Thời gian hình thành, nội dung cơ bản và giá trị hồi kí Võ Nguyên Giáp

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 40 - 46)

6. Bố cục luận văn

1.3.3. Thời gian hình thành, nội dung cơ bản và giá trị hồi kí Võ Nguyên Giáp

Giáp

Từ những năm 60, nhân dịp kỉ niệm mười năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng cục chính trị chủ trương cho xuất bản một tập hồi kí của các tướng tá trực tiếp tham gia chiến dịch. Nhà văn Hữu Mai được chọn để viết hồi kí cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1964 cuốn hồi kí đầu tiên ra đời mang tên Từ nhân dân mà ra. Tên tác phẩm được lấy từ trong lời dạy của Bác Hồ: “Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”. Tác phẩm chia làm các phần được đánh số thứ tự từ I đến XXX. Hồi kí này chủ yếu nói về những năm tháng đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và thắng lợi Cách mạng Tháng tám 1945. Từ nhân dân mà ra mở đầu ở mốc thời gian năm 1940, liên quan trực tiếp đến sự việc Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng chuẩn bị vượt biên sang Trung Hoa. Hồi kí đã ghi lại nhưng giây phút cảm động khi từ biệt gia đình, đất nước để sang một môi trường hoạt động mới. Theo hành trình của cái tôi cá nhân, những hoạt động cách mạng của ta trong thời gian ở Trung

Hoa đã được ghi lại. Đó là thời gian học tập quân sự, chương trình huấn luyện, tranh thủ sự giúp đỡ cũng như chờ đợi thời cơ cách mạng thuận lợi để gây dựng phong trào trong nước. Trọng tâm của cuốn hồi kí xoay quanh khoảng thời gian Võ Nguyên Giáp về nước, được Bác Hồ giao cho nhiệm vụ gây dựng phong trào cách mạng ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Những khoảng thời gian sống cạnh nhân dân, được nhân dân yêu thương, giúp đỡ, tướng Giáp nhận thức được sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân dân và cách mạng. Hồi kí Từ nhân dân mà ra đã ghi lại một cách chân thực những năm

tháng đầu đầy khó khăn của cách mạng Việt Nam trước sự đàn áp và khủng bố khốc liệt của giặc Pháp: “trời tối đen, mưa tầm tã. Các đồng chí Lạc và Khánh đều không nắm vững đường mà đi. Hết núi lại khe, hết khe lại núi. Cơn sốt đêm nay xem chừng nặng hơn” [28, tr.49]. Quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng bị giặc thẳng tay đàn áp một cách tàn ác thế nhưng niềm tin tưởng vào cách mạng, lòng căm thù sâu sắc sự dã man của kẻ thù đã là nguồn sức mạnh để nhân dân đoàn kết cùng cán bộ, chiến sĩ vượt qua thử thách. Tia sáng của cách mạng ngày càng chiếu rọi khắp nơi, thời cơ cách mạng đến, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời với các hoạt động tấn công đầu tiên thu được thắng lợi vẻ vang khiến quân thù khiếp sợ. Đi đến đâu, dù khó khăn thế nào, nhân dân vẫn trở thành chiếc lá chắn che chở, bảo vệ bộ đội. Trong tình cảm yêu thương nồng thắm ấy, đội quân cách mạng đã từng bước hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng, mà Bác đã đặt ra. Từ nhân dân mà ra kết thúc ở sự kiện thành công của Cách mạng tháng Tám, đội quân Giải phóng tiến vào Thủ đô giữa “tiếng reo vui dậy đất của đồng bào” [28, tr.138]. Tác phẩm hồi kí đầu tiên không nặng tính sự kiện, tác giả không đi vào liệt kê đầy đủ các mốc thời gian với diễn biến cách mạng chi tiết từ 1940 đến 1945 mà chủ yếu chỉ điểm qua những sự kiện tiêu biểu, đồng thời kết hợp kể, tả với biểu cảm để người đọc hình dung được khoảng thời gian khó khăn của cách mạng Việt Nam và tình cảm nồng thắm mà nhân dân giành cho những bộ đội, chiến sĩ. Hồi kí mang đậm chất trữ tình với những cảm xúc của cái tôi về đất nước, về nhân dân và cả những giây phút quan trọng trong cuộc đời mình khi được Hồ Chí Minh giao trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Hồi kí thứ hai Những năm tháng không thể nào quên kể lại tình hình đất nước Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến những năm 1946. Năm 1945 đánh dấu

