Tuần tự, đảo chiều, hồi cố về thời gian

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 123 - 127)

6. Bố cục luận văn

3.2.2.1. Tuần tự, đảo chiều, hồi cố về thời gian

Đoàn Thị Hương trong bài viết “Hình ảnh Bác Hồ trong Những năm tháng không thể nào quên” cho rằng: “Những sự kiện và quy luật nghiêm ngặt nhất của lịch sử được chứa đựng trong một hình thức văn học và những yêu cầu nghệ thuật của một tác phẩm văn học được vận dụng một cách nhuần nhuyễn trong ngôn ngữ chính xác của khoa học lịch sử. Tất cả những cái bộn bề và khó khăn ấy được giải quyết một cách khá tốt và tạo nên một phong cách độc đáo của tác giả: để cho sự kiện và chỉ có quá trình phát triển biện chứng của sự kiện là có sức thuyết phục, nói lên tất cả những gì đã xảy ra, đang tiếp diễn và sẽ xảy tới. Xuyên suốt các sự kiện, tác giả đi tới cái sự sống ở bên trong và qua đó bộc lộ suy nghĩ và tình cảm của mình. Chỉ có sự kiện là cơ sở của sức sống tự bên trong của tập sách, là chiều sâu và rộng của tác phẩm, là sức lôi cuốn trí tuệ và tinh thần của người đọc” [43, tr.22]. Đây là một nhận xét thâu tóm được một đặc điểm nổi bật trong hồi kí Võ Nguyên Giáp đó chính là cách kể chuyện chủ yếu

theo diễn biến sự việc và tạo sự lôi cuốn ở chính bản thân sự kiện ấy. Bản thân ngay trong sự kiện đã chứa đựng mâu thuẫn, kịch tính thế nên kể theo diễn biến sự việc khiến người đọc cũng tò mò, hồi hộp chờ đợi: đánh ở đâu, đánh như thế nào, kết quả sẽ ra sao? Tuy nhiên, các sự kiện cũng được lựa chọn trình bày trên một trật tự sáng sủa ở cả hai bề không gian, thời gian để người đọc dễ tiếp nhận. Những năm tháng không thể nào quên bao gồm hai phần chính. Phần thứ nhất “Con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh để lướt tới” và phần thứ hai “Cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa xuân”. Mỗi phần lại được chia ra làm các mục nhỏ được đánh theo số thứ tự. Phần I gồm tổng cổng XXVIII mục. Mỗi mục đều tập trung làm rõ chủ đề của mỗi phần, nhìn chung theo số thứ tự thì sự việc được trình bày theo tuần tự sự việc xảy ra nhưng trong mỗi phần lại có sự xen lồng quá khứ - hiện tại. Cũng có những mục tác giả không chỉ kể mà đưa vào cả những bình luận, đánh giá. Mục thứ XII phần một hồi kí Những năm tháng không thể nào quên tác giả đứng ở cái nhìn hiện tại để đánh giá lại một thời kì đã qua, nhiều đau thương mất mát nhưng vô cùng hào hùng và đáng tự hào: “Tôi viết những dòng này vào những ngày tháng Năm năm 1970. Đã rất xa cái ngày mà người nước ngoài không sao tìm ra Việt Nam trên bản đồ” [28, tr.178]. Tác giả cũng đã đưa vào những đánh giá sắc sảo thể hiện rõ tâm thế của công dân trong một đất nước đã vững chãi hiên ngang đi qua nguy hiểm, chiến đấu bảo vệ được nước nhà: “Thời kì làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc đã qua. […]. Mọi cách tô son trát phấn cực kì tốn kém của chủ nghĩa thực dân đối với bọn ngụy quyền tay sai đều hoài công, vô ích” [28, tr.179].

Với thể loại hồi kí đặc biệt lại là một hồi kí về vấn đề chiến tranh liên quan đến nhiều sự việc, nhiều con người, tính chính xác như đã đề cập là một yêu cầu tiên quyết. Để đảm bảo yêu cầu này, người kể linh hoạt trong việc điểm thời gian, tránh biến tác phẩm thành một bảng niên biểu của thời gian sự kiện. Với các sự kiện lớn tác giả điểm thời gian cụ thể tháng năm. Về ngày có những mốc thời gian xác định ngày cụ thể, có những sự kiện lại chỉ xác định ước chừng: “Đầu tháng 12, Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tĩnh Tây năm chục cây số” [28, tr.25]; “Cuối tháng 9 năm 1940, khi chúng tôi còn ở Trung Quốc, nhân lúc quân đội Nhật tràn vào Lạng Sơn, bọn Pháp rút chạy” [28, tr.29].

