng bị cô lập, như vậy ta vẫn có thể giải phóng Cao Bằng.

Đặc biệt trong trận Biện Biên Phủ lịch sử, để đưa đến quyết định khó khăn và quan trọng cuối cùng, tướng Giáp lúc ấy với vị trí quan trọng nhất trong chiến dịch đã có sự cân nhắc, phân tích tình hình kĩ lưỡng. Với sự quyết tâm cao độ thực hiện được mục tiêu đề ra là phải chắc thắng trong trận đánh này thế nên người chỉ huy chiến dịch luôn trăn trở trong phương án tác chiến và cuối cùng với sự dũng cảm, tinh thần chịu trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, Đại tướng đã đề nghị họp đi đến thay đổi phương án tác chiến.

Diễn biến trận đánh luôn được Đại tướng theo dõi chặt chẽ, tình hình cũng thường xuyên được báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị. Đối với các đơn vị, các chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn được khen ngợi, động viên kịp thời; mặt khác kinh nghiệm của mỗi trận đánh và nhiệm vụ của các trận tiếp theo cũng được rút ra và chỉ thị một cách rõ ràng. Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, phát huy tinh thần chiến đấu cũng được chú trọng đặc biệt.

Sau đợt tiến công của các đơn vị bộ đội vào phân khu Bắc kết thúc, ngày 17 – 3 – 1954, Đại tướng đã nhận định quân địch đang đối phó lung túng nhưng lực lượng của chúng còn mạnh, ưu thế của ta đã tăng lên nhưng chưa phải là tuyệt đối. Vì thế

không được chủ quan, khinh địch, phải quyết tâm và nắm chắc phương châm tác chiến. Sau một thời gian chuẩn bị, xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày 27 – 3 – 1954, Đại tướng quyết định tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực miền đông Điện Biên Phủ, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị. Trong đợt tiến công có đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ nhất là chưa tiêu diệt được đồi A1. Tại Hội nghị cán bộ chiến dịch (8 – 4 – 1954), Đại tướng đã phân tích những ưu điểm, khuyết điểm, chỉ rõ nhiệm vụ tiếp theo. Quân Pháp ở Điện Biên Phủ ngày càng nguy kịch trước sức tấn công mạnh mẽ của bộ đội ta. Trước tình hình quân địch đang rối loạn, thời cơ tổng công kích đã đến. 17 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Bằng bản lĩnh, trí tuệ của mình, Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành trọng trách mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã thiết kế nên một trận giải phóng miền Nam đặc biệt: căng địch ra hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế - Đà Nẵng, phía Nam giữ địch ở Sài Gòn, làm cho địch bộc lộ sơ hở ở quãng giữa miền Trung và Tây Nguyên. Khi địch đã rơi vào thế trận của ta, ta bất ngờ phá vỡ Tây Nguyên tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng tình hình, ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy địch vào thế tan rã sau đó tập trung toàn bộ lực lượng giải phóng Sài Gòn. Trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975 Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn theo sát tình hình diễn biễn trận chiến, kịp thời có những ý kiến và chỉ đạo đúng lúc. Có những thời điểm Đại tướng “ở luôn lại Tổng hành dinh, không về nhà riêng, dù hai nơi chỉ cách nhau vài trăm mét. Trong phòng làm việc, các đồng chí công vụ đã kê thêm một chiếc giường con. Ngoài các tấm bản đồ treo trên tường, tôi đặt thêm một tấm bản đồ quân sự miền Nam ngay dưới tấm kính rộng trên mặt bàn để tiện theo dõi, suy nghĩ” [28, tr.1274].Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, sau khi Huế đã được giải phóng, kế hoạch đánh Đà Nẵng có một số tranh luận về thời gian chuẩn bị. Sau cùng, với tư cách Bí thư Quân ủy, Đại tướng chỉ thị: “Chiến tranh đã chuyển sang giai đoạn phát triển nhảy vọt. Bố trí của địch ở Đà Nẵng tuy chưa đảo lộn, mặc dù chúng kêu gọi “tử thù” nhưng tinh thần quân lính đang suy sụp, cần nắm vững phương châm “táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng” khẩn trương tiến công, bao vây tiêu diệt địch” [28, tr.1278]. Sau khi chiến dịch Huế - Đà Nẵng