một thời điểm quan trọng khi đất nước Việt Nam giành được độc lập dân tộc, niềm vui, niềm tự hào, những thay đổi của đất nước được ghi lại: “Nước Việt Nam đã tái sinh. Những đám mây mù nặng trĩu của chế độ thực dân bị xua tan. Trời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xanh ngắt. Thủ đô Hà Nội bội phần đẹp hơn Thăng Long, Đông Đô xưa, tưng bừng khí thế cách mạng, sẵn sàng đương đầu với sóng gió. Những quyền tự do, dân chủ mới được ban bố như trận mưa rào tưới xuống cánh đồng khô hạn lâu ngày. Đồng bào ta đón những trái chín đầu mùa của cách mạng, như những người “đang khát mà có nước uống, đang đói mà được cho ăn” [28, tr.183-184]. Không có từ ngữ nào diễn đạt hết được niềm vui sướng của nhân dân trong ngày đất nước được độc lập. Thế nhưng thông qua cuốn hồi kí, người đọc cũng hiểu hơn về tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của Nhà nước còn non trẻ. Và qua các sự kiện được đề cập chúng ta thấy được hình tượng trung tâm của cuốn hồi kí chính là Hồ Chí Minh. Đoàn Thị Hương trong bài viết “Hình ảnh Bác Hồ trong Những năm tháng không thể nào quên” in trên

Tạp chí văn học năm 1976 đã đánh giá rất cao giá trị của cuốn hồi kí. Tác giả cho rằng

trong lịch sử văn học đây là một áng văn chính trị với ý nghĩa nhiều mặt, về cả văn học, lịch sử, xã hội và ý nghĩa nhân văn của nó. Những năm tháng không thể nào quên

kể lại một khoảng thời gian không dài của cách mạng Việt Nam nhưng như nhan đề hồi kí đó là một mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của dân tộc và sau đó là cuộc đấu tranh quyết liệt để giữ vững nền độc lập vừa mới giành được này. Trong hồi kí thứ hai, Võ Nguyên Giáp một mặt đứng ở điểm nhìn của những người đại diện cho bộ máy lãnh đạo để ghi lại tình hình đất nước, nêu những cảm nghĩ mang tính chất chung cho những đại diện mới của đất nước, ý nghĩ, nguyện vọng của nhân dân. Cũng có lúc tác giả đứng ở góc nhìn của một cá nhân từng có những năm tháng gần gũi, học tập bên Bác để nêu lên những cảm nghĩ chân thành, sâu sắc.

Hồi kí thứ ba Chiến đấu trong vòng vây (1995) viết về những năm đầu kháng chiến trong vòng vây ác liệt của quân thù. Tác phẩm kể lại những sự việc, con người trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1950, đó là năm năm chiến đấu trong vòng vây vô cùng ác liệt để giành quyền chủ động trên chiến trường. Sau 1945, dưới sự hỗ trợ của đồng minh, Pháp vẫn tiếp tục duy trì sự chiếm đóng và bành trướng vào Việt Nam,

cùng với đó quân Tưởng kéo vào đã khiến nước ta rơi vào tình thế vô cùng hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong giờ phút sinh tử như vậy, ta nhanh chóng đưa ra những chính sách kịp thời, một mặt vừa hòa hoãn với Tưởng, một mặt kiên định với việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của dân tộc Việt Nam. Ta lần lượt giải quyết những khó khăn nhằm ổn định tình hình trong nước và đối phó với kẻ thù bên ngoài. Tình hình dần dần đi vào ổn định, nhưng dã tâm của thực dân Pháp ngày càng lộ rõ, chúng đã thể hiện dã tâm cướp nước ta lần hai. Trước tình hình đó, hồi kí đã ghi lại những giây phút, những chiến dịch mà ta đề ra để đối phó với sự gian manh của kẻ thù, giành quyền chủ động trên chiến trường.

