6. Bố cục luận văn
2.3.3.2. Cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng
Nhân cách của Đại tướng thể hiện rõ nhất qua những cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp cách mạng. Trong chiến đấu, tướng Giáp luôn trăn trở, cố gắng dùng hết sức mạnh, trí tuệ của bản thân, linh hoạt, khéo léo trong chiến đấu. Ngay từ khi là một chiến sĩ tham gia vào cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, Võ Nguyên Giáp đã luôn trăn trở, tìm tòi để có thể đóng góp nhiều công sức nhất vào cuộc kháng chiến của dân tộc: “Tôi nghĩ đến chiến đấu của nhân dân ta chống quân nhà Minh dưới thời Lê Lợi. Tôi nghĩ đến cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Ban Nha chống lại sự xâm lăng của Napoleong. […]. Một bữa, nhân qua thư viện, tôi mượn tập Bách khoa toàn thư tìm phần giải thích các loại cũ khí, tôi xem kĩ những đoạn về súng trường và lựu đạn” [28, tr.12]. Những ngày đầu tự tìm tòi, vốn hiểu biết của tướng Giáp chỉ ít ỏi vậy thôi, thế nhưng vì mục tiêu cả đời theo đuổi, ông đã làm được những điều kì diệu khiến nhân loại phải thán phục.
Tướng Giáp học hỏi ở Hồ Chí Minh sức làm việc không ngừng nghỉ, ngay cả những khi sức khỏe bản thân yếu mệt, ông cũng không cho phép mình thôi làm việc. Trong một lần đang giảng bài cho các đồng chí hội viên (mở rộng khu cách mạng) thì Tây lùng tới “Có đồng chí giục tôi nên lánh ngay khỏi đây để tránh nguy hiểm. Tôi nghĩ lúc này mình không nên đi ngay, mặc dầu địa điểm lớp huấn luyện ở gần làng” [28, tr.47]. Sau này vào năm 1974 “sau những ngày làm việc căng thẳng, tập trung cao độ, sức khỏe tôi giảm sút nhanh chóng. Nhiều lần bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng công việc không cho phép” [28, tr.1189]. Ngay cả những tình cảm riêng tư, cá nhân cũng được hi sinh một cách thầm lặng để một lòng hướng về sự nghiệp chung của đất nước. Trong cuộc chia tay giữa Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu trước khi đi hoạt động cách mạng bí mật, những tình cảm riêng tư cũng được nén lại, cất riêng, giây phút cảm động khi “chị Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý” [28, tr.13], những lời cuối cùng họ nói với nhau cũng đều là
những lời của những người đồng chí nói về cách mạng. : “Tôi nói với chị Thái, ở nhà giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gửi gắm Hồng Anh để đi bí mật” [28, tr.13].
Sau những tháng ngày dài đi hoạt động cách mạng ở rừng núi, trong dịp trở về Thủ đô tham dự cuộc họp Hội nghị quân sự, niềm hi vọng và mong mỏi gặp lại những người thân trong gia đình luôn thường trực: “Mấy năm qua, không được tin tức gì về gia đình. Tôi có đôi lần gửi thư về nhà nhưng không rõ có đến nơi hay không. Tôi cảm thấy ngày chúng tôi gặp lại nhau không còn xa nữa” [28, tr.121]. Dẫu vẫn biết trong chiến tranh sự xa cách là điều bình thường, trong những hoàn cảnh đặc biệt như thế, mỗi người đều phải hi sinh đi lợi ích, tình cảm riêng tư để hướng về mục đích chung của cả nước. Ấy thế nhưng nỗi đau với mỗi người vẫn cứ âm thầm, nhức nhối. Đại tướng đã không ngờ rằng lần gặp nhau ở Hồ Tây khi Võ Nguyên Giáp chuẩn bị lên đường sang Trung Hoa lại là giây phút gặp nhau cuối cùng. Trong giờ phút ấy, mỗi người cũng chỉ biết nhìn nhau, dặn dò nhau giữ gìn sức khỏe và công tác tốt. Tin tức về sự ra đi của đồng chí Nguyễn Quang Thái làm Võ Nguyên Giáp lặng người đi: “Tôi bàng hoàng đi sang buồng bên, vẫn chưa tin hẳn điều các anh nói là sự thật”. Những kỉ niệm về lần gặp gỡ, về cơ duyên nên vợ nên chồng sống lại trong đầu tướng Giáp. Họ là những đồng đội, đồng chí, cùng chung lí tưởng, cùng chung niềm tin và quyết tâm sắt đá trong lòng. Và sự ra đi ấy khiến Đại tướng nung nấu thêm quyết tâm, ý chí để dồn tâm, dồn sức cho cuộc chiến đấu trường kì còn nhiều gian khổ: “Cho đến mãi về sau, trong không khí nô nức của những ngày đầu khởi nghĩa, mỗi lúc nghĩ đến Thái, tôi vẫn không tin được là chúng tôi sẽ không bao giờ gặp nhau trở lại. Nợ nước, thù nhà, oán hờn giai cấp, đối với những người đảng viên cộng sản chỉ có thể trả bằng cách: vượt lên những khó khăn, đau thương, kiên quyết tiến lên trên con đường Đảng đã chỉ rõ, dốc hết sức mình chiến đấu tiêu diệt quân thù” [28, tr.121-122].
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhiệm vụ cuộc kháng chiến, mục tiêu từng chiến dịch luôn được ông đặt lên hàng đầu. Giữa chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Võ Nguyên Giáp đều gặp gỡ nhau ở sự cống hiến quên mình cho cách mạng ấy.