Một cách khác cũng được lựa chọn đó là kể diễn biến sự việc tính khoảng thời gian dựa trên mốc xác định, như:

“Một buổi chiều, vào đầu tháng 5 năm 1940. Đến giờ dạy học, ra khỏi nhà một quãng, tôi ngoái lại nhìn ngôi nhà nhỏ, biết còn lâu mới quay về nơi đây, khi đó chắc có nhiều sự thay đổi rồi.

Hôm đó là thứ sáu. […]

Đồng chí Minh đưa tôi đến một hàng cơm nhỏ ở cuối đường Yên Phụ. Lát sau, anh Đồng cũng tới. Chúng tôi nghỉ đêm tại đây để tránh sự kiểm soát giấy tờ của bọn cảnh sát.

Sáng sớm hôm sau, anh Đồng và tôi ra ga Đầu Cầu […]. Hai chúng tôi dừng lại một đêm ở Yên Bái […].

Sáng hôm sau, đồng chí Minh tới. Chúng tôi lên tàu tiếp tục đi Lào Cai.[…]. Ngay tối hôm đó, ra ga Hà Khẩu, tiếp tục đi Côn Minh. […].

Hai ngày sau, tới Côn Minh.” [28, tr.12-15].

Cách lựa chọn thời gian như trên một mặt giúp người đọc hình dung được khái quát những mốc thời gian xảy ra các sự kiện lớn, tránh đi vào liệt kê sự kiện như một cuốn sách lịch sử; mặt khác với diễn biến sự việc cách lựa chọn những từ chỉ khoảng cách thời gian so với một mốc cụ thể giúp người đọc hình dung rõ diễn biến tuần tự của sự việc; với những sự kiện, sự việc không nhớ mốc thời gian chính xác, cách sử dụng những từ ước chừng vừa giúp đảm bảo việc kể lại sự việc có thời gian, vừa không vi phạm tính chính xác của thời gian sự kiện.

Với thể loại hồi kí, sự việc được kể là sự nhớ lại, hồi tưởng lại thế nên tính từ mốc thời gian kể sự việc nằm trong quá khứ. Tuy nhiên trong khi kể, tác giả thường không chỉ đi theo một trật tự biên niên từ mốc thời gian bắt đầu sự việc được đề cập đến khi kết thúc mà có sự đan lồng: quá khứ - hiện tại; hiện tại – quá khứ; quá khứ gần – quá khứ xa…. Sự có mặt của hiện tại trong quá khứ và quá khứ xa trong quá khứ gần làm nổi bật lên cái nhìn so sánh, phân tích, nghiền ngẫm. Khi kể về sự việc đồng chí Võ Nguyên Giáp khi sang Trung Hoa đang chờ đợi đồng chí Vương về phân công công tác vào những năm 40, trong suy nghĩ của tướng Giáp liên tưởng đến Nguyễn Ái

Quốc. Mạch kể chuyện quay lùi về quá khứ xa hơn vào những năm 1926, 1927. Hoàn cảnh lúc đó và những ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc với những thanh niên yêu nước Việt Nam sống dậy trong kí ức tác giả. Qua đó người đọc hiểu sâu sắc hơn về sức ảnh hưởng và tầm quan trọng của Bác Hồ với phong trào cách mạng trong nước và với thái độ, sự giác ngộ của nam nữ thanh niên yêu nước. Cuốn hồi kí Những năm tháng không thể nào quên bắt đầu từ việc cơ quan cách mạng trở về Hà Nội. Nhân sự việc đi đón Bác trở về, nhân vật “tôi” – tác giả trên đường lên Phú Gia để gặp Bác đã hồi tưởng lại quãng đời hoạt động cách mạng của Bác. Sự đan lồng, so sánh giữa hiện tại và quá khứ để thấy hết tâm huyết của Bác dành cho cách mạng Việt Nam, niềm hạnh phúc tột cùng của Bác trong giờ phút đất nước được tự do. Sự việc xảy ra như vừa mới đây “Mới đêm nào còn ngồi bên chiếc giường tre, trong căn lán nhỏ, những ngày Bác mệt nặng ở Tân Trào” [28, tr.146], mới ngày nào ở Việt Bắc, Bác còn là “một ông ké nùng”. Hôm nay gặp lại “Bác đã trở thành một cụ nông dân miền xuôi, rất thoải mái, tự nhiên trong bộ quần áo nâu” [28, tr.146].