Hồi kí Đường tới Điện Biên Phủ (1999) là hồi kí thứ tư do nhà văn Hữu Mai ghi. Tác phẩm được chia làm mười hai chương, mỗi chương lại được chia thành các mục nhỏ có đánh số thứ tự. Đường tới Điện Biên Phủ viết về khoảng thời gian từ chiến dịch Biên giới đến mùa xuân năm 1953, cuốn hồi kí tái hiện lại một giai đoạn lịch sử nhiều gian khổ, lắm thách thức nhưng đầy vinh quang của dân tộc. Những chiến dịch lớn của quân và dân ta trước khi tiến hành chiến thắng quyết định tại Điện Biên Phủ được kể lại trong hồi kí này. Nội dung chính là các chiến dịch, phương án tác chiến, kế hoạch của ta, địch, tương quan lực lượng hai bên; diễn biến trận đánh và kết quả cuối cùng, tuy nhiên với cách thức thể hiện tinh tế, phối hợp hài hòa giữa kể, tả, biểu cảm, bình luận thế nên tác phẩm vẫn giàu chất trữ tình. Mở đầu Đường tới Điện Biên Phủ là chương một “Vận hội mới”, với giọng bình luận, đánh giá, tổng kết, người kể đã điểm lại một cách sơ nét giúp người đọc hình dung những cơ hội của ta trên chiến trường trong tình hình mới: “Chúng ta vẫn làm chủ vững chắc vùng căn cứ địa Việt Bắc, ba tỉnh tự do Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, vùng đồng bằng Liên khu 5 gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Lực lượng bộ đội trên cả nước đã lên tới con số 166.542 người, trong đó có 45.000 bộ đội địa phương. […]. Trong năm 1949, bộ đội chủ lực ta đã tiến bộ nhiều trong đánh vận động tập kích, phục kích, tiêu diệt những đồn binh do đại đội Âu Phi chiếm đóng. Để đáp ứng yêu cầu của thời kì mới, cần phải tiêu diệt những khu, hoặc phân khu của địch” [28, tr.621-622]. Cùng với đó ta nhận được sự giúp đỡ hết sức từ Trung Quốc, Liên Xô, như vậy “niềm tin vào thắng lợi cuối cùng đã hoàn toàn củng cố, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài và lắm chông

gai” [28, tr.819]. Người đọc tiếp tục bị lôi cuốn theo mạch kể chuyện tự thân trong diễn biến sự việc với những quyết định trong việc lựa chọn “điểm đột phá” và quyết định cuối cùng quan trọng dẫn đến thắng lợi “giải phóng Biên giới”.

Cuốn hồi kí cuối cùng do nhà văn Hữu Mai ghi được lấy tên từ một câu nói rất nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Điện Biên Phủ là điểm hẹn là lịch sử đã dành cho cuộc chiến xâm lược trong thời đại ngày nay”. Hồi kí này bắt đầu được viết từ năm 1999, nhân kỉ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 2000, sau nhiều lần góp ý, sửa chữa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hữu Mai hoàn thành tác phẩm. Năm 2004, nữ nhà báo người Mĩ Laday Borton đã dịch tác phẩm ra tiếng Anh và được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử gồm 15 chương. Các chương đều được đặt tên và bố cục rõ ràng bằng việc chia mục đánh số thứ tự cụ thể. Hồi kí kể về một trận đối đầu có ý nghĩa quyết định giữa hai lực lượng là chủ nghĩa thực dân và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Những vấn đề lớn lao gắn với một mốc thời gian quan trọng của dân tộc. Thiên nhiên con người, hậu phương, mặt trận, những kế hoạch chiến lược của cả hai bên địch ta, những tổn thất, mất mát, đau đớn sau cuộc chiến và cả niềm vui của chiến thắng…tất cả hiện lên sống động, chân xác qua lối kể chuyện tinh tế, kết hợp hài hòa nhiều phương thức biểu đạt. Với đặc điểm riêng của thể loại hồi kí, tác phẩm thể hiện một sự gia công, nghiên cứu kĩ càng để có một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về những chủ trương đúng đắn của ta, những sai lầm của địch. Tác phẩm với một độ lùi thời gian nhất định cũng đã có những đánh giá nhiều chiều sâu sắc về những điều ta đã làm được và chưa làm được. Ẩn sau những sự kiện quan trọng, hình ảnh vị Tổng tư lệnh hiện lên đầy đủ với tài năng quân sự kiệt xuất và những phẩm chất đặc biệt ở con người: giản dị, khiêm nhường; nhân ái, bao dung. Có thể nói trong sáu cuốn hồi kí đã xuất bản, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử có một ý nghĩa đặc biệt. Ý nghĩa đặc biệt của nó thể hiện cơ bản ở điểm đây là hồi ức của vị Tổng Tư lệnh tối cao – người chỉ huy trực tiếp trận Điện Biên Phủ, một trận đánh mang tầm vóc quốc tế.