thành công, Đại tướng suy nghĩ nhiều về trận chiến sẽ diễn ra trên chiến trường trọng điểm Sài Gòn – Gia Định.Trong chiến dịch này mệnh lệnh chỉ đạo nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Trong chiến dịch này, Võ Nguyên Giáp cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoạch địch kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Trước những tấm bản đồ Nam Bộ và thành phố Sài Gòn – Gia Định, Võ Nguyên Giáp nhớ lại năm xưa đứng trước sa bàn Điện Biên Phủ “hai lịch sử có khoảng cách hơn 20 năm, nhưng giống nhau ở sự động não cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, góp sức tìm ra cách đánh tối ưu nhằm giành thắng lợi lớn nhất với tổn thương ít nhất” [28, tr.1318]. Tôn trọng tính dân chủ đồng thời rất biết lắng nghe ý kiến của những cán bộ, đồng chí có kinh nghiệm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định “lập một tổ thường trực giúp tôi chỉ đạo tác chiến. Mỗi ngày bốn lần, sau buổi giao ban, tôi trực tiếp nghe tổ báo cáo, đề đạt ý kiến” [28, tr.1318]. Cuối cùng tổ cũng đã chuẩn bị xong một phương án tác chiến cho mùa mưa. Đại tướng nhất trí về cơ bản với kết quả nghiên cứu và chỉ thị thêm mấy điểm đáng lưu ý. Trước lúc các đồng chí lên đường, Đại tướng bắt tay từng người, gửi gắm niềm tin tưởng và yêu cầu các đồng chí nhận rõ tính chất quan trọng của chiến dịch sắp tới. Tin chiến thắng dồn dập báo về, giây phút thiêng liêng đối với cả dân tộc khiến Đại tướng bất giác “nhớ lại ngày toàn thắng ở Điện Biên Phủ […]. Lẽ tất nhiên ở đây có nhiều điểm khác. Thế nhưng, cũng cái không khí phấn khởi sôi nổi ở Sở chỉ huy, cũng những giây phút nao nức đón tin vui từ phía trước điện về, những suy nghĩ về công việc ở cuối và sau chiến dịch…Và nhất là cũng cái cảm giác lâng lâng khó tả, vừa khẩn trương, sôi nổi, vừa đàng hoàng, chủ động, vừa lo lắng, chờ đợi, vừa vui sướng, tự hào, lúc này không còn là của riêng ai trong ngày toàn thắng của dân tộc” [28, tr.1337].

Trong điều khiển trận đánh, người chỉ huy luôn linh động, sáng tạo, không cứng nhắc, rập khuôn, điều quan trọng là phải luôn giữ vững tinh thần cho bộ đội chiến sĩ. Người chỉ huy một khi dao động, hoang mang thì không thể tổng động viên tinh thần bộ đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật có mặt ngay từ thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Trong hồi kí của

mình, tướng Giáp đã thể hiện những trăn trở của một vị tướng từng đảm trách những vị trí quan trọng hàng đầu trong mỗi chiến dịch. Thông qua hồi kí, người đọc hiểu hơn được tinh thần trách nhiệm và những lo lắng, suy nghĩ của ông. Với vai trò của một người chỉ huy chiến dịch, qua thực tiễn chiến đấu, ông nhận thấy rằng, để giành được chiến thắng trước một đội quân lành nghề được trang bị, tổ chức tốt thì sức mạnh to lớn nhất chính là “lòng dũng cảm bắt nguồn từ một lí tưởng chiến đấu” [28, tr.440]. Tuy nhiên vẫn có những hiện tượng nhiều chiến sĩ được rèn luyện nhưng khi “vỡ mặt trận” đã có hiện tượng hốt hoảng, bỏ chạy. Với cương vị của một Tổng chỉ huy, ông nhận thấy trách nhiệm “không thể chỉ đòi hỏi, trông chờ ở tinh thần dũng cảm của chiến sĩ hay cán bộ cấp dưới, mà phải luôn tìm ra trong những tình huống biến động của chiến tranh, biện pháp hiệu quả để giành chiến thắng với tổn thất ít nhất” [28, tr.440]. Như vậy, Võ Nguyên Giáp ý thức sâu sắc trách nhiệm to lớn mà người chỉ huy mang trên vai và không ngừng nỗ lực để “nuôi dưỡng và phát huy tinh thần dũng cảm của bộ đội” [28, tr.440].

Bên cạnh đó, điều quan trọng với một vị chỉ huy theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là được ở bên bộ đội, chiến sĩ mà còn là được trực tiếp thấy chiến trường. Người chỉ huy không chỉ là người đứng ở vị trí an toàn mà đưa ra phương án tác chiến trên lí thuyết mà đó phải là người am hiểu tình hình, nắm rõ thực tế trận đánh tiến triển như thế nào để có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời nhất. Tất cả các mặt từ quân sự - chính trị - hậu cần đều được chú trọng để giải quyết toàn diện các vấn đề được đặt ra. Và sau mỗi trận đánh, tướng Giáp luôn xem xét cẩn trọng những điều làm được, chưa làm được để rút kinh nghiệm với bộ đội, chiến sĩ và ngay cả chính bản thân người chỉ huy. Với tinh thần trách nhiệm cao tướng Giáp luôn cố gắng để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ cao cả mà bản thân được giao phó và ông xứng đáng là một vị tổng chỉ huy xuất chúng.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 87 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)