Như trên đã đề cập, sự có mặt của hiện tại trong quá khứ; quá khứ xa trong quá khứ gần cũng làm nổi bật cái nhìn so sánh. Đó là sự tương quan, thay đổi giữa xưa và nay.Đặc biệt trong việc miêu tả các trận đánh, sự đan lồng quá khứ - hiện tại, hiện tại – quá khứ cũng được tác giả sử dụng nhằm lí giải rõ hơn về những kế hoạch, chủ trương, về sự thành công, thất bại của mỗi trận đánh. Trong đoạn kể về những việc làm khi kháng chiến toàn quốc bắt đầu, Võ Nguyên Giáp đề cập tới việc “chỉ thị cho ngành quân giới tổ chức những xưởng vũ khí nhỏ, gọn, theo phương châm tiểu quy mô, cơ động, linh hoạt, dễ di chuyển khi cần thiết phù hợp với hoạt cảnh kháng chiến” [28, tr.540], tác giả điểm qua phương hướng và những thành quả đã làm được và dùng cái nhìn hiện tại để đánh giá “ngày nay, nhìn lại, thấy chúng ta đã đi đúng hướng” [28, tr.543]. Chính độ lùi về thời gian, sự phong phú tư liệu và cả những trải nghiệm sâu sắc của cá nhân đã tạo nên một tác phẩm hồi kí hấp dẫn, nhiều giá trị.

Dù có sự đan xen hiện tại – quá khứ, quá khứ gần – quá khứ xa nhưng chính sự sắp xếp khoa học, theo một mối quan hệ logic của sự việc nên không chồng chéo, lan man, chằng chịt mà ngược lại rất sáng rõ nhằm giúp người đọc nắm được tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam cũng như sự thất bại từng bước của thực dân Pháp.

Trong một tập hồi kí thường được chia làm nhiều chương, mỗi chương lại chia làm nhiều phần được đánh số thứ tự rõ ràng xoay quanh một tiểu chủ đề chính tập trung làm rõ nội dung chủ đề của hồi kí. Tác giả mở đầu cuốn Chiến đấu trong vòng vây

bằng những cảm nhận, đánh giá về những gì đã chứng kiến, những điều đã trải qua: về Nguyễn Ái Quốc, Việt Minh, Việt Nam dân chủ cộng hòa, về việc hòa hay chiến. Những cảm nhận như một bản tổng kết ngắn gọn, rõ ràng, khúc chiết về con người, về tổ chức, về chủ trương của cách mạng Việt Nam trong một thời kì đã qua. Sau đó nội dung được triển khai thành mười chương. Mỗi chương lại chia thành các phần được đánh số thứ tự rõ ràng. Câu chuyện được trình bày logic, thường đi từ cái chung, cái khái quát đến cái cụ thể. Khi trình bày vấn đề lớn cũng thường chia ra các mặt, các khía cạnh, thể hiện tính khoa học trong sự trình bày.

Trong cách trình bày cũng có những đoạn nhằm thể hiện rõ một số chủ trương, phương án hoặc tổng kết trận đánh nên người kể chuyện đi vào liệt kê ngắn gọn, không quá sa đà để biến thành một “báo cáo quân sự”: “Cuối tháng 8 năm 1953, bộ Tổng tham mưu báo cáo với Tổng quân ủy một bản kế hoạch tác chiến với bốn nhiệm vụ: 1. Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở địch hậu phá tan âm mưu bình định của địch, phá tan kế hoạch mở rộng quân ngụy. 2. Bộ đội chủ lực dùng phương thức hoạt động thích hợp tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, có thể tác chiến lớn trên chiến trường đồng bằng để rèn luyện bộ đội. 3. Có kế hoạch bố trí lực lượng tiêu diệt địch khi chúng đánh ra vùng tự do. 4. Tăng cường hoạt động lên hướng Tây Bắc (Lai Châu), Thượng Lào và các chiến trường khác để phân tán chủ lực địch” [28, tr.874]. Điều này cũng là một hạn chế của nhiều hồi kí của các tướng lĩnh khác. Do “tham lam” trong việc kể sự kiện, nhiều tác phẩm trở thành một bản báo cáo chi tiết của các chủ trương, chính sách, những kết quả đạt được sau mỗi chiến dịch.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 123 - 127)