6. Bố cục luận văn
2.2.1.3. Hồ Chí Minh – con người hết lòng vì dân vì nước
Xuất phát từ tình yêu đất nước, từ vị thế của một người dân không cam chịu kiếp sống nô lệ, Người ra đi, lênh đênh bốn bể để quyết tâm tìm ra con đường cứu nước.
Tình yêu nước to lớn, trí tuệ tuyệt vời, ý chí sắt đá đã giúp người thanh niên trẻ tìm ra con đường cứu nước sau bao khó khăn, nguy hiểm.
Hồ Chí Minh có thời gian bôn ba nhiều năm ở nước ngoài, thế nhưng ở Người trước sau như một vẫn nguyên vẹn cốt cách, văn hóa của con người Việt. Chất giọng ở nơi Người sinh ra sau bao nhiêu năm lưu lạc, không ở cạnh quê hương nhưng cũng không hề phai mờ. Ở Bác, sự gắn bó với quê hương còn là sự gắn bó với những gì gần gũi, thân thuộc nhất ở quê nhà. Trong hồi kí Võ Nguyên Giáp ghi lại: “Bác có một tình cảm rất sâu sắc đối với quê hương. Người yêu từ chiếc quạt lá cho đến hàng rào bông bụt của quê nhà. Chúng ta có thể đo được tình yêu đó qua lần Bác trở về làng Sen. Sau năm mươi hai năm trời đằng đẵng xa quê. Bác vẫn tìm thấy ngay con đường cũ, cái cổng ngày xưa giữa xóm làng, nhà cửa đã đổi mới. Bác nhớ từ cây cột trèo chiếc võng trong nhà, mẹ vẫn thường nằm, đến vị trí của từng cây chanh, cây bưởi, ngoài vườn” [28, tr.205].
Từ tình yêu quê hương, yêu nơi sinh ra lớn lên đến tình yêu đất nước. Ở Người, hạnh phúc của nhân dân, tự do, độc lập của đất nước là lẽ sống lớn nhất của cuộc đời. Cả đời, Người không màng đến hạnh phúc cá nhân, bao nhiêu sức lực, tâm huyết Người dành trọn để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bác vẫn nói vui với các chiến sĩ: Mình có hai khuyết điểm, khuyết điểm thứ nhất là không lập gia đình, thứ hai là hút thuốc. Nói là nói vậy nhưng có lẽ trái tim của Bác vốn dĩ đã dành trọn cho dân tộc nên không mảy may có một chút ít dành cho những tình cảm riêng tư cá nhân. Ngay cả những khi bản thân phải chịu nhiều khổ cực, vất vả, đày ải như trong thời gian bị cầm tù ở nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch thì trong tâm trí Người vẫn chỉ có một ý nghĩ duy nhất là hướng về đất nước. Sau những năm tháng bị tù đày, khi được tự do, sức khỏe Người đã giảm sút rất nhiều. Thế nhưng khi về nước, điều người quan tâm duy nhất vẫn chỉ là tình hình cách mạng trong nước. Tình hình lúc bị giam, những điều Người trải qua Người không nói đến nhiều, mãi sau này các đồng chí trong cơ quan mới được biết.
Là người có nhiều năm bên cạnh Hồ Chủ tịch, tướng Giáp hiểu hơn về Người, hiểu hơn về niềm hạnh phúc đích thực, khao khát cháy bỏng của Bác không phải chỉ ở “những lời Bác dặn dò về công tác cán bộ, cách giữ vững phong trào: “dù phải đốt
cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do”. Tấm lòng của Bác còn hiện lên rất rõ qua mỗi cử chỉ nhỏ, qua cái nhìn khi Bác chợt tỉnh giữa những cơn sốt, qua sự đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo để giành từng phút, từng giây cho cách mạng” [28, tr.146]. Trong những năm tháng trường kì kháng chiến với thực dân Pháp, Bác luôn sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ trong mỗi chiến dịch. Bác được coi là “linh hồn của chiến dịch, linh hồn của chiến thắng” [28, tr.678]. Những năm 1950 khi đang giữ chức vụ quan trọng nhất trong Nhà nước, Người vẫn “có mặt ở biên giới trước ngày mở chiến dịch. Người cùng đi với dân công, thanh niên xung phong. Người tìm hiểu tâm tư cán bộ, chiến sĩ trước trận đánh. Người ở sở chỉ huy chiến dịch, lên đài quan sát, theo dõi từng giờ những diễn biến của mặt trận, và có những quyết định, chỉ thị kịp thời” [28, tr.678]. Có thể nói với những lời động viên, khích lệ đúng lúc, với những chỉ thị, phương án đúng đắn Người như luôn hiện diện, cạnh bên mỗi chiến sĩ trên đường ra trận. Và đó chính là sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ các đồng chí chiến đấu.
Chính những cống hiến to lớn, vĩ đại nên Hồ Chí Minh đã nhận lại những tình cảm vô cùng lớn lao của đồng bào khắp cả nước. Những chủ trương, những lời kêu gọi, ở nơi nào Người xuất hiện, nhân dân cũng nhiệt liệt hưởng ứng, chào mừng. Đó chính là kết quả của trí tuệ, lối sống, nhân cách Hồ Chí Minh.