Giọng bình luận chính luận

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 131 - 134)

6. Bố cục luận văn

3.2.3.1. Giọng bình luận chính luận

Là một hồi kí về đề tài chính trị, xã hội kể lại nhiều vấn đề quan trọng được đông đảo bạn đọc quan tâm. Trong tác phẩm của mình, tác giả không chỉ đứng trên vị trí của một người đại diện cho bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nêu lên quan điểm của bản thân mà có khi tác giả đứng trên quan điểm, lập trường riêng của cá nhân thể hiện rõ khuynh hướng tư tưởng của mình. Để thể hiện chính kiến, thái độ đồng tình hay không đồng tình, ngợi ca hay phê phán, người viết đưa ra những lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Giọng bình luận có thể coi là một trong những giọng điệu chủ đạo trong tác phẩm.

Dạng thức đầu tiên, phân tích chính luận được sử dụng khá nhiều. Phân tích chính là “khảo sát vấn đề theo nhiều khía cạnh cùng mối liên quan giữa chúng, rồi tổng hợp nâng cao nhằm đi sâu vào bản chất của sự việc cùng động hướng phát triển

của nó” [56, tr.444]. Trong hồi kí, giọng điệu này được sử dụng hướng tới mục đích chính là làm rõ các sự kiện chính trị được đề cập đến. Phân tích về sự thất bại của địch trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, người viết chỉ ra các nguyên nhân cơ bản: thứ nhất “bộ chỉ huy Pháp đã phạm sai lầm cơ bản khi đem 12.000 quân mở hai gọng kìm tiến công bao vây trên một vòng cung quá rộng, ôm cả năm tỉnh Việt Bắc. Với chiến thật “con trăn” này, dù có một lượng quân đông gấp bội cũng sẽ thất bại, vì ở chiến trường rừng núi nó sẽ dễ bộc lộ nhiều nhược điểm. Chúng ta đã kịp thời khai thác đúng chỗ yếu nhất của cuộc tiến công…” [28, tr.485]; thứ hai “thời tiết, khí hậu, muỗi rừng Việt Bắc cũng là một thứ cường toan nhanh chóng gặm mòn lực lượng quân viễn chinh trên chặng đường dài hành quân” [28, tr.485]. Chính những nguyên nhân cơ bản ấy đã dẫn đến kết quả cuối cùng “quân địch chỉ còn cách co lại để tìm đường rút lui” [28, tr.485].

Giọng phân tích đó tất dẫn đến giọng bình luận.Bình luận là “đánh giá, xem xét cái đúng, cái sai, mặt hay, mặt dở của một hiện tượng, sự vật, một quan niệm…đồng thời đào sâu, mở rộng thêm nhằm phát huy những mặt tích cực và ngăn ngừa những mặt tiêu cực, sai trái” [56, tr.444]. Trong sự đánh giá có thể hiện rõ thái độ. Nhìn nhận, đánh giá về đoàn quân Tưởng vừa giành chiến thắng, kéo vào Việt Nam, người kể thể hiện rõ thái độ xem thường, khinh bỉ: “Thật khó mà tin được đây là một quân đội vừa chiến thắng. Mặt mũi chúng bủng beo, ngơ ngác. Những bộ quân phục màu vàng nghệ rách rưới, bẩn thỉu. Chúng gồng gánh lễ mễ. Có những toán đem theo cả đàn bà và trẻ con. Nhiều đứa kéo lê không nổi cặp chân voi. Chúng xuất hiện như những vết nhơ trên thành phố vừa quét sạch được mùi hôi tanh của bọn thực dân. Nhìn chúng lần này thảm hại hơn nhiều so với lần chúng tôi đã nhìn thấy chúng năm năm trước ở Côn Minh, Quế Lâm” [28, tr.152].