Cuốn hồi kí cuối cùng được tập hợp và in chung vào Tổng tập hồi kí của Võ Nguyên Giáp do Đại tá Phạm Chí Nhân ghi. Cuốn hồi kí là những hồi ức về một chiến thắng quyết định quan trọng của dân tộc mùa Xuân năm 1975 mở ra một thời kì hoàn

toàn độc lập của đất nước. Hồi kí gồm mười chương, mở đầu là những dòng kí ức về “trận Điện Biên Phủ trên không” vào năm 1972. Đây là trận đánh quyết định của ta, buộc Mĩ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và kí hiệp định Pari lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngoài việc đi vào kể về diễn biến của trận đánh, người kể còn xen lồng những đoạn thể hiện khung cảnh hoang tàn mà đế quốc Mĩ gây ra đồng thời nhấn mạnh ý chí quyết tâm cao độ của đồng bào, nhân dân cả nước: “Anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng đến thăm bệnh viện Bạch Mai, khu phố Gia Lâm…Giữa đống gạch ngói hoang tàn, đồng bào xúc động đón nhận sự săn sóc của Đảng và Nhà nước. Mọi người đều hứa quyết tâm biến đau thương thành hành động, bắt quân thù phải đền nợ máu. Dưới bom đạn Mĩ, nhân dân Việt Nam vẫn ngẩng cao đâu át tiếng bom rơi, báo chí, đài phát thanh không ngừng truyền tin chiến thắng” [28, tr.1151]. Đặc biệt hồi kí ghi lại một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử quan trọng với toàn thể dân tộc Việt Nam, đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Cuộc Tổng tiến công gồm ba chiến dịch lớn: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn. Chương cuối cùng của hồi kí, tác giả dành để thể hiện những suy ngẫm về “cuộc trường chính ba mươi năm giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng” [28, tr.1347]. Đó chính là những dòng tâm huyết của một người đã trải nghiệm trọn vẹn trong những giờ phút quan trọng nhất của đất nước từ đau thương đến chiến thắng huy hoàng.

Hồi kí Võ Nguyên Giáp vừa mang giá trị lịch sử vừa mang giá trị văn học sâu sắc. Tổng tập hồi kí của Đại tướng đã tái hiện lên bức tranh hiện thực của một thời kì dài trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Giá trị của cuốn sách không chỉ là những thước phim chân thực về lịch sử mà nó còn chứa đựng những tư tưởng mang tầm chiến lược vĩ đại. Hơn ai hết, Võ Nguyên Giáp là người có đủ thẩm quyền để nói về cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc Việt. Tuy nhiên, giá trị của tác phẩm không chỉ có vậy, ẩn sau bức tranh toàn cảnh về đất nước con người là chân dung một nhà lãnh đạo quân sự tài tình, xuất chúng nhưng lại có một tâm hồn dạt dào cảm xúc. Với văn phong giản dị, dễ hiểu, cùng với việc lựa chọn, sắp xếp các chi tiết khéo léo, cuốn hồi kí của Võ Nguyên Giáp thực sự là một tác phẩm tiêu biểu cho hồi kí cách mạng.

Một phần của tài liệu hồi kí của đại tướng võ nguyên giáp (Trang 40 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)