Kháng chiến trường kì và những thắng lợi vẻ vang của dân tộc

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 58 - 62)

6. Bố cục luận văn

2.1.3. Kháng chiến trường kì và những thắng lợi vẻ vang của dân tộc

Chỉ một tháng sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tiếng súng xâm lăng của quân thù bắt đầu nổ ở Nam Bộ. Nam Bộ là một phần máu thịt của dải đất Việt Nam, đụng đến Nam Bộ là đụng tới cả dân tộc. Cả nước dồn lòng, dồn sức hướng về Nam Bộ, bao nhiêu thanh niên yêu nước từ miền Bắc, miền Trung tiến về miền Nam. Nhà nước Việt Nam vừa mới thành lập đã phải đối mặt với muôn trùng hiểm nguy. Hơn ai hết, nhân dân ta luôn thiết tha mong muốn hòa bình, Đảng và Bác cũng luôn thực hiện những chính sách hòa hoãn, thuyết phục nhằm hướng đến sự ổn định nhưng “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta càng nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!” [28, tr.1126]. Trước tình hình đó, Bác Hồ kêu gọi toàn dân kháng chiến. Cuộc chiến đấu đã diễn ra trên khắp tất cả các thành phố, các thị trấn nơi có mặt quân địch. Đó thực sự là một cuộc chiến không cân sức khi đặt lên bàn cân so sánh về tương quan lực lượng, nhưng với đường lối kháng chiến đúng đắn cộng với tinh thần quả cảm của cán bộ, chiến sĩ, ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

Những năm tháng trường kì kháng chiến chống lại sự xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ được tập trung thể hiện trong bốn cuốn hồi kí Chiến đấu

trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử và Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng.

Chiến đấu trong vòng vây tái hiện lại thời kì đấu tranh kiên trì của toàn Đảng, toàn dân sau khi Nhà nước non trẻ mới được thành lập. Trong giai đoạn 1945 - 1950 ta triển khai thế trận chiến tranh toàn dân, mục đích nhằm đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch. Ta muốn giành quyền chủ động với địch trên chiến trường chính, đẩy địch vào thế sa lầy, đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Lúc này chính “tinh thần căm thù quân cướp nước, sẵn sàng hi sinh tính mệnh cho tổ quốc đã mang lại cho các chiến sĩ sự lạc quan, bình tĩnh, sáng tạo, sớm tìm ra cách bảo vệ mình và tiêu diệt địch” [28, tr.400]. Sau năm năm chiến đấu trong vòng vây (1945 – 1950), nhân dân ta đã thoát khỏi hiểm họa mất nước lần thứ hai nhưng chặng đường phía trước vẫn còn gian khổ.

Từ chiến dịch Biên giới 1950 ta tiếp tục phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, đẩy mạnh vận động chiến, công kiên chiến. Những chiến dịch tiến công với quy mô ngày càng lớn và đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954.

Trận Điện Biên Phủ là trận đánh quyết định dẫn đến sự thất bại hoàn toàn của Pháp tại Đông Dương. Với cái nhìn của một người trong cuộc, Đại tướng đã góp phần lí giải rõ hơn về sự lựa chọn Điện Biên Phủ là điểm để quyết định sự thành bại của cả hai bên. Trong trận đánh ở Điện Biên Phủ ta có những khó khăn và thuận lợi riêng. Bài toán về so sánh lực lượng một lần nữa xuất hiện. Rõ ràng ta không có ưu thế cả về số lượng và sự tinh nhuệ. Tuy nhiên ở chiến trường này ta cũng có những lợi thế rõ ràng: “Ta chủ động tiến công, địch bị động phòng ngự, ta là lực lượng bao vây, địch là lược lượng bị bao vây. Lợi thế này cho phép ta tự quyết định: đánh hoặc không đánh, lựa chọn địa điểm, thời gian mở cuộc tiến công” [28, tr.947].