Khi nhìn nhận về nguyên nhân làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam, người kể không che giấu được niềm tự hào, vui sướng vì những điều mà nhân dân, bộ đội ta đã làm được. Thế nhưng song song với những điều làm được vẫn còn những mặt hạn chế, những khuyết điểm. Và người kể chuyện luôn thẳng thắn trong việc bộc lộ không che giấu, đánh bóng, tô hồng cho quá khứ. Những hạn chế, điểm chưa làm được trong những trận đánh cũng được nhìn nhận, kể lại với một thái độ trung thực.

Giọng điệu bình luận đánh giá về sự lựa chọn chiến lược của cả hai bên địch – ta, những nguyên nhân làm nên thắng lợi, thất bại, đánh giá về tướng sĩ, chỉ huy địch.Trong Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử sau khi so sánh cụ thể tương quan lực lượng giữa ta và địch, tác giả bình luận để đánh giá về lợi thế và cơ hội của địch: “Sự chênh lệch về quân số, vũ khí, trang bị không hoàn toàn phản ánh sức mạnh của đôi bên trong cuộc chiến. Địch tuy có ưu thế vượt trội về binh lực, nhưng chiến tranh nhân dân của ta đã làm cho quân địch phải phân tán trên khắp các chiến trường. Không những chúng không thể tập trung toàn bộ ưu thế đó vào một trận đánh quyết định, mà cũng chưa đủ lực lượng để mở một cuộc tiến công lớn vào các đại đoàn chủ lực của ta trên miền Bắc” [28, tr.870].

Giọng bình luận so sánh được sử dụng để đưa ra những nhận xét về hai tướng lĩnh của địch: “Đờ Cát thuộc một dòng họ có quá trình binh nghiệp lâu đời, ông cha đã nhiều đời làm tướng, có người làm tới thống chế, bộ trưởng hải quân. Lăngggơle chỉ là một người dân của xứ Brotanhơ nghèo nàn ở miền Tây nước Pháp. Nhưng Đờ Cát lại xuất thân từ một lính kỵ binh thực thụ, sau đó được đưa đi đào tạo thành sĩ quan. Lăngggơle trái lại, là một sĩ quan được đào tạo cơ bản từ đầu tại trường quân sự Saint Cyr nổi tiếng. Đờ Cát luôn tỏ ra nhẹ nhàng, lịch thiệp, sống cách biệt với cấp dưới. Lăngggơle thích sống cô độc, noi năng cục cằn, hay cáu kỉnh nhưng rất gắn bó với binh lính” [28, tr.961]. Với cách thể hiện theo lối so sánh song hành, người đọc nhận thấy dù hai viên sĩ quan Pháp có xuất xứ và tính cách khác nhau nhưng họ đều là những viên chủ huy được đào tạo rất chuyên nghiệp và đây là những nhân vật quan trọng được điểm qua trước khi đi vào trần thuật cụ thể về trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử.

Những bình luận của tác giả nhiều khi được thể hiện ở mặt hình thức khi tác giả đặt ra câu hỏi và đưa ra những đánh giá, bày tỏ quan điểm: “Vì sao kẻ thù nhanh chóng thay đổi thái độ như vậy? Trận đánh mới bắt đầu. Ta chỉ mới tiêu diệt được hai trung tâm đề kháng tại Mường thanh. Những tổn thất về người cũng như về vũ khí của tập đoàn cứ điểm đã được bù đắp ngay sau đó. Nguyên nhân chính là do đợt chiến đấu đầu tiên của ta đã làm bộc lộ những nhược điểm khó khắc phục của con nhím Điện Biên Phủ” [28, tr.1005].

Như vậy, trên tư cách người kể chuyện đại diện cho một vị lãnh đạo cấp cao của đất nước Việt Nam bị thực dân Pháp cai trị, xâm lược nhưng trong cách thể hiện, trong ngôn từ, trong thái độ, người kể luôn cố gắng giữ cái nhìn khách quan, trung thực. Sự đồng tình, không đồng tình, việc nhìn nhận ưu điểm, khuyết điểm, cái được, chưa được luôn thể hiện một cách rõ ràng.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 131 - 134)