Sự phong phú của các lớp từ

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 139 - 142)

6. Bố cục luận văn

3.3.1. Sự phong phú của các lớp từ

Là một hồi kí viết về đề tài chiến tranh, lớp từ ngữ được sử dụng với mức độ dày đặc nhất là nhóm từ ngữ thuộc lĩnh vực chính trị, quân sự. Những từ ngữ đề cập đến các chủ trương, chính sách như: nghị quyết, dân chủ, giải phóng, độc lập, tự do…và những từ ngữ chỉ các chiến lược, chiến thuật (quân sự): tung thâm (chiều sâu của trận địa), pháo đài, chiến dịch, điểm đột phá, tiến công, điều binh, thế trận, binh lực, trọng pháo, pháo cao xạ…hầu như xuất hiện dày đặc ở mỗi trang viết. Điều này phù hợp với

nội dung thể hiện. Sắc thái, ý nghĩa chung của lớp từ ngữ này là sự trang trọng, chính xác, phù hợp trong việc thể hiện các vấn đề có ý nghĩa trọng đại với cả dân tộc. Theo dõi một đoạn chúng ta nhận thấy ngay điều này: “Qua chuyến đi nghiên cứu thực địa Cao Bằng, tôi càng nhận thấy không thể chọn thị xã này làm điểm đột phá cho chiến dịch. Quân địch ở Cao Bằng không quá đông, nhưng địa hình núi, sông hiểm trở đã tạo cho chúng cái thế như người xưa nói: “Một người giữ ải, muôn người khó vượt qua”. Đánh Cao Bằng sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề chiến thuật mà bộ đội ta còn ít kinh nghiệm. Phải tổ chức vượt sông. Nhiều khả năng phải đột phá tung thâm, dẫn tới đánh ban ngày, đánh dài ngày. Phải đối phó với quân dù, hỏa lực máy bay, đại bác trên những địa hình trống trải. Phải tiêu diệt những công trình phòng ngự rất kiên cố trong khi bộ binh ta chỉ hầu hết là vũ khí nhẹ…Và phải chăng chúng ta làm trái lời dạy của người xưa: đánh thành là hạ sách” [28, tr.634].

Bên cạnh lớp từ ngữ chính trị, xã hội phù hợp với nội dung chính thể hiện, với cách viết tinh tế, uyển chuyển, hồi kí có sự kết hợp nhiều từ ngữ thuộc các lớp khác khiến cho tác phẩm không khô khan mà ngược lại rất trữ tình, mềm mại. Lớp từ ngữ thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt bình dị, dân dã cũng được sử dụng chủ yếu trong việc thể hiện đặc điểm riêng trong ngôn ngữ của nhân vật. Hồi kí Từ nhân dân mà ra

xuất hiện nhiều lời đối thoại giữa cán bộ với người dân tộc miền núi trong thời kì đầu xây dựng phong trào cách mạng. Để thể hiện đúng đặc điểm của người miền núi, tác giả chú ý cách dùng ngôn ngữ. Với những người dân tộc miền núi, ngôn ngữ được sử dụng giản dị, cách nói mang đậm tư duy chất phác, các hình ảnh sử dụng trong so sánh cũng thường gần gũi với cuộc sống, với thiên nhiên, núi rừng, gắn với những gì đang diễn ra trong cuộc sống của những người dân: “Chúng tôi làm nương làm rẫy, muốn ngô lúa tốt thì phải có phân. Đồng chí giáo viên đến đây như người đem phân bón cho ngô lúa, thế nào phong trào chả xanh tốt” [28, tr.38]; “Đã một bụng một dạ với nhau thì còn phải ghi tên làm gì?” [28, tr.58]; “Các con khó nhọc quá! Cả làng không ai việc gì đâu. Nó thấy cái trường của hội to quá, nó sợ quá, chỉ vào qua một lúc là nó rút lui ngay” [28, tr.78].

Ngôn ngữ của Bác thì thường ngắn gọn, hàm súc, thường đi thẳng vào trọng tâm vấn đề cần đề cập. Đồng thời trong cách xưng hô với mọi người, Bác cũng không hề

phân biệt cấp trên cấp dưới mà thường dùng cách gọi thân mật như những thành viên trong gia đình: “Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không?” [28, tr.83]; “Được. Tình hình quốc tế đang có nhiều điều kiện thuận lợi. Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi.” [28, tr.84]. Đồng thời trong mỗi lời nói của Người luôn thể hiện được cái nhìn lạc quan trong cuộc sống tạm bợ, nhiều khó khăn trong thời gian còn hoạt động bí mật: “Chú xem, cơ quan ta chuyển về đây lại có cả nước lọc.”, Bác chỉ cái lạch nước mà tự tay Người mới khơi khi nói với Võ Nguyên Giáp.