Khi Điện Biên Phủ được xây dựng thành một tập đoàn phòng ngự kiên cố, phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” lúc đầu tỏ ra khá mạo hiểm và không thể đảm bảo “chắc thắng”. Với quyết định sáng suốt trong việc thay đổi cách đánh sang “đánh chắc tiến chắc”, ta phát huy được nhưng ưu điểm của mình trên chiến trường. Điện Biên Phủ trở thành một điểm đánh lịch sử, địch và ta đều quyết tâm giành thắng lợi. Tuy nhiên càng đi sâu vào cuộc chiến, binh lính địch càng tỏ ra hoang mang, lo sợ,

liên tiếp bị rơi vào thế bị động, ngược lại dù hiểm nguy, vất vả nhưng tinh thần của bộ đội ta rất vững vàng, tất cả đều mang một quyết tâm cao độ, chiến đấu hết sức, không sợ hi sinh để giành thắng lợi vẻ vang. Và rồi sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử đã thu được toàn thắng. Chiến thắng cuối cùng ấy là kết quả của sự đồng lòng, đồng sức của toàn dân. Chính phủ ta luôn cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất cho chiến trường, các đồng chí chỉ huy luôn làm việc với cường độ cao để đề ra những phương án tác chiến hiệu quả cao, các các bộ chiến sĩ đã chiến đấu với tinh thần dũng cảm và cũng không thể không nói đến các lực lượng hỗ trợ chiến sĩ như những đoàn dân công: “Đôi chân không mỏi của hàng chục vạn đồng bào tiếp tục băng đèo, lội suối, vượt qua bom nổ chậm, chân cứng đá mềm. Những chiếc xe vận tải, máy cũng theo người không chịu bỏ cuộc giữa đường, tiếp tục vượt những sườn đèo sạt lở bất chấp máy bay địch đánh phá. Khó khăn lớn nhất của lái xe không chỉ có bom đạn, mà còn phải dai dẳng chống lại sự buồn ngủ sau nhiều đêm ròng ngồi trên tay lái” [28, tr.1067]. Khung cảnh chiến trường sau chiến dịch cho thấy sự tàn khốc, ác liệt của cuộc chiến: “Bên trái là dãy đồi phía đông, thành lũy của tập đoàn cứ điểm, không còn ngọn cỏ, giống như những tổ mối khổng lồ, lỗ chỗ những ụ súng, hố bom, hố đại bác. […]. Đất bị xới lộn khắp nơi, như bị nung đỏ, từng tấc đều như thấm máu quân thù và cả nỗi kinh hoàng của chúng. Rải rác còn những xác chết chưa kịp chôn đen đặc ruồi, những bãi rác bốc hơi kinh khủng” [28, tr.1097]. Kết thúc chiến dịch, địch thất bại thảm bại, một lần nữa ta lại thể hiện được lòng yêu chuộng hòa bình trong chính sách đối đãi với tù binh địch. Một binh lính da đen trước khi rời Mường Thanh đã xúc động nói rằng: “Thưa ông, từ khi tôi có trí khôn, ngoài mẹ tôi ra, bây giờ tôi mới được biết đến sự dịu dàng và lòng yêu thương” [28, tr.1100].

Những chiến sĩ của ta trở về Hà Nội trong niềm hân hoan hạnh phúc vì đã hoàn thành được sứ mệnh cách mạng. Đoàn quân chiến thắng trở về với những chiến sĩ nhỏ nhắn, hiền lành, giản dị và chính họ chứ không phải ai khác đã chiến thắng những ông Tây cao to, lực lưỡng, vũ khí hiện đại. Giờ đây đất nước đã tạm yên bình, Thủ đô “không còn những chiếc xe nhà binh, những chiếc mô tô Pháp gầm rú trên đường phố, không còn tiếng giày đinh của những tên lính mũ đỏ nện trên vỉa hè. […]. Thành phố yên tĩnh, không khí trong lành” [28, tr.1121].

Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử là cuốn hồi kí cuối cùng do nhà văn Hữu Mai ghi. Tác phẩm tái hiện chân thực hình ảnh thời đại, con người trong một trận chiến vĩ đại làm nên lịch sử. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên một tiếng vang lớn trên thế giới buộc Pháp phải nhân nhượng, chấp nhận rút lui trên chiến trường Việt Nam. Mốc thời gian năm 1954 tuy chưa phải là thời điểm đánh dấu thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam, đất nước lúc này vẫn bị chia cắt, một phần mảnh đất thân yêu của quê hương vẫn nằm trong tay kẻ thù nhưng đó là bước ngoặt quan trọng của dân tộc Việt Nam sau bao năm phải chiến đấu với một kẻ thù sừng sỏ và chưa từng chịu từ bỏ Đông Dương dù đã có lúc rơi vào tình thế nguy khốn nhất.