Các từ thông tục, các thành ngữ cũng được sử dụng trong tác phẩm tuy tần số xuất hiện không nhiều:

“Đờ Lát bề ngoài hùng hổ, nhưng không phải là anh hăng máu vịt mà rất khôn ngoan.” [28, tr.726].

“Sau bao năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương.” [28, tr.165].

“Đêm xuống, trời lạnh cắt da cắt thịt.” [28, tr.62].

“Những huyện này vốn là những nơi đèo heo hút gió, có nhiều vùng còn nổi tiếng là ma thiêng nước độc, nay có nhiều cơ quan, đơn vị bộ đội, lại thêm những gia đình từ Hà Nội tản cư lên…” [28, tr.431].

Đặc biệt trong ngôn ngữ sử dụng, người kể thường chú trọng sử dụng những từ ngữ giàu sức biểu đạt được tận dụng tối đa nhằm gợi rõ đặc điểm, tính chất của sự vật, con người:

“[…] mặt mũi chúng bủng beo, ngơ ngác. Những bộ quân phục màu vàng nghệ

rách rưới, bẩn thỉu. Chúng gồng gánh lễ mễ” [28, tr.152], là những từ ngữ để miêu tả về quân Tưởng thể hiện sắc thái mỉa mai, châm biếm.

“Buổi chiều, đồng chí Thanh Quang phờ phạc quay về cho biết, địch đang tiến hành khủng bố tại vùng này…” [28, tr.71].

“Phát xít Đức đang ngắc ngoải giữa hai gọng kìm siết chặt của Hồng quân Liên Xô và quân đội Anh – Pháp.” [28, tr.110].

“Những bài báo sắc bén viết bằng chữ Pháp của Người đã lột trần lớp phấn son dày cộp của chủ nghĩa thực dân.” [28, tr.283].

Những từ ngữ giàu sức gợi giúp người đọc hình dung cảnh chiến trường: “Những chiếc Spitfire, King Cobra lồng lộn trên bầu trời như tức giận vì những con đường phá hoại ở khu căn cứ đang được sửa chữa lại.” [28, tr.620]; “Những đỉnh đèo, khu rừng nham nhhố beo, hố đại bác, cây cối đổ gãy, xơ xác như vừa trải qua một cơn lốc xoáy.” [28, tr.930]; “Tiếng máy bay không ngừng rên rtrên bầu trời” [28, tr.909].

Trong hồi kí không chỉ dùng những từ chỉ không gian thời gian cụ thể, chính xác mà còn nhiều dùng nhiều từ gợi hình, gợi cảm:

“Dưới bầu trời ảm đạm một buổi chiều đông mưa phùn, 8 tiểu đoàn quân viễn chinh trong những bộ trang phục cũ kỹ tổ chức một cuộc diễu binh ỉu xìu đón chào tân Tổng chỉ huy.” [28, tr.707].

“Giữa rừng sâu, tràn ngập gió heo may, trong đêm đông giá lạnh và hùng tráng của Cao – Bắc – Lạng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời.” [28, tr.93].

Những từ chỉ màu sắc tối đa được sử dụng tạo hiệu ứng đặc biệt:

“Thung lũng hiện ra với những mỏm đồi đỏ loét, rồi vệt sáng lấp lánh ánh vàng của một con sông.” [28, tr.632].

“Điện Biên Phủ đã thực sự trở thành một tập đoàn cứ điểm khổng lồ. Màu xanh của cây cỏ, đồng lúa đã hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho màu đỏ sậm nhức nhối

pha với màu chì dữ dội của đất và dây thép gai” [28, tr.969].

Như vậy, trong việc sử dụng từ ngữ, các lớp từ ngữ thuộc nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau được linh hoạt sử dụng. Đặc biệt sự chú ý trong việc dùng các từ ngữ giàu sức gợi khiến những câu chuyện được kể, được tả trở nên sinh động, hấp dẫn.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 139 - 142)