Hồi kí cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hiện lại cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với toàn thể dân tộc. “Trận Điện Biện Phủ trên không” được nhớ lại ngay mở đầu tập hồi kí. Đánh giá về hành động ném bom của Mĩ, trong hồi kí viết: “Hành động tàn bạo của Níchxơn trùm bóng đen lên ngày lễ Giáng sinh, khiến lương tâm của cả loài người nổi giận. Chưa bao giờ làn sóng phản đối chiến tranh của đế quốc Mĩ lại bùng lên dữ dội như những ngày này trên khắp các hành tinh và ngay tại nước Mĩ” [28, tr.1148]. Thế nhưng “Dưới bom đạn Mĩ nhân dân Việt Nam vẫn ngẩng cao đầu át tiếng bom rơi, đài phát thanh không ngừng truyền tin chiến thắng” [28, tr.1151]. Và rồi với sự chỉ huy tài tình của Đảng và tinh thần chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ, ta đã giành được những chiến thắng oanh liệt, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Võ Nguyên Giáp không giấu những cảm xúc của mình trước tin chiến thắng “Trời về khuya, nhiệt độ xuống thấp. Nhưng trước chiến công oanh liệt với những con số đầy ý nghĩa, ai cũng thấy ấm lòng” [28, tr.1156]. Sau sự thất bại bằng cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B.52 của Mĩ, Mĩ buộc phải kí Hiệp định Pari do Việt Nam đưa ra trước đó. Cuối tháng 3 năm 1973 những toán lính Mĩ cuối cùng rút khỏi nước ta, song do “ngụy chưa nhào”, Mĩ vẫn giữ lại hơn 2 vạn cố vấn, lập ra Bộ chỉ huy, tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho chính quyền Sài Gòn. Nhận được viện trợ và sự cố vấn của Mĩ, chính quyền Sài Gòn ngang nhiên phá hoại Hiệp định Pari. Thời gian đầu do ta quá nhấn mạnh đến hòa bình, hòa hợp dân tộc…nên không đánh giá hết âm mưu phá hoại của địch dẫn đến việc tại một số địa bàn quan trọng ta bị mất đất, mất dân. Thực hiện theo

Nghị quyết của Đảng, từ cuối năm 1973 quân dân miền Nam không ngừng kiên quyết đánh trả địch, bảo vệ vùng giải phóng, hơn nữa còn chủ động mở những cuộc tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng. Vào cuối năm 1974 – 1975, tình hình chuyển biến có lợi cho cách mạng. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Hướng tiến công chiếc lược được xác định là Nam Tây Nguyên với mục tiêu chính là Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc tiến công lớn của bộ đội chủ lực năm 1975. Chiến dịch Tây Nguyên phát triển thắng lợi. Bộ Chính trị quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975. Chiến dịch thứ hai Huế - Đà Nẵng chiến thắng vang dội đã “đập tan ý định co cụm chiến lược của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực chủ yếu của chúng, làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho ta, đẩy quân ngụy sụp đổ nhanh chóng, mở ra triển vọng rất thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng” [28, tr.1287]. Và rồi sau khi nghiên cứu, đề ra phương án cụ thể “giờ phút quyết định đã điểm. Chiến trường Nam Bộ bùng lên như một cơn lốc” [28, tr.1331]. Tin chiến thắng về dồn dập, giây phút xe tăng và bộ binh của ta tiến vào cắm cờ lên Dinh Độc Lập mãi là giây phút lịch sử trọng đại của dân tộc. Trong giây phút nhận được điện báo, trong lòng mỗi người niềm vui mừng trong chiến thắng hòa với cả niềm nhớ thương, tri ân đến bao nhiêu đồng đội, đồng chí đã ngã xuống.

Tổng tập hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là một bộ sách quý không chỉ có giá trị văn học mà còn mang ý nghĩa lịch sử, xã hội to lớn. Cả một thời kì dài của lịch sử dân tộc được tái hiện dưới trang viết, người đọc say sưa hồi tưởng về một Việt Nam đau thương, mất mát nhưng oanh liệt và thật đáng tự hào. Lần lượt từng mốc sự kiện lớn, từng giai đoạn lịch sử quan trọng được kể lại dưới cái nhìn của một chứng nhân lịch sử quan trọng, người đọc có khi nghẹn ngào đau xót trước mất mát, hi sinh có lúc lại không giấu nổi giọt nước mắt hạnh phúc trước những chiến công vang dội mà cán bộ, chiến sĩ đã giành được.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 58 - 62)